Cụ Mại và ngôi nhà của cụ Phan tại Nam Đàn (sưu tầm)
(Lược trích hồi ký "Tưởng rằng đã quên" của tác giả Lê Tâm)
"Lòng yêu nước-đó là làn khói lam chiều bay lên từ bờ bên kia của dòng sông tuổi thơ..."
Cụ Tiểu Cao (bố tôi) quen biết với tất cả các nhà thâm nho nổi tiếng của Trung kì, nhưng chúng tôi là con cháu của cụ cho rằng cụ không thể làm thân được với cụ Phan Bội Châu (tục danh là Ông già Bến Ngự) vì lý do dễ hiểu là chính quyền Pháp cấm người Việt Nam lui tới với cụ Phan Bội Châu, nhà cách mạng lớn đã bị Pháp giam lỏng trong một nhà nhỏ gần kênh An Cựu, và nới rộng tự do, cho cụ được nghỉ trong một chiếc thuyền có mui ở kênh An Cựu, đậu gần Bến Ngự. Thế mà một hôm bố tôi nói với tôi: "Con đi với bố đến thăm ông Phan Bội Châu đi".
Tôi lúc đó đang học lớp 9 ở trường Quốc học (sắp thi Thành chung) và ngày đó là một ngày chủ nhật, tôi được ra khỏi kí túc xá của trường. Lúc đó tôi cũng biết thế nào là làm cách mạng và thế nào là bị Pháp bắt, đày đi Côn Đảo hoặc giam lỏng ở một nơi nào đó. Ngay nhà tôi cũng có một ông cháu cùng nhánh họ, vì chống Sở thuế nên bị đầy đi Côn Đảo chưa về. Cho nên tôi cũng háo hức vâng lời bố, đạp xe đạp theo xe kéo của bố để đi đến chỗ thuyền của cụ Phan Bội Châu đậu. Đến nơi, bố tôi và tôi xuống một cái bến khập khiễng đá thanh, đã thấy một ông cụ già ra đứng ở gần mũi thuyền để đón tiếp bố tôi (vì bố tôi đã cho một liên lạc bắn tin đến thăm cụ trước rồi). Cụ Phan tóc bạc phơ, đầu chít một khăn vành màu nâu thẫm, nước da còn khá hồng hào và giọng nói rang rảng chứng tỏ sức khoẻ cụ còn khá tốt. Cụ ta mời bố tôi vào thuyền và đưa mắt nhìn tôi nói: "Con út cụ đấy phải không?". Bố tôi gật đầu: "Hắn sắp thi thành chung đó!". Rồi hai cụ chui vào mui thuyền, còn tôi thì ngồi đối diện hai cụ trên một tấm ván thanh ngang ngay trước mui, hai cụ nói gì tôi đều nghe được hết, giọng hai cụ đều to, bố tôi có hỏi chơi: "Ta nói chuyện thế này, Tây có nghe hết được không?". Cụ Phan trả lời: "Riêng tôi, cố gắng nói to cho chúng nó nghe…"
Câu chuyện bắt đầu bằng chuyện văn chương, bố tôi đọc cho cụ Phan nghe bài “Phú chữ nhất” của mình. Bố tôi nói: "Chắc cụ đã nghe bài này rồi nhưng tôi cũng xin đọc lại để cụ có hỏi thêm chỗ nào…" Cụ Phan bảo: "Cụ cứ đọc, tôi đã biết bài này, bây giờ được chính tác giả nó đọc thì còn gì bằng". Bố tôi đọc mất khoảng mười lăm phút, vì cụ vừa đọc vừa ngâm nga. Cụ Phan nói: "Bài này phải dịch ra tiếng Việt và tiếng Pháp cho người mình và Tây nó đọc". Bố tôi nói: "Tôi cũng như con tôi đã dịch ra tiếng Việt rồi, còn dịch ra tiếng Pháp thì chờ thằng này...". Hai cụ đều cười vui vẻ rồi câu chuyện lại xoay về làm cách mạng và cụ Phan nói khá trầm lắng về tâm tư của cụ, về thân thế của một người cách mạng bị tù đày hay giam lỏng.
Cụ nói: "Đối với tôi thế là không còn nhiều thời gian nữa, tôi chỉ mong bọn thanh niên hiện nay học ở các trường, như cậu con của cụ này, biết cái khổ nhục mất nước mà nối nghiệp chúng ta. Tôi thường ngâm đi ngâm lại hai câu thơ, nó diễn tả tâm tư của tôi khá đúng:
"Ăn sung., ngồi gốc cây sung
Lấy nhau thì lấy, nằm chung không nằm…"
Bố tôi tán thưởng hai câu đó và ngâm lại hai câu đó, khen: "Hay, hay!". Rồi hai cụ dắt nhau ra khỏi mui để chia tay nhau, bố tôi bùi ngùi bước xuống viên đá thanh của bến, ngoảnh lại chúc cụ Phan còn sống lâu để nhắc nhủ con cháu… Khi về, bố tôi nói: "Cụ Phan là một nhà đại nho, làm cách mạng bị Pháp bắt nhưng cụ còn viết nhiều sách cho hậu thế học tập. Con hãy nhớ buổi bố và con gặp cụ hôm nay!".
Con nhớ lắm chứ!
Lúc đó là năm 1935, bốn năm sau 1939 tôi sang du học tại Pháp, cụ Phan mất năm 1940 còn bố tôi mất năm 1945...
Lúc qua đến Pháp tôi đã viết một câu châm ngôn trên một bức tường của phòng tôi, ngay trên đầu giường, lúc tôi ở Montpellier: “chết vinh còn hơn sống nhục” vì trong tâm trí tôi luôn luôn có hình ảnh của hai cụ già ngồi đàm thoại trên một chiếc thuyền con ở kênh Bến Ngự nói về cái khổ nhục mất nước, trong khi biết có thể có một tay mật thám nào đó của Pháp đứng nghe lỏm trên bờ kênh...
Ghi chú:
-tác giả hồi ký sinh năm 1920, ông cụ thân sinh ra tác giả là cụ Nguyễn Văn Mại sinh năm 1858.
-cụ Mại cùng với cụ Ngô Đình Khả (sinh năm 1850) đều là quan triều Nguyễn, sau đó theo lệnh về lập nên trường Quốc học Huế. Cụ Khả lúc đầu gọi là Trưởng giáo, sau làm Hiệu trưởng, cụ Mại làm Hiệu phó.
-câu chuyện về cụ Phan Bội Châu là một phần của cuộc phỏng vấn của Đài truyền hình Quân đội với ông Lê Tâm, ghi hình ngày 05/8/2015.
-tác giả của status này là "con út của con út" nên sinh sau đẻ muộn, chỉ mong có nhiều cơ duyên được nghe lại, ghi lại những câu chuyện về Những Người Yêu Nước chân chính-như cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh...
No comments:
Post a Comment