Friday, September 4, 2015

Dòng Sông Ngày Ấy / Dòng Sông của những tình bạn PBC72


“ Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng
Mỗi con người gắn bó một dòng sông ’’.......

Dòng Sông Mường Mán ngày ấy êm ả trôi từ thượng nguồn núi rừng của Tánh Linh, chảy qua bao rừng núi chập chùng hơn 65 cây số, phần hạ lưu chảy qua Phan Thiết còn gọi là sông Cà Ty chia đôi bờ Phan Thiết.



Ngày ấy Phan Thiết chỉ có duy nhất một cái cầu sắt phần chính giữa xe chạy một chiều vừa đủ cho một chiếc xe hơi có bề ngang, phía dưới là những thanh gổ lớn gát ngang, hai bên là 2 đường đi nhỏ hẹp dành cho người đi bộ và dọc theo thành cầu một ống nước lớn màu đen cung cấp nước ngọt cho phía bên kia thành phố, phía hai đầu cầu có 2 người Cảnh sát gát cầu và điều khiển giao thông cũng như hệ thống đèn  màu xanh và màu đỏ cho lưu thông một chiều và trên tay luôn có một bảng STOP.
Thành cầu cho người đi bộ bằng sắt và lúc nào cũng bóng loáng vì những bàn tay vịn vào và hàng ngày xuôi ngược biết bao khách bộ hành qua con đường này.

Ngày xưa nhìn những chiếc xe ngựa lên dốc cầu mà thương cho quê hương nghèo nàn của chúng ta. Tiếng ra lệnh của những chủ xe và tiếng roi quất vào nghe tiếng gió vi vút và tiếng chạm vào phần phía sau. Con ngựa đang tận dụng những sức lực và kéo những chuyến xe đầy khách và hàng hóa lên dốc cầu.



Ngày còn bé mỗi chiều ra vườn hoa nhỏ và nhìn đèn thay đổi màu cho lưu thông trên cầu cũng là một thú tiêu khiển, vườn hoa về đêm dưới ánh đèn neon màu trắng thật mát mắt, những con côn trùng bay nhanh và đập mạnh vào khung của đèn rơi xuống trên những hòn sỏi nhỏ dùng để lót lối đi cho người bộ hành, phía chân cầu bên tay trái là bến Trưng Trắc phía sau ngân hàng Việt Nam Thương Tín là nhà Bảo Sanh bà Mụ Bé, bến Trưng Trắc Ấp Đức Nghĩa Thị Xả Phan Thiết nơi ghi rõ trong tấm giấy khai sanh ngày nào.

Nhà tôi trên đường Duy Tân và cửa sau đi thẳng ra phía nhà của Thiết chỉ cách nhau một căn đó là Bến Trưng Trắc phải đi xuyên qua nhà của Dì Năm và đi theo một con đường dài phía trái là bức tường cao và mom mem trên những nắp xi măng phía dưới là hệ thống thoát nước ra sông, băng qua đường là đến bờ sông, những ngày nước cạn những con còng đào lổ núp dưới bùn và chạy thật nhanh khi thấy bóng người.

Khi lên học đến lớp Nhì của trường Nam Phan Thiết thì nhà dọn qua Bình Hưng và mỗi ngày đi bộ đến  trường phải qua cây cầu sắt này, mãi đến năm 1972 mới có cầu Trần Hưng Đạo và hình ảnh cũng như tiếng gió hú buổi trưa cộng vào tiếng lộc cộc của những cây gổ trên cầu khi xe chạy ngang qua, thành cầu lung lay khi gió mạnh và nhìn xuống dòng nước qua khe gổ và đời sống thật thanh bình của thời niên thiếu. 
Năm ấy khoãng 9 tuổi mỗi ngày đi bộ từ nhà đến Chùa Bình Quang qua trường Bình Hưng rồi trường Ngô Đình Khôi và đến Tòa Tỉnh, xuống dốc Đài Chiến Sĩ dọc theo bờ sông rồi lên cầu phía bên kia, rồi đi băng qua vườn bông nhỏ, thẳng vào đường Gia Long vào trong chợ Phan Thiết rồi băng qua phía sau Chùa Bà mới đến trường Nam, sáng đi học thật sớm vì quá xa phần thì con nít, bước chân đã ngắn và lại ham chơi đời sống không vội vã, cái cầu Quan quen thuộc mỗi ngày 2 dạo, bận đi và bận về, lang thang trên các con đường mãi cho đến chiều tối mới về nhà. 
Hình ảnh còn đọng lại nhiều nhất có lẽ là chiếc cầu sắt Phan Thiết và bây giờ mới biết tên là cầu Quan, tiếng lọc cọc của vó ngựa trên cầu, tiếng những thanh gỗ dầy với chiều ngang của cầu lung lay chạm vào nhau, tiếng đong đưa theo gió của buỗi trưa và sợ hãi trăm điều của những đầu óc thơ ngây. Những kẻ hở của những thanh gỗ già nua yếu ớt và xuyên qua có thể nhìn thấy dòng nước phía dưới xoáy chảy thật mạnh vào chân cầu sau những cơn mưa đêm thật lớn, những lục bình và bèo bọt trôi theo dòng nước chảy ra cửa biển.
Những người bạn thời thơ ấu, Tuấn em cô Ngọc PBC nhà ngay dưới chân cầu, đứa bạn con của nhà in Vui Vui cũng kế nhà Tuấn vài căn, rồi đến Tuấn nhà thuốc tây Phạm Tư Tề, một đứa bạn nữa nhà có tiệm chụp hình trên đường Gia long, rồi đến Trần Thiện Thanh Toàn em trai của anh Nhật Trường và của lớp Ba trường Nam Phan Thiết với thầy Khánh già tóc hói, với bộ râu mép cắt tỉa gọn gàng và thường khuyên nhủ học trò  "thấy cọp ngủ chớ đừng vuốt râu".
Những buổi trưa lang thang trong vườn bông cạnh lầu nước với những hàng Phượng Vĩ đỏ rực như mùa hè. lang thang qua sân Tennis và sau này có quán Đào Viên và bọc phía sau Đài Chiến Sĩ rồi từ đó băng ngang căn nhà đối diện với Ty Công Chánh nằm trên mõm đất sót lại của một con đường đã trôi từ năm Thìn bão lụt, căn doanh trại của các đơn vị thám báo Tỉnh và của PRU và cũng là nơi tạm giam các tù binh.
rồi xuống dốc của Ty Cựu Chiến Binh, qua trường Ngô Đình Khôi rồi dọc theo khu phố 30 căn, đến trường Tiểu học Bình Hưng, qua chùa Binh Quang rồi qua chợ Thiết băng qua các ty Điền Địa, Ty Thú Y, Ty Canh Nông rồi về đến nhà sau lưng trụ sở ấp Bình Hưng.
Trong hàng trăm con sông lớn nhỏ chảy qua đất Việt thì sông Mường Mán là sông duy nhất chảy qua một phần của Phan Thiết. Bắt nguồn từ thượng lưu của Tánh Linh chảy giữa lòng Bình Thuận, phần hạ lưu chảy qua Phan Thiết rồi đổ ra Biển Đông ở cửa sông. Như bao dòng sông khác, sông Mường mán quê tôi là ngọn nguồn cho bao cảm hứng sáng tạo để nhiều nhà thơ nhà văn vung bút tạo nên những kiệt tác, để dòng sông trở thành bất tử trong lòng những người con yêu quê.

Chẳng phải sông Mường, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát mênh mông, 
Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín đầu rồng
Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh,
Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh
Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng
Mỗi con người gắn bó một dòng sông
Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng
Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng
Một cánh Cò vỗ lả xuống lòng ta…

Từ nguồn nào, sông cũng nặng phù sa
Đời ông cha từng cuốc đất, dựng nhà.
Khơi tưởng tượng, những chuyện xưa mẹ kể
Tuổi thơ ngây ngỡ dòng sông nhỏ bé
Cửa quê mình Trần Quốc Toản từng qua…

Những dòng sông ngàn năm ôm cánh đồng
Khi ta vào đời, Đời đã cấy cày chung
Xanh sắc lúa xoá bờ gầy đói khổ
Mặt cánh đồng nhờ mặt người soi hộ
Trên dòng sông–là một tấm gương trong…

Em ta yêu có gì như lòng sông
Một nền xanh tràn xuống chảy theo dòng
Là ruộng đất, anh hiền lành, khoẻ khoắn
Có mía ngọt và bãi hoa mơ mộng…

Đã bao đời gắn bó giữa hai ta,
Sông chia mình thành ngàn nhánh phù sa
Đến bè bạn cùng từng gốc lúa
Trắng lấp lánh là quẫy tung đuôi cá
Xanh mát êm là xoan dọc bờ vùng
Yêu nhau rồi, ta có những vui chung…


 






































































Sông Cà Ty thương nhớ

Ai đã từng một lần qua Phan Thiết có lẽ sẽ khó quên khoảng không gian đầy thương mến nơi thành phố này. Uốn lượn cong cong chảy vào giữa lòng thành phố, dòng Cà Ty tô điểm thêm nét riêng cho xứ biển. Trên dòng Cà Ty êm đềm, con thuyền lẻ loi ngược dòng đi về bến cũ như đánh thức hoài niệm một thời xa vắng. Để rồi, hôm nay có chút gì để nhớ nhớ thương thương.



Theo một số tài liệu, tên gọi Cà Ty xuất hiện trên bản đồ từ năm 1898 khi Phan Thiếtđược công nhận là thị xã của tỉnh Bình Thuận. Còn chính xác người dân Phan Thiết sử dụng tên gọi Cà Ty từ bao giờ, thì không ai biết được. Chỉ biết rằng, cho đến hôm nay cái tên Cà Ty như một phần không thể thiếu mỗi khi nhắc đến thành phố Phan Thiết.


Bình Thuận có cả thảy 7 dòng sông chính. Có cùng đặc điểm chung: phần nhiều nhỏ hẹp, độ dốc cao, mùa mưa đầy ắp nước còn mùa nắng thì cạn nhách, thậm chí khô cằn; nhưng mỗi dòng lại mang một nét riêng. Trong đó, Cà Ty có phần khác biệt. Khác với dòng La Ngà, sông Cái, sông Phan… sông Cà Ty được mệnh danh là dòng sông thủy triều. Vào mùa nắng, khi nước đầu nguồn của dòng Mường Mán cạn kiệt, không đủ sức đổ về cửa biển, thế mà Cà Ty vẫn có nước quanh năm. Nếu là người Phan Thiết, ai cũng có thể thấy hiện tượng này. Nhưng, có bao giờ chúng ta dừng chân bên bờ sông để tìm hiểu điều đó? Có lẽ, chỉ những người yêu lắm dòng sông mới thắc mắc, tìm hiểu nguyên nhân, cho rõ cội nguồn. Sở dĩ dòng Cà Ty có nước quanh năm là vì đáy sông thấp hơn mực nước biển. Khi dòng sông cạn, triều lên đẩy nước từ cửa biển Cồn Chà tới tận đập Phú Hội. Vì là nước triều từ biển tràn vào, nên sông Cà Ty là sông nước lợ. Và đâu đó trên dòng sông này, người ta vẫn thường thấy dân chài bủa lưới ven sông. Sản vật bắt được là cá, là tôm, là cua, là ghẹ… xuất xứ từ biển cả.


Mỗi sáng có dịp đi trên con đường dọc bờ sông, chúng ta dễ dàng cảm nhận cái không gian rất là Phan Thiết .Cà Ty mang làn gió mát, tạo nên cảm giác thanh bình. Buổi sớm mai, bên tách cà phê lắng đọng từng giọt miên man, người lữ khách được thưởng thức cái cảm giác lạ thường. Bỏ hết chuyện thế sự cho tâm hồn thảnh thơi. Một mình thỏ thẻ với dòng sông. Để rồi cả người lữ khách và dòng sông như tương đầu ý hợp. Cảm giác ấy hòa lẫn vào không gian mơ màng.


Hay đâu đó nơi bờ Nam bến Bắc, mấy bậc cao niên thả lòng mình nhẹ nhõm. Trải qua gần một đời người, họ như đã ngộ ra những điều bí nhiệm. Điều thầm kín mấy ai nói ra trước bằng dân thiên hạ. Nên chi hãy trải rộng cung lòng với dòng sông yêu thương. Để cho nỗi niềm riêng tỏ bày cùng dòng sông thủy chung. Hướng mắt nhìn về xa xăm, kỷ niệm một thời ùa về trong nỗi nhớ. Đối với họ, cuộc sống tĩnh tại là đây. Không vướng bận ưu phiền. Không đắn đo toan tính.


Các bậc cao niên có mặt ở đây vào mỗi buổi sáng, hầu hết, họ đã từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Các cụ kể rằng, dòng sông Cà Ty ngày xưa khác lắm. Hai bên bờ toàn là cây mắm cây bần. Mọi thứ còn rất hoang sơ. Lúc ấy, từ cửa biển Cồn Chà ngược lên bến đò Văn Thánh có mấy xóm nhà chồ xan sát sống cạnh nhau. cụ ông – năm nay 75 tuổi ở đường Trưng Trắc phường Đức Thắng – kể: “Ngày xưa, đoạn sông trước nhà tôi không được rộng lắm. Hai bên có rất nhiều cây bần. Giữa sông có những cái rớ làm cá mỗi lần cất lên trông rất đẹp. Trước kia mới đầu nhà chồ lác đác thôi, sau đông dần lên. Hồi còn trai trẻ chiều chiều hay ngó ra xóm chồ thấy tâm hồn bâng quơ lắm!”


Quay về lịch sử, chúng ta biết rằng, hơn 300 năm trước, khi đến Phan Thiết lập nghiệp, người xưa đã thấy được lợi thế của dòng sông này. Nhận thấy đây là “vùng đất lành” dễ dàng làm ăn sinh sống, nên họ đã quyết định dừng chân lập nghiệp. Người đến trước thấy tình hình yên ổn lại về quê kêu gọi thêm họ hàng, bà con vào vùng đất mới tìm kế sinh nhai. Lưu dân miệt ngoài nương tựa đã biết nương tựa vào nhau trong cuộc mưu sinh nơi đất lạ quê người. Cứ thế, theo thời gian, hai bên bờ sông Cà Ty tập trung đông đúc dân cư và ngày nay trở thành phố thị.


Ngày trước, Phan Thiết duy nhất chỉ có một cây cầu bắc qua con đường cái quan huyết mạch giữa thành phố. Đó là cầu Quan. Cầu quan ban đầu làm bằng gỗ. Nhưng sau bị trận lụt lịch sử năm Thìn 1952 cuốn trôi biền biệt. Một cây cầu mới được dựng lên. Rồi chiến tranh tàn phá. Người ta làm một cây cầu sắt thay thế.







 SÔNG CÀ TY CHIA ÐÔI BỜ PHAN THIẾT 

Cát Biển và Mường Giang

Tôi sinh và lớn lên tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, phần đất cuối cùng của miền Trung nuớc Việt, mưa nắng khắc nghiệt và chinh chiến triền miên trong suốt ba trăm năm thành lập. Nhưng Bình Thuận non nước hữu tình, nhất là Phan Thiết quê tôi, nơi có con sông Cà Ty , ngăn đôi bờ Phố Thị.
Sông phát nguồn từ cao nguyên phía Tây, dài 27 km, chảy theo hướng Ðông-Nam, quanh năm suốt tháng nước chảy xanh ngắt, như đôi mắt đẹp của những người con gái đất PhanThành. Sông lững lờ xuôi ngược, qua những thôn làng ruộng rẫy, nương dâu và vướn cây ăn trái của các xã Mường Mán, Phú Hội, Phú Lâm, Phan Thiết, trước khi tìm về biển rộng tại cửa Thương Chánh, nhấp nhô sóng vỗ bạc ghềnh.
Ðến chơi Bình Thuận xưa nay, khách xa ai cũng mến Lầu Nước, Sông Mướng, Cát Ðộng và những mối tình thơ của người miền biển. Nhìn tấm bản đồ cỗ của Phan Thiết, lập trong giai đọan 1691ố1725, ta thấy có ghi tên SÔNG CÀ TY. Giống như con người, mỗi giòng sông ở trên cõi đời này, đều mang một cái tên, và cũng tuỳ theo chủ của nó, cái tên đẹp, xấu, thô lậu hay hoa mỹ được chào đời.
Cà Ty là con sông thiêng của quê tôi, chỉ khúc sông ở hạ nguồn, chảy qua thành phố Phan Thiết, hiện có ba chiếc cầu xinh xắn bắt ngang, nối đôi bờ bến mộng, giống như những cái tên Bạch Hổ, Trường Tiền, Kim Long trên giòng sông Hương nơi đất thần kinh hoa mộng:
‘Trăng sáng Mường Giang đẹp biết bao
lăn tăn nước gợn ánh đèn màu
thuyền con lơ lững chèo xuôi mái
buồn lòng cô gái hát nghêu ngao.. ’ ’
Là dân bản địa, sinh và lớn lên ở Phan Thiết, thật tình nhiều người không biết phải gọi dòng sông thân thương của quê hương mình, bằng một cái tên gì cho hợp lý , bởi vì chính nó đã có quá nhiều tên gọi từ trong sách vở, cũng như ngoài đời.
Thật vậy, ngay từ khi Dinh Bình Thuận được thành lập năm 1697, vối bốn đạo Phan Rang, Phố Hải, Phan Thiết và Ma Ly, thì con sông chảy qua miền đất Hamu Li’Thit được gọi là sông PHAN. Ðến đời Tự Ðức lại gọi là sông Mường Mán hay sông Bao Lân. Từ đó tới nay, cái tên này vẫn được lưu giữ nhưng người Phan Thiết cẩn thận hơn, dùng thêm cái tên xa xưa CÀ TY để chỉ khúc sông phiá hạ nguồn, từ Phú Hội Phú Mỹ ra tới cửa Thương Chánh. Tóm lại dù có gọi dòng sông bằng một cái tên gì chăng nữa, thì tự nó suốt ba trăm năm qua, cũng đứng làm nhân chứng cho các giai đoạn thăng trầm thê thiết của lịch sử cũng như những nét kiêu sa thơ mộng của dòng sông đã trao gởi với cuộc đời.
chút biển mặn, một thời thơ dại cũ,
là hành trang trên vạn nẽo luân hồi
Ðể một hôm oan khiên đà say ngủ
tôi với em vượt vùng cát sông bồi’
Người xưa và kẻ nay, những bậc đại trượng phu toan tính sự đời, nuôi dưỡng hùng chí, đều ra tâm sự với dòng sông, với con nước lúc lớn, lúc ròng:

‘Mường Giang tiếng gọi sông
người đi nhớ thương dòng
ôm quê vào giấc mộng
thơ sóng dậy biển đông’
( Cát Biển)
Dòng sông xưa, cầu quan mấy nhịp? tất cả đều nguyên vẹn nhưng tất cả cũng thay đổi nảo nề. Trên sông ghe thuyền vẫn tấp nập, nhưng tiếng gọi đò không còn. Bến xưa Văn Thánh, nơi cắm sào của những chàng trai Phan Thiết một thời bỏ tình, bỏ hết ra đi vì nước non, nhưng hởi ơi khi chàng trở lại, mới biết tuổi xuân của mình đã hy sinh vô nghĩa vì Pháp ra đi, thì Việt Cộng trở lại, cả hai đều bạo ngược tham tàn. Hoá ra chừng nào nước non mới hết giặc, vậy chẳng hy sinh vô nghĩa là gì?
Dòng sông như bí mật của một đời người, ngày xưa người Phan Thiết làm sao biết được những gì có ở thượng nguồn con sông, cùng lắm là ai có dịp đi xe lửa Sài Gòn - Phan Thiết, chạy ngang chiếc cầu sắt bắt vắt vẽo ngang sông, nhìn xuống cầu sâu thăm thẳm để thấy dòng nước trong veo, từ đây sẽ chảy về Phan Thiết thế thôi. Giờ thì bí mật đã bật mí với các con suối thượng nguồn, nào suối vàng, suối vận, suối thi, Yôtô, Cầm Hang, Yau, Ngư.. làm nên các con sông nhỏ Rao-Ét, Mán, Linh.. tất cả kết lại mới nên một dòng sông Cà Ty nơi hạ nguồn thơ mộng, chia đôi bờ Phan Thiết.
Cửa sông giờ rộng mênh mang, bờ này nhìn sang bờ kia chập chờn sương khói vì tất cả những xóm nhà chồ hai bờ bến cũ đã bị đuổi dời, cũng như chính cái xóm nhà lá khao khít lấn chen của khu 6 Cồn Chà Ðức Thắng, với hơn 600 hộ cũng không còn. Bên kia sông thuộc Vĩnh Phú, Hưng Long nay là bến kè để thuyền bè đậu, trên đê là đường xe chạy. Bên này sông, nay gọi là CẢNG CÁ PHAN THIẾT, như quảng cáo trên báo chí, thì đó là 1 trong chín hải cảng lớn nhất Việt Nam hiện nay, vì thời gian thực hiện rất là dài và trên hết đã ngốn một ngân khoản vay của ngoại quốc quá lớn.
Cảng cá khởi công ngày 22/12/1993 và khánh thành ngày 24/12/2001 sau tám năm. Ngoài số tiền trong nước góp vốn gần 20 tỷ đồng tiền Hồ, tất cả là tiền vay của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) chiếm 78% số vốn với 71,3 tỷ đồng tiền Hồ. Cảng hiện tại gồm có các bến tàu liên tiếp như bến 40 CV dài 212 m, bến 400 CB dài 90 m, bến cồn chà dái 112m. Chung quanh các bến đều có kè bao bọc, bảo vệ như kè chắn sóng C- 1 dài 400m, kè C- 2 dài 530m, kè bảo vệ bờ dài 404 m. Diện tích toàn thể bến cảng là 21.872 m2, hệ thống thoát nước 2352m, cấp nước 1540m, cổng tường cao 690m, bãi tiếp nhận hải sản 1440 m2, đường giao thông 19.126 m2.. Tóm lại hải cảng bây giờ rất rộng, có đủ chỗ cho các loại tàu thuyền ghé bến, với tổng diện tích trên bộ là 37 ha và 27 ha dưới nước dành chỗ cho tàu đánh cá neo đậu. Bên trong vòng tường cảng có đủ chợ cá, cây xăng dầu, nhà máy nước đá, tiệm ăn, nhà buôn, bến xe các loại. Bến cảng có khả năng tiếp nhận thường trực các loại tàu thuyền trọng tải từ 500-700T ra vào. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành xong con đường quốc lộ 28 (Liên Tỉnh Lộ 8 Di Linh - Phan Thiết ), hải cảng trên sẽ là cửa ngõ của miền nam Cao Nguyên Trung Phần thông với biển.
Nhiều nhà cửa, nhất là các xóm nhà chồ ở Bình Hưng, Hưng Long, Phú Trinh, Ðức Nghĩa.. bị giải toả để kè bờ và mở rộng dòng sông cho phù hợp với tình trạng thuyền bè mỗi ngày mỗi nhiều. Một chiếc cầu treo dài 106 m, đã được bắt ngang sông Cà Ty, để thay thế chiếc cầu sắt cũ đầu đường Nguyễn Hoàng. Nói chung là thế, nói gì thì nói, đổi gì thì đổi nhưng còn lâu mới nhận chìm được những nét đặc dị của người Phan Thiết đã có và tồn tại suốt 300 năm qua. Dối trá, mị hoặc, hành động bất nhơn bất nghĩa giờ ai cũng biết, nên tất cả rồi cũng sẽ như đám mây trời bảng lảng, chới với mù sương tận thượng nguồn con sông Mường Mán, mà ta thường bắt gặp một cách tình cờ.
Vậy mà cũng đã bao năm,
cùng nhau khóc chuyện, thế nhân đổi dời
Anh làm Cát Biển trùng khơi
Tôi dòng sông nhỏ, một đời mênh mông
ngẩn trông mây nổi bềnh bồng
đường quê, nhớ buổi qua sông đợi đò
thuở nào xây mộng trăng mơ
bây giờ cô quạnh, đôi bờ hoang liêu
nổi xưa tóc bạc thêm nhiều
mà người muôn dặm, chim chiều vẫn bay
năm nào quán khách vào đây
chuyện trò, thơ nhạc, ngất ngây miên trường
đêm cùng đêm khóc quê hương
gỏ bờ ly, hát khúc tương tư sầu
nay Anh trôi giạt về đâu ?
để cho triều nước hằn sâu cát buồn
bâng khuâng đếm giọt mưa tuôn
mưa trên gác xếp tưởng chân ai về
thoi về nối lại đam mê
để còn đeo đẳng trăm bề vấn vương
Ðạm Tiến nấm đất bên đường
Mường Giang-Cát Biển, ngàn phương sẳn dành..
Xóm Cồn
Mường Giang




































 




 Xóm nhà chồ (1975)

Cảng Cá Đức Thắng PT (1975)
 Cầu sập 19 tháng 4 năm 1975

 Đường Gia Long Phan Thiết (1975)

 Chợ PT bị cháy ngày 18 tháng 4 năm 1975


 Đường Trần Hưng Đạo / Đức Thắng 1975

Phường Mũi Né 1975

No comments:

Post a Comment