Friday, October 30, 2015

PARIS và NHỮNG NƠI KHÔNG CÓ ÁNH SÁNG

Hơn cả thế kỷ nay, người đời luôn gọi Paris là kinh đô của ánh sáng. Thật vậy, Paris về đêm luôn có thật nhiều ánh sáng vô cùng diễm lệ. Ánh sáng ở Paris không phải là ánh điện tử digital chói mắt như Las Vegas, cũng không diêm dúa ngũ sắc như Thượng Hải, không rực rỡ thời đại như HongKong. Đến Paris là để nhìn những ánh đèn vàng từng ngự trị trên những cột đèn cổ xưa, chạm trổ mỹ thuật hàng trăm năm qua, và cũng để cảm nhận một Paris về đêm trong tiếng nhạc cổ điển cất lên từ các quán rượu, của vòng khói thuốc bay lững lờ, của đôi tình nhân nép vào nhau bên bờ sông Seine, của ly rượu chát như không bao giờ thiếu trên bàn tay của các chàng trai lãng du cô đơn - cứ cố nán lại trong quán dù đã quá nửa khuya... Du khách đến Paris luôn gặp ánh sáng ấm cúng phủ đầy vai và tiếng nhạc lả lơi len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm....Và... tôi cũng vậy, những ngày đầu ở Paris tôi đã đắm mình trong không gian vô cùng lãng mạn. Tôi đã đến những nơi đầy ắp tiếng cười, những nơi có đầy sự sống, rất nhiều màu sắc lãng mạn tràn ngập.... Một ngày, hai ngày, ba ngày.... sang đến ngày thứ tư, tôi bỗng dưng muốn tìm xem những góc khuất thật tối của Paris. Những nơi nào mà ánh sáng không chiếu đến được, những nơi chốn đối nghịch của sự sống hoặc không còn thuộc về hiện tại.... Tôi muốn nghe lại một âm thanh của quá khứ, của một thế giới khác nằm sâu dưới lòng đất của Paris... Không biết tiếng cười ở dưới kia có khác chi tiếng cười khanh khách dày tình, nhiều sắc dục mà tôi đang nghe, đang thấy trên cuộc đời này hay không...?
Có đấy, có một Paris rất khác, âm u bên dưới lòng đất với những con đường chằng chịt không thua gì bên trên mặt đất. Có hơn sáu triệu bộ xương người đang được cất giữ bên dưới những con đường hầm đen tối, ẩm ướt. Có những nghĩa trang cổ với nhiều căn nhà mồ âm u, lạnh lẽo, rêu phong đã hàng trăm năm. Những nơi mà cho dù đến vào giữa trưa, người ta vẫn cảm giác những giòng từ trường âm tính như len lỏi, chạy dọc, xuyên thấu cơ thể, buốt lạnh xương sống.....
.
ĐƯỜNG HẦM CHẰNG CHỊT GIỮA THỦ ĐÔ HOA LỆ
Theo các tài liệu được lưu lại của thành phố, ngay từ thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, người La Mã cổ đại sống ở đây đã bắt đầu đào những đường hầm để khai thác đá vôi. Những viên đá đầu tiên được dùng để xây hai công trình kiến trúc vĩ đại mà hiện nay vẫn còn di tích là vận động trường Arènes de Lutèce và nhà tắm hơi La Mã Thermes de Cluny. Theo thời gian, nhu cầu vật liệu dành cho những công trình kiến trúc khác vẫn tiếp tục, nên đá vôi lại tiếp tục được khai thác thật sâu bên dưới lòng đất. Cũng từ những đường hầm này, một số người nghèo lại tìm xuống để ở. Nơi thì cắt đá để xây cất, người thì đào sâu rộng ra để trú ngụ....và cứ thế, qua nhiều thế kỷ, hệ thống đường hầm bên dưới lòng thành phố ngày càng chằng chịt hơn. Nhiều người đã ví và so sánh, bên trên mặt đất của Paris có bao nhiêu con đường, bên dưới lòng thành phố cũng có bấy nhiêu con đường. Năm 1777, vua Louis XVI đã ra lệnh phải rà soát lại hệ thống đường hầm này vì vấn đề an toàn cho thành phố. Các nhà toán học, địa chất và kiến trúc sư tài giỏi, theo yêu cầu của nhà vua đã được mời đến, họ đã vẽ lại bản đồ của các đường hầm, thực hiện những hệ thống cột kèo chống lún, chống sập. Kể từ đó, không ai được phép đào thêm đường hầm nào nữa.
.
Nói về xã hội Paris thời ấy, có những xác chết vô thừa nhận được chôn trong các nghĩa trang của nhà thờ và các khu đất hoang ngày càng nhiều. Trải qua nhiều thế kỷ, đã có hàng trăm khu đất và nghĩa trang chôn những xác chết vô danh rải rác khắp nơi. Đa số đây là những xác chết được đưa ra từ các bệnh viện thí do giáo hội Thiên Chúa Giáo điều hành. Năm 1785, chính quyền thành phố Paris ra lệnh giải tỏa tất cả các nghĩa trang trong nội ô để lấy đất mở mang thành phố. Bắt đầu từ năm 1786 đến năm 1814, toàn bộ những bộ hài cốt vô thừa nhận này được cải táng, đưa vào hệ thống đường hầm bên dưới lòng đất. Xương và đầu lâu được sắp xếp cao như những bức tường, dọc theo lối đi. Ước chừng đã có trên 350 nghĩa trang lớn nhỏ đã được giải tỏa. Theo các thống kê, có trên sáu triệu bộ hài cốt được đưa vào hầm mộ này. Những xương ống, xương tay và đầu lâu được xếp dọc trên các lối đi, tuy vậy, đó cũng chưa là tất cả. Còn rất nhiều xương các loại khác nhau hiện vẫn còn chất đống trong các phòng chứa, đang được khóa kín mà du khách không thể vào được.
.
Rất ít người dân ở Paris biết đến hệ thống hầm mộ này. Từ năm 1810, một lượng khách ít ỏi được vào tham quan. Có giai đoạn chính quyền đóng cửa không cho ai vào vì đã xảy ra trường hợp đi lạc và mất tích trong các hệ thống đường hầm chằng chịt này. Xưa, khi vào bên dưới đường hầm, khách tham quan phải cầm một cây đuốt và lần mò từng bước, nay thì đã có đèn chiếu sáng. Địa điểm hầm mộ này tại Paris được xem là khu hầm mộ lớn và nổi tiếng nhất thế giới, đón nhận du khách đến tham quan mỗi ngày. Tôi đã đứng xếp hàng hơn hai tiếng đồng hồ mới vào được bên trong, vì các đường hầm rất nhỏ hẹp, không thể vào cùng lúc nhiều người. Hơn nữa, nhiều người vào cùng lúc sẽ gây ra ồn ào, mất đi không khí âm u, lạnh lẽo và yên tịnh cần có. Khi quý vị xem phim hoặc nhạc kịch Phantom of the Opera, quý vị sẽ thấy các chi tiết về đường hầm chằng chịt mà anh chàng “Phantom” dùng làm giang san sào huyệt. Đó không phải sự hư cấu và tưởng tượng mà đã được viết dựa trên đặc điểm thật của Paris, từ tấm bản đồ ngầm mà các nhà khoa học đã vẽ ra.
.
Hiện nay, vấn đề đào hầm đã không còn được phép nữa, ngay cả chuyện xâm nhập vào các đường hầm là tuyệt đối cấm kỵ và phạm pháp, các lối vào đều đã được bịt kín. Theo sự so sánh giữa bản đồ bên trên và bản đồ bên dưới thì hệ thống đường hầm chằng chịt này có diện tích bằng 1/10 Paris phồn hoa đô hội phía bên trên. Chỉ có một phần rất nhỏ (1/800) của hệ thống đường hầm được dùng chứa các bộ xương người như đã nói và làm thành Hầm Mộ Paris (Catacombs of Paris). 



NGHĨA TRANG CỔ, NHÀ MỒ VÀ NHỮNG DANH NHÂN
Nằm không xa nội ô Paris, có một nghĩa trang cổ được thành lập vào năm 1804 mang tên Père Lachaise. Đây là một khu đất rộng 44 hectares, có 77 000 ngôi mộ, trồng 5300 cây cổ thụ, được xem là công viên lớn nhất tại Paris. Tôi đi theo anh Ngô Kim Khôi, là người đã sống ở Paris trên 35 năm, anh rất rành tất cả mọi ngõ ngách của Paris. Anh Khôi, bạn tôi là một nhà thời trang nổi tiếng tại Paris, từng cùng các nhà thiết kế lừng danh thực hiện nhiều bộ xiêm y sân khấu cho danh ca Madona, áo cưới cho minh tinh Nicole Kidman, áo thời trang cho minh tinh Catherine Deneuve.... cũng như anh từng dựng mẫu cho các nhãn hiệu danh tiếng Louis Vuitton, Hermes, Yves Saint Laurent... Chúng tôi vào bên trong nghĩa trang, với sơ đồ xin từ văn phòng bên ngoài. Trong danh sách của nghĩa trang, có nhiều nhân vật tiếng tăm lẫy lừng ở mọi lãnh vực từ chính trị cho đến âm nhạc, văn, thi, họa.... Những ngôi mộ danh nhân mà chúng tôi tìm đến là Molière (kịch tác gia), La Fontaine (thi hào), Abélard & Héloisee (xem như Romeo & Juliet của Pháp), Georges Bizet (tác giả nhạc kịch Carmen), Chopin (nhạc sĩ), Apollinaire (thi sĩ bài thơ Mùa Thu Chết, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc), Edith Piaf (danh ca)... Với tôi, những nghĩa trang xưa luôn cho tôi cảm giác bình yên. Lần nào đi Châu Âu, tôi cũng hay tìm đến ít nhất một nghĩa trang để lang thang và suy gẫm về cái vô thường của sự đời. Khi tôi “lang thang” đọc những tấm bia mộ, tôi như thấy lại được quá khứ của từng người đang nằm bên dưới. Họ cũng từng có những ước mơ, cũng từng yêu đương nồng nàn, từng khát khao cuộc sống, từng có đầy đủ hỷ-nộ- ái- ố dành cho cuộc đời....Giờ đây, khi sự sống chấm dứt thì tất cả vàng son và hận thù cũng trở về cùng cát bụi.....ai cũng xuôi tay một thế nằm như nhau cả !!!
.
Ngôi mộ của đại nhạc sĩ Chopin không khi nào vắng người. Hoa tươi luôn được khách mộ điệu đem đến mỗi ngày. Ngôi mộ của La Fontaine và Moliere cũng vậy, khách mộ điệu luôn đến chụp hình lưu niệm, có những người ở rất xa, họ đến từ Ai Cập, từ Nam Mỹ...Và đương nhiên, nếu kể đường xa thì còn có tôi nữa, tôi đến từ Bắc Mỹ!
.
Nhìn tiếp vào tấm sơ đồ của nghĩa trang, tôi đòi anh Khôi và người bạn đi cùng hãy đi với tôi đến thăm mộ danh ca Edith Piaf. Không hiểu sao tôi rất mến tiếng hát của bà, mặc dù khi tôi chào đời thì bà chết đã lâu. Khi tôi lớn lên, trong những năm trung học tại Canada, mỗi lần mệt mỏi với bài vở khuya, khi bụng đói mà tủ lạnh con nhà côi cút không còn gì để ăn, tôi chỉ có thể mở băng cassette của bà ra nghe rồi đi ngủ. Những âm thanh cũ, được thâu kỹ thuật mono xưa, rè... rè... một giọng hát mộc mạc, giản dị mà như xoáy tận tâm can thằng bé lớp 11 năm nào. Bà Edith Piaf thì rất quen thuộc với dân Việt Nam mê nhạc Pháp. Khi đọc về thân thế của bà, tôi đã rất xúc động. Theo một tài liệu đính kèm trong đĩa hát mà tôi đang sở hữu, họ ghi rằng cha mẹ bà đều là những nghệ sĩ hát dạo đường phố. Bà được sinh ra đời bên cạnh một đống rác, trên một con phố lầy lội tại Paris. Khi lớn lên, bà lại đi theo người cha hát dạo kiếm chút bạc cắc từ khách bộ hành, 13 tuổi bà được một hãng đĩa tình cờ phát hiện, cuộc đời bà đổi thay từ đó, nấc thang danh vọng cứ tiếp nối đi lên để rồi Edith Piaf trở thành một huyền thoại âm nhạc của cả thế giới.... Cũng như mộ của Chopin, ngôi mộ của danh ca Edith Piaf khi nào cũng đầy hoa tươi, luôn luôn có các khán giả mến mộ đến thăm và chụp hình. Tôi chỉ có thể ngồi sát vào tấm bia đá, nhờ anh bạn chụp nhanh tấm hình rồi phải nhường cho những khán giả ái mộ khác đến từ khắp nơi trên thế giới đang đứng chờ đến lượt họ.
.
Sau khi đã đi hết những ngôi mộ mà chúng tôi muốn đến thăm, trên đường trở ra, chúng tôi băng ngang qua nhiều căn nhà mồ âm u, kiến trúc trầm mặc. Có những nhà mồ đã bị hư hại, có căn bị sụp cánh cửa, có căn bị lún đất sâu mà tôi ngỡ có thể thấy được cả nắp quan tài bên dưới, có những ngôi mộ được rêu phong phủ xanh gần hết... Một vài con quạ đen hay loại chim gì tôi không rõ, đậu trên các bia đá, trên nóc các nhà mồ cất tiếng kêu nghe rất ghê.... Trời như muốn đổ mưa, mây đen kéo đến, gió thổi mạnh, gió lạnh buốc óc, gió hú từng cơn...những táng cây cổ thụ chờn vờn, lao xao trên đầu...Tôi nhìn trong đám lá vàng rơi đầu thu kia, có cả những chiếc lá chưa kịp vàng nhưng vì gió quá mạnh nên lá đành lìa cành mà rơi xuống.... Bầu trời bỗng xám xịt hơn, nhiều vầng mây nửa xám, nửa đen kéo đến rất ma quái chờn vờn trên đỉnh đầu.... Khí âm ở đâu bỗng như dâng lên, tỏa ra cả một vùng nghĩa trang rộng lớn...
.
Khi chúng tôi chạy ra được đến cổng chính, cũng là lúc mưa như trút nước đổ ào xuống !!! Nhìn lại phía sau, cả nghĩa trang chìm khuất trong một màn nước mờ mịt, trắng xóa....!!!
.
NƠI GIAM GIỮ HOÀNG HẬU MARIE- ANTOINETTE TRƯỚC KHI BÀ BỊ CHÉM ĐẦU
Cách Mạng Pháp nổ ra năm 1789 đến năm 1799 đã tàn sát không biết bao nhiêu người rất dã man, đã tàn phá rất nhiều các công trình kiến trúc và nghệ thuật của nước Pháp. Tôi được đi từ bắc chí nam, từ đông sang tây, đánh vòng dọc theo bờ biển của nước Pháp. Khi vào thăm các nhà thờ cổ, các tòa đô chính, các rạp hát, dinh thự cổ.... đâu đâu cũng còn dấu tích bị đập phá, tượng thánh bị cắt đầu, cổ vật bị mất cắp...hỏi ra đều do cuộc “cách mạng” Pháp này gây ra. Tôi có hỏi thêm rằng những nạn nhân thời ấy họ bị xử trảm ra sao, các hướng dẫn viên du lịch đã cho tôi xem nhiều tài liệu kể rằng 40 000 (bốn mươi ngàn người) giới trí thức tài giỏi, quý tộc, những nghệ sĩ tinh hoa, những vị linh mục cả đời chỉ biết hành đạo, những nhà kinh doanh thành đạt... đều bị đem ra xử tử kiểu chém đầu, tứ mã phân thây, treo cổ nhiều ngày trên cây cho đến khi thân xác nạn nhân bị phân hủy - xương rơi xuống đất.... Tôi đã nói quan điểm cá nhân của tôi với các bạn bè rằng ba cuộc thảm biến tại Châu Âu mà tôi cho rằng đã tàn phá tính nhân bản, tiêu diệt văn hóa và chà đạp văn minh con người, mà qua đó Châu Âu đã lãnh đủ là 10 năm của cuộc cách mạng Pháp từ 1789-1799, kế đến là chủ nghĩa cộng sản phát sinh từ Cách mạng tháng 10 Nga Xô trong thế kỷ XX, và không thể không kể tới là chủ nghĩa diệt chủng của Phát Xít rất kinh khủng đã bị chấm dứt vào năm 1945. Ngày tôi còn bé, học chương trình sử ở Việt Nam, sách vở nhà trường dạy cho học sinh rằng “Công Xã Pari (tức là chữ Paris)” là giải pháp tiên tiến để cải cách xã hội, hòng đem lại công bằng giai cấp (!). Cũng may là chương trình học ấy quá dở nên tôi đã trả lại hết chữ nghĩa cho nhà trường XHCN, chứ không thì đứa bé vô tội ngày xưa lại bị nhiễm bản tính sắc máu, rằng “giết và đập bỏ/ killing and destroying” là cách “tối ưu” để thay đổi một xã hội (!!!).
.
Cũng từ cuộc cách mạng tắm máu này, hầu như toàn bộ hoàng gia đời vua Louis XVI đã bị giết một cách dã man. Theo sự hướng dẫn của anh Ngô Kim Khôi, chúng tôi vào thăm nhà tù ở dinh La Conciergerie (nay thuộc Viện Bảo Tàng Quốc Gia). Nơi đây từng là dinh thự của hoàng gia khi trước. Khi cuộc nổi loại đẫm máu nổi lên, họ đã đưa hoàng hậu Marie Antoinette vào biệt giam trong một căn phòng phía sau vườn hoa. Căn phòng này cũng là nơi bà phải sống trong những ngày cuối cùng trước khi bị lôi ra chém đầu. Theo bảng hướng dẫn, chúng tôi lần theo hành lang để vào bên trong. Tim ngực tôi cứ nhói lên từng lúc vì sự trớ trêu của lịch sử và cuộc đời. Vào đến bên trong, viện bảo tàng dựng lại cách bài trí của căn phòng ấy đúng như ngày xưa. Căn phòng rất nhỏ, khoảng 120 sq ft, một bên kê chiếc giường đơn cũ kỹ, ọp ẹp, một bên là chiếc bàn gỗ nhỏ, có tượng bà hoàng hậu bằng sáp, trùm khăn đen, ngồi quay mặt vào tường - lưng xoay ra ngoài. Bên ngoài có hai lính canh, một bức mành lửng ngang ngực để lính canh có thể giám sát được bà 24/24. Phía bên kia của hành lang có một ô tò vò nhỏ để lính canh quan sát bà kín đáo từ một góc độ khác. Tôi đã cố gắng chụp nhiều hình để làm tài liệu. Tuy nhiên có một hiện tượng lạ là một tấm hình duy nhất tôi nhờ anh Khôi chụp tôi đứng sau lưng bức tượng sáp của bà. Khi về khách sạn xem lại, bức hình bị xoáy ốc không còn nhìn rõ. Tôi xin được chia xẻ bức hình này cùng bạn đọc. Mỗi bạn đọc sẽ có cách giải thích riêng cho mình. Đây là bức hình được chụp bằng iPhone, tức là mọi thứ đều được điều chỉnh tự động. Trước đây tôi cũng đã từng chụp được hai bóng trắng tại nhà tù diệt chủng Auschwitz của Phát Xít Đức. Khi đề cập đến những vấn đề thuộc về tâm linh, tôi không muốn hấp tấp phủ nhận hay khẳng định, bởi vì khi chúng ta chưa có khả năng chứng minh những điều khó hiểu ấy thì ta cũng không thể bảo đó là đúng hay sai. 


KẾT THÚC
Viết về Paris, theo tôi là một điều rất khó, bởi vì đây là một thành phố rất lớn, thu hút du khách nhiều nhất thế giới, hoa lệ nhất thế giới. Paris cũng là thành phố có nhiều danh nhân, văn nghệ sĩ thành danh nhất thế giới.... Đã có biết bao nhiêu sách vở, tài liệu, áng thơ văn viết về kinh đô ánh sáng Paris. Tôi đã đắn đo không biết phải viết như thế nào, bởi có đưa ra trình làng thêm cả ngàn trang sách về Paris cũng vẫn không có gì là mới mẻ...
.
Cơn mưa thu đầu mùa tối khuya hôm qua khiến căn phòng tôi lạnh hơn bình thường, nhiệt độ xuống nhanh chỉ còn 5 độ C. Ngồi dậy đóng cửa sổ, chỉnh lại nhiệt độ máy sưởi, tôi pha ly trà đen đậm, lãng đãng nhìn qua cửa sổ... những chiếc lá bị cuốn vào cơn gió cứ xoáy tít bên ngoài trông thật buồn trong thân phận xa cành. Mới ngày nào lá còn là những chồi xanh tươi tốt...
.
Tình cờ giọng hát của người đã chết mà tôi từng đến viếng mộ vang lên - bà Edith Piaf với âm thanh mono rè rè từ chiếc máy để góc phòng.... Rồi hình ảnh của những miếu đền, nhà mồ, hầm mộ, hàng triệu bộ xương người xếp lớp - nằm sâu 20 metres dưới lòng đất, nhất là lưỡi dao của máy chém (treo trong viện bảo tàng) từng dùng để chém đầu hoàng hậu Marie Antoinette, vua Louis XVI cùng nhiều ngàn người bỗng trở về trong tâm thức tôi như một nỗi ám ảnh.... Bước ra phòng ngoài, vặn lu chùm đèn chandelier, đốt ngọn nến trắng, mặc thêm chiếc áo choàng bên ngoài, tôi ngồi vào bàn, gõ máy trong vô thức.... Bụi Đường Xa....Paris và những nơi không có ánh sáng.... Tôi đã đến, đã nghe và đã thấy.... hàng triệu bộ xương người....!!!
 

BỤI ĐƯỜNG XA - Thời Báo phát hành tại Hoa Kỳ & Canada – Oct 29/15
Cột báo do Tôn Thất Hùng phụ trách

PARIS và NHỮNG NƠI KHÔNG CÓ ÁNH SÁNG
.
Nguồn FB Tôn Thất Hùng, Oct 2015

No comments:

Post a Comment