Thursday, October 22, 2015

Con dông cát



Con nít thường lẩm bẩm câu đồng dao “Cắc ké là mẹ kỳ nhông, kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc ké”. Khó trả lời chính xác thứ bậc huyết thống của 3 vị này, giống như câu đố gà có trước trứng hay trứng có trước gà, hoặc có  cây cầu Chợ Cầu ở Sài Gòn, người ta cứ hỏi cầu có trước chợ hay chợ có trước cầu. Kỳ nhông hay nhông cát, tiếng địa phương xứ biển Bình Thuận gọi là con dông cát, thường làm hang ở các động cát ven biển, dưới chòm cây dương liễu, trong lùm bụi gai. Dông là loài động vật bò sát máu lạnh, ăn tuốt mọi loại cây củ côn trùng sâu bọ miển là mềm nuốt trọng được, chạy được xa và rất nhanh (mới được gọi là dông), nghịch ngợm leo trèo giỏi nếu có điều kiện, dông đực hay dông thềm có hoa văn nâu xám tím đỏ đẹp rực rỡ mỗi khi tán gái, dông cái nhỏ con hơn màu dịu hơn, cả hai đều hiền và nhút nhát, nhịn ăn nhịn khát giỏi cả tuần không ăn thua.
Thửa nhỏ rất mê bắt dông bắt dế, vào mùa hè khoảng tháng 5 khi những cơn mưa đầu mùa rả rích cả đêm vừa ngớt, tiếng dế kêu vang dậy, là tôi và ông Chú xách thùng xách cuốc xách đồ nghề câu dông ra mã lạng, bắt dế trống dế mái bỏ vào thùng, tạt ra  động cát ven biển xóm Kim Bình đặt bẩy dông khi bình minh vừa ló dạng. Bẩy dông thường  nhiều loại: câu bằng mồi dế (mái), thòng lọng, bẩy lồng, bẩy kẹp, bẩy ống… Phân biệt hang dông và hang còng qua dấu chân và hình dạng hang, tròn là còng và hơi ellipse là dông, cũng có khi gặp những con còng chạy lạc xuống hang dông. Bắt dông bằng cách đặt bẩy, thòng lọng… vào đầu buổi sáng, giờ các chú dông ra ngoài hang tắm nắng điều hòa thân nhiệt và tìm thức ăn, dông bị bắt vì  bản tính nhút nhát nhanh chân và thân hình dềnh dàng cồng kềnh. Có khi bắt dông bằng cách dùng cây que chọc dông giận bò lên hoặc dùng cuốc đào hang mò ngách sâu cả thước, bình tĩnh lấy tay chụp vì con dông chưa hề cắn ai. Có lần tôi theo bạn ĐKQ ra đầm Vĩnh Thủy khu vực Đồi Dương, rủ một người bạn của Q. tên là X. nhà ở ven đầm đang đi NDTV, xách súng carbin đi bắn dông (lúc này rất hoang vắng chỉ có cây cỏ cá chim dông dế và mấy nhóm học sinh PBC đi picnic), toàn bắn trật nhưng dông “nhút nhát” giật mình lăn quay ra bất tĩnh, chỉ việc chạy đến lượm bẻ giò đem về. Thú thật, tôi không thích ăn thịt dông lắm, loài bò sát cùng tuổi con rắn của mình, mỗi khi sắp chặt đầu lột da thấy ánh mắt con dông chấp tay lạy rất tội nghiệp, hơn nữa lúc nhỏ cá tôm Phan Thiết nhiều không như bây giờ ham xuất khẩu cho người ta ăn hết quay ra thèm ăn tất cả.
Nghe nói thịt dông bổ lắm, giảm đau tiêu độc kích thích tiêu hóa, nhất là cường dương bổ thận cho mấy ông, lại trắng tươi như thịt ếch thịt gà, xương da dòn mềm nhai ăn được ráo. Người Ninh Thuận, Bình Thuận đẻ ra đủ món dông, dông 7 món, dông nướng, dông xào xả ớt, gỏi dông, chả dông, dông rôti, dông hấp, dông nấu dưa hồng, cháo dông… Khách đến du lịch Bình Thuận mà chưa ăn món thịt dông, xem như chưa biết Bình Thuận. Dông cát còn được đưa lên màn bạc, cách đây mấy năm, phim cát nóng, có cô ca sỹ PT. đóng vai phụ, cũng xoay quanh chuyện loài dông cát xứ biển, phim dở ẹt do dàn dựng chuyện tình cảm vô duyên, nhưng các chú dông lại đóng rất đạt, xem để nhớ một thời thích dông.
 
Con dông còn được ca ngợi là con vật “xóa đói giảm nghèo” cho những vùng gió cát hoang mạc mênh mông như Bàu trắng, Lương Sơn, Hòa Thắng, Hồng Thái… Người dân bắt đầu nuôi dông để bán, mỗi nhà cả nghìn mét vuông. Thịt dông mắc hơn thịt bò Mỹ, dông lại dễ nuôi, dễ ăn, ít bệnh, dông cái trưởng thành mỗi năm lại cho thêm vài chục chú dông con, tha hồ hốt bạc. Nghề nuôi dông từ Bình Thuận lan ra nhiều tỉnh, nhiều trang trại nuôi dông quy mô đến vài hecta xuất hiện ở Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng tàu, Đồng Nai, thậm chí ra tận Quãng Bình, Nghệ An. Con dông cát lên ngôi, người ta phong là rồng cát, thần sấm.
Dù sao tôi vẫn thích hình ảnh cây xương rồng và con dông trong tự nhiên thời thơ ấu. Sóng biển mặn vổ vào bờ năm này qua năm khác, đồi cát thăm thẳm toàn cỏ gai bồn bồn rau muống biển, xương rồng xanh tươi vẫn nhú nụ, các chú dông sặc sỡ thập thò cửa hang rồi bất chợt chạy nhanh tìm mồi tìm bạn. Vùng đất  khô cằn chỉ nắng và gió, nhưng con dông vẫn cao đầu, lúc ẩn lúc hiện, hiền lành nhút nhát nhưng có ích cho đời, làm bạn người dân nghèo quê tôi những lúc nắng lên, mây tan mưa tạnh.

Phạm Sanh, P3/B2 72PBC 







No comments:

Post a Comment