Thursday, October 22, 2015

MỘT CHÚT TÌNH PHAN THIẾT

Phan Thiết – thành phố nhỏ ven biển xinh xắn này, trôi theo dòng thời gian, đã thành kỷ niệm khó quên cho nhiều người thuộc nhiều thế hệ, có thể là con dân của Phan Thiết, sinh ra và lớn lên ở đây hoặc không là gì với Phan Thiết. Kỷ niệm đó có thể là sự gắn bó hữu hình hoặc chỉ là vô ảnh, nhưng tất cả đều hằn sâu dấu vết trong ký ức của họ…

Đối với hoàng thân Souphanouvong , khi còn tại thế, chắc ông không thể nào quên được hình ảnh Tháp Nước Phan Thiết (Château d’eau) được xây dựng đúng theo bản vẽ thiết kế chứa nhiều tâm huyết của mình (1). Một công trình được giới kiến trúc đánh giá là đẹp và độc đáo nhất trong các tháp nước được xây dựng ở Việt Nam. Cách nay mấy năm, có một nhóm sinh viên Lào theo học ở Học viện chính trị quốc gia (Hà Nội) đi thực tế ở Phan Thiết, tình cờ gặp tôi trong một bữa nhậu nơi quán cóc bên bờ sông Cà Ty. Khi tôi chỉ Tháp Nước và giới thiệu đây là công trình kiến trúc do kiến trúc sư Hoàng thân Souphanouvong thiết kế và được khởi công xây dựng vào năm 1928, các sinh viên Lào hết sức bất ngờ, trố mắt ngạc nhiên. Họ không thể nào tưởng tượng được rằng ở một nơi xa xôi trên đất nước Việt Nam, lại ghi đậm dấu tích thật đẹp đẽ của vị nguyên chủ tịch nước của họ, một nhân cách lớn, mà nhân dân các bộ tộc Lào hết sức kính yêu. Và có lẽ đây cũng là một chút tình khó quên của các em sinh viên Lào đối với Phan Thiết, Việt Nam.

Chắc rằng trong những ngày vật vã với cơn bệnh trầm kha cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, bóng dáng thướt tha của người con gái Phan Thành có tên Mộng Cầm kia cùng với Lầu Ông Hoàng mơ mộng những đêm trăng tàn, trăng rạng, nhà thơ “điên” Hàn Mặc Tử cứ khôn nguôi nhớ về một mối tình vô vọng:

“Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ôi! là Phan Thiết Phan Thiết…
(Phan Thiết Phan Thiết- Hàn Mặc Tử)

Với Hữu Thỉnh thì lại khác. Trước năm 1975, nhà thơ chưa hề làm quen với Phan Thiết và nếu có biết chắc cũng chỉ hiểu đơn giản đó là địa danh cuả một thị xã miền Trung bình thường như Phan Rang, Tuy Hòa. Nhưng… khi nhận được tin anh trai mình hy sinh vào năm 1973 tại Phan Thiết (năm 1975 mới biết tin) và sau nhiều lần cố công đi tìm nhưng vẫn không thấy được hài cốt của anh, năm 1981, ông viết bài thơ “Phan Thiết có anh tôi”:

“… Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ
Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ
Đất và trời Phan Thiết có anh tôi…
Em đã qua những cơn sốt anh qua
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết
Em một mình đứng khóc ở sau xe…”

Nhà thơ Hữu Thỉnh hẵn sẽ không thể nào quên Phan Thiết được, vì một lẽ hiển nhiên: “Phan Thiết có anh tôi”.

Phan Thiết cũng là nơi đã từng sản sinh những nhạc sĩ tài hoa có bài hát để đời, như: Minh Quốc (bài hát “Tình đồng chí”), Nguyễn Hữu Thiết (bài “Gởi người tôi yêu”), như Dzũng Chinh (các bài “Những đồi hoa sim”, “Tha La xóm đạo”)… và Trần Thiện Thanh, tức ca sĩ Nhật Trường với những nhạc phẩm nổi tiếng một thời và hiện nay vẫn đang được các ca sĩ hát thu vào đĩa CD, DVD, như: Hoa biển, Chiếc áo bà ba, Hàn Mặc Tử…

Cách nay mấy năm, ngành có chức năng quản lý về văn hóa và du lịch thực hiện thu âm đĩa CD tuyển chọn những bài hát hay về Bình Thuận, nhằm mục đích quảng bá văn hóa Bình Thuận đến với mọi người trong cả nước, trong đó có mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh.
Rất tiếc là những người tuyển chọn đã không chọn một bài bài hát gắn với Bình Thuận mà cho đến nay (và có lẽ cả mai sau- tôi nghĩ như vậy) hầu như ai cũng đã ít nhất một lần nghe qua, vẫn còn nhớ và còn hát (nhất là hát karaoke và trong các cuộc liên hoan, giao lưu văn nghệ, kể cả trong các bữa nhậu…). Đó chính là bài“Hàn Mặc Tử” của Trần Thiện Thanh:

“Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa.
Lầu Ông Hoàng đó thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua.
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng bờ cát dài thêm hoang vắng.
Tiếng chim kêu đau thương như nức nở dưới trời sương.
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người.
Tìm về nửa đêm buồn…”.

Nhiều người khi nhắc đến bài hát này, đôi lúc quên tựa, thường gọi đó là bài “Đường lên dốc đá”. Chắc tác giả bài hát này cũng không cần có tên mình trong tuyển tập. Cần hơn có lẽ chính là những người bình thường nhưng yêu mến quê hương Phan Thiết, Bình Thuận. Đối với ngành du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, không vì vậy mà bị thiệt thòi về doanh thu. Nhưng, nếu bài hát đó càng được hát lên, vang xa chừng nào thì cụm di tích được xem là một trong những địa chỉ du lịch điểm nhấn của Bình Thuận: Lầu Ông Hoàng và Tháp Chăm Pôsahanư, càng thêm nổi tiếng, càng được nhiều người biết đến, đồng nghĩa với việc thu hút nhiều thêm khách du lịch đến với Bình Thuận.

Ngay tại địa điểm du lịch này, tôi đã từng gặp những em nhỏ bán đĩa CD lậu có bài hát “Hàn Mặc Tử” mời chào mua giúp. Một đôi lần, nhân những ngày có trăng thượng tuần, vào thời khắc giao hòa giữa ngày và đêm, tôi cùng một vài người bạn đem theo rượu lên đỉnh đồi Bà Nài, trên đoạn đường dẫn vào Tháp Pôshanư, cách lâu đài đổ nát của ông hoàng người Pháp Ferdinand d'Orléans, Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I về hướng Đông vài trăm mét (2) và gần đồi Ngọc Lâm, nơi yên nghỉ giữa thiên nhiên của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông.

Nhìn về phía Tây Nam là trung tâm thành phố Phan Thiết đang dần lên đèn, vẫn còn thấy rõ được con sông Cà Ty mềm mại, duyên dáng chảy ngang qua thành phố. Chúng tôi uống rượu tới khuya. Trong cơn ngà ngà say, nhìn lại phía sau lưng mình là cả một “thành phố của bóng tối” – Nghĩa trang Phan Thiết. Những ngôi mộ gần con đường du lịch Phan Thiết – Mũi Né phản chiếu ánh sáng từ những ngọn đèn đường cao áp làm rực lên màu của cõi bình yên lặng lẽ. Tôi lẩn thẩn tưởng tượng ra hình ảnh, chàng thi sĩ trẻ tuổi Hàn Mặc Tử, tay trong tay cùng nàng thơ Mộng Cầm lãng mạn đi những bước ngập ngừng vào giữa những hàng mộ đang sáng lên kia rồi xa khuất dần vào bóng đêm của thế giới vĩnh hằng. Có lẽ tôi cũng muốn “điên” như Tử chăng? Bỗng nghe bạn tôi khe khẽ cất lên lời hát giữa mênh mông tưởng nhớ chàng thi sĩ si tình bạc mệnh:“Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến. Tình yêu vừa chớm xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân…Lầu ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng… ”

Vườn Bông Tháp Nước một thời đã gắn bó với nhiều thế hệ người Phan Thiết, đặc biệt là lớp thanh thiếu niên học sinh. Vườn Bông lúc ấy được phủ rợp bóng mát của một loài cây duy nhất: cây vông nem. Đây là nơi thường xuyên diễn ra sinh hoạt cộng đồng của các nhóm Du ca, Hướng đạo sinh, Gia đình Phật tử, Hồng thập tự… vào các ngày chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ. Cũng chính tại nơi đây, lúc còn niên thiếu, các ca sĩ mà sau này thành danh lừng lẫy một thời trên đất Việt, đã từng sinh hoạt theo nhóm, tập hát, tổ chức thi hát như: Nguyễn Hữu Thiết, Ngọc Cẩm, Thanh Thuý, Nhật Trường, Mỹ Thể, Trúc Mai, Anh Khoa, Phương Đại…

Đặc biệt là vào mùa xuân, mùa bông vông trổ. Hàng ngàn chùm hoa hình sao tạc lên trời xanh vào thời khắc bình minh thành những đóm sáng đỏ rực rỡ như mặt trời vừa ló dạng. Các nữ sinh áo dài thướt tha đi bộ theo từng tốp như những đàn bướm cánh trắng, vô tư đến trường, vừa đi vừa nói chuyện ríu rít như chim, ngang qua Vườn Bông, bước chân vô tình dẫm lên xác bông vông rơi dầy trên đường Nguyễn Hoàng (đường Lê Hồng Phong bây giờ) như tấm thảm đỏ…
Có nhà thơ, đã ghi nhận hình ảnh trên đây bằng mấy câu thơ đẹp:

“Thương hàng cây cũ Vườn Bông
Mùa bông vông nở rực hồng bình minh
Thương em gái nhỏ vô tình
Bước lên hoa đỏ lặng thinh tới trường”.

Hình ảnh đó đã thành kỉ niệm của những người đã sống, đã yêu thành phố này. Với riêng tôi, màu đỏ thắm như máu của bông vông trong Vườn Bông Phan Thiết đã khắc ghi vào kí ức của mình không bao giờ có thể phai mờ được. Nhà thơ Phan Bình, sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết, sau kháng chiến trở về, ông thấy những cây vông già trong Vườn Bông mục ruỗng từ trong gốc, không người chăm sóc, đã lần lượt chết dần rồi biến mất, ông rất buồn và luyến tiếc. Thương nhớ bông vông, ông đã cùng với một số văn nghệ sĩ cao tuổi có chung tình yêu bông vông đỏ ở Phan Thiết, thành lập nên “Nhóm thơ Bông Vông” , sinh hoạt như một câu lạc bộ. Đến nay, các thành viên lão thành của nhóm thơ đã lần lượt ra đi mãi mãi mà ước nguyện được một lần nhìn thấy lại màu đỏ thắm của bông vông trên Vườn Bông kỉ niệm không bao giờ có được nữa…

Để làm dấu chấm dừng lại của bài viết này, tôi xin mượn mấy câu thơ của Trần Vấn Lệ (3), một nhà thơ sống xa quê, luôn đau đáu khôn nguôi nhớ về Phan Thiết:

Hè rồi… Phan Thiết đỏ hoa vông,
Tôi ở xa xôi nhớ quá chừng!
Nhớ chỗ mình sinh, mình được lớn,
Một thời thơ dại vượt con sông.
Con sông đầy xác hoa vông rụng
Quấn quyện chân cầu không muốn trôi…
Mà biết bao nhiêu người bỏ xứ,
Đi đâu? Có thể cuối chân trời!
Phan Thiết của tôi và của bạn,
Sáng nay ai nói rất buồn hiu.

Tôi ngồi với bạn bên hè phố,
Khuấy cốc cà phê tưởng thấy chiều!
Chút khói chiều vương vương hoa vông.
Phan Thiết khi không nhớ não nùng.
Xe ngựa cọc cà đi cọc cạch,
Bạn buồn khuấy mãi muỗng koong koong…
Đó, hồi Phan Thiết còn xe ngựa,
Con ngựa đôi khi hí giữa đường.
Giờ, giữa đường đây, trời đất khách.
Thuốc tàn mấy điếu khói vương vương…”
(Mùa vông Phan Thiết cũ) ./.


 (1): Tháp nước Phan Thiết được khởi công xây dựng vào cuôí năm 1928 và hoàn thành vào đầu năm 1934, do kiến trúc sư Hoàng thân Souphanouvong   thiết kế, khi ông đảm nhiệm chức kiến trúc sư trưởng Khu công chánh Nha Trang, do nhà thầu Ưng Du đảm trách. Đây là kiến trúc độc đáo nhất trong những công trình tháp nước ở Việt Nam. Trên thân tháp có những chữ "U.E.PT" (viết tắt của "Usine Des Eaux de Phan Thiet") được ghép bằng các mảnh sứ chén kiểu ngày xưa theo lối viết chữ hình tròn chạy quanh tháp nước.

(2): Cái tên Ferdinand d'Orléans, Công tước De Montpensier, cháu nội hoàng đế Pháp chính là nguồn gốc của địa danh Lầu Ông Hoàng ngày nay. Vào năm 1911, Công tước De Montpensier qua Việt Nam du lịch và săn bắn. Nhìn thấy phong cảnh tại những ngọn đồi phía Đông Phan Thiết rất đẹp, đứng ở đây có thể phóng tầm mắt về phía Nam chừng 1 km, thấy rõ những ngọn sóng biển lao xao. Ông đã mua lại từ nhà cầm quyền Pháp ở Bình Thuận (công sứ Garnier) quả đồi Bà Nài, chọn mảnh đất rộng ở độ cao cách mặt biển 107m, gần Tháp Pôshanư về hướng Đông chừng 500 m để xây dựng biệt thự, làm nơi nghỉ ngơi trong các kỳ săn bắn và du lịch sau này. Gần biệt thự còn có các nhà hàng, khách sạn phục vụ cho giới thượng lưu. Toàn bộ cụm 5 ngọc đồi quanh biệt thư của Công tước De Montpensier, sau đó được gọi chung là Lầu Ông Hoàng. Đây là nơi tạo nên huyền thoại về mối tình thơ lãng mạn Mộng Cầm- Hàn Mặc Tử, đã làm tốn biết bao giấy mực của người đời sau. Ngày 21-2-1911 biệt thư được xây dựng, nền móng được xây bằng đá xanh, cao 2m, với 15 bậc cấp lên xuống, sàn nhà lót gạch bông, phía dưới nền là hệ thống những bể chứa nước mưa lien kết nhau, chung quanh đúc bê tông, có máy bơm dẫn nước lên một lầu nước cao phiá sau, đủ dùng quanh năm suốt tháng. Nóc nhà lợp bằng đá phiến xanh được chở từ Pháp sang, vừa đẹp lại không sợ bị gió biển làm tróc mái.
Biệt thự có diện tích 536m2, gồm 7 phòng ngủ và 6 phòng dành cho khách, phòng thết tiệc… Phòng nọ tiếp với phòng kia qua hành lang có mái che. Bên trong các phòng kể cả tiền đình được trang trí sang trọng, tiện nghi. Giường ngủ, bàn ghế, tủ đều đóng bằng loại gỗ quý. Riêng giường có nệm, chân giuờng gắn gù đồng. Có đường trải đá từ dưới chân đồi chạy quanh co, lối vào trước sảnh đường có trồng cây giữ bóng mát cho biệt thự. Bên ngoài tường rào được thả dây leo ăng- ti- gôn nở hoa màu hồng rực rỡ. Ngoài ra còn có nhà máy phát điện riêng, nhà để xe, chuồng ngựa, nhà bếp, nhà tắm, bể chứa nước.
Sau ngày khánh thành, chủ nhân ông Ferdinand D’orléans chính thức đặt tên ngôi biệt thự của mình là ‘NID D’AIGLE’ tức là Tổ Chim Ưng.
Hiện nay, dân du lịch (kể cả người địa phương), phóng viên các đài truyền hình (cả trung ương và địa phương), các báo viết và báo mạng cả nước vẫn lầm tưởng cụm lô cốt của Pháp và chế độ cũ để lại cách Tháp Chăm Pôshanư về hướng Nam khoảng 100m là ngôi biệt thự Lầu Ông Hoàng. Vì vậy, hiện nay hình ảnh biệt thự được đưa lên đài và báo là một lô cốt khá cao, nham nhở vết đạn. Việc này cần phải điều chỉnh lại cho đúng. Vị trí chính thức của ngôi biệt thự Lầu ông Hoàng nằm cách Tháp Chăm khoảng 500 mét về hướng Đông, và gần với mộ cụ Nguyễn Thông. Di tích ngôi biệt thự đã bị cây bụi bao phủ và người dân địa phương lấn chiếm một phần.





Tùy Bút của NGÔ ĐÌNH MIÊN 

 (3): Trần Vấn Lệ, sinh ngày 31-05-1942 tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, trưởng thành và dạy học tại Đà Lạt, hiện sống tại Hoa Kỳ

No comments:

Post a Comment