Mỗi năm cứ vào độ tháng tư tôi lại bùi ngùi nhớ về quê cũ, những ngày bỏ nước ra đi. Nước mắt cũng đã chảy ra nhiều, những giấc mơ hãi hùng vẫn chợt đến chợt đi, tỉnh dậy ngơ ngác một lúc mới nhớ ra mình đang nằm trên giường, chăn ấm nệm êm trên đất Hoa Kỳ tự do và thịnh vượng. Vùng đất ngọt ngào luôn nâng đỡ, che chở, nuôi dưỡng tôi như một người mẹ hiền. Ôi mừng hết lớn! Khi nghĩ đến quê hương vẫn là Việt Nam. Có ai đó, lạ mặt, hỏi tôi, bạn người nước nào? Từ đâu đến? câu trả lời vẫn là Việt Nam. Ôi cái nước Viêt Nam trong trí nhớ già nua của tôi, đọa đầy khốn khổ, chạy gạo ăn từng bữa, cả một mái nhà để chui ra chui vào cũng không có, bom đạn nổ ầm ỹ từng giờ, sống nay chết mai, anh em ly tán; Con cái, cha mẹ mong chờ biền biệt tháng ngày. Có lẽ đến đời cháu tôi, may ra chúng mới có thể tự nhiên trả lời “tôi là người Mỹ, đến từ Houston, Dallas, LA, NY”
Ở đây, chẳng bao giờ tôi phải nghĩ đến cái ăn, cái mặc, phương tiện di chuyển, tối nay ngủ đâu, có gì ăn không nhỉ? Cả đến việc nhỏ nhặt tầm thường nhất, xin lỗi quý vị, như chạy quanh chạy quẩn đi tìm một chỗ làm công tác vệ sinh, tôi cũng chẳng phải lo. Nhưng tôi vẫn là người Việt Nam da vàng mũi tẹt, nói tiếng Việt rành hơn tiếng Mỹ, chỉ biết lịch sử Viêt Nam còn lich sử Mỹ thì mù tịt. Chính trường Mỹ thì càng không quan tâm tới. Vẫn nôn nao coi giải Túc Cầu Thế Giới, hơn là những môn thể thao của người Mỹ như foot ball, base ball, basket ball. Có ai trong sở hỏi: “Bạn cá ai sẽ thắng trong giải Super Bowl này?” -Super Bowl gì?. Hay người nào đó phang một câu “Anh chàng Yao Ming bị thương hoài chẳng làm nên trò trống gì!” - Yao Ming nào?, mặc xác hắn chứ!
Tại sao tôi chưa hội nhập được vào xã hội Hiệp Chủng Quốc này. Tôi vẫn chưa tan ra, hòa lẫn với các giống dân khác trong chiếc “The Melting Pot” vĩ đại này nhỉ?
Tôi đã sống hơn nửa đời người trong thành phố này, nhưng biết rất ít về nó. Một ngày nọ, người bạn thân từ hồi còn trai trẻ, lâu ngày không gặp, ca bản “Houston có gì lạ không em?” cho tôi nghe. Tôi chẳng thấy gì lạ cả, vẫn những cao ốc nhìn mỏi cổ, vẫn những xa lộ đầy ắp xe cộ chạy lên chạy xuống cả ngày lẫn đêm. Hình như thiên hạ chẳng biết làm gì cho hết giờ nên cứ lái xe ra xa lộ tiêu khiển, đốt săng chơi. Vẫn những ngày hè nóng nực chẳng khác gì Saigon, với những cơn mưa hạ xầm xập kéo đến rổi vội vã ra đi để lại bao nỗi tang thương trên hè phố! Mùa thu vẫn đến âm thầm nhẹ nhàng như cơn gió thổi sau vườn, lúc ra đi cũng chẳng hẹn trước, nhưng không quyên mang theo đám lá vàng xào xạc, chừa lại những hàng cây cao trơ trọi khẳng khiu chào đón gió Đông Phong. Tuyết ư? Hơn 30 năm tôi chỉ thoáng thấy mặt nàng một đôi lần, nàng e lệ đến gõ cửa một buổi sớm mai, hỏi thăm dăm ba câu rồi bye bye ra đi biền biệt! Vâng Houston của tôi chỉ có thế. À, còn nữa chứ, ai đó hay ca bản Mãi Mãi Bên Em của nhạc sỹ Từ Công Phụng:
“Đôi khi có những mùa giông bão qua đây,
Em thấy đời là những hư hao”
Vâng đôi khi cũng có bão tố như Cali có động đất nhưng không sao, ông Trời chỉ dọa hoảng vậy thôi, đâu có hư hao gì nhiều, nắm tay nhau, nhìn vào mắt nhau là thành phố lại hoàn toàn như cũ.
Hãy giả như một du khách nhìn từ ngoài vào, may ra có thể trả lời bạn tôi câu hỏi:
*Houston có gì lạ không em?
Cứ vậy đi, bạn già, hãy nói về Houston của tôi:
Houston là thành phố lớn thứ tư nước Mỹ và là thành phố lớn nhất của Texas với dân số khoảng 2 triệu sống trên một diện tích 1500 km2. Đất rộng người thưa nhân công Mễ đầy rẫy, cho nên nhà cửa rẻ rề, hai ba chục ngàn, bạn có thể mua được một chung cư đầy đủ tiện nghi, chỗ đậu xe rộng rãi. Nếu bạn muốn upgrade lên một chút, một hai trăm ngàn bạn có thể mua một gia cư hoành tráng, chẳng phải chung đụng với ai. Đánh lộn trong nhà hàng xóm cũng không ai biết. Nếu bạn muốn chơi sang, bỏ chừng vài trăm ngàn bạn có thể tậu một lâu đài có cả hồ tắm đàng hoàng của một ông hoàng Ả rập nào đó đang hồi xuống dốc (vì mấy vụ biểu tình, xuống đường), tha hồ hưởng nhàn.
Người Mễ chiếm tỷ lệ khá cao trong các sắc dân thiểu số, họ làm việc rất chịu khó. Những việc nặng nhọc như làm đường, xây cất cầu cống nhà cửa, toàn là nhân công Mễ, chẳng thấy người da màu hay Á châu nào làm cả, bởi vậy giá sinh hoạt rất thấp. Bạn cần sửa chữa nhà cửa hay chỉnh đốn vườn tược, chẳng khó khăn gì dể tìm kiếm một ông thợ người Mễ giúp cho một tay.
Houston được mệnh danh là “Thủ Đô của năng lượng trên toàn thế giới” bởi vì hầu hết các hãng xưởng kinh doanh liên quan đến dầu hỏa đều tập trung ở đây, gồm có kỹ nghệ khoan mỏ dầu, tìm kiếm mỏ dầu, chế tạo dụng cụ khoan dầu, xưởng lọc dầu, phó sản dầu hỏa, chuyên chở dầu bằng hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt khắp hang cùng ngõ hẻm, còn có những hãng chuyên môn thiết lập các bồn dầu khổng lồ để đầu cơ tích trữ và buôn bán dầu trên thị trường chứng khoán vậy mà chẳng có con ma nào bị đưa ra pháp trường cát như thời ông Kỳ làm Thủ Tướng!. Người Việt mình làm nghề hàn và tiện cho các hãng xưởng đó lương rất cao. Kỹ sư dầu hỏa, hóa học, điện tử, điện toán, luyện kim, cơ khí tha hồ múa may quay cuồng! Ban đêm đi trên cầu cao bắc ngang Houston Ship Channel bạn nhìn về phía đông, sẽ ngạc nhiên thấy hai bên đèn điện sáng rực, còn hơn kinh đô ánh sáng Paris, đó là tụ điểm của những nhà máy lọc dầu hay chế biến phó sản của dầu hỏa.
Houston có một trung tâm Y Tế (Texas Medical Center) lớn nhất thế giới rất nổi tiếng về giải phẫu Tim và tri bệnh Ung Thư. Các Ông Hoàng bà Chúa Ả Rập hay về đây để chữa trị. Bác sỹ, Y tá, chuyên viên Y Tế người Việt làm trong các nhà thương đó cũng nhiều. Houston còn có Johnson Space Center, nơi điều khiển Phi Thuyền Con Thoi, Trạm Không Gian (Space Station), cũng như huấn luyện Phi Hành đoàn. Thập niên 80, khi chương trình phi thuyền Con Thoi đang phát triển mạnh, rất nhiều kỹ sư, chuyên gia gốc Việt đã đóng góp một phần đáng kể cho trung tâm này, lại có cả một ông Tiến Sỹ Phi Hành Gia người Việt nữa chứ làm tôi hãnh diện quá đi mất. Đi đâu cũng vỗ ngực “Tôi là người VietNam”.
Hải cảng Houston vẫn đứng đầu về số lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển và thứ nhì về tổng số hàng chuyên chở trên đất và trên biển.
Houston cũng đứng hàng thứ nhì chỉ sau New York về số hãng được xếp vào bảng danh sách 500 hãng hàng đầu (Fortune 500) trong nước Mỹ. Tổng sản lượng của Quốc Gia Houston và vùng phụ cận lên đến 440 tỷ Mỹ kim, xếp hàng thứ 22 trên thế giới trong các nước kỹ nghệ gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp.... Thành phố được xếp hạng nhất về ba tiêu chuẩn: Tiềm năng kinh tế, khả năng kiếm việc, và giá sinh hoạt. Lợi tức trung bình cho (gia đình) là $40,443. Cho nên mặc dầu nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn nhưng tỷ lệ thất nghiệp tại Houston cũng thấp so với toàn quốc. Mới đây tờ báo nổi tiếng về kinh tế Forbes đưa ra danh sách “The best cities for jobs” theo thứ tự như sau:
Austin
New Orleans
Houston
San Antonio
Dallas
Trong 5 thành phố kể trên, Texas chiếm đến 4, Houston vẫn đứng hàng thứ 3 mấy năm liền.
Một điều đáng lưu ý, có lẽ phần đông cư dân Houston cũng không biết, Trung tâm thành phố có một hệ thống đường hầm, cỡ đường hầm Củ Chi, nối liền các cao ốc với nhau, dài khoảng 11 km, như một thành phố chìm sâu trong lòng đất. Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều quán ăn trong đó chẳng thiếu thứ gì, có cả quán ăn Việt bán phở và bún thịt nướng, ngoài ra còn có các tiệm tạp hóa, văn phòng Bác Sĩ, Nha Sĩ, tiệm hớt tóc, làm móng tay, nhà băng, kể ra không hết.
Giống như hầu hết các thành phố khác, Houston có một số lượng trường Đại Học đáng kể, thu hút rất nhiều sinh viên ngoại quốc, kể cả Việt Nam, vì giá sinh hoạt rẻ, lệ phí không cao lắm.
Nếu quý vị đến Houston để du lịch, tôi xin đề nghị, ngoài khu thương mại Viêt Nam vòng quanh Đại Lộ Bellaire, Beechnut, nên thăm Trung Tâm Không Gian ở Clear Lake, khu giải trí kemah bên bờ vịnh Gaveston, Downtown Houston và Tunnel, Downtown aquadrium, Woodland Waterway, Houston museum of Fine Art, Houston Zoo. Leo lên xe điện, chạy một vòng qua Texas Medical Center.
*Houston sử lược
Thành phố này được đặt tên Houston để vinh danh vị Tổng Thống đầu tiên của Nước Công Hòa Texas. Tôi hỏng có nói lộn đâu nhé, nhắc lại, Tổng Thống đàng hoàng đó.
Tướng Sam Houston đã lãnh đạo thành công cuộc chiến giành độc lập của nước Cộng Hòa Texas khỏi bàn tay thống trị độc tài của Tổng Thống và Tướng Antonio López de Santa Anna xứ Mễ Tây Cơ, người đã tự ví mình như Napoleon của Pháp Quốc. Ông quyên rằng Hoàng Đế Napoleon cũng từng bị đánh bại và chết tủi nhục trong nhà tù! Khi ra trận Santa Anna ra lệnh tất cả tù binh đều phải xử tử lập tức, dù là hàng binh. Như vậy, dân quân nổi dậy tự hiểu rằng sẽ không có tù binh chiến tranh! Chỉ có tử chiến mà thôi!
Cuộc cách mạng giành độc lập của Texas
Trong những năm đầu sau khi nước Mễ Tây Cơ giành được độc lập từ người Tây Ban Nha, dân Hoa Kỳ đến lập nghiệp tại Texas rất nhiều. Tướng Santa Anna lên nắm quyền xứ Mễ, ông hủy bỏ hiến pháp dân chủ, giải tán quốc hội và chính quyền các tiểu bang, trở nên một Tổng Thống độc tài của xứ Mễ Tây Cơ. Quân đội và hành pháp đều do một mình ông nắm giữ. Khoảng đầu năm 1835 vùng đất Texas vẫn còn nằm trong vòng cai trị của chính quyền Mễ Tây Cơ. Cuộc cách mạng giành độc lập thật sự khởi đầu chỉ vài tháng sau đó. Trong vòng mấy tháng ngắn ngủi, Toàn quân Mễ trên đất Texas đã bị tiêu giệt hoặc đẩy lui về bên kia biên giới. Quân Texas chỉ là một đám quân ô hợp, vũ khí thô sơ, chưa có thống nhất chỉ huy và tiếp liệu. Chính quyền tạm thời vẫn chưa thành hình. Có một điều chúng ta phải cúi thấp đầu bái phục đó là lòng quyết chiến cho tới chết của đoàn quân Texas, tuyệt đối trung thành và vâng lời thượng cấp, không tranh giành địa vị hay quyền lợi, không tàn sát lẫn nhau, chỉ một lòng chống kẻ thù chung. Họ là những nông dân tự trang bị cho mình đạn dược, súng ống, lương thực, quần áo. Đó là truyền thống của cao bồi Texas còn lưu đến bây giờ. Chính quyền có thể cấm bài bạc, đĩ điếm nhưng cỡi ngựa mang súng là quyền tự do cá nhân đó.
Chuẩn bị phòng thủ
Alamo
Đầu tiên, quân kháng chiến biến khu truyền giáo Alamo, hiện thời là vùng đất thuộc thành phố San Antonio, thành một pháo đài rộng khoảng 3 mẫu (3 acres) với 1320 feet (400 m) chu vi phòng thủ. Tường bao bọc dầy khoảng 2.75 feet, cao khỏang 9 -12 feet. Thành này vốn lập ra chỉ để phòng ngừa quân da đỏ với vũ khí là cung tên và búa rìu mà thôi, không phải để phòng thủ chống lại đội quân có đại bác như quân của Tướng Santa Anna.
Dân quân đặt 19 khẩu đại bác (tịch thu được trước đây của quân Mễ ) vòng theo bờ thành phòng thủ. Họ tin rằng có thể chống cự với một lực lượng đông gấp 10 lần. Lực lượng phòng thủ sơ khởi khoảng gần 100 người, lương thực chỉ đủ cung cấp cho 4 ngày, James C. Neill, vị chỉ huy tạm thời của thành, viết thư kêu cứu với chánh quyền lâm thời, nhưng chẳng ai giúp được gì. Neill bèn tiếp xúc với Sam Houston, một trong bốn vị tổng chỉ huy nghĩa quân để xin tiếp liệu, quần áo, và đạn dược. Tướng Houston tiên liệu rằng không thể nào giữ nổi thành nếu bi đại quân Mễ tấn công nên phái James Bowie dẫn theo 30 dân quân để phá hủy thành Alamo và di chuyển tất cả các khẩu đại bác đi. Không thể tìm được phương tiện chuyên chở đại bác, Neil và Bowie viết thơ thuyết phục chính quyền lâm thời rằng Alamo là cứ điểm quan trọng, đó là tiền đồn để ngăn ngừa quân Mễ. Tương lai của Texas đều phụ thuộc vào vùng đất này. Cuối thơ ông viết một câu rất hào hùng “Chúng tôi long trọng thề rằng thà chết ở chiến hào này chứ không giao thành cho địch!” Hai ông cũng xin cung cấp thêm người, tiền bạc, súng ống, đạn dược. Alamo được cung cấp thêm 30 người và một sỹ quan kỵ binh William B. Travis. Vài ngày sau, một số quân nhỏ tình nguyện cũng nhập bọn. Ngày 11 tháng 2 năm 1836 Neil dời thành để đi vận động nhân lực và tiếp liệu, giao quyền chỉ huy cho Travis và Bowie.
Tử chiến thành Alamo
Trong khi thành Alamo, gặp đủ thứ khó khăn về nhân lực và tiếp liệu thì đại quân Mễ đang tiến về hướng Alamo bằng đường bộ. Sáng sớm ngày 23 tháng 2 năm 1836 Santa Anna chỉ còn cách thị trấn 1.5 dặm. Thành Alamo được báo động, Dân chúng di tản khỏi thi trấn, nhưng gia đình của dân quân thì dời vào trong thành. Quân Mễ có khoảng 1500 người sẵn sàng tham chiến, Tướng Santa Anna ra lệnh đặt đại pháo phía đông và nam và cách thành khoảng 1000 feet (300 m), đồng thời kéo cao ngọn “cờ máu”, đó là hiệu lệnh tàn sát không tha. Alamo trả lời bằng một viên đạn đại bác lớn nhất trong thành!
Mỗi đêm, quân mễ đều quấy rối bằng đại bác mục đích làm mệt mỏi đối phương. Trong tuần lễ đầu tiên vây hãm hơn 200 đạn rơi trong thành. Lúc đầu quân tử thủ cũng bắn trả lại, hầu hết dùng ngay trái đạn của địch quân để bắn trả, nhưng những ngày sau Travis ra lệnh không bắn trả để tiết kiệm thuốc súng.
Ngày 24 tháng 2 Bowie bị bệnh nặng nằm liệt giường, Travis nắm toàn quyền chỉ huy phòng thủ.
Sáng hôm sau, khoảng 300 quân Mễ, lội qua sông ẩn trong những túp lều gần chân thành để tấn công. Quân trong thành phái người ra thiêu hủy những túp lều đó đồng thời bắn trả lại rất gắt. Sau 2 giờ tấn công, quân Mễ bi thiệt hại nhẹ và rút lui.
Ngày 3 tháng 3 quân Mễ được bổ xung thêm 1000 ngươì nữa. Ngày 4 tháng 3 một số nhỏ dân quân tăng viện phá vòng vây từ ngoài lọt vào trong thành.
Ngày 5 tháng 3, Travis tập họp quân thủ thành một lần cuối, thông báo cho toàn quân, sự thật là thành sẽ không thể nào giữ nổi vì lực lượng đôi bên quá chênh lệch, lại thiếu súng ống đạn dược, ngay cả lương thực, nếu ai muốn bỏ thành thì ông cho phép rời ngay, vẫn còn kịp. Mọi người đều đòng lòng tử thủ, chỉ trừ một người xin được ra đi.
10 giờ đêm ngày 5 tháng 3, đại pháo của quân Mễ ngưng bắn hoàn toàn. Tướng Santa Anna tiên đoán quân đồn trú sẽ rơi vào giấc ngủ say sau bao nhiêu đêm mệt mỏi vì tiếng đại bác. Nửa đêm quân Mễ lặng lẽ tiến gần về chân thành, 500 kỵ binh Mễ bao chung quanh thành ở vòng ngoài để bắt những lính đào ngũ của cả hai bên.
Khi còn cách chân thành vừa tầm súng, quân Mễ la to “Hoan Hô Santa Anna”. Tiếng la vang dội vào thành đánh thức quân trong thành vào vị trí chiến đấu, gia đình vợ con lính được đưa vào trong Nguyện Đường của thành để được an toàn hơn. Travis động viên dân quân bằng khẩu hiệu “Hỡi các chiến hữu, tụi Mễ đang tấn công chúng ta, Hãy tống chúng nó vào Địa Ngục, quyết không đầu hàng”
Quân trong thành không có đủ đạn đại pháo nên tọng bất cứ mảnh sắt nào vào trong họng súng kể cả bản lề cửa, đinh, móng ngựa, những phát đại bác bắn ra như một phát đạn shotgun khổng lồ, vung vãi miểng ra khắp nơi làm thiệt hại không ít quân Mễ.
Travis bị tử trận ngay trong đợt tấn công đầu tiên. Mặc dầu không có người chỉ huy, quân Mễ vẫn không tiến vào được. Trong vòng 15 phút quân Mễ đã tấn công 3 đợt, mỗi đợt tấn công không lên được thành lại kéo ra để sắp xếp chuẩn bị cho đợt kế tiếp. Đợt tấn công cuối cùng quân Mễ dồn về phía bắc thành, nơi đó tường phòng thủ rất mỏng manh, dễ bị chọc thủng, Phía bắc rồi lần lượt phía nam và đông đều bị thất thủ. Quân Mễ tràn vào thành như nước vỡ bờ. Quân trong thành rút về Nguyện Đường và những căn nhà gạch trong thành, từ đó chĩa súng bắn ra ngoài. Một số nhỏ dân quân không rút kịp bèn ẩn nấp trong giao thông hào giữa tường thành và sông San Antonio River, từ nơi đây có thể bắn trả quân kỵ binh Mễ lội qua sông để tấn công mặt phía tây. Với quân số gần 500 kỵ binh tràn qua, tất cả đám dân quân dưới giao thông hào đều tử trận. Một số nhỏ dân quân khác thoát ra ngoài thành về phía đồng cỏ phía đông nhưng bị kỵ binh Mễ đuổi theo giết sạch. Nhóm dân quân cuối cùng rút vào cố thủ trong các căn nhà gạch và Nguyện Đường. Quân Mễ bắn đại bác phá xập tường rồi tràn vào bên trong. Bowie bị giết trên giường bịnh. Những người khác đều chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. 6:30 sáng, quân Mễ hoàn toàn làm chủ thành ALAMO, kiểm soát từng tử thi, ai còn cử động đều bị đâm chết.
Trong những dân quân tử trận ngoài hai thủ lãnh như Travis và Bowie, Davy Crockett thủ lãnh một đám nhỏ dân quân tình nguyện là nổi tiếng hơn cả. Ông là dân biểu liên bang đại diện của tiểu bang Tennessee, vì bất đồng chính kiến với Tổng Thống Andrew Jackson nên đầu quân vào Texas để phòng thủ thành ALAMO. Ông đã giết chết it nhất 16 lính Mễ bằng dao găm trước khi bị đâm chết, trong khi con dao của chính ông còn cắm sâu trong một xác lính Mễ.
Davy Crockett
Hollywood đã làm rất nhiều phim về Davy Crockett như một người hùng, người khai phá của Hoa Kỳ.
Các sử gia ước lượng khoảng 400 - 600 quân Mễ tử thương và dân quân bị giết khoảng 182-257 người.
Những người không phải là dân quân đều được thả cho đi, trong đó có cả một nô lệ da đen của thủ lãnh Travis và rất nhiều thân nhân của nghĩa quân. Santa Anna cho mỗi phụ nữ một tấm mền và 2 đồng tiền Mễ bằng bạc (silver pesos) làm lộ phí, đồng thời nhắn tin rằng không ai có thể đánh bại đoàn quân viễn chinh của ông!
TEXAS tuyên bố độc lập
Trong khi thành ALAMO bị vây ngặt, các dân biểu họp đại hội và đồng thanh tuyên bố thành lập nước CỘNG HÒA TEXAS và chỉ định Sam Houston làm Tổng Tư Lệnh đoàn nghĩa quân khoảng 400 người! Còn đang chờ đợi để tới giải cứu thành Alamo, họ vẫn chưa biết rằng thành Alamo đã thất thủ. Chỉ vài giờ sau những người được thả ra từ Alamo đến báo tin, Tướng Sam Houston quyết định tất cả dân chúng, quân đội và chính phủ mới thành lập rút chạy về hướng đông. Mặc dầu thiệt hại nặng khi tấn công thành Alamo, quân Mễ vẫn đông hơn quân Texas gấp 6 lần!
Santa Anna nghĩ rằng, sự tàn sát thành Alamo sẽ làm khiếp đảm đám quân ô hợp và nhỏ bé của Sam Houston và trước sau gì cũng tan rã. Nhưng ông đã lầm vì quá tự tin và kiêu ngạo.
Thành Alamo bị tàn sát làm nổi lên hào khí khắp nơi, thanh niên ào ạt đầu quân dưới quyền Sam Houston. Nếu Santa Anna không quá độc ác, chưa chắc Sam Houston đã có một số quân đông và lòng quyết chiến như vậy.
Trận chiến cuối cùng
Buổi chiều ngày 21 tháng 4 năm 1836, Sam Houston ra lệnh tấn công quân Mễ bên bờ sông San Jacinto, nằm ở phía đông của thành phố Houston bây giờ. Trận chiến chỉ kéo dài 18 phút ngắn ngủi, dân quân luôn hô to khẩu hiệu “trả thù cho thành Alamo!”. Quân Mễ thiệt hại khoảng 630 người và hơn 700 bị bắt làm tù binh, trong khi chỉ có 9 dân quân Texas bị tử trận.
Cuối cùng Santa Anna bỏ chạy và bị bắt làm tù binh ngày hôm sau đó. Sam Houston tha mạng cho ông tướng kiêm Tổng Thống Mễ Tây Cơ và buộc ông ta ký hòa ước trả độc lập cho nước Cộng Hòa Texas. Sam Houston được bầu làm Tổng Thống đầu tiên. Sau khi Texas xin sát nhập vào hiệp chủng quốc Mỹ Châu (USA), Sam Houston được bầu làm Thượng Nghị sỹ, rồi Governor của TEXAS.
Cuộc đời của Sam Houston
Đó là một cuộc đời ngoại hạng, một tấm gương lớn cho nhiều người noi theo. Ông sinh ra ở tiểu bang Virginia nhưng lớn lên ở tiểu bang Tennessee. Sống ở nông trại và chơi rất thân với đám người da đỏ Cherokee. Khi cuộc chiến giữa Hoa kỳ và Anh Quốc lần thứ nhì bắt đàu, ông đầu quân làm binh nhì. Leo dần đến chức Trung Úy rồi giải ngũ đi học luật và hành nghề luật sư. Đắc cử dân biểu liên bang 2 lần đại diện cho tiểu bang Tennessee, sau đó đắc cử Thống Đốc Tennessee. Chưa hết nhiệm kỳ ông xin từ chức về sống với bộ lạc da đỏ Cherokee sau đó dọn về Texas cùng với một số bạn bè thân thiết. Được cử làm đại diện cho vùng Nacogdoches trong đại hội bàu chính phủ lâm thời của nước Cộng Hòa Texas.
Trong cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ ông rất chống đối việc rút Texas ra khỏi liên bang Hoa Kỳ, nhưng phải chiều theo đa số. Trong cuộc nội chiến Bắc - Nam, chính phủ phía Bắc yêu cầu ông gia nhập Bắc quân nhưng ông từ chối vì không muốn bàn tay mình nhuốm máu người miền nam. Cuối cùng ông về hưu và chết ở Huntsville, đó là một thành phố nhỏ phía bắc của Houston bây giờ.
Quý vị nào lái xe từ Dallas về Houston cũng nhìn thấy tượng một ông già chống gậy màu trắng khổng lồ bên xa lộ I-45, đó đích thực là ông. Cuộc đời của ông cho chúng ta rất nhiều bài học. Ông là người sãn sàng chiến đấu cho quyền lợi chung của dân tộc, hy sinh quyền lợi riêng tư của mình vì đại cuộc, không tham quyền cố vị, không hãm hại người không đồng chí hướng với mình, biết rút lui khỏi quyền lực đúng lúc. Hãy nhìn lại bao nhiêu lãnh tụ trên thế giới, lấy danh nghĩa vì quốc gia, vì dân tộc, tranh giành quyền lực và mãi mãi bám lấy nó cho đến chết hay bi kẻ khác lật đổ. Thế gian này được mấy người như Ông Houston, nhất là vào thời mà sự tôn thờ chủ nghĩa cá nhân còn đang thịnh hành trên địa cầu! Tôi xin ngả nón nghiêng đầu kính phục và thắp một nén hương lòng cho ngài.
Những ngày gần đây, bao nhiêu cuộc cách mạng đã sảy ra trên thế giới nào là cách mạng Nhung, cách mạng Hoa Hồng, cách mạng Hoa Tulip, Tất cả cùng chung một mục đích lật đổ chế độ độc tài hại dân hại nước. Những kẻ cầm quyền đó chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư của chính họ mà thôi! Bao giờ đến cách mạng Hoa Nhài hay Hoa Sen nhỉ?
Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn
No comments:
Post a Comment