Le temp d’aimer, c’est le temp de mourir
Một bạn 72 tặng tôi câu này, ý nói về tình yêu một thời xa lắc, nhưng bài tôi viết không nói gì về tình yêu, chỉ nói về một thời đã chết, thời bao cấp sau 75. Cái thời để lại vui buồn lẫn lộn, không đáng nhớ nhưng quên cũng không được. Mấy bạn đọc cho đở buồn.
Sau 75 khổ nhất là chuyện xe cộ đi lại. Chiếc xe có logo hẳn hoi, 100 xe than chào mừng đại hội Đảng, đang lên đèo mẹ bồng con, nghe khặc… khặc…, lơ xe quát xuống xuống, lật đật chen nhảy, lơ xe quát đẩy đẩy, xúm xít nhau đẩy, lơ xe quát lên lên, lại xô lấn leo, ngồi chưa nóng đít chưa kịp thở đã cảm thấy có vài giọt nước trên mui rơi xuống đầu, lấy tay rờ ngửi hơi hôi, té ra heo cũng hết hồn té đái. Nhà xe tranh thủ chở củi gỗ mắm muối dưới sàn và heo thì được ưu tiên lên trên. Thời này, “người” còn xếp dưới heo. Nói vậy chớ có vé đi xe đò là quá hạnh phúc, phải xếp hàng dài chờ đợi cả ngày, mà những tới 5 hàng theo thứ tự ưu tiên từ trái qua phải, thương binh liệt sỹ có công cách mạng, phóng viên biên giới hải đảo, cán bộ công nhân viên đi công tác, phụ nữ có thai và cuối cùng là phó thường dân. Cô Bắc kỳ bán tới hàng thứ 3 là đã hết vé, may mắn lắm là hàng thứ 4, nên mấy chị em ưa giả độn bụng bầu, còn dân thường chỉ còn ráng mua cục gạch.
Sau đường xá đi lại là chuyện xin cho, người ta không có cái gì mà mình cũng phải xin cho được. Năm tôi cưới vợ, mời bà tổ chức cơ quan nhưng không thấy bả dự đám cưới. Nghỉ, vào lại cơ quan, bị đề nghị viết kiểm điểm, tội cưới vợ không báo cáo xin phép tổ chức. Ngạc nhiên vì 2 vợ chồng cùng cơ quan, tôi là xếp vợ tôi mà báo cáo xin cho cái quái gì, vậy mà cuối cùng cũng phải viết một tờ giấy A4 giải trình. Sau này qua làm chỗ khác, nghe bà tổ chức này chết do đang đi trên đường ngang vượt đường sắt khu vực Dĩ An bỗng ô tô chết máy, gặp xe lửa hắn không chịu báo cáo tổ chức. Năm bà Nội tôi mất cũng khốn khổ chuyện chuyển hộ khẩu về nhà Nội, vì không đăng ký xin cho chôn Bà nên công an phường không xác nhận, dù Bà đã chết không chôn không được. Cũng có một lần đi họp tại nông trường bông Nha Hố Phan Rang Tháp Chàm, nghe lóm câu chuyện công đoàn kiểm điểm một cô công nhân không chồng mà chửa hoang, cô khóc lóc van xin không được khi mấy ông mấy bà công đoàn cứ truy hỏi nằng nặc thằng nào, cô đành xuống nước nhận lỗi, kính thưa mấy đồng chí công đoàn, em tưởng là của em, em cho thằng nào cũng được, nay mới biết là của công đoàn, lần sau trước khi cho thằng nào, em sẽ xin phép công đoàn đàng hoàng… Hết biết, của mình mà cũng phải xin.
Rồi lại chuyện tem phiếu sổ gạo, định mức mấy ký gạo mấy mét vải vô duyên không nói gì, nhưng có những món mình nhận cũng chẳng biết để làm gì. Tôi không hút thuốc, nhưng phải đăng ký là nghiện thuốc để nhận thuốc lá về tặng không cho ông xếp tổ trưởng bộ môn. Có lần nhận giúp nhu yếu phẩm cho một cô giáo, thấy có cả lưỡi lam trong khi phái nam không có, tôi vô tình hỏi và cô đỏ mặt không trả lời, lúc đó tôi vẫn chưa có vợ. Năm đầu tiên làm thày giáo, trường Bách Khoa mời thày Hoàng Tụy tận Hà Nội vào phụ đạo môn lý thuyết tối ưu, mới gặp thày đã khuyên học cho biết để dạy đám sinh viên chưa biết, chứ môn học này không được tích sự gì hết. Thày kể đêm trước khi vào Sài Gòn, thày thức khuya lo xem tài liệu vì đây là lần đầu vào thành phố dạy “thày” của ngôi trường Phú Thọ nỗi tiếng Bắc Nam. Vợ thày gọi vào ngũ, lần 1 lần 2 lần 3, giận quá mới nói, ông giáo sư toán ơi, ông ăn được gạo thịt ngon là nhờ cô cửa hàng trưởng thương nghiệp này chứ không phải do lý thuyết tối ưu xếp hàng nối đuôi nối đầu của ông đâu, thật chán.
Mà bao cấp dở hơi cũng có hên có xui. Một người đàn em thủy lợi PBC khóa 75 tên MC ra trường, xem quyết định phân công hết hồn, về tận Minh Hải. Lên thắc mắc ông tổ chức nhà trường, ông lạnh lùng trả lời, Hải nào cũng là Hải, Minh Hải gần bên Thuận hải mà còn thắc mắc, cứ chấp hành. Cậu này nhăn mặt vác ba lô về xứ Cà Mau cách Phan Thiết chỉ có 600 cây số, ăn cua niệm Phật, lấy được một cô vợ xứ người, nay cũng đã dắt nhau về Phan Thiết, trong xui có hên.
Bây giờ Việt Nam gọi là đổi mới hội nhập gì đó, đúng ra là tụi bạn cũ mấy đứa bỏ chạy gần hết còn mấy thằng chẳng ra gì nên phải tìm bạn mới mà chơi, khác quắc thời bao cấp. Lên xe xuống phà, khách hàng là thượng đế, chỉ sợ tai nạn giao thông hơi nhiều, mỗi ngày lên đường chừng 30 mạng, khóa 72 mình cũng có góp mấy người như NN, H, C… Ăn uống thì gấu cọp chuột rắn rít dế bò cạp gì cũng có, miển đừng ăn mặn, vì cái gì cũng hóa chất cũng đồ TQ ăn vô không an toàn chút nào. Riêng chuyện giấy tờ thì cũng còn phiền phức nhiêu khê nếu không áp dụng câu “Nhập gia tùy tục nhập giang tùy khúc”, phong bì bao thơ đúng nơi đúng lúc.
Một thời để yêu, một thời để chết. Cũng có những thời chết thật nhưng yêu không nỗi. Các Bạn cứ tin đi, hết mưa lại nắng, bạn bè lại gặp nhau, dù răng đã rụng, tóc không còn, vẫn còn sức kể chuyện vui buồn hên xui, không còn mặt mày nhăn nhó lo mất sổ gạo.
Phạm Sanh P3/B2 72PBC
No comments:
Post a Comment