Monday, May 20, 2019

Nhiệm vụ - Nguyễn Thừa Bình

Đời, thường trớ trêu, nghịch lý, éo le. Có những điều mình không nghĩ tới, nó cứ xẩy ra. Những điều mình tin là nó sẽ xẩy ra thì y như rằng không xẩy ra, không bao giờ xẩy ra. Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ đi Cảnh sát thì nó dẫn mình vào Học viện Cảnh sát Quốc gia ra làm ông Biên tập viên mà mấy ông Tây gọi là Rédacteur, mấy ông Mỹ gọi là Redactor. Biên tập viên, tôi chưa có một chút khái niệm nào. Cũng có lúc mơ làm thầy giáo Trung học nhưng được Bộ Quốc gia Giáo dục cho về dạy Anh văn dưới Vĩnh bình thì co đầu rút cổ chạy. Giặc giả tùm lum, “thôi thi đi lính cho chắc ăn”, nhưng khi đã đậu khóa I Chiến tranh Chính trị thì bỏ xứ hoa Anh đào không thèm lên. Về Phan thiết cho gần nhà, ông Cò Nhị đưa làm Trưởng trại Tạm giam. Đặc biệt qua Sắc phục có mấy tháng mà phải vào Thủ đức học hơn 11 tháng mấy ngày. Trung tá Nguyễn Mâu dắt về lại Cảnh sát Đặc biệt Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Khu 2 ở Nha trang. Tháng 12 năm 1971, Trung tá Nguyễn văn Long đưa lên Gia nghĩa giữ chức Phụ tá Đặc biệt tỉnh Quảng đức. Từ đó, những vật đổi, sao dời tiếp theo, tiếp theo:
Tôi lên Quảng đức vào một xế chiều ngày mùa Đông. Gió Bấc thổi mạnh. Rừng xôn xao. Bụi hồng bay mù mịt. Trời lạnh buốt. Chiếc xe Cảnh sát phủ màu đất đỏ bazan. Bốn anh lính “đón Đại úy” đứng đó, hiên ngang đội rét trong chiếc field jacket dầy bụi phong trần, tay cầm M.16. Cảnh vật vô tình, lạnh lùng! Chiếc Cessna chở một minh tôi từ Nha trang đến đây, bỏ tôi đó, bay đi và đi mất. Trung sĩ Nguyễn văn Sơn lái xe. Đi theo “đón Đại úy” có Thiếu úy Lê văn Thuận, Trung sĩ Đặng văn Be và Thượng sĩ Nguyễn văn Thọ. Xe lên dốc xuống đồi, chạy qua phố chợ nhỏ nhoi, vắng vẻ, đìu hiu! Vài người Thượng mập mờ quảng đồi xa. Tôi khe khẻ trong lòng: “Người xót xa buồn lắm không? Không, sao lại bỏ phố lên rừng? Đi làm mây cao trên đèo vắng. Trời vào Đông có chạnh lòng”. Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia nghèo nàn. sơ sài, lượm thượm nằm chơi vơi trên lưng đèo đường vào Quận Khiêm đức. Bên trong kia, Đại đội Hành chánh Tiếp vận của Đại úy Trương minh Dũng, người để lại 2 bài thơ “Tuý Ca” và “Bỏ Phố Lên Rừng” tôi vừa đọc một đoạn ở trên. Đại úy Dũng, sau lên Thiếu tá, làm Tham mưu trưởng Tiểu khu, thay thế Thiếu tá Quãng bị Tướng Toàn đổi “đi trong vòng 24 giờ”. Từ những năm 1972 đến tháng 4 năm 1975, bà con ở đây thường nghe ổng hát “Nầy, nầy rót đi em từng chén buồn cay đắng. Cho ta cười trong nỗi xót xa đưa. Rót nữa đi em. Em rót đầy ly cạn. Say giùm ta, như từ thuở bao giờ...” với cái áo treillis hay civil, luôn luôn bạch ngực, tay cầm chai rượu, lon bia mà người thì cuồng say, chếnh choáng. Có khi “Sao người bỏ phố lên rừng. Sao người không nói ngập ngừng đắng cay. Mình tôi còn lại chốn nầy. Nửa đêm thức giấc, lòng ray rứt buồn” ông Dũng vừa là người lính vừa là nhà thơ, khuôn mặt đìu hiu nỗi buồn chơi vơi, chênh vênh cái tính nghệ sĩ của ổng, ai cũng mến, ai cũng thương cái tên “Dũng thuốc lào”. Tôi thì có nhiều kỷ niệm với ổng khi là Đại úy, lúc là Thiếu tá. Cuối năm 1972, một ông Trung sĩ, lính của ổng lái chiếc Honda 68, nghêng ngang chạy lạng quạng như chọc giận trước xe Cảnh sát của tôi. Tức quá, tôi rượt, đánh anh ta té lăn lóc dưới đất, ngay bên đồn Quân cảnh mà ổng chỉ “làm gì nóng dữ vậy?”, không hề kẻ cả với tôi một tiếng nào. Một đêm văn nghệ trước Tòa Hành chánh Tỉnh vào dịp tất niên năm Nhâm tý, đầu năm 1973. Đại úy Trương minh Dũng bấy giờ đã là Thiếu tá Tham mưu trưởng Trương minh Dũng, tay xách chai Hennessy cổ lùn, tay cầm ly rượu đến trước mặt tôi “Nầy, nầy rót nữa đi em từng chén buồn cay đắng. Cho ta cười trong nỗi xót xa đưa. Rót nữa đi em, em rót đầy ly cạn. Say giùm ta, say giùm ta như từ thuở bao giờ...” Tôi, ổng nốc “một trăm phần trăm”. Kế bên, Trung tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Nguyễn hữu Thiên và Trung tá Cao khánh Sang, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia cười, vỗ tay. Người người hô “dzô, dzô”, vỗ tay theo. Vậy mà, tôi tệ quá, không nể ổng một chút nào. Khoảng giữa năm 1974, tôi cứ “húc” đại 2 chiếc Jeep lùn A2 mới toanh có gắn antenna dài thường thược, một của ổng và một của Thiếu úy Phố, Trưởng đồn Quân cảnh Điều hành ngang tàng đậu bít khúc đường khu chợ trước tiệm tạp hóa Cao Nguyên, không cho xe ai qua lại. Tôi nghe giong rặt Huế: “Thằng nào đó?” Thiếu tá Dũng hỏi. Thiếu úy Phố trả lời “Đại úy Sáu”. Chắc thương tình thằng nhỏ ba gai, ba trợn, ba búa, ông Tham mưu trưởng cũng xuề xòa, xí xóa cười bỏ qua. Thiếu tá Trương minh Dũng còn biệt tài kể chuyện tiếu lâm, nhất là những câu chuyện “cười ra nước mắt” của hai ông Tuyên úy Phật giáo và Tuyên úy Công giáo. Đặc biệt là Công giáo của cha Cường biệt danh “Cường chịu chơi”. Một khi ngồi vào bàn ăn có Thầy hay có Cha dù chay hay mặn bất kể, Thiếu tá của ta cứ phạng ba cái chuyện “kể tầm bậy trúng tầm bạ” mấy ông nhà Chùa, mấy ông nhà Giòng. Ai cũng cười chết cha mà ổng thì phớt tỉnh ăng lê, từ từ rút cái “điếu cầy” lận trong bụng ra, thong thả nhận thuốc, rít một hơi dài thật dài, thả hồn vào cõi Ta bà. Bây giờ Thiếu tá Trương minh Dũng, lính chuyên nghiệp mà ca sĩ thì tài tử và nhà thơ cũng tài tử đã ra đi, đi vào cõi thiên thu ngàn trùng ngày 20 tháng 12 năm 2008 bên kẻ thù Cộng sản Việt nam. Đã hơn 2 năm qua rồi, người ta những đồng bào sống ở Gia nghĩa, ở toàn tỉnh Quảng đức, lây lan đến cả Ban mê Thuột thuở đó, chắc chắn rằng, ai cũng xót xa, bùi ngùi, thắp nén hương cầu nguyện anh vào cõi hư vô bình yên trăng sao, hoa bướm. Nói gì những người lính chiến hữu của anh, họ đau nỗi đau của anh, người chiến sĩ “Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng” mơ đời hải hồ, lãng tử “Nhất trạo giang sơn tận địa duy”. Tôi thương tiếc anh, kính trọng anh, một chiến sĩ Việt nam Cộng hòa tài năng văn võ, đức độ, khoan hòa mà nghệ sĩ thì vô cùng.
Đêm mới tới, Thượng sĩ Trang sĩ Minh “đãi cơm Đại uý Trưởng F”. Anh ta khoe có bà con với Đại tá Trang sĩ Tấn, đang là Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia Đô thành. Như hồi tù Cộng sản những năm 1982 đến 1984 ở trại giam Z.30C Hàm tân có ông Đại úy lùn xũn người Huế tên Ngô đình Cát, không dây mơ rễ má gì với gia đình Ngô đình Diệm cũng vơ một nắm vào “là cháu của cựu Tổng thống”. Sướng miệng, anh kể thành tích của mình như thể hù, dọa mà nhắn nhe với tôi là coi chừng, rằng “tôi đã bắn hụt Đại úy Phụ tá Đặc biệt Đặng vân Anh, nhưng cũng đã bắn nát được phòng ngủ của ổng và nát cả văn phòng G.Nghiên cứu, G.yểm trợ. Chuyện tương tự như vậy hồi ở Kontum, cho nên tôi phải “đi đầy” xuống đây”. Thượng sĩ Minh người Nam, tính hay khoe khoan, ưa làm kẻ cả. Mỗi tối, nhà của anh ta là “Tụ điểm Thời sự” cho những anh em vào gác đêm trà dư tửu hậu, cà kê dê ngỗng những chuyện của Sếp. Ảnh có thói hay cải, không thích tuân lệnh, kẻ cả và ta đây “30 năm trời kinh nghiệm” nên cao ngạo, trịch thượng. Các ông cựu Trưởng phòng Cảnh sát Đặc biệt Bùi Bình, Đặng vân Anh dám làm gì ổng đâu? Kiểu cách nầy, hiện tượng nầy hầu như toàn thể lính lác trong đơn vị, hoặc để lộ ra hoặc che đậy, dấu diếm. Nào ông trưởng G Thẩm vấn Nguyễn đức Nhuận trách móc, chê bai “làm bở hơi tai, mờ hai mắt, các ông lớn, nhỏ quá có biết gì đâu!”. Nào ông Lê văn Thuận, cựu Trưởng chi Cảnh sát Quốc gia Quận Kiến đức coi trời bằng vung, “các ông Trưởng G, Trưởng F là cái thá gì”. Hai ông người Thượng: Y’ Gê đã được cử làm Trưởng ty Cảnh sát và K’Sim làm Trưởng ty Nội an Tỉnh Quảng đức nếu không đập tan loạn Fulro chiếm Toà hành chánh Tỉnh tháng 10 năm 1964, cứ nhùng nhằng nhũng nhẵng công vụ một cách miễn cưỡng, vô trách nhiệm. Các anh, chị em khác ăn theo, học đòi, coi thường cấp chỉ huy. Các ông trước gọi là Phó ty Đặc biệt, sau gọi là Trưởng phòng Cảnh sát Đặc biệt hay cuối cùng là Phụ tá Đặc biệt là Phủng, Bình, Anh “cả nể”, “e dè”, “ngán” cứ để mỗi nhân viên của mình thành một ông vua, một tập đoàn ông vua “được chân lân đến đầu” theo tháng ngày trôi qua. Ông nào muốn “giong” về quê thăm vợ thăm con, thăm bồ thăm bịch của mình vài ngày thì cứ giong. Ông nào đã uống “ông già chống gậy” đả quá, cứ xách súng ngắn, súng dài bắn chơi đỡ ghiền, hăng máu, bắn luôn xếp như chơi. Ông nào thiếu tiền, đứng làm “chủ chứa” ngay trong đơn vị, kêu anh em bỏ gác, đánh phé, kiếm chút tiền còm xài qua tháng. Ông nào muốn làm, muốn nghỉ, muốn đi trể về sớm thì cứ tự nhiên như người Sài gòn. Ông nào muốn đôi co lớn tiếng, múa tay, đá chân, phùng mang, trợn mỏ với Sếp thì cứ, có chết thằng Tây đen, Tây trắng nào đâu!? Tôi, không thể và không để vậy mà coi cho được. Ông Minh, tôi phạt gác đêm 15 ngày liên tục, không cho đi phép 2 năm liền, đổi đi Kiến đức làm lính cho Thượng sĩ Phan văn Lựa để “dằn mặt” những ai chẳng “coi”, chẳng biết “nể” cấp chỉ huy là gì. Ông Nhuận, tôi rút súng Browning bạc nhỏ chút xíu tịch thu được của thằng Phi luật tân thời làm Trưởng trại Tạm giam ở Phan thiết, định bắn dọa thì ổng đã són đái mà muôn năm chừa tật xấu, răm rắp theo lệnh Đại úy. Cái súng nầy, tôi đã tặng cho Đại úy Hồ Hối, Đại đội trưởng Cảnh sát Dã chiến Lâm đồng khi di tản từ Quảng đức về Bảo lộc. Còn ông Thuận, muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ. Không sao. “Bất cứ ai vắng mặt bất hợp pháp, đều nhận lệnh phạt”. Thượng sĩ Thuận một lệnh phạt không sợ, hai lệnh phạt chưa sợ, ba lệnh phạt đã rung rinh. “Lệnh phạt thứ tư, tôi sẽ sa thải anh”, ông Thuận sau nầy trở thành một nhân viên gương mẫu, “kính và mến Đại úy Phụ tá”. Có Trưởng F. Đặc biệt nào trên toàn cõi nước Việt nam Cộng hòa bắt lính của mình phải “chùi súng”, phải bị “khám súng” phải “hít đất”, phải “nhảy xỗm” và trưa nắng phải ra sân tập cơ bản thao diễn “một, hai, ba, bốn, dậm chưng tại chỗ”, “chào tay”, “súng chào bắt”, “súng cầm tay bắt”, “trái, phải, trước, sau quây”? Tôi. Chỉ có tôi thằng ngang tàng, lì lợm, ít biết sợ ai, nhưng biết trọng kỷ luật, trật tự mới làm như vậy thôi. Những chuyện chướng tai gai mắt kỳ dị như thế làm sao tồn tại dưới hai con mắt của tôi, cái thằng trời sinh ra tính bướng bỉnh, tính chưa biết run. Mười một tháng Quân trường Quang trung, Thủ đức dạy tôi phải làm như vậy trong một tập thể như vậy mới được như vậy về sau đâu ra đó, đâu vào đó. Kỷ luật. Kỷ luật. Có ai bắn tôi đâu? Nhân viên có tệ như xửa như xưa nữa đâu? Tôi biết ở đây, cái Thị xã nhỏ không lớn hơn vòng đai chiến đấu của một Tiểu đoàn lính. Tiệm ăn, duy nhất chỉ có một tiệm Tàu Đất của ông bà ngườì Tàu trôi sông, lạc chợ lên đây. Cho nên có lạ gì đâu, bữa cơm đầu tiên của tôi lại ở nhà người lính của mình. Anh em đến “chào Đại úy Trưởng F” vừa để nhìn mặt cấp chỉ huy của mình có “mét” như Lưu Bị, có “đỏ” như Quan Cộng và có “đen” như Trương Phi không để mà ăn hiếp. Xí xô xí xào các giọng Nam, Trung , Bắc, Rhadé, M’nông...kể rằng “ai đã lên đây, đã ở đây đều là dân “tứ chiếng”, thành phần “vô kỷ luật”, “nghèo”... Tứ chiếng vì có đủ anh hào ”bốn vùng chiến thuật”. Vô kỷ luật vì ba gai, ba trợn, ba búa không ai thèm xài mà quăng lên đây. Nghèo vì không có tiền “chạy” nên phải lặn lội đến đây “đường không số, phố không đèn, mưa lầy, nắng bụi”. “Không quậy mới là lạ”. “Nề nếp, khuôn phép mới là lạ”. Nếu nói có một Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Tỉnh nào đặc biệt nhất nước Việt nam Cộng hòa thì đó là Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Tỉnh Quảng đức và F. Đặc biệt thì F. Đặc biệt Tỉnh Quảng Đức. Có những điều người ta nói thật, không ai tin bao giờ, còn bị chê là láo, khoác lác. Có những điều người ta bịa ra thì nhiều người khen hay còn cho là đáo để. Cho nên, chắc cũng có người gán cho tôi cái tội “nổ như tạc đạn”. Không sao. Tôi có nói “gần 4 năm làm Phụ tá Đặc biệt ở đây, tôi không dính dáng với ai một đồng cũng như không có tiền đóng hụi sống, hụi chết cho ai một xu, chỉ có trời mới tin”. Đó là sự thật một trăm phần trăm. Một phần tính bặm trợn mà lương thiện của tôi người ta cho là ngu, một phần ở đây có cái gì mà ăn với uống, có chăng, cái khố dơ của mấy anh Thượng che “cu”, cái xà rong mấy mụ Thượng dấu “bĩm.
Người ta nói: “Quảng đức lớn không bằng ai, có gì mà làm?” Xin lỗi. Ngành Cảnh sát Đặc biệt vốn đa đoan, lắm chuyện và ê hề rắc rối thì nhỏ, lớn dù khác nhau cái bề thế nhưng giống nhau cái hậu trường “Trận liệt”, “Địa phương chí” hết sức mệt. Mỗi tỉnh, nó có những cái khó, cái khác nhau hoàn toàn, đố đâu giống nhau cho được. Ở Bình đinh của ông Phan quang Nghiệp, ở Phú yên của ông Phạm đức Hoàng, ở Phan thiết của ông Trần văn Thả hay ở Pleiku của ông Tạ văn Quờn, ở Khánh hòa của ông Nguyễn văn Độ, ở Ninh thuận của ông Nguyễn văn Thắng...không có ông K’Bi gốc người M’nông, Mạa hay K’ho làm Chủ tịch Hội đồng tỉnh, gây khó chịu hết sức; Không có ông Dân biểu học lớp Ba “kênh xì po” lấy oai, làm mệt anh lính “bảo vệ yếu nhân” và các ông Tỉnh trưởng, Cảnh sát trưởng, F trưởng...; Không có những ông lính, những ông cảnh sát, những ông công chức thường là lý do kỷ luật mà lên đây phá phách dữ; Không có tỉnh Mondolkiri của Campuchia giáp ranh với Việt nam. để lại nhiều phiền hà băng đường biên giới; Không có giàu kinh tế làm nghèo xơ nghèo xác từ dân tới ông lớn, ông nhỏ chức quyền địa phương; Không có cột mốc “Ba Biên giới” mấy ông Tây cắm dùi thời Pháp gọi là “Trois Frontières” có ba mũi tên chỉ Vietnam, Laos, Cambodge ở ngả ba Dakson mà hiềm khích liên tù tì chuyện đại sự quốc gia; Không có ông Trung sĩ An ninh Quân đội Nguyễn đình Khôi bắt ông Đại tá Hồ Nghĩa thoái vị Tỉnh trưởng ngày 1 tháng 11 năm 1963; Không có “CIDG” là Civilian Irregular Defense Group mà ta gọi là Dân sự Chiến đấu, Lực lượng Đặc biệt, Biệt động quân Biên phòng trấn yên biên thùy Việt-Cambodge phiền nhiễu biết bao; Không có “Fulro” viết tắt từ Front Unifié pour la Libération des Races Opprimées nổi loạn, giết lính Quốc gia người Kinh, chiếm Toà Hành chánh Tỉnh Quảng đức... vân vân và vân vân....làm sao nói cho hết?.
Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng ngày tôi mới tới là Trung tá Hoàng công Duân thay thế Trung tá Đặng hữu Hồng tử trận trên Quốc lộ 14, chặng đường Kiến đức đi Đức lập. Đâu chừng một, hai tháng sau đó, Đại tá Phan đình Niệm thay thế chức Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tỉnh Quảng đức. Đại tá Niệm, bình dân mà cương quyết, tình cảm mà nguyên tắc. Ổng thường chào tay trước khi mình kịp chào và chữ ký thì to dềnh dàng và rõ ràng ràng Phan đình Niệm. Một hôm Đai úy Srưn, người Thượng, Tiểu đoàn trưởng một Tiểu đoàn Địa phương quân ở Quận Kiến đức gặp Đại tá Phan đình Niệm, xin bảo lảnh mấy người bà con bị G. Đặc biệt Quận Đức lập bắt vì tội hoạt động cho Việt cộng. Tôi được gọi vào Tòa Hành chánh Tỉnh hỏi ý kiến. Tôi nói “nếu Đại úy làm giấy bảo lảnh, “cam kết” những người bà con của mình không liên hệ với Việt cộng và “bảo đảm” sau nầy họ không có hoạt động cho Cộng sản. Nếu được Đại tá phê thuận thì, tôi thừa lệnh thả họ về”. Đại úy Srưn chối bải hải và “cám ơn Đại tá, cám ơn Đại úy” ra về. Một buổi họp Phụng hoàng Tỉnh dưới sự chủ tọa của Đại tá Đạm, Phụng hoàng Khu II. Một anh Chuẩn úy bước vào, tay cầm chắc nịch một trái lựu đạn M.26 không còn chốt an toàn và sẳn sàng cho nổ bât kỳ lúc nào. Ảnh dính theo Đại tá Niệm không xa một lóng tay. Ai dám bắn, lỡ lây Đại tá thì chết. Hôm đó Chuẩn tướng Nguyễn hữu Hạnh, Tư lệnh Phó Quân đoàn II về Tiểu khu thanh tra việc phòng thủ. Một bữa cơm được dọn ra mời Chuẩn tướng và phái đoàn. Ai cũng run trong bụng, ăn với uống cái gì, cứ chăm chăm dòm anh Chuẩn úy có rục rịch cái gì là “dzọt” lẹ mà trốn, mà chạy mà cũng có thể nát thây tại hiện trường một cách oan uổng như chơi. Cuối cùng anh ta bị xô xuống đồi Tiểu khu và bị bắn chết. May ảnh không phải là đặc công đặc kiết gì của Việt cộng cả, không thì tướng, tá, úy...còn mạng nào sống. Cũng tội cho anh ta, người bắt phải nhận “quầy hàng quân tiếp vụ” mà sạch bách “hàng quân tiếp vụ”. Chuẩn úy xin không nhận. Đại tá bắt phải nhận. “Quân lệnh như sơn”, anh Chuẩn úy chết vì người ta “ăn” không chừa thứ gì trong kho “quân tiếp vụ”. Nhận chức Trưởng Quầy hàng Quân tiềp vụ để mà chết à! Hóa ra, không nhận cũng chết và chết thảm nữa chớ. Phòng họp hôm đó có đúng con số kỵ 13, 13 người, dĩ nhiên có tôi, Trưởng F Đặc biệt là một hội viên. Xin kể: Đại tá Đạm Phụng hoàng Khu 2, Đại tá Niệm Tỉnh trưởng, Trung tá Sang Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia, Thiếu tá Quảng Tham mưu trưởng Tiểu khu, Đại úy Đề Trưởng ty An ninh Quân đội, tôi Trưởng F Đặc biệt, Đại úy Tư Trưởng phòng 2, Đại úy Văn Trưởng ty Chiêu hồi, Duyệt, Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn, Kỳ Chỉ huy phó Thám sát Tỉnh, Đại úy Khen Phụng hoàng Tỉnh, cô thư ký đánh máy và một người nữa quên tên, có thể là Đại úy Khánh, Quận trưởng Quận Khiêm đức trước khi lên Thiếu tá hoán chức Quận trưởng với Thiếu tá Hiếu. Có phải tại con số 13 hay tại hai đêm trước đó có một con đỏ, cũng có người gọi là con mang chạy vào Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Tỉnh, băng qua Toà Hành chánh Tỉnh, bang xuống Tiểu khu? Bởi chỉ cách đó vài năm, cũng một chú đỏ lang thang ngoài khu phố chợ mà hai dẫy phố và chợ Gia nghĩa bị tiêu tùng. Trung tá Sang tin dị đoan biết mấy, đã áo dài khăn đóng cúng với kiến rồi, vậy mà vẫn không thiêng. Một phen Đại tá Phan đình Niệm hết hồn! Anh trung sĩ lái xe Đại tá đứng bắn “kẻ mưu loạn” bị thương cụt cái chưng.
Đại tá Phan đình Niệm về Bình định làm Tư lệnh Sư đoàn 22, thay thế là Trung tá Cao văn Chơn. Trung tá Chơn quá tĩ mĩ, chi tiết, không được một chút nào rộng rãi như Đại tá Niệm. Chỉ một cái lệnh hết sức tai hại mà còn một chút nữa chết biết bao nhiều người vô duyên, vô lý, trong đó có nhóm thằng tôi. Một sáng tại Tiểu khu, ông bạn Tư, Thiếu tá Trưởng phòng 2. Ông Chỉ huy phó Thám sát Tỉnh Nguyễn văn Kỳ và tôi, trưởng F. Đặc biệt thuyết trình không giống nhau địa điểm xuất hiện Đội công tác B.10 của Phạm Trị ở Đạo nghĩa mà “các ông đơn vị trưởng phải đích thân đi phối kiểm”. “Đích thân đi phối kiểm” để Phòng 2 Tiểu khu phải đi đoong một ông Thiếu tá, một ông Trung sĩ và thêm vài người lính nữa bị thương. Hên, tôi cả chục người và Thám sát Tỉnh cũng chừng ấy người không sao cả. May là ông Trung tá Cao văn Chơn nầy chỉ làm ông Tỉnh võn vẹn đúng một tháng thì bị “tống cựu” để Trung tá Nguyễn hữu Thiên được “nghinh tân” thay thế. Trung tá Nguyễn hữu Thiên người Nam, dễ dãi, vui vẻ, hiền hòa. Làm việc với Trung tá Thiên, tôi có hai việc đáng nhớ: Việc thứ nhất là chủ tiệm tạp hóa Khải hoàn cũng là một “huyện đề” bị G.Công tác của Thiếu úy Lang bắt. Lẻ ra, Phòng Cảnh sát Tư pháp của Trung úy Cơ làm việc nầy vì thương gia nổi tiếng nầy ở đây đang “tố” xì phé. Ổng bị Cảnh sát Đặc biệt bắt vì “tụ tập đông quá năm người”, tình nghi hoạt động chính trị. Trung tá Thiên muốn ban “lệnh cấm cố đương sự với những cá nhân liên hệ vào Đức xuyên”. Tôi cố thuyết phục rằng “vi phạm của các đương sự có tính hình sự không nặng. Yếu tố chính trị không có và nếu có thì cũng không đáng nguy hiểm đến nổi nhận lệnh cấm cố”. Tôi biết, ông nhà giàu Khải hoàn không được lòng và vì sao không được lòng ông Tỉnh trưởng mà còn chút nữa phải vào Đức xuyên “nằm ấp” nhiều năm biệt xứ. Việc thứ hai là, khoảng 10 giờ sáng Chủ nhật ngày 28 tháng 1 năm 1973, sau Hiệp định Paris chưa hơn một nửa ngày ráo mực. Trung tá Thiên gọi tôi qua Toà hành Chánh, bảo “Anh ra Nghi xuân coi tụi thằng Thiện sao “loạn cào cào” với mấy thằng trong rừng ra như vậy?” Tôi kèm theo một số lính Biệt đội Cảnh sát Đặc biệt lấy từ Cảnh sát Dã chiến qua và lính Thám sát Đặc biệt Special Reconaissance Unit, tiền thân của Đơn vị Thám sát Tỉnh Provincial Reconnaissance Unit, thường gọi tắt là PRU lên đường. Rõ ràng Đại úy Thiện, Chi khu phó Quận Khiêm đức đang bối rối, không biết giải quyết làm sao. Lính Việt nam Cộng hòa, lính Việt cộng và dân ở đây đang “ăn Tết” với nhau một cách thái bình. “Chết cha!”. Phải làm sao? Phải rồi, “dụ khị” mà bắt về. Về G. Công tác lập biên bản: “một Đại đội Phó, một Trung đội trưởng, một Y tá, một Truyền tin và ba khinh binh với 06 AK 47, 03 B.40, 01 K.54, 01 máy truyền tin, 10 lựu đạn nội hóa, 01 radio” Tìm Trung tá Tỉnh trưởng báo cáo, Trung tá Nguyễn hữu Thiên sợ vi phạm hiệp định, tảng lờ, đi vắng. Gặp Trung tá Chỉ huy trưởng, Trung tá Cao khánh Sang lúng túng, lo ngại “giao anh giải quyết”. Tôi cứ nghĩ là, bên nào, không làm đúng “ngừng bắn tại chỗ “an in-place cease-fire”” và “các đơn vị quân sự ở nguyên vị trí “remain in-place”” là vi phạm Hiệp định Paris phải được giữ lại và giao cho “Ủy ban Liên hợp Quân sự Bốn bên “the Four-Party Joint Military Commission”” hay “Ủy ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát “the International Commission of Control and Supervision””. Hơn nữa, bảy người với súng đạn đầy đủ, ai biết họ tấn công mình hồi nào? Đêm đó, Xã Đạo nghĩa bị đánh. Khắp nước Việt nam Cộng hòa bị đánh. Ai tin tụi Việt cộng bao giờ? Tiền hung, hậu kiết, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tỉnh Quảng đức, Trung tá Nguyễn hữu Thiên “cấp Đại úy Sáu một Anh dũng Bội tinh Ngôi sao Đồng” đầu tiên trong năm 1973 của Tiểu khu Quảng đức. Trung tá Cao khánh Sang hết sợ Bộ tư lệnh quở, không ngần ngại “khen Đại úy Sáu điếc không sợ súng”. Một sáng ngày vào Thu nơi phi trường Nhơn cơ thuộc Quận Kiến đức, một chiếc C-47 hạ cánh. Một chàng trai người Thượng hết sức gấp rút cỡi chiếc Honda 68 màu đen trong bụng chiếc máy bay vụt ra. Đáng nghi ngờ! Đáng ngạc nhiên! Một “Mission impossible?” Tôi rượt theo. Đương sự xả hềt ga chạy vào hướng Bukso 3. Tôi cho G. Đặc biệt Kìến đức chặn đường y về. Chừng một giờ sau, anh chàng vùn vụt chạy bất kể trở về đường cũ. Một cách phách lối, ngang ngược, trịch thượng “các ông làm chậm công việc của tôi, các ông chịu trách nhiệm”, “phi cơ đậu lại phi trường, chi phí bao nhiêu, các ông phải cáng đáng”. Giận rồi, thằng máu anh hùng rơm của tôi nổi lên “mầy không nói rõ ràng đến đây đi đâu, làm gì, với ai...tao còng tay bây giờ”. Thượng sĩ Phan văn Lựa đem cái còng số 8 ra. Nhiều anh em sấn tới. “Nói không, tao còng, nhốt ngay”, tôi lớn tiếng. Thấy không êm, nó nói “em liên lạc với mấy Mục sư Tin lành. Không có gì khác”. Biết rằng, tên nầy chẳng là Việt cộng, Việt gian, Việt lậu gì hết trơn, tôi tha cho đi. Tôi có trình bày lại vịệc nầy cho Trung tá Tỉnh trưởng Nguyễn hữu Thiên và Trung tá Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia Trần ngọc Giang. Hai ông đều giống nhau “tổ chức CIA hết trơn”. Bây giờ tôi nghĩ, trước khi bỏ Việt nam Cộng hòa, Mỹ chắc chắn có gài người ở lại. Gài ai không biết, nhưng các Mục sư người Thượng ở Cao nguyên thì chắc.
Tôi không nhớ chắc ngày, tháng, có lẻ là cuối năm 1973 hay đầu năm 1974 gì đó, Đại tá Phạm văn Nghìn từ Quân khu 2, được Trung tướng Nguyễn văn Toàn cho về làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Quảng đức, thay thế cho Trung tá Nguyễn hữu Thiên tại sân chào cờ Toà hành chánh Tỉnh vào một sáng trời Cao nguyên lành lạnh. Người ta nói với nhau: “Quan Năm đi, Quan Sáu về” hay “tống cựu, nghinh tân Năm Ngàn, Sáu Nghìn”. Đại tá Nghìn trông oai dõng, anh hùng và như thể ôm đồm đeo hết gánh nặng chiến tranh Việt nam vào người. Ổng lúc nào cũng trực thăng vi vút trên trời cao với truyền tin xè xè, nón sắt hai lớp chình chịch, dây ba chạc nhà binh dềnh dàng, bi đông nước bên hông, lựu đạn trên ngực, súng lục bên sườn, lính theo hầu và “escort” rườm rà, ai thấy cũng khép nép, e dè. Nhưng “nước rặt mới biết cỏ thúi” hay “cháy nhà mới ra mặt chuột”, ông bà ta nói đúng lắm. Trung tuần tháng 4 năm 1975, ổng ngán Việt cộng “úp đồn” nên sau đó đã “dzọt” ngọt sớt về Lâm đồng, trốn biệt tích. Không biết có rủ Trung tá Trần ngọc Giang, Chỉ huy trưỏng Cảnh sát Quốc gia Tỉnh Quảng đức đi theo không mà Quảng đức đìu hiu những ngày sắp chạy, không thấy ông nầy và cũng chẳng thấy ông kia? Nghe nói hai ổng là ngưòi anh em cùng Khóa 4 Bis Cương quyết Thủ đức lên Đà lạt học cùng thời Khóa 10 Trần bình Trọng Võ bị. Rất tiếc, có ông nhà báo, có phải “nhà báo nói láo ăn tiền” và một ông pháo binh, pháo binh mà dám nhận đã chỉ huy “chạy trốn” Việt cộng, làm như Tiểu khu Quảng đức chết tiệt hết trơn, cả gan nói ông Đại tá đã ở lại tử thủ. Hồ đồ! Tôi nhớ một lần được Đại tá triệu qua Toà Hành chánh Tỉnh, bảo “người ta báo cáo ông Thiếu tá Quận trưởng Hồ viết Lượng đã cướp cà phê của ông Trần trọng Lưu và vợ thì tranh đoạt mua bán, đầu cơ phân bón với dân. Đại úy ra điều tra. Báo cáo ngay trong ngày”. Ổng đứng dậy, không bắt tay, không một lời nào và kênh kênh thói người chỉ huy đầy quyền lực. Tôi đứng nghiêm, chào tay và “tuân lệnh”, đi ngay. Tôi, tài xế và hai anh lính hộ vệ mấy giờ sau đã đến Đức lập. Phải thật mau. Tôi vào Tư minh gặp cha Thanh?, lên nhà gổ gặp đại diện ông triệu phú cà phê Trần trọng Lưu, xuống chợ gặp chú Chệt dính dáng ba cái chuyện phân bón, đâu còn giờ gì nữa mà vào Quận đường gặp ông Lượng. Về làm báo cáo, một báo cáo không có lợi một chút nào cho ông Quận trưởng gốc “Cọp Ba Đầu Rằn” nầy. Sau đó mấy hôm, cái tên, cái cấp, cái chức Thiếu tá Hồ viết Lượng, Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng Chi khu Đức lập bị xóa. Trung tá Nguyễn cao Vực về thay thế cho đến hồi Quận Đức lập bị tụi Việt cộng đánh chiếm ngày 9 tháng 4 năm 1975. Những tháng trong năm 1974, các tin tức liên quan nhiều người trong Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chánh Xã Đạo nghĩa có tiếp xúc, tiếp tế cho Việt cộng được ghi nhận. Nhân Đại úy Nguyễn văn Diệp, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia Quận Khiêm đức, nguyên là Biên tập viên Khóa 3 Học viện Cảnh sát Quốc gia phàn nàn “cái ông Xã trưởng Nguyễn văn Mao ỷ thế Thiếu tá Nguyễn văn Khánh, Quận trưởng Quận Kiến đức kiêm Chi khu trưởng Chi khu Kiến đức, coi thường Cảnh sát. Lính của tôi chận xe đò của ông ta lại khám xét, ổng có bao giờ ngừng, cứ phăng phăng chạy luôn, có khi còn diễu cợt”. “Để tui”. Tôi nói mà lòng vừa tức cái tên Xã trưởng nhà quê mà cũng giận cái ông Đại úy nhà ta nhát gan mà bình thường, “mưu chước” sâu thăm thẳm lắm mà!. Đụng tới mấy ông Hội đồng Tỉnh, Hội đồng Xã bị toi mạng như chơi. Biết mà! Tôi làm phiếu trình xin bắt gần như toàn thể Ủy ban Hành chánh Xã và Hội đồng Xã của Xã Đạo nghĩa lên Đại tá Tỉnh trưởng Phạm văn Nghìn thông qua Trung tá Chỉ huy trưởng Trần ngọc Giang. Lệnh hành quân, công vụ lệnh, Đại tá Tỉnh trưởng ký. F. Đặc biệt bắt trọn lõn cả chục tên “ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản” êm ru. Lạ, sau đó ông Quận Khánh thấy mình từ xa đã chào, tới gần bắt tay. Ông Xã trưởng tơ lơ mơ, ngông nghênh của Thi xã Gia nghĩa tên Xuân đã biết “lễ độ” mà khúm núm. Ông Trưởng ty Tài chánh ỷ thế cầm “hầu bao” của Tỉnh mà lớn lối, đã biết sợ tội lem nhem, bây giờ mềm mỏng một thưa Đại úy, hai thưa Đại úy. Ông Trưởng ty Xã hội không rõ can cớ gì “biếu Đại úy cái mền Đại hàn, đắp ấm mùa Đông”. Ừ, chắc ổng ngán đồ cứu trợ nạn nhân chiến cuộc không chân mà “chẩu” hết chăng? Đời, cái nầy nó dính cái kia. Mấy ông quan cai trị cái xứ Đức lập nhỏ nhoi mà giàu cà phê nầy liệu hồn, trái ý Cha là bị “bứng” ngay; Không “có gì” với Tá của Tỉnh và Tướng của Khu thì “mất chức” là đương nhiên, không vô tù là may. Thiếu tá Lượng chạy đâu cho khỏi nắng!? Báo cáo của tôi chỉ là một trong nhiều cái cớ để mấy ông lớn có danh chánh, ngôn thuận “nhổ” người ta đi mà thôi.
Nói tới Quảng đức vào cái thời tôi làm việc mà không nhắc tới Dân biểu Vương sơn Thông là một thiếu sót đáng phiền hà. Tôi lên đây đã có ổng và cuối cùng vẫn còn ổng. Dân biểu Vương sơn Thông lúc nào cũng “diện” bộ râu và “kẻng” áo quần theo “mode” kênh kênh của Phó Tổng thống Nguyễn cao Kỳ. Trước khi về đơn vị Thị xã Gia nghĩa để “nhá”, bao giờ ông ta cũng gửi thông báo chỗ nầy, chỗ kia. Tôi nhận một lần nhiều công điện, văn thư...của Bộ tư lệnh Cảnh sát Quốc gia ở Sài gòn, của Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Khu 2, của Tỏa hành chánh Tỉnh Quảng đức và của chính văn phòng ông Dân biểu...bảo “cần bảo vệ”. Chú Nguyễn văn Mùi của tôi được ủy thác lo công tác “bảo vệ yếu nhân” cho ông Dân biểu thích làm “le” nầy. Dân biểu Thông, người Bắc, thợ chụp hình, học lực Tiểu học. Vì một Tỉnh vỏn vẹn bốn chục ngàn dân, đa số là sắc tộc thiểu số người Thượng với một nhúm người Kinh không lưu luyến gì ở đây nên một người như ông Vương sơn Thông có một chút giảo hoạt, đắc cử Dân biểu cũng không khó, không gì lạ. Người ăn học, dẫu gì cung cách cũng có văn hóa. Ông Dân biểu nhà ta bởi “cóc nhảy bàn thờ” nên cư xử dễ bị người ta ghét, chê là dân làng chàng, lạng quạng. Tôi mấy lần không cho Trung sĩ Mùi làm nhiệm vụ một người bảo vệ yếu nhân cho ông ta vì bị xử dụng như tay sai vặt. Ổng nói với Bộ tư lệnh, với Tỉnh trưởng, với Chỉ huy trưởng rằng, thì, là “Đại úy Sáu không hợp tác”. Thay người khác, ổng không chịu và nhứt nhứt “tôi chỉ cần anh Trung sĩ Nguyễn văn Mùi mà thôi”. Mấy ông lớn “thôi kệ”. Tôi bực, “kệ thì kệ” cũng chẳng chết thằng Tây nào. Có điều, không đúng, không được. Không đúng, không được thì làm gì bây giờ!? Một hôm, trên dốc lên chợ. ông Dân biểu đã xã “lù” nước xe ba gác của anh đổ nước mưón, xém chút nữa đánh lộn với người cử tri hèn kém của mình. Coi được không!? Hỏi ra, vì anh đổ nước đã không đổ nhà ông Dân biểu trước. Anh đổ nước bảo “ai kêu trước, tôi đổ trước, ổng kêu sau, đổ trước sao được. Dân biểu là cha sao? Muốn làm cha sao không vô nhà Giòng đi tu?” Có lẻ như vậy mà Cha Thanh ở Đức Lập, cha Hạnh ở Gia nghĩa, cha Mauriceau người Pháp bên giòng suối Đăk nông nói hoài: “Đại úy Sáu ra làm Dân biểu đi, Cha ủng hộ cho”. Tôi đâm lo: “cám ơn Cha, con không làm được”. Ở đây, tôi dám cả quyết là, nếu được các Cha đưa lên hay hạ xuống thì dễ như trở bàn tay và chết cũng không khó như giỡ bàn chân. Dân biểu hay biểu dân không phải nghề của mình, không dại dấn thân
Dĩ nhiên còn rất nhiều chuyện, sao kể cho hết. Chuyện ông Hà thúc Trân, không biết có bà con họ hàng gì với Đại úy Hà thúc Nhơn ở bịnh viện Nguyễn Huệ Nha trang hồi xưa? Đã đơn thương độc mã đem súng qua Tiểu khu bắn chơi; Chuyện ông Thiếu úy Hoàng nhậu đả trong nhà một người Thượng, cởi hết áo quần ra, trần truồng nằm trên chõng, không còn biết trời trăng, mây nước; Chuyện ông Thiếu tá Phi, trưởng phòng 4 Tiểu khu mê gái quán Mây Hồng bắn đại úy Đãnh, Chủ sự Phòng Cảnh sát bị thương rồi kê súng vào màng tang “đoành” một cái, chết tức thì; Chuyện mấy anh lính Cảnh sát Dã chiến Ngữ Lùn, Mười Sủi, K’lanh thử súng M.79, K.54, M.16 đùng đùng hoài; Chuyện Đức ròm, buồn trời hiu quạnh, lấy dao “phụp” hai ngón tay, gói lại làm kỷ niệm; Chuyện Thượng sĩ già Nguyễn văn Thọ muốn đi phép thì, lấy súng bắn chỉ thiên, khóc như con nít, lăn lóc dưới đất: Chuyện ông thầy thuốc Bắc tên Bảy Trí, Bí thư Nhân xã Cánh mạng Đảng ghét cay ghét đắng Thiếu úy Lu đã bắt ông ta, lập biên bản có liên hệ với Cộng sản mà ác cảm với Cảnh sát. Thiếu úy Lu sau nầy lên Đại úy, làm Chỉ huy trưởng Quận Kiến đức, chạy nhanh hơn ai hết khi Quận bi Việt cộng tấn công làm nát bét; Chuyện Trung tá Sang chỉ hơi hơi thiếu kích thước một chút mà những anh chàng lính hỗn hào ghi mấy giòng “Người lùn gieo máu lửa” làm Trung tá sôi gan...bỏ qua, vì có tìm ra thủ phạm đâu mà sát thủ. Cho nên, ở đâu cũng có cái sự đời rắc rối. Mỗi địa phương có những cái khác nhau. Tựu chung đều nhiêu khê, đa đoan mà chúng ta, những người có trách nhiệm phải giải quyết và đã giải quyết một cách xuôi chèo mát mái. Những người anh em Học viện Cảnh sát Quốc gia không hổ thẹn xuất thân từ một lò đào tạo nhân tài. Họ là những người trai trẻ, học thức, nhiệt tình và tinh thần Tổ quốc, Công minh, Liêm chính. Ngồi đây không phải ôn cố tri tân mà ngồi đây viết đôi giòng chuyện xưa cũ để mình nhâm nhi thuở một thời hiên ngang, xông pha và tiếc nuối mộng giang tay xây dựng cơ đồ một sớm một chiều tan hoang. Người ta nói, một câu nói ngậm ngùi, ứa lệ: “bại binh chi tướng, bất khả ngôn dũng. Vong quốc chi đại phu, bất khả ngôn trí”. Đã là tướng bại trận thì không thể nói là tướng mạnh. Đã là quan mất nước thì không thể nói là quan hay. Thấm thía biết chừng nào! Bổng nhói trong lòng, tôi xuất khẩu làm thơ, bài thơ Vụn Vỡ để nhớ thật nhiều, thương thật nhiều anh em một mái trường mẹ Học viện Cảnh sát Quốc gia, ra đời chịu biết mấy là “tang điền thương hải”:

Đã gần một nửa trăm năm.
Ta gần Học viện, ta xa ra trường.
Chim trời bổng cánh muôn phương.
Dẫu cùng Việt quốc, dẫu gì gặp nhau?
Đứa Năm căn, đứa Cà mau,
Đứa vào Cao lảnh, đứa về Cần thơ,
Đứa ngoài Quảng trị bơ vơ,
Đứa trong Đà nẳng dật dờ tháng năm!
Ba Mươi, Tháng Tư, Bảy Lăm!
Đứa vào lao lý, đứa ra pháp trường,
Đứa chết, chết đứng giữa đường,
Đứa cùng đường, chạy tha phương xứ người,
Đứa sống như chết đi rồi,
Đứa ngồi ôm “thuở-nửa-đời-trăm-năm” ..


NGUYỄN THỪA BÌNH

No comments:

Post a Comment