Ngày ấy
Cái tựa đề bài viết này nghe lớn chuyện vậy chớ thật ra không có gì to tát đâu; tôi chỉ mô phỏng anh Nguyễn Duy Sâm sau khi đọc bài viết “Thầy Vĩnh Giêng và Tôi” của anh do nhà thơ nhà biên khảo Mường Giang chuyển tiếp thôi.[1]
Trong đời mỗi người có nhiều dịp hoặc nhiều sự kiện để mình nhớ, nhưng tôi cho là mình thường nhớ nhiều nhất những kỷ niệm thời Trung học. Với tôi, đó là quảng thời gian đẹp nhất trong đời tôi được là học sinh của Trường Trung học Phan Bội Châu Phan Thiết.
Dường như thời Trung học chính là thời hoàng kim trong thế giới tình cảm của mỗi con người; lúc đó mình không còn ở tuổi nhi đồng vô tư lự như của thời Tiểu học nữa mà đã bước vào tuổi thiếu niên. Trong thời gian học Trung học, chúng ta lớn lên, về cả mặt tâm lý và sinh lý chúng ta có những biển đổi quan trọng, kèm với sự xuất hiện mới của những cảm xúc và cảm nhận không còn đơn giản như trước kia. Ngày hai buổi tiếp xúc gần gũi với các bạn dưới cùng mái trường thân yêu năm này qua năm khác (hồi đó trường học ngày hai buổi), khiến mình nảy sinh những tình cảm thân thiết với trường với bạn. Đó là thời mình sống nhiều bằng cảm xúc mà hồi còn ở tiểu học mình chưa có được. Dù bộ óc phát triển thêm nhiều nếp nhăn nho nhỏ do kiến thức mới học được ở nhà trường mang lại, nhưng trái tim mình vẫn còn mềm mại để sẵn sàng rung đập một cách rộn ràng; lòng mình vẫn còn ngây thơ ngơ ngác trước những điều mới lạ. Có lẽ chính trong quảng thời gian này, phần lớn chúng ta bắt đầu trải nghiệm những biến động mới trong tình cảm, trước hết là tình cảm tôn kính các thầy cô vốn đã sẵn có trong lòng mình từ những năm tiểu học, thứ đến là với bạn. Ngoài tình bạn học bình thường từ sự giao tiếp với nhau hàng ngày, từ đây xuất hiện một thứ tình cảm mới thường là với một cô /anh bạn dễ thương trong lớp; một thứ gì đó “giống như là tình yêu”, hoặc một thứ tình yêu non nớt lãng mạn đầu đời nhưng vô cùng ngọt ngào thơ mộng. Những biến động tinh thần mới mẻ đó tạo một thứ men say mà “nghìn năm hồ dễ mấy ai quên.” Trang lụa trắng của tâm hồn tôi được vẽ lên những hoa bướm rực rỡ đầu tiên ở đó, dưới mái trường Trung học Phan Bội Châu. Và cũng ở đó tôi bắt đầu làm thơ. Những kỷ niệm ngọt ngào từ quảng thời gian đó gắn bó với bản thân tôi sâu đậm hơn những thời kỳ khác sau này. Có lẽ dễ hiểu khi hàng năm chúng ta thường tổ chức những cuộc họp mặt bạn bè thời trung học mà không có nhiều những cuộc họp mặt bạn bè thời tiểu học hay đại học.
Tôi không phải là người sinh trưởng ở Phan Thiết. Quê tôi là làng Bình Thạnh có thắng cảnh Chùa Hang (Cổ Thạch Tự), thuộc Quận Tuy Phong. Ngôi làng nhỏ ven biển từng là một ổ du kích trong thời kháng chiến chống Pháp, bị quân Pháp tàn phá đến tiêu điều. Toàn bộ dân làng bị buộc phải bỏ nhà cửa tản cư nơi khác, chủ yếu là qua sống ở làng Long Hương bên Quận cho đến sau năm 1954 mới lác đác có người hồi hương.
Do làng mới hồi cư còn hoang phế, chưa có trường học, trẻ con trong làng muốn đi học phải qua Long Hương ở trọ nhà người quen hoặc nhà thân nhân của gia đình còn trụ lại ở đó để theo học tại Trường Tiểu học (công lập) duy nhất trong Quận. Có lẽ do sự bất tiện này mà số trẻ con trong làng tôi thời đó được đi học đến hết bậc tiểu học là không nhiều, và số học sinh đi xa hơn cái trường Tiểu Học Long Hương chỉ đếm chưa hết số ngón trên một bàn tay! Cụ thể, nếu tôi nhớ không sót người nào, con số đó là… bốn người, mà chỉ có “năm mươi phần trăm” trong số đó về sau trở thành học sinh của Trường Trung học Phan Bội Châu Phan Thiết – ngôi trường Trung học công lập duy nhất của toàn tỉnh Bình Thuận, vào năm tôi thi vào lớp Đệ Thất trường này. Tôi là người thứ hai của năm mươi phần trăm đó. Người thứ nhất là anh NBD, con của ông bác họ của tôi. Anh NBD có đầy đủ ba ưu điểm quý giá mà không những con trai, ngay cả con gái thời nào cũng ham chuộng: con nhà giàu, đẹp trai, và học giỏi. Nhà bác họ tôi rất khá giả. Anh được đi học là điều được nhiều người trong làng cho là đương nhiên, không ai so bì gì; và anh thi đậu vào trường Phan Bội Châu cũng không ai cho là chuyện lạ. Tôi không có chút gì sánh được với người anh họ hiền lành đáng mến này.
Tôi có hai đứa em, chúng tôi mồ côi cha rất sớm. Tôi không nhớ được mẹ tôi đã dựa vào nguồn lực hay phép màu nào mà trước đó đã cho hai đứa con trai đi học bên Quận, bởi nhà tôi nghèo. Chuyện cho con đi học này đã bị nhiều người trong làng xầm xì cho rằng sau này chúng tôi sẽ là những đứa “lỡ thầy lỡ thợ”. Làng xóm điêu tàn sau chiến tranh, người ta nghèo khổ quá nên phải thực tế. Biển ở ngay trước nhà, cho con ra biển “kéo hôi” kéo lưới cho người ta cũng kiếm được con cá mà ăn. Học cho nhiều về làm gì? Có tránh khỏi cái “đai” kéo lưới trên lưng không? Vậy mà mẹ tôi lại cho tôi vào Phan Thiết thi vào lớp Đệ Thất trường Trung học công lập Phan Bội Châu! Lý do duy nhất của mẹ: mẹ không có tiền cho con học trường tư!
Thế rồi tôi đi thi. Tôi đi một mình. Người anh họ của tôi đã học trước tôi một năm. Thi xong thì trở về nhà ở Bình Thạnh. Một tháng sau đó, tôi và một cô bạn người Long Hương cùng vào Phan Thiết để tập trung đi dự kỳ trại hè bảy ngày tại Nha Trang do Bộ Quốc gia Giáo dục tổ chức dành cho học sinh giỏi bậc Tiểu học trong năm đó. Cô bạn đứng đầu lớp Nhất A, tôi lớp Nhất B trường Tiểu học Long Hương. Cô bạn không học tiếp nữa. Con gái học thế là đủ, sau trại hè bạn sẽ ở nhà đợi… lấy chồng. (Hồi đó hầu hết học sinh tiểu học đều lớn hơn vài năm, thậm chí ba hay có trường hợp bốn năm, so với mức tuổi qui định ngày nay)
Trong buổi chiều tập trung ở Trường Nam Tiểu học để tối hôm đó lên xe lửa đi ra Nha Trang, tôi được biết tại Trường Phan Bội Châu đã công bố kết quả kỳ thi vào lớp Đệ Thất vừa rồi; nhiều bạn người Phan Thiết cùng dự trại hè đã vui mừng biết mình trúng tuyển. Vì đây là lần thứ nhì từ quê lên tỉnh, tôi không biết đường đi từ Trường Nam tiểu học đến Trường mới PBC, nên đành bứt rứt trong suốt thời gian đi trại hè, không biết mình đậu hay không.
Khi từ trại hè trở về, tôi và cô bạn xuống xe lửa tại ga Song Lòng Song để về nhà chớ không vào Phan Thiết, cho nên tôi vẫn không biết kết quả thi của mình. Tuy vậy, sắp đến ngày khai trường, tôi vẫn tự tin xách va ly vào Phan Thiết. Sau khi có được chỗ ở trọ ổn định, tôi đến Trường xem kết quả thi. Hỡi ơi, bản kết quả đã bị ai xé đâu mất từ bao giờ, mà trường vắng hoe không có thầy cô nào cho tôi hỏi.
Thế nhưng đến buổi sáng ngày khai giảng, tôi cũng ôm cặp vở đến ngôi trường Phan Bội Châu mới xây cất khang trang ngoài bìa thị xã Phan Thiết. Tôi vào văn phòng hiệu trưởng, hỏi đại một ông thầy đang cầm một xấp giấy tờ trên tay:
“Thưa thầy, thầy xem giùm con có đậu không, thầy?”
Ông thầy há miệng nhìn tôi từ đầu đến chân. Cậu học trò nhà quê, trong chiếc áo sơ mi trắng mới với cái quần … pyjama và đi chân đất đang rụt rè đứng trước mặt ông dường như khiến ông ngạc nhiên. Tuy vậy ông cũng thân mật vỗ vai tôi hỏi lại:
“Sao tới giờ này mà em còn chưa biết mình có đậu hay không?”
“Thưa thầy quê con ở xa lắm, mà con không có người quen ở trong này để nhờ đi xem giùm…”
“Em tên gì?” Ông dở xấp giấy trên tay vừa hỏi:
“Thưa thầy con tên Nguyễn Huỳnh Điệp.”
Tôi hồi hộp nhìn ông dò trong tờ giấy này, rồi tìm trong tờ giấy khác trong xấp giấy của ông.
“Có đây,” ông cười rất thân thiện chia vui với tôi. “Nguyễn Huỳnh Điệp, số ký danh… Em có đậu rồi đây… Thứ 80 nhé. Chúc mừng em.”
Tôi mừng rỡ: “Con cám ơn thầy.” Thế là tôi có hạnh phúc thuộc trong số hai trăm học trò mới của trường, trúng tuyển cuộc thi vào lớp Đệ Thất năm đó.
Thế mà sau này tôi lại không nhớ đó là ông thầy nào. Thầy Toại chăng? Thầy Toại là giám thị, và không dạy giờ nào, nhưng tất cả học sinh trong trường đều gọi ông bằng Thầy. Có lẽ đó là ông thầy hiền hậu, chân chất và “dễ thương” nhất của trường Phan Bội Châu.
Tôi đã trở thành học sinh trường Trung học Phan Bội Châu Phan Thiết như thế. Lớp Đệ Thất 2. Rồi tiếp tục Lục 3, Ngũ 3, Tứ 3, Tam B3… Còn cái chuyện quần pyjama và đi chân đất của tôi đã khiến tôi biết thầy Vĩnh Giêng sau đó.
Ngay trong ngày khai giảng, nhà trường đã phổ biến quy định về đồng phục học sinh: quần “tây” xanh, áo sơ mi trắng, đóng thùng, có thể mang xăng-đan hay dép. Đó là điều mới lạ khiến tôi rất bối rối.
Học trò tiểu học nhà quê chúng tôi hồi đó chưa có đồng phục. Hoàn toàn không có đứa nào mang giầy và dường như cũng không có mấy đứa mang dép thì phải. Con đường từ làng tôi qua Long Hương dài bẩy cây số toàn cát, giữa trưa cát nóng bỏng rộp bàn chân, mà chẳng thấy ai mang guốc hay dép, huống chi học trò đi học: ở trường đâu có cát nóng chân! Nếu phải đi trên con đường cát nóng ấy vào giữa trưa nắng gắt, người ta chỉ cần bẻ một chùm lá nhãn hay lá sò đo dọc đường cầm tay là đủ để đi từ làng đến Quận, từ Quận về làng. Khi nóng chân quá, thì bỏ chùm lá xuống và đứng lên đó một lúc cho bớt nóng rồi lượm nắm lá lên đi tiếp. Không có lá thì dẫm lên một bụi cỏ còi cọc nào đó bên đường. Nhưng mà như thế dễ dẫm phải gai xương rồng hoặc, nhất là, gai “vạn cổ sầu”!
Tôi không nhớ mất bao lâu thì chuyện đồng phục của đám học sinh mới chúng tôi đi vào nề nếp, nhưng trong thời gian đầu cái việc mặc áo bỏ trong quần khiến tôi… mắc cỡ. Nó “trịnh trọng” quá, tôi chưa quen. Tôi mặc áo bỏ ngoài quần từ nhà đi đến trường. Chỉ sau khi đến tại cổng trường tôi mới nhét vạt áo vào trong quần trước khi vào cổng. Tôi bắt gặp vài bạn khác cũng làm như thế. Có lẽ các bạn ấy cũng từ nhà quê lên tỉnh lần đầu như tôi. Thì ra chuyện “cả quỷnh” này không chỉ riêng tôi. Trong bài thơ “Với bạn học ngày xưa chưa gặp lại” tôi có ghi lại kỷ niệm này:
Trò quê ra tỉnh còn chân đất
Đồng phục chưa quen áo đóng thùng…
Trong một tấm ảnh lớp tôi thời đó còn thấy nhiều đứa ăn mặc rất lộn xộn: đứa quần dài, đứa quần “soọc”, phần lớn quần “tây” trắng, có đứa quần đen (do ảnh trắng đen, chắc là quần xanh đậm), đứa mang xăng-đan, đứa mang dép. Anh bạn LVN, một giáo sư toán tương lai, dấn một cái quần soóc, với đôi bata trắng và vớ trắng. Tuy nhiên tất cả đều áo đóng thùng.
Một hôm, đến giờ tan học, học trò chúng tôi trên lầu đang đổ xuống cầu thang, tôi chợt nghe có đứa la hốt hoảng:
“Thầy Giêng! Thầy Giêng!”
Vài đứa thối lui không xuống cầu thang. Tôi ngạc nhiên: Thầy Giêng thì sao? Tôi chưa biết ông thầy Giêng là ông nào. Mà sao chớ? Tôi cứ tiếp tục xuống. Xuống hết cầu thang thì tôi hiểu ra: Thầy Vĩnh Giêng là Giám học của trường. Ông đang chận bắt những đứa học trò đi chân đất!
Thầy chỉ vào tôi, hỏi lớn: “Dép đâu?”
Tôi ú ớ nhưng kịp phản ứng khá nhanh: “Thưa thầy, guốc con mới đứt quai còn một chiếc, con bỏ lại trên lớp.”
Vậy mà tôi thoát. Hồi đó một số học sinh nam mang guốc mộc, hoặc cũng gọi là guốc vông. Có mấy đứa cũng chân đất như tôi, bị bắt đứng lại đó, không biết ra sao. Tuy nhiên, tôi không mừng mình “may mắn” hơn các “can phạm chân không” ấy, mà tôi mắc cỡ: Sao tôi có thể nói dối tự nhiên đến thế? Mãi sau này và tới bây giờ, bảy mươi tuổi rồi tôi vẫn còn mắc cỡ với câu nói dối đó.
Cái dở của Thánh nhân
Trong số các tác phẩm của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần trước kia, nếu tôi nhớ không lầm, có một cuốn sách có nhan đề “Cái Dũng của Thánh Nhân”. Cái tựa sách cho biết nội dung cuốn sách. Sự dũng cảm, dù của một người bình thường đã không phải là dễ cho mình học theo. Cái dũng của những bậc thánh nhân thì mình càng không thể nào học được.
Dường như cũng chính học giả ấy, trong một cuốn sách khác đã nói rằng “Cái ngu của người xưa dạy ta nhiều hơn cái khôn của họ.” Tôi cho câu nói này là thật hay, thật chí lý. Khó bắt chước cái khôn của bậc thánh nhân, nhưng ta có thể tránh lập lại những điều dở mà họ đã làm. Cái sai lầm của họ cảnh báo ta tránh phạm phải cùng những điều tương tự.
Cũng như mọi đứa học trò nói chung, tôi rất biết ơn các vị thầy cô đã dạy dỗ tôi từ tiểu học cho đến đại học, trong đó các giáo sư của trường Trung học Phan Bội Châu là tôi nhớ hơn hết, với niềm kính trọng chân thành. Nhưng cũng rất tiếc, một vài giáo sư Phan Bội Châu đã vô tình gây trong lòng tôi những vết thương mà bây giờ vào tuổi thất tuần nhớ lại tôi vẫn lấy làm tiếc. Tôi rất thông cảm với anh Nguyễn Duy Sâm về nỗi hận bị thầy Giêng tát tai. Chính tôi cũng từng bị thầy hiệu trưởng Lê Tá đánh một cách oan ức như anh Sâm vậy. Tôi còn bị nhiều hơn anh Sâm nữa.
Ngay vào đầu năm học Đệ Thất, một buổi trưa tôi đến trường rất sớm trước giờ học. Đó là thói quen của thời tiểu học ngay trước đó. Có lẽ do hồi đó không có nhiều trò chơi cá nhân nên bọn học trò tiểu học thường đến trường rất sớm vào buổi trưa để túm tụm chơi với nhau. Hôm đó có nhiều học sinh đã đến trước tôi, đang chơi bóng bàn tại hai cái bàn “banh bong” đặt ở dãy nhà ngang phía trong. Tôi không biết chơi (dân nhà quê mà), nhưng cùng với những đứa khác đến xem họ chơi. Trận đấu khá hào hứng nên các đấu thủ vừa chơi vừa la hét rất náo nhiệt. Tôi vốn là chú bé quê mùa, chưa hiểu được kỹ thuật và cái hay của môn thể thao này, nên chỉ chăm chú nhìn chớ không cổ vũ cho bên nào. Bỗng dưng tất cả đám khán giả lẫn các đấu thủ rùng rùng bỏ chạy hết, chỉ còn mình tôi ngơ ngác đứng lại. Tôi chưa kịp hiểu tại sao thì trước mặt tôi đã xuất hiện một người đàn ông đậm người trong bộ quần áo pyjama, hai bàn tay thủ trong hai túi áo ngủ, mặt giận hầm hầm bước xốc tới. Tôi vừa kịp nhận ra thầy Hiệu trưởng thì cái tát của thầy đã đánh vào mặt tôi. Tôi vốn chỉ quen với hình ảnh thầy Hiệu Trưởng “mặc đồ Tây” thắt cà vạt trịnh trọng chớ chưa thấy thầy mặc đồ ngủ bao giờ nên không nhận ra thầy từ xa. Mà dù nhận ra, có lẽ tôi cũng không bỏ chạy như các bạn kia: Họ là thủ phạm đánh bóng bàn và la hét phá giấc ngủ trưa của thầy, chớ có phải tôi đâu? Mà cho dù chính tôi là một trong những thủ phạm đó tôi biết mình sẽ không bỏ chạy. Từ xa đi đến chắc chắn là thầy thấy rõ tôi chỉ là đứa có mặt đứng xem, chớ không la hét. Tôi nhớ rõ phản ứng của tôi ngay sau khi bị đánh: tôi đã quắc mắt lên nhìn thẳng vào cái mặt giận dữ của thầy một cách sửng sốt lẫn căm hờn. Thầy quay người bỏ đi.
Một lần khác, thầy TV vào lớp. Thầy dạy môn tiếng Anh. Thầy là thi sĩ, ít năm sau sẽ là tác giả của một thi phẩm đầu tay có tên “Người Yêu Tôi Khóc”. Thầy luôn luôn “côm lê cà vạt” rất chững chạc dù trời Phan Thiết khá nóng. Thầy nhìn lên bảng: có ai đó bắt chước chữ ký của thầy đã ký lên bảng một chữ TV thật to bằng phấn chiếm gần một nửa chiều dài tấm bảng sơn màu xanh lá cây đậm. Thầy hỏi cả lớp không ai nhận. Thầy phạt zero cả lớp và bắt cả lớp phải đứng gần một tiếng đồng hồ nghe thầy mắng. Không biết các bạn tôi ra sao, nhưng tôi rất tổn thương, và hình ảnh ông Thầy vốn hết sức lớn lao và thiêng liêng trong lòng đứa học trò nhà quê bỗng trở nên nhỏ nhoi thảm hại, đến nỗi từ đó cho đến nay, tôi chưa hề đọc một câu thơ nào của vị giáo sư thi sĩ ấy.
Một vị giáo sư khác cũng dạy môn Anh Văn nhưng vào một năm khác, có một đứa em cùng học chung lớp với chúng tôi. Thầy vô cùng nóng tính, thường bẻ đôi viên phấn trong tay ném thẳng vào mặt học sinh nào phạm lỗi khi đặt câu hay trả lời thầy không đúng. Tôi không biết nếu nạn nhân không tránh đỡ kịp mà bị viên phấn đánh trúng vào mắt mình thì hậu quả sẽ ra sao. Thực ra, rất may, một tai nạn như thế đã không xảy ra. Trong lúc đó mặt thầy thể hiện sự hằn học như thể thù hằn. Đặc biệt thầy thường tát vào mặt đứa em của thầy một cách giận dữ ghê gớm, khiến chúng tôi sợ xanh mặt.
Mỗi tuần chúng tôi có một giờ học vẽ với một giáo sư trẻ tuổi, ăn mặc rất “mốt” và rất chải chuốt. Cuối năm học lớp Đệ Lục thầy đã phê trong học bạ của tôi câu này: “Hay chuyện và làm ồn!” Thầy là người phê đầu tiên cho nên các giáo sư khác sau đó thấy vậy chỉ ghi vỏn vẹn hai chữ “Học được,” dù tôi học không tồi và không hề làm một điều gì sai quấy trong lớp.
Đến giờ sau của thầy, tôi cầm cuốn học bạ lên bàn thầy:
“Thưa thầy, thầy biết tên em là gì không ạ?”
Thầy nhướng mắt nhìn tôi: “Sao tôi phải biết tên anh? Mỗi tuần tôi chỉ dạy các anh chị một giờ, làm sao tôi có thể biết hết tên từng người được?”
Tôi hỏi tiếp: “Thưa thầy, thầy biết em ngồi chỗ nào không?”
Đến đây thì thầy cảm thấy thằng học trò có điều gì không ổn. Thầy quắc mắt: “Anh ngồi ở đâu mặc anh, hỏi tôi làm gì? Về chỗ đi.”
Tuy học Đệ Lục, nhưng tôi lớn tuổi hơn học trò lớp Bảy bây giờ. Và không may cho tôi, từ khi còn nhỏ trước đó, tôi không sẵn sàng chấp nhận một sự bất công nào cả. Mà tôi cũng không hề nghĩ rằng các vị thầy lại có thể là người bất công. Do tính nông nỗi trẻ con đòi hỏi sự công bằng nơi người lớn, tôi nói ngay: “Suốt cả năm học thầy không biết tên em. Thầy không biết em ngồi chỗ nào trong lớp. Thế mà thầy đã phê trong học bạ của em “Hay chuyện và làm ồn.” Lời phê của thầy vừa không đúng vừa sai văn phạm!”
Thầy đã mắng át tôi giữa lớp vì tội “hỗn láo”, và mắng luôn cả lớp một trận. Thầy đã phê cho nhiều đứa như thế chớ có riêng gì tôi đâu!
Một giáo sư dạy chúng tôi môn Việt văn. Hôm đó thầy giảng Chinh Phụ Ngâm. Với câu “Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao,” thầy giảng: “Một người đứng trên đầu núi Thái Sơn gieo mình xuống, thân hình bay là là trông nhẹ như một chiếc lông hồng!”
Tôi vụt giơ tay. Thầy gọi đứng dậy. Tôi nói: “Thưa thầy, một người gieo mình trên núi Thái Sơn thì gọi là gieo Thái Sơn. Nếu có người đứng trên cầu Mường Mán[2] gieo mình xuống thì gọi là gieo cầu phải không thầy?”
Vài tiếng cười bật lên. Thầy đỏ bừng mặt, vẫy tôi ngồi xuống và cho tôi một cặp zero. Tôi không hiểu tại sao. Cặp zero đó là của thầy mới phải chớ? Cũng vị giáo sư này từng giảng câu thành ngữ “tam sao thất bổn” là… ba lần sao được bảy bản! Đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, có lẽ vị giáo sư đáng kính này đã quên những chuyện vấp váp vụn vặt đó, nhưng một số bạn cùng lớp của tôi mỗi lần họp mặt, ôn lại những kỷ niệm xưa vẫn còn nhớ và nhắc lại với nhau câu thành ngữ mới “ba lần sao bảy bản”.
Một chuyện cuối cùng: Năm Đệ Tam, một nữ giáo sư dạy chúng tôi môn Công dân giáo dục. Tôi không nhớ cô giảng thế nào, và tôi đã hỏi cô những câu gai góc thế nào đến nỗi cô tức giận mắng tôi một trận tơi tả tại lớp. Xong rồi, cô bỏ lên văn phòng. Và thầy Hiệu trưởng Lê Tá đích thân xuống lớp gọi tôi ra. Tôi theo thầy lên văn phòng. Thầy chỉ tôi ngồi xuống ghế đối diện với thầy và buộc tội là học trò vô lễ với giáo sư. Và tôi sẽ bị đưa ra hội đồng kỷ luật. Tuy học Đệ Tam nhưng do học trò nhà quê học muộn vài tuổi, tôi lớn tuổi hơn học trò lớp mười bây giờ. Tôi đã nhìn thẳng vào mắt thầy hiệu trưởng, trình bày lại với thầy chuyện đã xảy ra dưới lớp với cô giáo Công Dân. Và tôi cả quyết cả lớp sẽ sẵn sàng xác nhận điều tôi tường thuật với thầy. Nhân đó tôi nói luôn tất cả những điều các thầy đã cư xử với cá nhân tôi và với cả lớp tôi từ trước đến nay, kể cả chuyện bản thân thầy hiệu trưởng đã đánh oan tôi từ năm Đệ Thất.
Thầy hiệu trưởng sửng sốt. Thầy hỏi tôi vài câu, và thầy ngồi nghe tôi nói hết. Cuối cùng thầy nói: “Thôi được. Tôi sẽ nói chuyện với các giáo sư và sẽ cho em biết biện pháp kỷ luật sau.”
Không có biện pháp kỷ luật nào cả. Hôm sau, vào giờ chào cờ vào lớp, thầy Hiệu trưởng có đôi lời nói chuyện với học sinh về tinh thần học tập vân vân. Thầy tiếc đã xảy ra những chuyện này chuyện khác giữa thầy và trò vân vân. Có lẽ không phải chỉ một mình tôi ngầm hiểu thầy đang nói với tôi. Sau tất cả những “cái dở của thánh nhân” nói trên, lần này thầy Hiệu trưởng không dở.
Và đúng như tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã nói: “Cái ngu của thánh nhân dạy ta nhiều hơn cái khôn của họ.” Thầy cô là các thánh nhân trong con mắt học trò chúng ta ngày đó. Nhưng có lẽ chúng ta học được rất ít từ những cái khôn lớn lao của thánh nhân. Nó cũng giống như mưa trên trời rơi xuống: chỉ một ít nước thấm vào lòng đất, phần lớn “trôi sông trôi biển”. Nhưng bù lại, nhờ học được từ những “cái dở của thánh nhân” đó, tôi nghĩ mình cũng như nhiều người khác, về sau có hạnh phúc được làm thầy, hiểu phần nào tâm lý lũ học trò con nít nông nỗi vì vô tư nhưng nhạy cảm, nên đã ít gây tổn thương cho những tâm hồn non dại của đám học trò của mình. Có lẽ nhờ những “bài học của thánh nhân” đó mà tôi hy vọng mình đã không để lại trong lòng một đứa học trò nào của mình một vết thương nào, dù rất nhỏ.
Nhớ về ngôi trường cũ Phan Bội Châu thân yêu của mình thường thì chúng ta nhớ nhiều kỷ niệm vui. Nhưng những kỷ niệm ít vui này không phải là không có mặt tích cực đáng nhớ. Có lẽ chúng giúp điều chỉnh một chút nào đó trong nhân cách của chúng ta để từ đó chúng ta tránh được việc vô tình gây tổn thương cho thế hệ học trò sau mình. Biết ơn thầy cô có lẽ cũng cần phải biết ơn cả những điều mà thầy cô không chủ ý dạy mình. Đó là những cái dở của họ. Vấn đề là cách mình “tiếp thu”.
Nền giáo dục trong nước đang xuống cấp trầm trọng gần như toàn diện. Có phần nào trong sự xuống cấp đó là “phản ảnh” lại những điều tiêu cực mà một số các vị thầy hôm nay “tiếp thu” được từ một số người trong lớp các thầy của họ trước đó không?
Thiếu Khanh.
[1] Do ở trong nước, tôi không đọc được trực tiếp bài viết của anh Nguyễn Duy Sâm trên tập san (?)
[2] Cây cầu sắt duy nhất lúc bấy giờ bắc qua con sông Mường Mán, cũng gọi là sông Cà Ty chảy ngang qua và chia đôi thị xã Phan Thiết; bên tả ngạn là khu trị sở của các cơ quan hành chánh, bên hữu ngạn là khu thương mại.
No comments:
Post a Comment