-- Kính tặng Quý Ân Sư và Anh Chị Em cùng trường.
Tháng bảy ở xứ biển Hạ Uy Di vẫn còn là mùa hè nắng gắt, khắp đường phố hoa phương đang đỏ ối một màu son môi mời gọi, làm cho hồn người xa xứ rộn lên những giấc mơ tuổi nhỏ, đã mang theo trong ký ức gần suốt cuộc đời. Đó là những ngày Phan Thiết buồn rầu vỉ chiến tranh lửa loạn, đã khiến cho bọn học trò tuổi lớn phải rời bỏ mái trường yêu dấu, thầy cô, bè bạn và một cuộc tình dang dỡ, để dấn thân vào con đường vô định.
Chia ly nào mà không có nước mắt, nhất là lần đầu tiên trong đời phải lìa bỏ chốn thân thương một thời tuổi mộng. Lai càng buồn thêm, khi con tàu hỏa lướt qua miền quê hương yêu dấu của bốn quận miền bắc Bình Thuận. Những lũng đồi cát trắng bạt ngàn mọc đầy xương rồng gai góc hoang dại. Xa xa là những triền sim tím héo đưới nắng gắt và ngọn gió tây tháng bảy, đã nói lên chính thân phận của một miền đất mà trước kia ai cũng nói là biển bạc rừng vàng. Ngồi trong toa xe đếm nhịp bánh đang nghiến trên hai đường sắt, để nhớ lại những ngày tháng chờ đợi em nơi hàng ghế đá lạnh băng trong vườn hoa lớn, dưới những hàng vông đồng già khô cằn cổi, lâu lâu ngẩu hứng lại thả một vài chiếc lá vàng và mấy quả khô, nằm lăn lóc với đá sõi cô đơn tháng ngày.
Vậy mà cũng hơn bốn mươi năm ly cách, khiến cho đời người như chỉ còn có ký ức, hoài niệm, nhớ nhung và những cơn vui bất chợt khi chỉ có ta và bóng sóng sánh trong cơn mê trở về. Hay tại tuổi già cô đơn thê thảm, nên ta mãi còn nấng nuôi trong con tim băng lạnh, kỹ niệm của một thời áo trắng những góc nhỏ hiền thương, ly cà phê đen nghèo nhạt nhẽo, mà sao cứ quấn quít theo nhau một đời:
'tháng hai ngồi quán Đào Viên,
trông hoa vông nở nắng xuyên nhuộm hồng
cà phê nhỏ giọt thong giong
đệm theo ai khẽ gót hồng thướt tha..
tháng tư theo nhỏ trường Phan
cà phê Ba Lý nhỏ sang mỗi này
góc bàn tôi vẫn ngồi đây
ngụm cà phê sáng ngất ngây cõi lòng..'
Những tên quán cùng với các cô nàng hàng cà phê trong thơ Lê Phước Tuấn, càng khiến con tim thêm điếng khựng một niềm nhớ dạt dào về những buổi chiều lẽ loi tan học, vào Đào Viên bên này bờ sông Mường Mán, để mà ngong ngóng bóng ai đang tha thuớt trên mấy nhịp cầu Quan, nay xa rồi mà vẫn thương biết bao dấu chân kỹ niệm. Rồi mười mấy năm lang bạt với kiếp lính quèn, những buổi dừng quân ta lại một mình ngồi đếm giọt cà phê đen nghèo đặc quánh, trong một góc quán Tùng hay một vài quán cóc nằm lưng chừng trên con dốc khu chợ Hòa Bình, kế Hồ Xuân Hương Đà Lạt, một mình mông lung nhung nhớ,tới phương trời xa thẳm, như đang thiêm thiếp trong sương khói miên trường.
Và bởi thế, nên dù năm tháng có đổi dời, nhưng nếu ai vẫn còn cất giữ riêng mình, những trang lưu bút ngày xanh về mái trường thân yêu Phan Bội Châu-Phan Thiết, chắc cũng vẫn là buồn và đẹp thế thôi:
'Nghe em nói trở về thăm phố cũ
cho ta thăm chốn ấy trải nắng mưa
cổng trường xưa còn có quán nước dừa
bến xe cũ cà phê Linh còn đắng "
Sân trường cũ nở đầy hoa phượng đỏ
vắng tanh rồi nào thấy bóng giai nhân
gió rét về ta buồn nhớ bâng khuâng
nhớ phố cũ chở đầy bao kỹ niệm'
(Lê Tiếng - Phú Hài).
Buồn buồn lại theo Bàng Bá Lân lạc lõng về một miền quê xa nào đó, để sung sướng rộn ràng qua những hồi trống vào trường giục giã ' như mơ đuờng khói lên trời nắng, trường học làng kia tiếng trống vào '.Rồi những ngày nghĩ hè đợi tàu về quê , khiến ' ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ '.Tất cả đã mê hoặc hồn ta, một tên học trò dang dỡ, vì nghiệp lính phận trai, nên đã bỏ mặc cho mẹ đơi em trông chốn quê nhà dấu ái, nơi huyết phượng đỏ rợp đường làng và mối tình ngây thơ lãng đãng.
Nay ta lại trở về, ngồi trên những căn phòng học ngày xưa ở tầng hai của trường., để nhớ lại những ngày gió mưa tháng mười mù mịt, trên những cánh đồng lúa-muối về hướng Lại An, Phú Hài, trên không thường có những đàn sếu trắng bay ngang, cất tiếng kêu ra rã. Giờ thì đồng sâu đã lắp cạn, lô nhô khắp chốn lầu cao phố rộng, nên mắt cứ mở lớn mà chẳng thấy dáng em ở chốn nào.
'Chợt nhớ thương về thăm
Thềm xưa viên gạch vỡ
vách tường hoen mốc rêu
ngậm ngùi con dế nhỏ
Bìm bịp thiêm thiếp ngủ
Quên mịt mù tháng năm
quấn chút tình rất cũ
Níu đời nhau xa xăm'
(Ngọc Dung)
Đời là thế, biết làm sao hơn nhưng cũng thật là may, vì mấy năm qua, các cựu học sinh và quý thầy cô đang sống ở hải ngoại, đã liên tiếp rổ chức nhiều cuộc Hội Ngộ,để kỹ niệm 50 năm thành lập Trưởng Trung Học Công Lập Phan Bội Châu Phan Thiết, vào tháng 7-2002 tại Miên Nam California. Rồi lại Hôi Ngộ Phan Bội Châu tại Houston-Texas vào tháng 7-2004 và mới đây lại có Hội Ngộ Phan Bội Châu tháng 7-2006 tại thành phố Orlando, tiểu bang Florida. Tất cả các lần tổ chức, theo nhận xét chung của mọi người, rất thành công mọi mặt cũng như trọn vẹn tình nghĩa thầy trò,
Xin được cám ơn mọi người, bởi Phan Thiết và Trung Học Phan Bội Châu sẽ làm bớt đi niềm nhớ vì thời gian phôi pha và biển đời cuồng ngạo. Sự gặp gở qua các cuộc hội ngộ, như đang làm sống lại một cuộc tình dang dỡ của thời áo trắng học trò, qua hình bóng của một người con gái nào đó , cũng đã từng đi và về với ta trên đường Nguyễn Hoàng thơ mộng đầy hoa phương, từ phố vào lớp học. Phan Thiết là thế đó, cho nên đã khiến cho học trò trai gái ai cũng lãng mạn,nhớ thương hờ hững, từ mái hiên nhà ai đã giúp cho nhau đụt tránh những cơn mưa may bất chợt, cho tới mấy chiếc lá me vô tình rơi trên tóc em, khiến cho ta đã lặn lội di tìm, đem về ép trong trang sách tìm vui, dù đó chỉ là một chiếc lá me gầy guộc.
Hơn nữa thế kỹ thăng trầm, nay nhìn lại khiến lòng ngẩn ngơ rưng rưng muốn khóc, khi hồi tưởng lại không biết bao nhiêu thế hệ học sinh đã đến và đi khỏi ngôi trường thân yêu. Rồi đây sẽ thêm rất nhiều rất nhiều thế hệ khác lại đến và sẽ ra đi, như ta như em, như bạn bè một thời tuổi học. Nhưng dù gì chăng nữa, bọn ta lúc xa trường, chắc chắn là ai cũng đã mang theo một khung trời áo trắng. Và ví dụ kiếp người là một thiên ký sự, thì đời học sinh Phan Bội Châu có ngắn hay dài, cũng vẫn là những trang tuyệt đẹp và càng thấm đượm hơn khi chúng ta cất giữ thêm những ngày vui hội ngộ.
Như Nhật Nguyễn tâm sự:
'Như tiếng mưa đêm nữa khuya gõ cửa
lay lắc trong anh trăm nổi muộn phiền
dù tình em nhiều cũng không lấp đủ
con nước đổ về gợn sóng tịnh yên
Thì thôi dẫu rằng chút tình đã muộn
hãy đứng cùng em đứng tận cuối trời
đầu ngọn cuối ngành cành gai khổ nạn
gói vội tình bầm khép một tai ương'
Đó cũng bởi vì mỗi người đều có một kỹ niệm riêng mang tận kín đáy mồ, cho nên làm sao mà kể hết những thu vén suốt tháng ngày rong chơi học hành nơi chốn trường yêu. Nhưng chắc chắn ai cũng giống nhau về ngăn nhật ký, ở đó có đầy bóng dáng quý ân sư, đã dạy cho chúng ta những bài học về cuộc đời và làm người khi rời trường dấn thân vào xã hội.
Không có gì buồn hơn khi mỗi năm mùa thú tới để tôi đi học, là lúc mà ta cứ đứng nhìn màu hoa phượng, để thấy lòng lại rưng rưng vì thoáng chốc tóc đã bao lần đổi màu thời gian, theo với hạ tàn thu tới, nơi nơi lại rộn rã tiếng trống vào trường.
Florida tháng bảy năm nay trời làm chứơng, nên oi bức tột cùng. Vậy mà trong khuông viên của Trang Trại Tạ Phong-Hiếu Để ở vùng ngoại ô thành phố Orlando, hằng trăm thầy cô cùng học trò của Trường Trung Học Công Lập Phan Bội Châu Phan Thiết, vẫn họp mặt bên ánh lủa bập bùng, trong đêm lửa trại 2-7-2006, để khai mạc mùa Hội Ngộ tháng 7-2006 theo chương trình, dã quyết định, sau khi bế mạc Hội Ngộ 7-2-2004 tại Houston, Texas.
Phải nói rằng Ban Tổ Chức Kỳ Hội Ngộ này rất chí tình, cho nên mới dám nhận lãnh trách nhiệm thật khó khăn. Ai cũng biết, thành phố Orlando của Tiểu Bang Florida rất lớn nhưng đồng hương Bình Thuận và cựu học sinh TH.Phan Bội Châu, Phan Thiết lại ít. Hơn nửa đây cũng không phải là một địa điểm thích hợp như California, Texas hay Washington DC..vì đường xá xa xôi, quan sơn cách trở, cộng với sự hỉ nộ thường trực của đất trời.
Nhưng xưa nay người Phan Thiết vốn coi trọng ân tình, cho nên dù chỉ có mấy người trong Ban Tổ Chức như các cựu học sinh Trần Văn Tám (Trưởng Ban), Đinh văn Thuận và Lê Thị Bạch Tuyết (Thông tin - Báo chí), Lê Bang, Lê Thị Xuân Lai, Trương Kính Du (Văn nghệ), Hồ Thị Bích Khuê, Nguyễn Thị Hiếu Để, Lâm Ngoan, Lê Thị Hằng (Ban ẩm thực)..đã làm cho ngày vui, thành công một cách trọn vẹn, từ ý nghĩa bất vụ lợi cho tới việc đem tình thướng viễn xứ để mà xoa dịu nỗi buồn cô miên của những tâm hồn VN đang lạc lỏng.
Thật tình mà viết, ta chẳng hề quen biết gì tới Anh chị Tạ Phong - Nguyễn Thị Hiếu Để, cho dù cùng là người Phan Thiết và đã học chung dưới môt mái trường. Nhưng qua nghĩa tình sâu rộng, mà không một thứ chữ nghĩa nào diễn tả cho hết của hai người, trong lần tổ chức này, đã khiến cho tất cả những ai đã có mặt hay nghe qua lời kể lại, đều bội phục vô vàng. Thôi mấy lời cũng đã quá đủ, nhất là việc thầy Hiệu trưởng Lê Khắc Anh Vũ, khệ nệ ôm cặp Sâm Banh, đi tìm ông Phạm ngọc Cửu, Phó Tỉnh Trưởng Bình Thuận, để nhờ thay mặt mọi người, cám ơn vợ chồng Mạnh thường Quân Phong - Để. Tóm lại, trong cuộc Họp Mặt này, ngoài chủ nhân trang trại Phong - Để hy sinh tiền bạc công sức, còn phải kể tới những bàn tay nội trợ nức tiếng xưa nay của Phan Thành như Hồ Thị Bích Khuê, Lâm Ngoan (Chủ nhân một nhà hàng Vn tại Canada), bà Phạm Ngọc Cửu..và một số Anh Chị Em Liên Lớp 1966-1973, đã tới trước để cùng với Ban Tổ Chức lo lắng mọi sự, nên khi vào cuộc, tất cả gần như đều sẵn sàng.
Tuy không bằng những đêm cắm trại năm nào ở quê nhà tại Lầu Ông Hoàng, Phú Hội, Rạng, Phú Lâm hay Tà Cú ..nhưng đêm lửa trại cũng thật đượm nồng, mang mang tình thắm, đã như hồi sinh những chuổi ngày thơ ngây dấu ái năm nào, nhất là đối với các thầy cố hay anh chị em học sinh, đã mắn may bước qua gần hết con đường tình trăm nhịp. Thật vậy sống ở quê người, tuy đủ đầy vật chất nếu muốn thì gì cũng được. Nhưng để tạo nên khung cảnh thơ mộng diễm tình, của một đêm quê nước Việt, có bạn, có tình, có trăng trên đầu soi chứng và bên cạnh là ngọn lửa hồng làm ấm thêm nghĩa tình sâu nặng, thì chính nơi đây mới là cõi địa đàng.
Nghiêng mình cám ơn Ban Tổ Chức thật là tình nghĩa, khi đáp ứng lòng khao khát của khách ly hương, bằng những hương vị Phan Thành, trong đó có các món Bánh Căn, Bánh Xèo, Mì Quảng..những đại gia một thời làm mê đắm bọn học trò trai gái tỉnh lẽ ngày xưa, nhất là vào mùa thi cử trước tháng 4-1975.
'Bồ đào mỹ tửu da quang bôi
dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
tuý ngọa sa trường quân mạc vấn
cổ lai chinh chiến kỹ nhân hồi'
Bạn bè và quý ân sư yêu dấu hãy ngồi xuống bên nhau trong đêm nay, đê chúng ta cùng sống lại một chút tình quê, có phải thế không " hởi những tâm hồn cô miên viễn xứ. Tất cả đều ra đời trong khói súng, lặn lội giữa đạn bom cầy xéo quê hương, cuối cùng thành những con chim xa bầy lạc nẽo. Thôi hãy uống đi vì ngoài kia ngựa đã hý vang những hồi giục giã. Hãy uống cho vơi hồ trường huyết lệ, bởi trong men đắng cay đó là cả một thành sầu tuổi trẻ, của ta, của bạn bè và của triệu triệu dân lành. trong cơn lửa loạn.
'Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa
em tản cư, tôi là lính tiền phương
Tôi khách qua đường trưa nắng gắt
nghĩ nhờ đây quán lệnh tường xiêu ..'
(Quang Dũng)
Bỗng nghe như từ cõi xa xăm nào đó vọng lại những tiếng thở dài, làm cho men rượu càng thêm chất ngât. Hãy ngồi xuống đây đi hởi những người lính hào hùng ngày xưa, nay đang có mặt bênbếp lửa hồng, nào Trường, Nào Công, Nào Thạch và nhiều nhiều không làm sao nhớ hết. Uống đi để mà nhớ lại một thời da ngựa bọc thay của những trai hùng nước Việt. Phải rồi bạn bè yêu dấu, kẻ góc biển người chân mây, gặp đêm nay rồi mai lại chia xa tan tác, như hôm nào nghe tin bạn vừa ngả gục ở chốn sa trường:
'Cởi mãnh phi bào anh để lại
trao về quê mẹ một trời xuân
mai đây nếu có ai thương tiếc
xin đốt cho người một nén hương
Ngày xưa anh đứng bên song cửa
nhìn áng mây trời ngó cánh bay
giờ đây may trắng anh xây mộng
lại biến vành tangbuổi sum vầy ..'
Mấy câu thơ cũ của Tiếp Sĩ Trường, làm khóc bạn Nguyễn Văn Phú, cựu học sinh PBC-PT, thuộc phi đoàn 118 trực thăng ở Pleiku. Đời là vậy đó nên cái còn lại hôm nay, chẳng qua cũng chỉ là dư vị của cốc rượu ngày xưa, hảy cạn để mà nhớ rồi cùng nhau nhắc nhở nhau nghe như đang đứng giữa sân trường.
Rồi thì ngày Hội Ngộ cũng đến. Thầy trò lại dắt nhau vào lớp học năm nay được tổ chức rất trang trọng tại một Câu Lạc Bộ ở thành phố Orlando, lúc 7 giờ đêm 3-7-2006. Hiện diện trong ngày vui, có hơn 250 người từ muôn phương kéo về, xa nhật là Na Uy và Úc Châu, còn tuổi tác thì đủ ba thế he, mà người cao niên nhất (hơn 80 tuổi) là phu nhân của Thiếu Tá Chung, nguyên Chỉ huy trưởng Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận Bình Thuận (trước Thiếu Tá Phạm Minh), được hai cô gái cưng là Kim Dung (PBC 69) và Lệ Thủy (PBC 73), từ Úc, mời tới tham dự.
Vì có sự trục trặc trong việc thuê mướn địa điểm tổ chức, do các nhà hàng VN tại địa phương quá nhỏ, không đủ chổ , bó buộc phải tới câu lạc bộ, nên không đủ phương tiện và thì giờ để thực hiện một bàn thờ tưởng niệm Cụ Phan Bội Châu, như những lần tổ chức tại Nam California và Houston - Texas. Tuy nhiên mọi thủ tục Chào Quốc Kỳ, hát Quốc Ca đều có.
Năm nay do đường xá xa xôi, nên quý thầy cô về tham dự hơi ít so với mấy năm trước. Đó là Thầy Cô Tùng-Lệ (Hiệu Trưởng PBC - Chánh Sở Giào Dục Bình Thuận), Thầy Cô Vũ - Tâm (Hiệu trưởng PBC), Thầy Phan Xuân Tự ( Tổng Giám thị), Quý Cô Ung Thu Hà, Cao Thị Hoàng Hoa và Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Riêng quan khách có ông bà Phạm Ngọc Cửu (Phó TT/BT), Bác Sỷ Phạm Quang Hiệp ( nguyên Nghị Viên Hội Đồng Tỉnh Bình Thuận, NK 1972-1975), ông Trần Sâm (nguyên chủ sự phòng Thuế Vụ Bình Thuận)..
Mở đầu đêm Hội Ngộ, cưu học sinh Trần văn Tám, Trưởng Ban Tổ Chức đọc diễn văn chào mừng Thầy Cô, Quan Khách và Anh chị Em đồng trường. Ngoài ra ông cũng đã thay mặt mọi người, trân trọng cám ơn ông bà Tạ Phong và Nguyễn Thi Hiếu Để, đã hy sinh thật ti lớn, giúp cho ngày hội ngộ 2006 thành công tốt đẹp. Đây là một nghĩa cử đáng xưng tụng, nhất là tại đất nước này, có người chỉ cần không vừa ý, đã muốn ngoảnh mặt, thì nói chi tới chuyện xì tiền giúp đời làm chuyện ăn cơm nhà vác ngà voi.
Do thơì gian eo hẹp, nên năm năm nay Ban Tổ Chức không có chương trình tặng hoa tươi cho quý Thầy Cô. Tuy nhiên thay vào đó, là phần tặng Bảng Tưởng Lục Lưu Niệm. Ở đây Baan Tổ Chức cũng đã gởi lời cảm tạ Thầy Nguyễn Chương ( Giáo sư Anh văn PBC) và cac đồng môn Mai Thị Minh (54), Nguyễn Minh Đức (55) Hồ Đinh (55), Ngô Hoàng Các (55), Nguyễn Văn Dũng (55), Nguyễn Văn Bông (56), Mai Xuân Cúc (56), Pham Thân (Khai Trinh - 56) và Nguyển Thị Dung (58), đã gửi số tiền 600 USD, để Ban Tổ Chức chuyển về giúp Quý Cô Thầy và Anh Chị Em Phan Bội Châu còn kẹt tại Phan Thiết. Số tiền này được Anh Tiếp Sĩ trường (PBC 69) ứng trước, thành thật cảm tạ.
Sau đó là phần phát biểu của Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Thanh Tùng và màn trình diễn kéo đờn Violon của Thầy Hiệu Trưởng Lê Khắc Anh Vũ.
Cựu học sinh niên khòa đầu tiên của Trường Trung Học Công Lập Phan Bội Châu là Lê Thu Nguyệt (1952), củng là một nữ thi sĩ nổi tiếng của Miền nam từ thập niên 60, đồng thời với Thê Viên, Phò Mã Lầu Ông Hoàng, Kiều Thệ Thủy, Nguyễn Bắc Sơn, Từ Thế Mộng, Nguyễn Thị Thu Nhi, Hoài Khanh,Trần thiện Hiệp..của thi đàn Phan Thiết, tthay mặt tất cả cựu học sinh PBC, cám ơn Quý Thầy Cô đã dạy dổ mọi người tốt đẹp, nên ngày nay hầu hết trở thành những người hữu dụng của xã hội.
Tiệc Hội Ngộ kéo dài tới 11 giờ khuya mới bế mạc, ngoài những món ăn ngon miệng, còn có dạ vũ và chương văn nghệ thật hấp dẫn, qua sự điều khiển của cặp danh ca Xuân Lai - Quốc Thái.
Xuân Lai là cựu học sinh Phan Bội Châu Phan Thiết, tên thật là Lê Thị Xuân Lai, sinh năm 1946 tại Đức Thắng (PT - BT). Tham gia chương trình văn nghệ từ khi còn bé và là một giọng hát của Ban Văn Nghệ của Trường PBC, qua chương trình phát thanh hằng tuần của Ty Thông Tin Bình Thuận. Tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, sau đó gia nhập Ca Đoàn Trùng Dương tại Thủ Đô từ năm 1972 - 1975.
Mai Minh, cựu học sinh PBC 54-63 đã viết về ngôi trường của mình "Phan Bội Châu là trường trung học nổi tiếng của Bình Thuận, một tỉnh cuối miền Trung, nổi tiếng xưa nay về nghề làm nước mắm và ngư nghiệp.”
Trường tọa lạc trên đường Nguyễn Hoàng, thành phố Phan Thiết, cách thủ đô Sài gòn 198 cây số về hướng Đông bắc. Được vào học trường Phan Bội Châu là một niềm hãnh diện lớn vì học sinh phải trải qua một kỳ thi tuyển khá gay go. Trường Phan bội Châu được thành lập vào năm 1952 do tâm huyết của vị Tỉnh trưởng đương thời là ông Nguyễn văn Trác. Trong hoàn cảnh cấp bách để đáp ứng nhu cầu giáo dục đã bị ngưng trệ vì chiến tranh, đã phải mượn tạm hai phòng học của trường tiểu học Đức Thắng để thu nhận 110 học sinh nam nữ. Năm kế tiếp, để đón tiếp thêm hai lớp mới, trường lại mượn thêm lớp của trường Nam tiểu học do ông Trần hữu Lương làm hiệu trưởng.
Đến năm 1954, khi được 6 lớp, gồm thất, lục, ngũ, trường được dời về tòa nhà hai tầng, nguyên là kho bạc, tức ty Ngân khố, trên đại lộ Trần hưng Đạo. Tên trường Phan bội Châu được chính thức hãnh diện tạc vào mặt tiền tòa nhà và vị hiệu trưởng lúc bay giờ là ông Nguyễn xuân Tịnh.
Năm 1956, một cơ sở khang trang gồm hai dãy nhà lầu và một khu nhà trệt được xây cất xong trên đường Nguyễn Hoàng gần ngoại ô thành phố Phan thiết. Cũng vào năm này, 1956, trong khi tất cả học sinh được học ở ngôi trường mới tinh rộng lớn, một số học sinh kỳ cựu đã vào trường từ năm 1952 đã phải rời tổ ấm ra Nha trang hoặc vào Sài gòn để học vì trường chưa có lớp đệ tứ. Khi dời về cơ sở mới, trường được điều khiển bởi vị hiệu trưởng day kinh nghiệm là thầy Lê Tá.
Ngôi trường mới với chiếc cổng cao lớn như những cổng thành kiên cố trong những cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đứng ngạo nghễ vươn lên trong công cuôc phát triễn văn hóa, góp phần quan trọng trong việc đào tạo các thế hệ học sinh của Phan Thiết. Tu do kỷ luật của trường Phan bôi Châu càng ngày càng khắt khe. Một điều mà các cựu học sinh Phan bội Châu khi ra đời vẫn nhớ ơn thầy Lê Tá nay da la nguoi thien co, là thói quen đúng giờ. Mỗi buổi sáng, ngay sau tiếng chuông, cổng trường đã được khóa chặt và những học sinh đi trễ phải tiu nghĩu ra về. Không có trường hợp ngoại lệ vì thầy Lê Tá luôn có mặt tại cổng trường.
Năm 1959, các học sinh lên lớp đệ nhị phải thu xếp hành trang để ra học trường Võ Tánh, Nha trang. Năm 1960 trường mới có ba lớp đệ nhị đầu tiên của các ban A,B,C. Mãi đến hai năm sau, 1962, trường mới có hai lớp đệ nhất đầu tiên ban A và B.Tuy trãi qua thời gian đầu lao đao lận đận trong suốt mấy năm thành lập, trường càng ngày càng mở mang, khả năng thu nhận học sinh ngày càng đông. Các phòng học, phòng thí nghiệm, phòng dạy nhạc được xây thêm để đáp ứng nhu cầu thu nhận số học sinh từ các miền quê xa như Long Hương, Mũi Né, Phan Rí, La Ghi, Phú Quý v.v.
Đến năm 1975 trường đã có 72 lớp đệ nhất cấp với 4092 học sinh và 25 lớp đệ nhị cấp đủ các ban A,B,C với 1337 học sinh, nâng cao sĩ số học sinh lên 5429 và cũng đã có vài giáo sư nguyên là học sinh cũ của trường về dạy lại sau khi tốt nghiệp Đại học.
Trường nổi tiếng với tỷ số dẫn đầu về học sinh thi đỗ qua các kỳ thi trung học, tú tài và các kỳ thi tuyển vào các trường đại học chuyên nghiệp. Đó nhà nhờ công lao xây dựng, phát triển ngôi trường của các vị hiệu trưởng Lê Tá(1956-1963), Đào Trữ (1963-1966), Nguyễn tiến Thành (1966-1968), Nguyễn thanh Tùng (1968-1973) và Lê khắc Anh Vũ (1973-1975) và của các vị giáo sư đầy tâm huyết.
Những học sinh xuất thân từ trường Phan bội Châu qua nhiều thế hệ đã là giáo sư tiến sĩ, giảng sư đại học, bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, nhà văn, nhà báo, ca sĩ, nhạc sĩ… những người đã giữ nhiều chức vụ trong chính quyền, trong quân đội, những người trai anh dũng đã hiên ngang đáp lời sông núi, đã nằm xuống cho Tổ quốc thân yêu. Đó chính là những nụ hồng, mang đến hương sắc tuyệt diệu cho các thế hệ Phan bội Châu hôm qua, hôm nay và mãi mãi như tên tuổi của vị anh hùng cách mạng Phan bội Châu mà nhà trường được vinh hạnh mang tên.
Trước khi chia tay Thầy Cô, các anh chị em Liên Lớp 1966-1973, đã nhận lời tổ chức Ngày Hội Ngộ TH Phan Bội Châu 2008, vào tháng tư, cũng là lúc hoa đào đang nở rộ khắp thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
'Chào em áo trắng đang vào lớp
chân sáo tung tăng rộn khắp trường
thêm tiếng con chim nào rất lạ
đậu trên cành trúc hát vang vang
Chào em áo trắng ngồi trong lớp
tay ấp từng trang giáy học trò
nhưng mắt ô môi như muốn nói
long lanh hờn dỗi rất ngây thơ
Chào em áo trắng giờ tan học
gót ngọc làm mây vỡ cuối trời
phố nhỏ buồn hiu chợt thức giấc
những hàng phượng cũng vổ tay reo
Chào em áo trắng ngày tao ngộ
sách vở mộng đã xác xơ
chỉ chút hương xứa còn sót lại
trong hồn thơ chết khóc bơ vơ'
Xóm Cồn
tháng 7-2006
MƯỜNG GIANG
Cựu học sinh Trung Học Phan Bội Châu-Phan Thiết (1955-1962)
No comments:
Post a Comment