Thursday, April 6, 2017

Lầu Ông Hoàng Phan Thiết


Qua những bài viết và chỉ dẫn của bác Ngô Đình Miên, tôi cùng anh Thanh Kiem Huynh quyết định tìm xem phế tích lầu ông Hoàng hiện ở đâu, mà lâu nay ai cũng tưởng rằng nó nằm đâu đó trên đồi Bà Nài, gần cái tháp canh của pháp. Thôi đành cố gắng tìm xem để khỏi hổ thẹn là người sinh ra tại đây, miệng luôn nói lầu ông Hoàng, khách sạn Ngọc Lâm, nhưng nó nằm đâu thì “mơ mơ như cơ lý thuyết”.
Quả thật là khó khăn để tìm ra nó, vào ra nhiều lần những con đường hẻm đầy cát, hỏi thăm nhiều người dân sống gần đó, nhưng đều nhận cái chỉ tay về cái đồi xa xa có hai cái tháp Chăm, đến khi đã đến đúng chỗ thì ai cũng chỉ cũng như vậy. Nhưng cũng nhờ mấy cái hình của bác Miên, tôi khẳng định mình đã đến đúng chỗ mình tìm, hóa ra người dân họ đã nói dối (chắc có lẽ vì họ sợ).
Trước mắt tôi, hình ảnh “lầu ông Hoàng đó”, khách sạn Ngọc Lâm quả thật đáng thương, nó đã bị dân lấn chiếm hoàn toàn, bậc thềm khách sạn in dấu chân bao tài tử giai nhân thửa nào hiện ra trước mắt đầy cây gai rậm rạp. Bức kiềng đá bao quanh cao khoảng 2,5m vẫn còn thấy, có đoạn người dân đã tận dụng làm kiềng nhà cho mình. Tôi cố gắng len lỏi bước lên tam cấp, tìm lại dấu vết hình bóng người xưa, ngồi tại đó thả hồn một lúc, “chụp lén” vài tấm hình rồi bước xuống, rất may không có con rắn, con ong nào nhảy ra.
Bên trong các kiềng đá, (chắc có lẽ ngày xưa là hầm) bị dân lấn chiếm làm nhà ở, trồng cây giành đất trên đó, họ đã xua đuổi và không cho chúng tôi chụp hình, chắc có lẽ họ đã lo sợ vì đây là di tích lịch sử, lỡ mai sau nhà nước biết, giải tỏa thì họ phải đuổi đi, đây cũng là lý do khi chúng tôi tìm kiếm, họ đã trả lời khác. Nghĩ cũng thật tội nghiệp cho những người nghèo khó.
Qua bài viết của bác ngô Đình Miên và qua hình ảnh khách sạn Ngọc Lâm trên trang entreprises-coloniales.fr (một trang web nói về nghệ thuật kinh doanh xứ thuộc địa pháp) tôi khẳng định đây chính là khách sạn Ngọc Lâm, xa xưa hơn nữa là lầu ông Hoàng.
Theo entreprises-coloniales.fr thì khách sạn Ngọc Lâm là tòa nhà hiện đại có 10 phòng, có máy phát điện 20 mã lực, có máy bơm nước, nhà ăn trưa, nhà thay quần áo cho người tắm biển, có Ping pong, Tennis, Billard Russes …
Bá tước Montpensier quả thật có lý khi xây dựng “lâu đài tình ái” tại đây, nếu bạn đứng trên bức kiềng đá còn sót lại, bạn sẽ thấy dưới chân là vịnh Phan Thiết, bên phải là đồi Bà Nài có hai tháp Chăm và tháp canh của pháp còn lại, xa xa hơn nửa là ngọn hải đăng Kê gà và núi TàKu, bên trái là núi Cố có mộ Nguyễn thông nằm ở đó.

Nhìn hình ảnh lầu ông Hoàng ngày xưa, tôi không hiểu vì sao người ta lại nỡ lòng đập phá nó, đập phá hồi nào ? ai đập nó ? tôi nhiều lần cố tìm nhưng chưa có ai, trang nào nói đến.
Suy nghĩ mãi, tôi không hiểu vì sao di tích này bị lãng quên, nó hoàn toàn không có tội, nhìn lầu ông Hoàng lộng lẫy nổi tiếng ngày xưa chỉ còn là một đống gạch vụn, tôi không khỏi chạnh lòng, đau xót. Nói gì thì nói, chính nó cũng góp phần tạo ra màu sắc cho thành phố du lịch này. Người dân xứ “văn chương không bằng xương con cá” (cá mòi) cũng vinh dự, “mát mặt” khi quê hương có một cái “Lầu” nổi tiếng mà mọi miền ai ai cũng biết, nhưng tiếc thay, ngày nay nó chỉ là một đống tro tàn, đầy hoang phế.
Tôi tin tưởng vào một ngày nào đó, khi người ta sống có trách nhiệm hơn, lầu ông Hoàng sẽ được “lộ thiên” trước mắt mọi người, mọi du khách. Lầu ông Hoàng không thể nào chết, bởi lúc nào nó cũng ở trong ký ức của chúng tôi và mọi người đang sống.
chú thích :
1/các bác nào muốn tìm hiếu kỹ về phế tích lầu ông Hoàng xin vào nhà bác Ngô Đình Miên nhé)
2/ trang nói về khách sạn Ngọc Lâm http://entreprises-coloniales.fr/…/Phanthiet_Hotel_Ngoc_Lam…
























No comments:

Post a Comment