Wednesday, March 8, 2017

Nhớ Mẹ - Ngày Phụ Nữ Quốc Tế / FB Tôn Thất Hùng

Nhớ hoài những ngày thơ ấu sau 1975, khi Ba thì bị vào nhà tù “cải tạo”, còn Mẹ thì bị đuổi việc vì lý lịch quá đen. Ban ngày Mẹ đi buôn bán tảo tần, nhưng đêm về, cô cựu nữ sinh Đồng Khánh - Quốc Học vẫn nằm ngâm thơ, tôi nằm bên Mẹ làm khán giả. Mẹ ngâm nhiều bài thơ, từ thơ Kiều, thơ Lục Vân Tiên, thơ của Đoàn Thị Điểm và các nhà thơ của giai đoạn 1930 – 1950 như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tản Đà, rồi hình như tác giả thơ “mới” nhất của Mẹ là các cụ Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền... Thời đó, tôi hay nghe Mẹ ngâm nhiều lần bài thơ thời tiền chiến: “Mòn Mỏi” của tác giả Thanh Tịnh. Tuy còn nhỏ nhưng tôi đã biết Mẹ ngâm bài đó hoài vì nhớ Ba. Tôi đã hiểu loáng thoáng về nội dung bài thơ, hình như là mẩu đối thoại của hai chị em. Người chị có lẽ đang nằm trên giường bệnh, nhờ người em đứng nhìn ra cửa sổ xem chừng người yêu đi trận mạc đã về chưa. Những câu trong bài thơ mà Mẹ hay ngâm như

"- Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
Ngựa hồng tung bụi cõi xa mơ..."

hoặc nhân vật người chị dường như đang mê sảng trên giường bệnh
- “Tên chị ai gieo giữa gió chiều ,
Phải chăng em hỡi tiếng chàng kêu ?
Trên dòng sông lặng em nhìn thử
Có phải chăng người của chị yêu ?...”


Thời đó, Mẹ mới 42 tuổi, Mẹ ngâm bài nào cũng hay. Sau này lớn lên tôi biết lối ngâm đó là kiểu Sa Mạc và Mẹ cũng chỉ ngâm có một kiểu thôi. Hình như đây cũng là cách ngâm mà người miền Trung rất ưa chuộng (những nghệ sĩ như Thanh Thúy, Hồng Vân, Hoàng Hương Trang, Tôn Nữ Hỷ Khương, Hà Thanh, Mỹ Thể cũng đều ngâm theo lối Sa Mạc). Khi qua Canada định cư, trưởng thành, tôi có cơ hội nghe nghệ sĩ Hồng Vân ngâm trọn bài “Mòn Mỏi”. Phần sau bài thơ quá bi thảm, hèn gì Mẹ đã không dám ngâm tiếp, chỉ ngâm nửa bài đầu. Khi nghe những câu kết thúc bài thơ, tôi đã rơi nước mắt.

“....Ngựa hồng đã đến bên hiên ,
Chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người ."


Hôm nay là ngày Phụ Nữ Quốc Tế 8 tháng 3. Thật ra ngày này không mấy quan trọng trong xã hội phương Tây, cũng như tại Việt Nam trước 1975. Khi tìm hiểu thì tôi biết nguồn gốc lịch sử của ngày Quốc Tế Phụ Nữ lại là từ Hoa Kỳ, nói lên những bất công và kêu gọi phụ nữ hãy cất lên tiếng nói cho một sự bình đẳng, bình quyền. Hôm nay, tôi muốn viết vài hàng để tỏ lòng kính phục những phụ nữ Việt Nam có chồng ở tù “cải tạo”, trong đó có Mẹ tôi. Họ đã bị nhà cầm quyền Việt Nam kỳ thị, khủng bố và chà đạp nhân phẩm những năm sau cuộc “cách mệnh” của họ 1975, và cho dù nhiều khó khăn, những phụ nữ có hoàn cảnh như Mẹ đã ngẩng cao đầu, lo thăm nuôi chồng, và lo cho con vượt biên. Có dịp tiếp xúc những bạn bè, lớn hơn có, nhỏ hơn có, đều nghe các bằng hữu cùng hoàn cảnh chia xẻ và tự hào rằng họ đã được những bà Mẹ giáo dục rất cẩn thận để những đứa con nên người: nên người trong học thức và nên người ở lòng tự trọng cùng lý tưởng sống. Xin kính chúc tất cả những phụ nữ trên toàn thế giới có được sự bình quyền trọn vẹn trên mọi lãnh vực của cuộc sống
TTH

No comments:

Post a Comment