Mỗi năm khi cơn gió se se lạnh nhè nhẹ thổi về vào tháng 12 là tôi lại nhớ đến những mùa giáng sinh xưa. Ngày xưa cứ bắt đầu vào tháng 12 khi nghe giọng ca quen quen và truyền cảm của cô ca sĩ Giao Linh hát bài “Mùa Sao Sáng” trên Đài Phát Thanh Sài Gòn: “Một mùa sao sáng, đêm Noel chúa sinh ra đời. Người hẹn cùng tôi, ngày về khi đất nước yên vui… . (Mùa Sao Sáng – Nguyễn Văn Đông) ” .
Và các quán cà phê lại bắt đầu trang trí với cây thông nho nhỏ đặt trên quầy caisse, rồi nhạc nổi lên có khi cả tháng là tôi biết mùa Giáng Sinh sắp sửa về. Năm nào cũng vậy mà hình như nó đã thành cái thông lệ của dân Sài Gòn rồi. Cũng giống như khi nghe Terry Jack hát bài Season in the Sun vào năm 1974, là tôi nhớ tới mùa hè vậy.
Những năm còn ngồi học ở Taberd, mỗi đêm Giáng Sinh là tôi đi đến trường tham dự thánh lễ nửa đêm, rồi về nhà với buổi Réveillon đêm thánh vô cùng thật ấm cúng, cùng với món quà của ông già Noel như: Đoàn tàu xe lửa, máy bay, tàu chiến….
Tiệc Réveillon có khi là nồi cháo gà xé phay, nồi cà ri gà hay Ragout bò, cùng với xôi hay chè, thêm một cái bánh kem Buche Noel hình khúc cây có cái tượng ông già Noel ngồi ở trên là thấy no lòng rồi. Cái tuổi thơ của những năm tháng ấy cũng êm đềm và thật đẹp như những điệu nhạc réo rắt và êm êm của bài Đêm Thánh Vô Cùng vang lên trong đêm Noel vậy.
Không hiểu sao mùa Giáng Sinh khi nghe những bản nhạc viết về Giáng Sinh nghe nó buồn não nuột, bài nào cũng thế, cũng yêu nhau rồi lại xa nhau, và cứ mỗi độ Giáng Sinh về là lại nhớ đến nhau, cộng thêm cái không khí se lạnh nữa thì thật ảm đạm, nhất là những người đang yêu nhau:“… Nửa đêm tan lễ, bước anh chơ vơ trở về, chợt nghe nước mắt, rơi ướt trên bờ môi khô, rồi Noel qua, nhưng mộng ước cũng qua rồi, gặp nhau chỉ để thương đau, yêu nhau chi rồi xa nhau” (Hai Mùa Noel – Nguyễn Vũ).
Hoặc là những mong mỏi cho đất nước thanh bình thoát khỏi những cơn binh lửa khốc liệt, hay tâm sự của người lính trẻ đứng gác đêm Noel lạnh lẽo và cô đơn nơi tiền đồn xa xôi nào đó nơi rừng xanh núi thẳm, ngóng về Sài Gòn và nhớ người yêu mà mùa Noel trước trong lần về phép hiếm hoi, được tay trong tay đi lễ nửa đêm: “…. Tà áo năm xưa xanh mầu thông Đà lạt,dành đến năm sau khi cùng anh dạo phố,để nhớ Giáng Sinh năm xưa ,kỷ niệm ngày Chúa ra đời,cho em sống lại , màu xanh ái ân (Màu Xanh Noel – Nguyễn Văn Đông)”.
Những ai đã từng thất tình hay phải solo một mình trong đêm Noel thì càng nghe càng thấy thấm thía hơn. Nhất là sau 30/4/75, khi mà những không khí tưng bừng của những ngày lễ hội không còn nữa, cũng như những hình ảnh tráng lệ cùng với ánh đèn màu lung linh trong tiếng nhạc réo rắt của mùa giáng sinh, tất cả đã biến mất và tưởng chừng như chỉ còn trong kỷ niệm. Thì khi nghe những bản nhạc về Giáng Sinh nó làm cho ta phải nhớ quay quắt về cuộc sống vừa mới mất từ hôm nào.
Hạnh phúc thật ngắn ngủi trong thời chiến tranh. Mùa Giáng Sinh với đêm Noel nó cũng ngắn ngủi lắm, rộn ràng cả tháng 12 vậy đó mà chỉ cần qua cái đêm ngày 24/12 là coi như đã qua mùa Noel rồi, cho dù niềm vui còn âm hưởng cho tới cái tết Dương Lịch sau đó vài ngày. Ngày đó cứ mỗi lần Giáng Sinh sắp về là tôi ráo riết kiếm cho được một em,để mà có dịp tặng thiệp, có dịp đưa em đi dạo hè phố Lê Lợi đông đúc trong đêm 24/12, để ngồi mà mơ mộng của cái tuổi vừa mới lớn: “Mùa Noel đó, chúng ta quen bên giáo đường. Mùa Noel đó, anh dắt em vào tình yêu.”
Nhớ lại những buổi hẹn hò đêm Giáng Sinh của cái thuở vừa mới lớn. Suốt cả buổi chiều ngày 24/12 là đã lo chuẩn bị bộ đồ “vía” mới toanh,chẳng cần đợi đến bữa cơm chiều sắp sửa được dọn ra.
Trời vừa chập choạng tối là đã lên đồ và xịt nước hoa thơm lừng khắp người, nếu điệu hơn chút nữa thì bôi nhẹ một ít kem Brillantine lên đầu rồi chải cho mái tóc bóng mượt lên, thế rồi dắt chiếc xe Honda PC vội vã lên đường để đến nơi hẹn với em gái. Hồi ấy, vào đêm Giáng Sinh tất cả các xe không được lưu thông vào các khu vực như đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ và đường Tự Do.
Những đoạn đường này chỉ dành cho những người đi bộ vui chơi đêm Giáng Sinh. Buổi chiều trên đường Lê Lợi các quán cà phê đều đông đúc giới trẻ ngồi túm tụm lại, vừa uống cà phê vừa ngồi ngắm thiên hạ đi qua đi lại cho tới tối. Rộng, dài và trang trí rực rỡ bên ngoài thật bắt mắt của quán caféteria Rex nằm gần rạp chiếu bóng Rex cũng chật cứng người, và khói thuốc mù mịt trong quán quyện lấy âm thanh nhộn nhịp của bài Jingle Bell.
Đi xuống một đoạn là quán cà phê Bố Già với 3 cô con gái thật xinh đẹp cũng không còn chỗ ngồi, quán này luôn có những “cây si” chịu khó ngồi đồng suốt cả ngày cũng chỉ để ngó 3 cô con gái của Bố Già.
Xích xuống một chút là Lữ Quán, nơi đây ngày thường chỉ có dân nghiện hút hay còn gọi là dân Kent ngồi đóng đô thường trực, nhưng tối nay Giáng Sinh thì khỏi ngán, anh nào hút chích thì cứ việc, còn anh nào ngồi chỉ để ngó gái thì cứ ngồi, miễn là đừng đụng chạm tới nhau là được.
Chứ giờ này mà kiếm quán để ngồi, chờ tới giờ “xuống đường” đi dung giăng dung dẻ thì coi bộ hơi khó. Thường thì giờ bắt đầu cho thiên hạ đi dung dăng là từ 8 giờ tối cho đến 11,12 giờ đêm thì vắng người dần, sau đó giới trẻ tìm chỗ đi chơi Overnight cho tới sáng (từ này hồi đó giới trẻ choai choai hay xài có nghĩa là đi suốt đêm luôn).
Mấy rạp chiếu phim cũng đông không kém, trai gái kéo vào xem phim cũng chỉ để kiếm chỗ tâm sự cho kín đáo, chứ ngoài đường thiên hạ đi lại đông như kiến thì còn “làm ăn” gì được nữa. Hay là sau khi dạo phố phường chán chê rồi thì họ mới kéo vào xem buổi chiếu phim cuối cùng trong ngày, gọi là “…rồi anh đưa em đi tìm cảm giác lạ thường…”.
Cũng có năm, cũng áo quần bảnh bao, nước hoa thơm lừng khắp người với cái đầu bóng loáng, bon bon với chiếc Honda PC hớn hở quen thuộc đến chỗ hẹn thì bị em cho… leo lên cây me. Bèn “nuốt hận” chạy đi tìm mấy thằng bạn cũng “vô duyên” như mình, kéo nhau đi chọc gái gọi là “…để trả thù cho duyên kiếp bẽ bàng..”, cho qua đi một đêm Giáng Sinh lạnh lẽo và vô vị, đành phải an ủi thôi thì đợi đến Giáng Sinh năm sau vậy. Đúng là cái thú đau thương vậy.
Đêm hồng ân, đêm an lành, đêm vui mừng.. không hiểu sao từ rất lâu lắm rồi, dân Sài Gòn vẫn có thói quen đi mua thiệp ở gần Nhà Thờ Đức Bà hay những chỗ nào khác, vẫn tay trong tay trong đêm Noel 24/12 kéo về đi bộ trên con đường Lê Lợi, hay tụ tập trước bãi cỏ ở Nhà Thờ Đức Bà, để chờ thánh lễ lúc nửa đêm hay nhìn ngắm cái đèn ngôi sao to tướng, và những dãy đèn màu nhấp nháy từ tuốt trên đỉnh tháp chuông Nhà Thờ Đức Bà chạy dài xuống dưới đất, trẻ em chạy tung tăng sung sướng với cái bong bóng to đùng đủ màu trên tay.
Những nam thanh nữ tú trong bộ diện rất thời trang và rất đẹp, cho dù qua mọi biến chuyển của cuộc sống,cho dù cuộc sống vẫn khó khăn vẫn thiếu thốn. Nhộn nhịp nhất vẫn là hai bên con đường Lê Lợi, với những kios bán thiệp Giáng Sinh, băng nhạc mới ra lò, những cây thông cùng với hang đá và những dây kim tuyến đủ màu lấp lánh, những đồ chơi được bày bán đầy trên vỉa hè, nhất là trên vỉa hè trước cửa Thương Xá Tax, từ đoạn đường Lê Lợi kéo dài sang đường Nguyễn Huệ….
Vui và hồi hộp là thế nhưng vẫn tụ lại chơi cho đến khi chiến tranh lại về, và cuộc sống khó khăn bắt đầu đến. Nhưng đêm Giáng Sinh về vẫn là đêm của Hồng Ân chói sáng, của An Bình êm đềm cho nhân loại, của những lễ hội vui tươi như cái giọng ca rộn rang của ban nhạc Boney M với bài Jingle Bell, hay bài Mary’s Boy Child – Oh My Lord nhộn nhịp quen thuộc của thập niên 80 muôn thuở, hay là vẫn buồn buồn như giọng ca của George Michael trong bài “Last Christmas” ảm đạm và u hoài. Nghe bài này tôi lại chạnh lòng tới mùa Giáng Sinh năm 1974. Ngày ấy quê hương ngập tràn khói lửa khắp nơi nơi, từng đoàn người từ các tỉnh xa xôi tràn về Sài gòn để trốn chạy chiến tranh.
Sài Gòn vốn dĩ đã là thủ đô của sự thịnh vượng,với lối sống náo nhiệt “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, nay với những đoàn người chạy loạn kéo về thì sự náo nhiệt ồn ào của mùa Giáng Sinh 74 càng tăng lên mạnh mẽ. Tuy Sài Gòn không còn những cảnh Giáng Sinh hay Tết Tây đầy màu sắc của những năm quân đội Mỹ còn đóng quân ở miền Nam Việt Nam, năm nay họ đã rút hết về nước nên Giáng Sinh 74 là dân Sài Gòn phải thắt lưng buộc bụng, một phần nữa cũng vì chiến tranh đã đang hồi khốc liệt và gần kề.
Đêm Giáng Sinh 74, không hiểu sao trời đổ cơn mưa thật lớn làm dân trẻ tuổi Sài Gòn ngỡ ngàng, nếu cứ mưa như thế này thì “toi” một đêm Noel hoành tráng và hạnh phúc rồi, mấy quán cà phê gần trung tâm Sài Gòn chật đầy người ngồi trú mưa tán dóc chờ trời tạnh, hơi người hơi khói thuốc thêm mùi nước hoa đủ loại nồng nặc quyện bay vấn vương trong quán, cũng may trời “thương” cái đám trẻ Sài Gòn sống vô tư lự trong chiến tranh nên bèn tạm dừng cơn mưa. Đêm ấy đường xá ướt sũng nước nhưng vẫn không ngăn được dòng người đi bộ ,tay trong tay đang bắt đầu đi lang thang trên con đường Lê Lợi tấp nập người qua lại.
Đêm Giáng Sinh này tôi phải đi với mấy thằng bạn trai chán chết đi được,đực rựa với nhau thì còn tình tứ cái mẹ gì. Lỗi cũng tại tôi, như thường lệ cứ đến gần Giáng Sinh là tôi phải “cua” cho được 2 em, gọi là để sơ-cua thôi, hễ em này cho leo cây thì đi với em kia. Cũng không phải ham hố gì, nhưng trong đêm Giáng Sinh bạn bè thằng nào cũng có đôi có cặp, không lẽ mình thì “lẻ bóng đơn côi”, chúng nó cười chết!
Có thằng còn ghẹo rằng: Nhìn tướng tá coi cũng được mà lại không có đào thì dám thằng này…pê đê lắm nha. Còn bà chị kết nghĩa, sau khi ngắm tới ngắm lui cậu em kết nghĩa bèn lắc đầu ghẹo: Coi cũng được lắm chứ, nhưng .. “không lẽ em lạnh lùng đến thế sao em, tim em tan nát tự bao giờ, giờ đây đã lác càng thêm lác” (bả hát bài Lạnh Lùng để ghẹo cậu em), uổng đời trai lắm nghe em!
Chính vì thế tôi phải ráng cua gái, tự ái ghê gớm lắm chứ. Kẹt một nỗi từ nhỏ tới lớn tôi học ở trường dòng Lasan Taberd toàn con trai, nên còn nhát gái lắm chưa có một mối tình nào vắt ngang vai. Ai đời đứng nói chuyện với gái mà tim đập thình thịch, miệng thì nói lắp bắp như bị cà lăm, có lúc lại ngớ ngẩn gọi bạn gái nhỏ hơn mình bằng chị xưng em nữa mới ghê chứ. Nhát quá có khi lại hay quên mới là tai hại, em vừa cho biết tên em là Hoa ,nói một hồi thì tự nhiên gọi em là Hồng mới chết cha chứ, cũng vì cái quên tai hại này mà một vài em cho tôi lên đường về xứ mẹ.
Có lần đọc ở đâu đó nói rằng: Con gái nói không là có, nói có là không. Thấm ý quá tôi bèn áp dụng với một cô bé mới quen được có 2 tuần. Một bữa hai đứa ngồi tâm sự trong công viên, trời nắng thật đẹp,khung cảnh lãng mạn, vắng người qua lại, tôi bèn thủ thỉ đòi hôn nàng, nàng lắc đầu nói không lia lịa, tôi thầm nghĩ con gái nói không là có, bèn lấy hết can đảm hôn nàng một cái. Ai ngờ nàng xô tôi ra thật mạnh, xém chút nữa té chúi nhũi, rồi nàng cương quyết bỏ đi một mạch để tôi ngồi lại một mình, với tâm trạng hoài nghi và tự nghĩ,tại sao mình áp dụng theo sách mà lại sai bét! Bèn ngửa cổ lên trời nhái thơ rằng:
Người đi rồi một nửa hồn tôi mất
Còn nửa kia buồn bã đứng… chửi thề.
Còn nửa kia buồn bã đứng… chửi thề.
Đành an ủi một mình: Thôi thì thất bại là mẹ của thành công (lại là sách nói). Thật là ngu ngơ khờ khạo gì đâu. Nhưng khi cái cục tự ái to tổ bố nổi lên rồi thì cái cục nhát gái cũng phải đi chỗ khác chơi. Tôi bắt đầu làm người lớn tập tành yêu đương.
Thường những cuộc tình bắt cá hai tay chỉ ngắn ngủi mà thôi, chỉ sau đêm Noel hay kéo dài tới Tết Tây là coi như người chia tay nhau cuối đường, lại phải hát bài: Nghe Những Tàn Phai của Trịnh Công Sơn thôi. Bởi vì, một đêm Noel không thể cùng lúc đi với hai em, để chắc ăn thì nên kiếm một em con nhà lành, những em này thì chỉ đi từ chập tối tới 9 giờ tối là nằng nặc đòi về vì sợ ba má em la!. Và kiếm một em model và khoái nhẩy đầm thì em này có thể đi chơi từ 9,10 giờ có khi cho tới sáng cũng không sao, vì ba má em cũng lo đi chơi vậy!.
Tôi cũng cẩn thận áp dụng kinh nghiệm như vậy vào đêm Giáng Sinh 74, nhưng xui xẻo lại bị tổ trác bất ngờ. Số là chiều hôm 24/12 tôi dẫn em Ngọc Tơ (đặt thêm tên Tơ vì em là con nhà tử tế) đi uống caféteria Rex. Vừa đặt đít xuống chưa kịp nóng ghế thì đã thấy hai cô bé model nhìn thấy dáng quen quen đi vào, chưa kịp làm lơ thì đã nghe tiếng oang oang của em Mai Bebop gọi rồi, thế là hai con bé nhìn nhau bằng bốn đôi mắt có hình viên đạn. Hậu quả là tối hôm đó tôi lại phải đi solo với mấy thằng bạn đực rựa, để cùng tụi nó hát đồng ca: “…Để mặc anh lang thang, ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới… (Mùa Đông Của Anh – Trần Thiện Thanh)”.
Nên cứ mỗi mùa Giáng Sinh qua đi thì tôi cũng lại phải chia tay với một em vừa đi guốc qua đời tôi. Tôi đã từng phải hát cái bài “Thánh Ca Buồn” rất đỗi quen thuộc này mấy lần trong những cuộc tình thoáng qua của thuở mới lớn .Đó cũng là kỷ niệm mùa Giáng Sinh 1974 cuối cùng của Sài Gòn. Vài tháng sau khi Sài Gòn đứt phim cùng với những kỷ niệm một thời của dân Sài Gòn cũ.
Tôi cũng đã có những lần Giáng Sinh thật thơ mộng và êm đềm, cái thuở mới lớn còn ngu ngơ, khi thích mà không dám nói chỉ biết nhờ người gởi cho em cái thiệp Giáng Sinh, mà lòng cứ sợ em nó trả lại và không yêu.
Hồi đó thói quen tặng thiệp Giáng Sinh hay thiệp Tết Nguyên Đán rất hay,người được tặng thiệp đôi khi rất hồi hộp và sung sướng. Ai có nhiều thiệp được tặng thì càng chứng tỏ mình được bạn bè yêu mến hay đào hao rất đắt đào. Tấm thiệp còn là thay lời muốn nói, những lời lẽ không nói ra được,chỉ biết gởi tâm sự nào đó qua tấm thiệp để chuyển đến người mà mình muốn đến.
Ngày ấy những tấm thiệp được in rất đẹp và rất phong phú, đa số là được in và nhập từ nước ngoài về, màu sắc và hình ảnh rất đẹp nên giới trẻ Sài Gòn rất thích. Như tôi đã nói, những tấm thiệp là những thông điệp thay lời muốn nói của người tặng thiệp cho người nhận thiệp.
Nếu chỉ là mới quen nhau và đang trong giai đoạn bạn bè thì đã có những lời chúc tốt đẹp đại để như: Mong bạn có một mùa Giáng Sinh an lành và vui vẻ như tình bạn của chúng ta, kèm theo đó là một tấm thiệp có cành hoa cúc trắng hay vàng thật rực rỡ chẳng hạn (chịu khó tốn thêm một tấm thiệp nữa để nói lên cái tâm tư của mình cho nàng hiều, còn nếu nàng không hiểu thì coi như mất toi cả hai tấm thiệp)..
Cái thuở mới lớn còn ngu ngơ và khù khờ của tôi cũng có một kỷ niệm nho nhỏ. Tôi quen với một cô bé cùng tuổi học chung lớp. Quen nhau cũng thân ,nhân dịp gần đến ngày Giáng Sinh tôi lại có ý định tặng cô bé một tấm thiệp tuyệt đẹp mà đi lựa mãi mới tìm được và ưng ý. Về nhà ngồi nặn óc để tìm ra một câu tỏ tình nào đó thật dễ thương để gởi tới cô bé,cũng phải mất mấy ly cà phê ,một bao thuốc lá và một đêm thao thức trắng không ngủ thì tôi mới tìm ra được một câu tán gái đầu đời.
Đại khái là anh xin chúc em một đêm Giáng Sinh không lạnh lẽo như tình của chúng ta!. Rồi lấy hết can đảm tôi trao tận tay cho nàng tấm thiệp kèm với một lời rủ rê mời nàng đi xem lễ đêm Giáng Sinh. Thiệp thì cô bé nhận còn đi chơi thì cô bé lắc đầu vì: Ba Mẹ của em khó lắm.Tôi cũng tự an ủi thôi thì cô bé nhận thiệp và đọc được nỗi lòng của tôi là vui rồi.
Sau mấy bữa hồi hộp và trông ngóng thì tôi cũng nhận được một tấm thiệp của nàng gởi tặng. Phải nói là tâm trạng của gã trai mới lớn lúc đó vui sướng như thế nào, suốt buổi học tôi không dám mở tấm thiệp ra xem thử, mà cứ để hồn lâng lâng chờ cho tiếng chuông tan học reo vang, đã vậy thỉnh thoảng em quay lại liếc nhìn tôi và tủm tỉm cười,tôi lại càng sốt ruột hơn nữa.
Về đến nhà, không kịp thay bộ đồ đi học tôi nóng long hồi hộp mở tấm thiệp ra xem thì thấy có một tấm hình Chúa Giê-su nằm ngủ một mình, trông người đẹp như thiên thần bé nhỏ, và câu nàng chúc tôi như sau: Mong tâm hồn của anh đẹp và hồn nhiên như giấc ngủ của Chúa Hài Đồng. Chỉ một câu ngắn ngủi vậy thôi mà tôi đã muốn bay bổng lên tận trên trời xanh rồi.
Một gã trai mới lớn ngu ngơ và khù khờ như tôi làm sao mà hiểu được câu chúc của nàng,cứ tưởng nàng khen mình đẹp và hồn nhiên!. Mãi về sau khi tôi đã có vợ thì tôi mới “khôn” ra. Thường thì các cô bé bằng tuổi với các cậu bé thì đa số các cô khôn hơn và già đời hơn mấy chú gà trống tơ cùng tuổi (vợ tôi bảo vậy!). Và cái câu chúc của cô bé năm nào của tôi cũng mang ngụ ý rằng: tôi nên sống hồn nhiên và trong sáng đi, đừng có tập tành yêu đương sớm thế, chúng mình còn phải lo học nữa, chưa tới cái tuổi yêu đâu mà mơ màng.
Sợ nhất là quen mấy con bé tuổi mới lớn, có lần tôi quen một cô bé cũng như thế,ở cái tuổi nhỏng nhảnh,hay buồn giận vu vơ, sáng nắng chiều mưa không biết đâu mà mò.Thường thì trước đêm Giáng Sinh một tuần là tôi mua cái thiệp để gởi tặng cô bé mới quen.Nhân tiện tôi cũng rủ cô bé đi chơi với tôi, em mau mắn nhận lời nhưng em không đi một mình mà đi theo em còn có thêm 2 con bạn tính lúc la lúc lắc giống như em.
Tuy hơi thất vọng nhưng tôi tự nhủ chắc lần đầu tiên đi chơi với tôi nên em ngại đó thôi,đi nhiều chắc em dạn dĩ lên cho coi. Sẵn đi ngang qua mấy sạp bán thiệp trên vỉa hè đường Lê Lợi, mấy con bạn của cô bé xà vào lựa thiệp. Năm 1971 ở Sài Gòn đã xuất hiện thiệp có hình ảnh nổi rồi (mãi sau này người ta gọi là ảnh 3 chiều hay 3 D). Lúc đầu chỉ là những phong cảnh hay hoa lá cành,về sau thì phong phú hơn có cả thiệp về Giáng Sinh nhìn rất sinh động, tuy giá cả cũng khá mắc.
Thế là mấy con bạn của cô bé xúm nhau vào lựa mỗi em 1,2 tấm. Tôi bấm bụng thầm nghĩ: Nãy giờ đi chơi uống nước cũng đã bộn tiền rồi, giờ còn gồng thêm mấy tấm thiệp cho mấy em ăn theo này nữa chắc nghèo luôn. Nhưng cố làm mặt vui vẻ để cho buổi đi chơi đầu tiên này được vui vẻ và tốt đẹp (vui cái con khỉ khô gì). Tưởng sao, qua ngày hôm sau cô bé nói tụi bạn cô về nhà coi lại thì thấy thiệp sao xấu quá, thế là con bé nằng nặc bắt tôi mua tặng cho cô bé tấm khác.
Tôi giận quá chỉ biết nhủ thầm: đã ăn theo còn bầy đặt chê với bai, đúng là lũ con gái mới lớn. Vì sợ không có ai đi chơi đêm Giáng Sinh nên tôi cũng lờ đi, coi như chiều em nó một tý cho vui vẻ cả làng ấy mà. Lại cất công chạy đi lựa tấm thiệp khác vậy, nhưng cẩn thận tôi dẫn cô bé đi chọn theo ý của cô luôn, chỉ một mình cô đi với tôi thôi. Lúc mua được tấm thiệp ưng ý trên tay, hai đứa dung dăng dung dẻ trên đường Lê Lợi.
Đang đi thì bất chợt tôi thấy có một em trông xinh quá đang đi ngược hướng với hai đứa tôi, thế là tôi quên béng con bé đang đi bên cạnh nãy giờ nói cái gì mà tôi có nghe đâu. Tôi cứ mê mải nhìn em “trông xinh quá” đi ngang qua và còn cố ngoái đầu ra sau nhìn cái dáng em đi xa dần. Tới chừng con bé đi bên cạnh nhéo tôi một cú đau điếng kèm theo cái nguýt mắt bén như dao cạo tôi mới chợt tỉnh. Hậu quả là tấm thiệp mới mua em giận dỗi xé tan từng mảnh nhỏ và bỏ tôi lại một mình giữa đường,mặc cho tôi chạy theo năn nỉ muốn gãy lưỡi.
Nhờ tôi có cái mặt “chai” (như lời con bé nói) nên sau mấy ngày chầu chực đứng trước nhà con bé, dù trời mưa hay nắng nên cô bé cũng xiêu lòng bỏ qua. Lại phải chạy đi kiếm tấm thiệp thứ 6 để xin nàng “tha lỗi” vì tối nay là đêm Giáng Sinh 24/12 trọng đại rồi. Hai đứa kéo nhau vào quán cà phê ngồi để tôi nói lời xin lỗi và trao tấm thiệp lần thứ 6 cho cô bé.
Ngồi nghe nhạc du dương tôi thấy cô bé ngồi đưa mắt nhìn về phía xa xăm nào đó, rồi cô bé nói mê tiếng hát và vẻ đẹp trai của ca sĩ Pháp Art Sullivan, còn tôi thì mê Christophe hơn, hai đứa nói qua nói lại thì cô bé lại sắp sửa giận dỗi. Sực nghĩ đến buổi đi chơi tối nay nên tôi bèn xuống nước nhịn cô bé cho êm chuyện, không khéo lại tốn tiền mua tấm thiệp thứ 7 nữa thì khổ cho đời trai của tôi quá.
Có những đêm Noel sau ngày Sài Gòn bị đứt phim, dù không có đèn màu hay không khí nhộn nhịp của những vũ trường, Discothèque, phòng trà ấm cúng ngày nào, ngay cả khi không có cả ánh điện Néon của những năm 75,76. Không cây thông với ánh đèn màu nhấp nháy, không tiếng nhạc Noel xập xình trong đêm, chỉ toàn không khí im lặng và buồn chán.
Người Sài Gòn vẫn không quên đổ xuống đường nườm nượp như một thói quen đã có tự thuở nào, cũng chẳng để làm gì cứ dắt tay nhau đi lên đi xuống mặc dù cũng đi bộ rã cẳng và không có gì vui dù chỉ để ngắm nhau,nhưng họ vẫn đi vẫn hân hoan vui vẻ trò chuyện và yêu đời yêu người.
Thỉnh thoảng có tiếng ré lên của một cô gái nào đó, cùng với tiếng cười khả ố của đám thanh niên đang tụ tập trước bùng binh nước gần rạp ciné Rex. Thì ra mấy anh chàng láu cá này cho tiền mấy đứa nhỏ, rồi chờ mấy cô nào mặc váy hay robe đi tới gần đám thanh niên, thì mấy ông nhóc từ đàng sau thò tay vén cái đầm của mấy cô lên cho cái đám thanh niên đứng nhìn. Cuộc sống khốn khó nó làm cho con người trở nên quái đản như thế. Có những tốp cả trai lẫn gái chuyên đi rắc Công-phét-ti đủ màu sắc lên đầu thiên hạ trên đường phố. Trò nghịch ngợm vui vui này cũng có từ lâu lắm rồi ,cùng với cái mặt nạ mắt kiếng cộng với cái mũi lõ và bộ râu,thêm cái kèn giấy mà khi thổi thì nó giãn ra và co vào.
Đó là những năm của mùa Giáng Sinh buồn bã,của sự nghi ngại và buồn chán cho tương lai của lớp trẻ chúng tôi. Chính quyền mới họ cũng không muốn dân tụ tập đông, nhất là thanh niên trẻ ở nơi trung tâm thành phố,họ sợ vì lý do an ninh là chính. Nhưng đây là ngày lễ của Quốc Tế và được công nhận nên họ chỉ hạn chế số giờ tụ tập ngắn lại và tăng cường các nhân viên an ninh trà trộn vào đám đông,hễ có gì lộn xộn là họ can thiệp ngay.
Chính vì thế mà không khí của mùa Giáng Sinh những năm này không nhộn nhịp trọn vẹn. Chạnh lòng nhớ lại những năm trước 30/4, tuổi trẻ thành phố Sài Gòn náo nức và hả hê đón mừng những ngày lễ hội lớn tưng bừng trong năm.Họ đi đứng rất trật tự và với dáng vẻ hân hoan in rõ trên nét mặt mọi người. Họ sống vô tư cho dù chiến tranh đang khốc liệt và lan tràn trên khắp mọi miền đất nước miền Nam.
Sau những cuộc lang thang chán chê là họ tự động đi kiếm một quán cà phê nào đó, để ngồi đồng và đấu láo cho đến tờ mờ sang mới chịu chia tay. Một số khác thì vào các vũ trường hay những chỗ tổ chức “boum” hay Party Famille nho nhỏ do bạn bè tổ chức trong gia đình tha hồ mà quay cuồng và nhảy nhót.
Tôi cũng có những đêm Noel trời thật lạnh, không có một em gái để trò chuyện, để yêu đương, đành tụ tập mấy thằng bạn đi ra bãi cỏ trước Dinh Độc Lập, nhìn quanh đây đó cũng từng tốp nhỏ, cả trai lẫn gái ngồi quây quần bên nhau vừa chuyện trò vừa ngồi mơ mộng, gom lá vàng rơi rụng quanh đây rồi đốt lên những đốm lửa, những đốm lửa nhỏ lập lòe trong cái gió lạnh buốt của đêm Giáng Sinh 1979 thổi qua, chưa bao giờ dân Sài Gòn từng thấy cái lạnh buốt như năm này, ngồi đốt lá trong đêm nhưng ngọn lửa vẫn không đủ sưởi ấm tâm hồn, rồi cùng nhau ngồi ôm cây đàn Guitar mà rên rỉ tiếng hát thì thầm trong đêm:
“Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Noel năm nào chúng mình có nhau….Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn, đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi (Bài Thánh Ca Buồn – Nguyễn Vũ )”.
Bầu trời đêm tháng 12 trăng vẫn sáng, trời trong với những vì sao đêm lung linh trong không gian bao la và tăm tối, ngôi sao Mai vẫn một mình đứng rực sáng trong đêm thâu lạnh lẽo. Sương lạnh xuống ướt đầy vai,ngọn lửa đã tàn. Cả bọn lại lủi thủi đi kiếm một cái quán cà phê nào đó,ngồi gật gà đợi đến sáng rồi mới chia tay. Cho xong một mùa Giáng Sinh buồn, vui lẫn lộn.
Còn có những đêm Giáng Sinh bạn bè lén lút tổ chức họp mặt và mở Bal Famille tại nhà nữa, vào những năm 75,76. Khách mời phải mắt trước mắt sau len lén vào nhà, bởi có lệnh cấm tụ tập đông người và không được tổ chức nhảy đầm tại nhà.
Cũng chỉ khoảng 10 người thôi, nguyên cái sàn nhà lầu một được rắc phấn bột cho nó trơn tru, để đi valse lả lướt, hay chachacha sôi động cùng với Bebop dập dìu và “Te” cho nó đã.Nhạc thì đã có dàn Akai hay Magné mở nho nhỏ rồi thế thì cứ vui chơi. Vậy mà có lúc cũng xính vính,đang hào hứng “lắc mông” dồn dập theo điệu Bebop của bài Papa do Paul Anka hát vừa dứt xong, bỗng đèn đóm được tắt hết chỉ chừa một cái bóng đèn nhỏ lờ mờ, thế rồi một điệu Slow mùi của bài Unchained Melody với giọng trầm ấm và ngọt ngào của Righteous Brothers cất lên.
Dân nhảy đầm khoái mấy cái vụ này lắm, nhất là mấy cặp mới quen nhau, đây cũng là dịp để thử xem tình cảm của mấy em đối với mình như thế nào, hễ mấy em chịu ra sàn để nhảy Slow mùi với anh thì xem như cá đã cắn câu, hay mấy em “kết” mình rồi, nhào vô là chắc ăn như bắp luộc (mấy từ này, dân Sài Gòn hồi đó hay xài).
Thế là từng cặp dìu nhau ra sàn nhảy ôm nhau và “mi” (hôn) mùi mẫn. Đang ngon trớn được một chút xíu, chưa đủ nồng cháy hai tấm thân trong đêm se se lạnh thì bất thình lình phía dưới nhà có tiếng gõ cửa đập mạnh, thế là mọi người ai nấy xanh mặt giãn ra. Đèn đóm tắt tối thui, trong cơn lộn xộn chợt có tiếng một em ré lên nho nhỏ:
- Ê! cha nội nào rờ trúng tui dzậy? bỏ cái tay ra.
- Giờ này mà còn ôm gì nữa hả mấy má.
- Ui da! trời ơi! em nào đạp cái guốc lên chân tui dzậy! Một anh chàng nào đó vừa xuýt xoa vừa rên.
Mấy cái hộp quẹt được bật lên, cái dàn máy được ôm đi cất giấu ngay tức thì, mọi người giãn ra tìm chỗ núp, có người vội chạy lên lầu thượng, người thì chuẩn bị chui vào Toi-let hay kể cả chui vào cái bể nước cạn và to đùng, có người quýnh quíu chui đại vô gầm giường, vì đã có những lần bị bể show và anh em nhẩy đầm chui cũng thưởng hay đối phó như vậy.
May quá lần này thì chẳng có gì vì chỉ là cha tổ trưởng Dân Phố gõ cửa mời đi họp tổ. Thế là đành tan hang thôi, còn hồn vía đâu nữa mà nhảy tiếp. Giống như lúc mới đến, chủ nhà đứng mắt trước mắt sau canh chừng, hễ không có động tịnh gì là từng cặp lấm la lấm lét bước vội ra ngoài đường, y như dân đi ăn trộm vậy. Hú hồn ông bà phù hộ.
Đi nhảy đầm, nếu xui xẻo bị “vịn” (bắt) thì cũng bị vài tháng đi lao động bắt buộc rồi mới được trả về. Hồi ấy nghe tới đi lao động là dân Sài Gòn thấy nóng lạnh. Vừa ăn uống cực khổ,đi đào kinh tối ngày,tắm thì không có nước sạch tắm, toàn tắm nước phèn không nên người lúc nào cũng rít và ngứa kinh khủng, thêm cái đại dịch ghẻ ngứa đang nổi lên “đình đám” ngay lúc ấy.
Sau vài tháng đi “mần” thủy lợi về thành phố, thì đôi chân chắc chắn được gắn đầy “kim cương”, “hột xoàn” (tức là sẹo), tay chân chai sần vì đào mương nên không còn đi được những bước lả lướt nữa, đã vậy cái nhan sắc cũng xuống sắc và tàn phai ghê gớm, thôi thì đành bỏ nghề vậy. Sợ lắm người ơi.
Ai trong đời mình sẽ có một bản nhạc nào đó mà mỗi lần nghe lại là nhớ đến kỷ niệm cùng với bài hát ấy hiện về. Tôi cũng thế, mỗi lần nghe Elvis Phương hát bài: Thánh Ca Buồn cho tới tận bây giờ, tôi lại nghĩ đến một kỷ niệm buồn của đời mình.
Năm 1978, tôi đi vượt biên. Một tuần lễ trước Giáng Sinh năm đó, tôi nằm ẩn mình ở Đồng Nai để chờ Taxi (ghe nhỏ) chở ra ghe lớn. Cả tuần lễ nằm ém mình ở đây buồn thúi ruột lại không có ai quen biết. Đã vậy đêm đêm tôi mở cái radio 3 băng nhỏ xíu đem theo để nghe tin tức ở hải ngoại, tối nào cũng nghe bài Thánh Ca Buồn với giọng hát trầm buồn và não nề của Elvis Phương, trời tháng 12 thì se se lạnh, Noel thì sắp đến, còn tôi thì nằm cô đơn chờ đợi ở nơi lạ. Đã vậy lòng còn nhớ đến cô em mới quen được mấy tháng trước, hồi này ai đi vượt biên cũng đâu dám cho ai hay, bồ bịch hay bạn bè cũng không dám, lỡ sơ xảy đi tù là cái chắc.
Nghe những lời "… Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương trần, bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu..” tôi đã muốn mềm lòng. Tới đây thì tôi chịu không nổi, trong lòng nghĩ thầm, nằm đợi cả tuần mà vẫn không thấy rục rịch gì, chắc đêm Giáng Sinh cũng thế, thôi đành liều đón xe chiều 24/12 về Sài Gòn chơi đêm giáng Sinh lần chót rồi sáng mai lên đây sớm cũng không muộn.
Thế là bỏ mặc “tương lai” ở sau lưng, chiều 24/12 tôi đáp xe đò về Sài gòn trong sự ngạc nhiên của bố mẹ, tôi chỉ nói tôi nhớ gia đình và về chơi một đêm Giáng Sinh rồi mai đi sớm chỉ dám nói vậy thôi, chứ mà nói nhớ con bồ thì tôi sẽ bị chửi cho tắt bếp luôn. Sau một đêm đi chơi vui vẻ với em, sáng hôm sau tôi đáp xe đò lên Đồng Nai sớm,trong lòng vừa buồn ngủ vừa vẫn còn vương vấn cái không khí vui vẻ của đêm qua.
Tới nơi tôi mới chưng hửng vì người ta cho biết, đêm qua Taxi đã vào đón mọi người ra ghe lớn ,chỉ trừ có tôi. Tôi vừa mới bị lỡ chuyến tàu định mệnh trong cuộc đời của mình,mà sau này nghe nói chuyến đi ấy xuôi chèo mát mái,đến nơi chân trời xa bình yên.
Tôi quen một cô bé ,yêu nhau cũng 4 năm trời, nhưng đành phải chia tay vì ông anh cô bé và gia đình không chấp nhận tôi. Tự ái của tuổi trẻ dâng cao nên cho dù em khóc lóc van nài tôi trở lại, tôi vẫn cứ quay gót. Lần chót tôi gặp mặt em ở một quán cà phê là theo lời yêu cầu của em, gần Giáng Sinh 1980.
Em ấp úng hỏi tôi có muốn đi cùng em và ông anh của em không? nghe tới ông anh của cô bé là tôi từ chối luôn,buồn bã em không nói thêm một lời nào nữa.Hai đứa ngồi lắng nghe bài hát : “..Thôi tình nhân hỡi ta xa nhau rồi,thôi từ đây mãi mất nhau trong đời, cho nhau bài hát cuối,quên đi tình gian dối, quên đi những lần xưa trót giận nhau..(Bài Cuối Cho Người Tình – Nguyễn Vũ )”.
Thế là chia tay nhau ngay lúc đó. Một tháng sau tình cờ tôi gặp một cô bạn gái thân của nàng thì mới được biết, em cùng với anh trai của em đã bỏ mạng lại trên biển Đông vì tàu bị đắm ngay trong đêm Giáng Sinh 1980. Lòng buồn vô hạn và nhớ em mỗi khi nghe bài hát năm xưa. Nhưng cũng tự nhủ: nếu chuyến ấy tôi đi cùng em thì giờ này tôi và em đã ở trên Thiên Đường hạnh phúc rồi .
Lòng buồn bã tôi tự an ủi, thôi đó cũng là số phận của đời mình, ai ở vào hoàn cảnh tuổi trẻ như mình, chắc họ cũng làm thế. Sẽ không có dịp nào nữa đến trong đời của tôi nữa đâu, vì thế mỗi lần Giáng Sinh về, nghe lại hai bản nhạc trên tôi lại nhớ đến kỷ niệm buồn của mình cho tới tận bây giờ, dù đã sắp già.
Viết đến đây tôi lại nghĩ đến những thằng bạn của tôi vì hoàn cảnh lịch sử sang trang nên tụi tôi phải người ở lại kẻ ra đi. Mãi về sau này những người bạn vẫn còn nhớ những mùa Giáng sinh năm xưa khi bôn ba nơi đất khách quê người, họ tâm sự với tôi. Đã có thằng khóc mùi mẫn một mình trong đêm Noel trên các trại tị nạn ở Mã lai, Phi Luật Tân hay Indonesia…
Họ khóc vì quê hương mà mình vừa bỏ lại sau lưng không biết bao giờ mới quay về, khóc vì nhớ gia đình, người yêu hay bạn bè còn ở lại. Khóc cho chính mình vì cô đơn mà không biết tương lai sẽ đi về đâu. Ngay cả khi đã tạm dung trên xứ người cùng với gia đình, hễ cứ mùa đông sắp về trời đổ bông tuyết lạnh giá báo hiệu mùa giáng Sinh sắp đến, họ lại nhớ đến kỷ niệm của những mùa Giáng Sinh Sài Gòn xưa.
Cũng có những người bạn sẽ mãi mãi không còn đón thêm một mùa Giáng Sinh trong đời nữa,họ đã vĩnh viễn nằm đâu đó trên biển Đông dữ dội năm xưa. Hình như càng già thì những kỷ niệm xưa càng lớn dần và quay quắt hơn, điều mà khi còn trẻ người ta không thèm nghĩ đến .Đúng là con người khi trẻ thì hướng về tương lai, khi già thì quay lại quá khứ đã qua.
Những người ở lại như tụi tôi, sống giữa hai chính thể mà tôi hay gọi đùa là “ Dưới Hai Mầu Áo” thì cảm nhận rất rõ nét về cuộc sống hôm qua và ngày nay, cũng như những kỷ niệm trước đây và bây giờ, thật khác nhau hoàn toàn. Cảm nhận để nhớ về những kỷ niệm êm đẹp ngày nào đã mất mà không bao giờ tìm gặp lại một lần nữa. Để bây giờ tuổi đã gần xế chiều rồi ngồi nhớ mông lung và lẩm bẩm hát một mình:“ và cũng đêm nay một người ôm kỷ niệm..”.
Người Sài Gòn cũng đã đón những mùa Giáng Sinh trong cuộc sống khó khăn, của sự chia ly và mất mát của những năm 80 ,81,82. Đời sống khó khăn phải ăn cơm độn ngô, khoai và mì sợi. Điện đóm cúp liên miên cả ngày, chỉ trừ 2,3 tiếng đồng hồ có điện vào buổi tối, để rồi sau đó cúp cho tới tối hôm sau, ngày nào cũng thế.
Những đêm Giáng Sinh vào những năm này, người đi dạo trên đường hình như ít đi và thưa thớt hơn một chút. Chiến tranh biên giới Tây Nam với Campuchia, hay phía Bắc với Trung Quốc đã hút một số lớn thanh niên Sài Gòn phải lên đường đi nghĩa vụ quân sự. Diện con lai được đi xuất cảnh chính thức.
Người Hoa cũng được nhà nước cho đi bán chính thức, thời gian này phong trào đi vượt biên cũng nổi lên mạnh mẽ. Tất cả những điều ấy làm cho không khí những đêm Giáng Sinh của những năm đó có phần ảm đạm vì đói kém, tiếc nuối vì bạn bè, người thân chia ly, mất mát vì nhớ lại những kỷ niệm đẹp năm nào, buồn chán vì tương lai mù mịt.
Cũng có những mùa Giáng Sinh buồn như năm nào, nằm co ro lạnh lẽo trong bệnh viện để chăm sóc cho đứa con đầu, bị bệnh nặng và không qua khỏi. Đứng trên hành lang lầu 1 nhìn xuống đường, ngoài đường ồn ào cái không khí của xe cộ tấp nập của những người đi chơi, đi lễ nửa đêm và cả tiếng chuông Nhà Thờ lanh lảnh vang vọng trong đêm thâu, tôi cảm thấy một nỗi cô đơn lạnh lẽo pha trộn với nỗi đau khổ, trong cái đêm Chúa sinh ra đời để rồi sau đó phải chịu chết để cứu rỗi nhân loại.
Hay như tôi có lần bị đột quị gần ngày Giáng Sinh, tỉnh dậy sau cái chết hụt thì cũng vừa tới cái đêm Noel bất hạnh năm ấy. Vừa vượt qua cái chết để thấy đời là vô nghĩa hơn .Thế đấy! nhưng với tôi những mùa Giáng Sinh trong đời cũng vẫn giống như những mùa nắng đẹp vậy. Vẫn không thể nào quên.
Như một định luật của cuộc sống, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia qua những kỉ niệm của đêm Giáng Sinh trong đời. Mỗi thế hệ có những kỷ niệm khác nhau của thế hệ ấy.Tôi cũng đã thành một gã trung niên, tóc đã bắt đầu nhuộm muối pha tiêu, những đêm Giáng Sinh năm nào bây giờ chỉ còn là những kỉ niệm xưa êm đẹp, ngồi trông cửa cho lũ con cái chúng đi chơi đêm Giáng Sinh, y như cha mẹ chúng ngày xưa, chỉ khác là mỗi thời, mỗi người đều có những kỉ niệm những cảm xúc khác nhau mà thôi.
Và cũng đêm Giáng Sinh nay, nhìn bầu trời vẫn trong xanh như cái đêm của ngày xưa, vì sao Mai vẫn đứng lặng lẽ và sáng ngời lẻ loi một mình, tiếc là không có tuyết để cho tôi được mơ mộng, được biết cái lạnh lẽo của một mùa đông băng giá, còn lại một mình tôi ngồi ôn lại những kỉ niệm của một thời xa xưa, cho dù mình không còn cái tuổi thần tiên ngày nào, để hồi hộp hẹn hò đây đó mỗi lần Giáng Sinh về.
Ngồi nghe tiếng hát trầm buồn của Khánh Ly: “Và cũng đêm nay một người ôm kỷ niệm, ngồi đếm sao đêm chép cho xuôi vần thơ, gởi về cho người biên giới chiến đấu xông pha địa đầu, một dư âm mùa Giáng Sinh…” (Dư Âm Mùa Giáng Sinh – Ngân Giang). Trong tôi tất cả chỉ còn là một thời để nhớ hay dư âm của những mùa Giáng Sinh xưa mà thôi.
Ngày nay Sài Gòn rất đẹp rất tráng lệ với những tòa nhà cao ngất ngưỡng. Đêm Giáng Sinh vẫn bừng lên những ánh đèn mầu khắp nơi, từ trên cao đổ xuống như ánh sao trời lung linh đầy mầu sắc lấp lánh từ ngoài đường cho tới những khu giáo dân gần nhà thờ.
Sài Gòn bây giờ đẹp và hoành tráng hơn Sài Gòn khi xưa nhiều lắm. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhớ một Sài Gòn trong chiến tranh khói lửa năm nào, với những cuộc sống tất bật ngày nào. Và nhớ cả tháng 12 hằng năm khi cái se se lạnh đổ về, với giọng hát Giao Linh quen thuộc vang trong gió: “Lạy Mẹ sầu bi ban ơn,người Việt cùng thương nhau hơn, đất nước này đây, sáng đức tin Chúa trên trời cao”.
Cùng với tiếng chuông nhà thờ vang lên báo hiệu cho mùa An Bình, mùa Hồng Ân. Tôi cứ nhớ mãi khôn nguôi.
Vũ Văn Chính, Sài Gòn mùa Giáng Sinh
No comments:
Post a Comment