Năm Thân, không nói chuyện khỉ, thì đúng là đồ “dả” nhân giả nghĩa thứ thiệt… Nói vậy chứ các Bạn chỉ nên liếc sơ qua truyện này sau ngày cúng tất, đưa hết Ông Bà về lại cỏi xa xăm nào đó. Sợ mấy ổng bả ghiền internet lén đọc, quên cả đường về.
Thửa nhỏ, mê truyện Tề Thiên Đại Thánh, xem tới xem lui, nhớ từng hồi, nhớ còn hơn nhớ tên các nhân vật nữ trong các truyện kiếm hiệp Kim Dung. Nhớ từ khi còn là chú khỉ con từ trong đá nứt chun ra, đến lúc được các đệ tử khen nịnh ai đẹp bằng Mĩ Hầu Vương, tầm sư học đạo được sư phụ Tu Bồ Đề đặt tên Tôn Ngộ Không (con khỉ giác ngộ được tính không), bị Ngọc Hoàng dụ phong chức Bật Mã Ôn sau khi đại náo Long cung và Âm phủ, rồi ép Ngọc Hoàng phong tước “Thánh lớn bằng trời” (tên do tay đàn em Độc Giác quỷ vương nghĩ ra), rồi Phật tổ Như lai bày trò thi nhảy cao để Tề Thiên bị đè tại Ngũ Hành Sơn chờ Tam Tạng đi thỉnh kinh xứ Tây phương ngang qua giải thoát, lại theo giúp sư phụ trong kiếp tu hành mang tên Tôn Hành Giả cùng Trư Bát Giới, Sa Tăng và Long Mã, đánh hết con yêu này đến con tinh khác, để rồi sau khi tới nơi thỉnh kinh xong được Phật Tổ hóa thành Đấu Chiến Thắng Phật , hết truyện.
Nhân vật và nội dung cốt truyện Tây Du Ký đến nay không hề lạc hậu, thậm chí còn phản chiếu rõ nét bộ mặt biến hóa đa dạng các chế độ xã hội đương đại. Chỗ nào trên đường đi cũng gặp yêu tinh lủ khủ, như Hoàng Phong quái, Kim trì trưởng lão, Hắc Hùng tinh, Bạch Cốt Tinh, Tây Lương nữ quốc, Châu Tử quốc, sông Thông Thiên, Liên Hoa động, Bàn Tơ động, đại chiến Hồng Hài Nhi, Báo tử tinh, qua Hỏa Diệm Sơn, Hoàng Sư tinh, thu Ngọc Thố, nạn Tôn Ngộ Không thật giả…. Yêu quái nào cũng ham ăn thịt Đường Tăng để trường thọ, đứa nào cũng có sức mạnh hơn người, nếu không bửu bối phép màu ghê gớm như các liveshow, thì cũng là sắc đẹp hấp dẫn mê muội chết người (người tu hành cũng mệt, các bạn nên xem thêm phim Tây Du Ký để nhìn rõ các người đẹp liêu trai Trung Quốc). Nét chung về lũ tiểu yêu, ai cũng có các sư phụ chốn thiên đình bảo kê dựa hơi dựa lưng, các vị này luôn ra mặt kịp thời, bảo lãnh dẫn độ đệ tử về lại cỏi Trời, mỗi khi Tề Thiên giơ cao cây thước bảng sắp đập chết bọn yêu quái đưa chúng về cỏi âm ty (nghe nói cây thước này trộm của Long vương, nặng đến 8,1 tấn).
Hối lộ tham nhũng đến mọi hang cùng ngõ ngách, không tha cả xứ nhà Phật. Đến cuối đường hết truyện , ngài Huyền Trang vẫn phải bấm bụng “tặng” chiếc bát vàng cho 2 vị La Hán, dưới cái cười hồn nhiên làm chứng của Di Lặc Bồ Tát, nhằm thoát nạn ròng rã 14 năm trời để đi thỉnh kinh Phật… dởm. Một nhân vật có tiếng trên giang hồ rất thích Tề Thiên và truyện Tề Thiên, đó là Mao Zedong. Theo ông ta, Tề Thiên tượng trưng cho mẫu người có ý chí, phân tích sắc bén, hành động không mù quáng có mục tiêu rõ ràng nhưng vẫn tuân theo ý kiến sư phụ (đúng ra là Tề Thiên chỉ sợ vòng kim cô).
Hiện nay, Tây Du Ký diển nghĩa vẫn được nhiều người xem là tác phẩm tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân (1500?-1581?) đời Minh. Nhưng ngay tại Trung Quốc, có thêm một Tây Du Ký của đạo sỹ Khưu Xứ Cơ hay Khưu Trường Xuân phái Toàn Chân (Lão giáo) làm tự ái người “phật tử”, mở màn cho sự ra đời tác phẩm Phong Thần của Bạch Vân Thiền sư (Phật giáo). Lại có thêm một Tây Du Ký nữa, nhưng không có Tề Thiên, đó là truyện Trường xuân Chân nhân Tây Du Ký của Lý Chí Thường nói về chuyến đi của Khưu Trường Xuân về Mông Cổ gặp được Thành Cát Tư Hãn. Truyện Tây Du Ký thứ 3 này được dịch thuật phổ biến rộng rãi tại Nga và Úc. Nói gì nói, người Trung Quốc vẫn xem Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là một trong tứ đại kỳ thư đời Minh: Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du Ký và Kim Bình Mai. Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, cái nôi Phật giáo thế giới, cũng lên tiếng cho rằng nhân vật Tôn Ngộ Không được phỏng theo "thần khỉ" Hanuman, được nhắc đến trong bộ sử thi Ramayana có trước đời Đường Trung Quốc. Trong sử thi, Hanuman đã giúp đỡ cho người anh hùng Rama trong cuộc chiến chống lại vua quỷ Ravana.
Nhắc về Ấn Độ, lại nhớ hình ảnh ba con khỉ già bịt tai bịt mắt bịt miệng, không nghe không thấy không nói, thường được khắc tượng hay tranh vẽ tại các chùa chiền Phật giáo xưa hoặc trưng bày tại các chỗ bán hàng mỹ thuật lưu niệm cho du khách các nước châu Á.
Nguồn gốc của các pho tượng này bắt nguồn từ Ấn độ từ vài ngàn năm trước. Lúc đầu, đó là bức tượng vị thần Vajrakilaya , Thần có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và hai miệng. Nhằm để răn dạy con người với ý khuyên: không nhìn bậy, không nghe bậy, không nói bậy. Tư tưởng 3 không theo Phật giáo Ấn Độ đi qua Trung Hoa không rõ vào thời kỳ nào. Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ tám đời nhà Đường (Tang Dynasty), một thiền sư người Nhật trong chuyến Phật sự ở Trung Hoa, đã mang theo về Nhật tư tưởng này. Tại Nhật, vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc) trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ các bức điêu khắc cổ bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro (1594-1634) rất nổi tiếng từ thế kỷ 17, có hình tượng 3 con khỉ tên Mizaru, Iwazaru và Kikazaru, tiếng Nhật có nghĩa: “tôi không nhìn thấy điều xấu”, “tôi không nói điều xấu”, “tôi không nghe những điều xấu”. Có lẽ vì từ “zaru” gần âm với “saru” nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu thị cho triết lý này. Điều này cũng mang phần nào tư tưởng của Khổng Tử, khi người học trò ruột Nhan Hồi hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đã đáp: không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy…
Thật ra, phải xuất phát từ cái tâm. Trên chuyến phượt về quê ăn Tết vừa rồi, tôi thử 3 bịt xem sao. Mới tờ mờ sáng mà bọn sửu nhi đã rồ ga phóng nhanh lấn đường loạn xạ, phải chạy thật chậm, thật bình tĩnh. Đến nghĩa trang quân đội hay đi bộ, đang chạy tốc độ rùa bò, bỗng nghe cảnh sát giao thông thổi mời vào, hết hồn hết vía tưởng bật lộn đèn xi nhan, dòm xuống đèn xi nhan không thấy chớp, anh chàng cảnh sát lại chỉ cây gậy vào đèn, nói chưa bật đèn xi nhan, lần sau nhớ bật đèn, thôi… đi đi ông nội. Tôi vội cám ơn rồ ga chạy liền, cảnh sát xa lộ đổi ý thì lại mệt, nhưng không biết cám ơn cái gì, vì mình có sai đâu. Thôi, cứ cố gắng bịt miệng. Về đến ngã 3 bốn sáu vào Lagi, nghĩ chân ăn trưa, kỹ niệm một chút quê hương, kêu cơm cá thu kho mặn, ngày cuối năm quán chỉ có một chủ một khách và một phụ bán, ông chủ quán tươi cười ra ngồi nói chuyện đủ thứ, kêu thằng bé đem ra thêm dĩa dưa chuột cà xắt, thêm chai nước suối Vĩnh Hảo. Tính tiền, 220.000 đồng, tưởng lộn nhưng con số cộng lại là đúng. Tình quê hương vô giá. Còn hơn ăn ở Vũng Tàu, phải đến hai triệu hai, nghe nhiều người nói như vậy. Thôi, cũng ráng nhịn nhục như mấy con khỉ. Nhiều chuyện chướng tai gai mắt lắm, nhưng, …phải bịt. Đã nói, xuất phát từ cái tâm và cần tu luyện thêm dài dài suốt đời.
Những đêm khuya soạn bài dạy học, chỉ còn nghe lanh lảnh tiếng rao mỳ gỏ của thằng bé người Quãng Ngãi, tôi thường nhìn 3 con khỉ bằng gỗ mua tại phòng chờ phi trường Đà Nẳng, suy nghĩ mông lung. Không hiểu tại sao các con khỉ thường là những con khỉ già? Có lẽ khi già rồi, các con khỉ mới có được cái khôn ngoan lão làng, biết “kính nhi viễn chi”, không muốn bàn ra tán vào những chuyện thế gian tầm phào vô nghĩa vô ích? Hay tại tuổi già làm con người làm biếng, mệt mỏi, giảm sút ý chí “chiến đấu”. Cứ “dont see, dont hear, dont speak”. Tự an ủi, quá chí lý.
Tôi cũng không biết những con khỉ già này có một quá khứ gì hào hùng để thổi phồng lên cho con cháu nghe, sau những chầu nhậu phe phẩy để ra mắt bắt tay làm ăn hay say quất cần câu tranh uống quên ăn cho hết thời giờ? Phải chăng, tất cả chỉ là hoang tưởng ngu dốt của một thời trai trẻ hăng say bị ai đó lường gạt hoặc tự phe ta lừa dối phe mình? Những con khỉ già này có gì bám víu để còn giữ cho mình chút khoe khoang hãnh diện tự trọng? Hay ngoài cái hình hài đang tụt phanh xuống cấp và chút tài sản nhỏ nhoi tom góp cả đời, chỉ thấy trống rỗng vô nghĩa toàn diện. Có phải những con khỉ già yên ắng trong bóng tối đêm dài, chính là biểu hiện úa vàng của bản thân mình và đời sống xã hội chung quanh? Thôi, còn làm khỉ, cứ ráng mà bịt…
Loài khỉ là động vật giống con người nhất, mấy đứa bé học môn sinh vật cứ nhai câu, vượn người là thủy tổ của loài người. Không những giống bề ngoài, khỉ còn thông minh, leo trèo nhanh nhẹn, bắt chước giỏi, ăn hoa quả, sống tinh nghịch tập thể bầy đàn trong rừng, thường ở những nơi “khỉ ho cò gáy”. Ở Việt Nam, người ta nuôi khỉ tại các nơi giải trí du lịch, đưa khỉ vể sống tập trung tại các khu rừng bảo tồn sinh thái. Thiếu chăm sóc, thiếu thức ăn cho bày khỉ, chọc giận khỉ…, dẩn đến chuyện dở khóc dở cười, như khỉ nhảy ra cắn người đi đường tại khu rừng trong Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, hay kẻ lạ dụ mồi quăng lưới bắt sạch bầy khỉ trên núi Châu Thới Biên Hòa về nấu cao khỉ. Lúc này, người già bệnh xương khớp nhiều, cao nào cũng là cao, cao chó cao mèo còn bán được hống hồ cao khỉ. Người tuổi con khỉ có tốt có xấu. Tốt: thông minh sáng dạ, vui vẻ bạn nhiều, mạng nữ cười nói vô tư lộn xộn vẫn có người thương hứa nuôi suốt đời. Xấu của tuổi khỉ là cả tin, thiếu sâu sắc, bảo thủ, khó làm quan lớn. Vừa tốt vừa xấu là nhớ dai. Do vậy, khỉ không được chọn là biểu tượng hoặc linh vật trong văn hóa Việt Nam cũng như các xứ phương Tây. Nếu xuất hiện, cũng không được trang trọng lịch sự cho lắm như cầu khỉ, hầu quyền…, đúng là tủi thân con khỉ ở lùm.
Nhưng con vượn lại khác, tượng trưng cho điềm may mắn, chính trực thanh cao, người quân tử phải tay dài như vượn. Vượn không sống theo đàn mà sống từng đôi, sống mãi tới già, không làm tổ. Nhiều chuyện dân gian kể về vượn hóa thành người như câu chuyện tình Bạch Viên Tôn Cát…, quá sức chung thủy. Vượn đực hú rất xa khi muốn chứng tỏ sức khỏe với bạn đời, cả cây số còn nghe, truyện Kiều và Lục Vân Tiên có nhắc chuyện “hót” này, cũng bất lợi vì người thợ săn nghe hú, ráng tìm bắt cho được con vượn. Nhớ câu ca dao xót ruột một thời con gái khi chưa có cellphone, facebook, google earth…, Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.
Đười ươi (orang-outang) là loài linh trưởng thông minh giống người nhất. Sống trên cây 90% thời gian. Cả đời chuyên làm tổ, cứ mỗi đêm làm một tổ, trung bình trên 50.000 cái tổ cho một đời đười ươi. Con đưc ưa làm dáng, tập luyện thể dục, để tán gái và làm thủ lĩnh mấy chị em. Con cái sinh con, che chở và dạy con ròng rã đến 7 năm, trong lúc con đực đã cao bay xa chạy tìm bạn tình mới. Đi rừng gặp đười ươi vui lắm, nó nắm chặt hai tay cười suốt cho đến tối, người ta đói lã sợ quá mà chết. Do vậy, phải đem theo ống tre lồ ô, xỏ tay vào ống, đười ươi đắc thắng nắm ống tre nhắm mắt mà cười, lúc này người đi rừng rút tay ra nhè nhẹ, bước khẻ thụt lùi từ từ… Má tôi kể lúc trẻ, đi qua rừng Nam Cát Tiên, gặp đười ươi, làm như vậy. Chuyện này vẫn chưa được kiểm chứng.
King Kong, con quái thú chết vì giai nhân, không có thật, chỉ tưởng tượng trong phim ảnh từ 1933.
Quay lại con khỉ Việt Nam, vẫn thấy tội nghiệp sao ấy, Trời sinh con khỉ ở lùm/Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông, hay Khỉ bồng con lên non kiếm trái/Cảm thương nàng phận gái mồ côi... Rồi cho con khỉ xuất hiện trong các kịch bản âm mưu tiểu nhân như Rung cây nhát khỉ, Giết gà dọa khỉ… Hay trong các ý thâm độc như Khỉ lại hoàn khỉ/ Mèo lại hoàn mèo, Nuôi ong tay áo/Nuôi khỉ dòm nhà… Thật đáng thương cho kiếp ông Tề.
Thôi, đầu năm cũng phải chúc nhau cho đúng lễ nghĩa tình bạn. Chúc mấy bạn 72, một năm mặt không nhăn như khỉ, không gặp đồ khỉ gió khỉ mốc, đừng sợ cái khỉ khô gì hết, và tránh xa càng xa càng tốt mấy cái trò khỉ. Các bạn trai thì chớ dại tìm chỗ khỉ ho cò gáy để chứng tỏ sức mạnh đười ươi, cứ bắt chước giống đôi vượn già chung thủy suốt đời.
TB: Đầu năm Khỉ, các Bạn nên xem phim Planet of the Apes (La Planète des Singes), tập 3, sắp quay.
Phạm Sanh, 72PBC
No comments:
Post a Comment