Friday, February 5, 2016

Chia tay Giáng Hương



Có nhiều loại bạn. Bạn đồng môn (cùng trường cùng Thày Cô), đồng khoa (cùng thi đổ), đồng nghiệp (cùng nghề), đồng liêu (cùng làm “quan”), đồng hương (cùng quê), đồng ngũ (cùng nhập ngũ), đồng niên (cùng lứa tuổi), đồng ẩm (cùng nhậu), cả đồng sàng dị mộng (?)... Nhưng thời nay để được gọi là bạn tri âm như Bá Nha Tử Kỳ, hay tri kỷ như Bảo Thúc Quản Trọng, chắc khó. Chỉ mong, biết tình hình bệnh tật sống chết của bạn, hiểu gia cảnh từng người, thông cảm quý thương nhau không phân biệt giàu nghèo sang hèn, có cơ hội là tụm ba tụm bảy nói chuyện phiếm cả ngày trời. Vậy là vui rồi, bạn thân chỉ có vậy.
HT về lại Mỹ, mới có chia tay một nửa, một nửa còn lại chờ GH từ Nha Trang về Sài Gòn, tiếp tục hẹn nhau ra cà phê De la Poste cho trọn vẹn… cent pour cent. Hai sáu Tết, dân tứ xứ đổ vào SG lại rủ nhau về quê ăn Tết cổ truyền, người còn ở lại cũng đủ chuyện những ngày cuối năm, sửa sang dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị ăn uống cúng kiếng, lễ nghĩa ân oán nợ nần. Cái khổ ba ngày Tết, tội, chỉ đổ lên đầu lên cổ mấy bà. Chia tay GH, phái nữ chỉ có MQ, không đủ tam nương, còn sót hai nàng tố nga. Hôm nay, GH không còn là thôn nữ, mặc váy dài ngắn tay kín cổ, áo khoát ngoài đẹp không thua gì mấy cô dự lễ trao giải Oscar. Sáng hôm đó, thấy nhà có cây sung đang có trái, nghĩ ngay hái tặng GH cho “sung” (còn chuyện hên hay xui, tùy…). Cây sung mới lớn chỉ có 7 trái, tặng 2 trái thì kỳ dễ hiểu lầm, 4 trái sợ kiêng cử tứ thành tử của người Tàu, 6 trái thì hên theo phát âm lục thành lộc, nhưng chả lẽ để lại 1 trái làm gì!!! Hái hết tặng GH, số 7 là số hên của người Việt. Chỉ cần ở trời Tây xa thẳm, Bạn hên hoặc sung đều mừng.

 Giáng Hương và Phạm Sanh PBC72
 
HB về Hàm Tân, ĐT về Vũng Tàu, Minh A về Long Khánh, rồi XH, VTM, NH, KL… Ai cũng đang bận trùm đầu kín cổ, nhưng cũng cố điện thoại í ới thăm GH. Bù lại, các bạn trai đến khá đông đủ. Q. Thắng đến sớm nhất, rồi TVH, VTN, TPS. Chỉ HB, điện thoại nhắc, hắn trả lời từ Biên Hòa, như người trên sao Hỏa rớt xuống, không biết có cuộc gặp với GH. Tội nghiệp, mới ngày hôm qua còn hứa hẹn chắc như bắp, nay quên phứt, sự tàn nhẫn vô tình của căn bệnh Alzheimer. Có một khách không mời đến từ Toronto, cậu em ĐT của Thiết, nói chuyện bà con xóm làng một hồi, PS phát hiện thêm được một ông “cẩu”, vai vế bề trên giống HVT, NVT, TTP, … Xứ Phan Thiết thật là bé, đâu cũng thấy bà con.
GH kể chuyện về mình, lập gia đình sớm hơn các bạn, con gái đã lớn. Đúng là số GH sướng, đã lấy chồng sớm, khổ trước sướng sau, lại còn có con gái, ít nói nhưng lo cho cha mẹ nhiều. Đừng ham đẻ con trai, hứa nhiều nhưng chỉ toàn lo cho ba mẹ người khác. Qua Pháp, GH học dược, làm bệnh viện, chuyên lo  thuốc men cho mấy ông bà cà tững. Phải chi GH về VN, cho MQ mướn bằng và cộng tác mở bệnh viện tâm thần là giàu hết sẩy. Lúc này, bệnh này đang hot. Trường đại học mở loạn xạ, giáo sư tiến sỹ đông như kiến, bốn năm học như con khỉ, thày còn không hiểu làm sao trò hiểu, thất nghiệp lủ khủ, ngu và hoang tưởng cả đám. Chưa kể, đám trẻ lúc này ưa chém thiệt, chém xong người xa lạ, nhảy vô nhà thương điên lấy giấy xác nhận bị tâm thần, ra chém “lộn” tiếp cho hết thời giờ. Nhóm 72 mình có MQ rất mát tay với mấy ông bà chạm dây thần kinh loại này. Nghe kể, sau 75, MQ làm ở bệnh viện KG, định giống bác… ra đi tìm đường cứu nước, nhưng không thành, bị nhốt ở… Chỉ vài ngày là bệnh nhân tâm thần thấy nhớ, thiếu vắng cái gì đó, cởi quần áo chạy loạn xạ. Thấy không còn ai có khả năng dị thường giống MQ, ông xếp bệnh viện phải xin CA thả người đẹp Đắc Kỹ, để mời mấy ông bà khùng điên bớt la hét giống đười ươi vào trở lại trong buồng.

GH kể, về Việt Nam thích mua sách đọc. Rất giống tính tôi, ngày nào không đọc sách, y như bận xà lỏn ra đường, thiếu cái gì đó. Thét rồi nghiện sách, mua sách chất đầy nhà, bà xã cứ than phiền hết chỗ đặt thêm kệ sách, lại còn đi nói xấu với người khác, mua sách về nhưng có thấy đọc hết đâu. Mấy năm về trước, khi internet mạng miết chưa có, tôi có tật đi tìm mua sách cũ, rẻ nhưng nhiều cái lợi, vài chục nghìn để trả cho công sức tìm tòi viết lách vài ba năm của những học giả tài giỏi hơn người, vài chục nghìn để có được kiến thức tinh hoa quý giá vô tận hàng trăm hàng nghìn năm của nhân loại… Sài Gòn, nghe chỗ nào có bán sách cũ là mò tới, tận Gò Vấp Thủ Đức, tôi cũng tìm đến. Sang Paris, ai đi chơi cứ đi, tôi thì cứ đi tìm cửa hiệu bán sách cũ.
Thế hệ 72, cũng như nhiều thế hệ học sinh trước 75, các truyện của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng… có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm suy nghĩ, thậm chí lối sống nhân cách mỗi người. Nhớ gương mặt thoa phấn và giọng nói tiếng Bắc trong trẻo của cô Quán khi giảng bài chị Doãn, …chị Doãn là người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp trai… ( truyện Người vợ xấu của Vũ Trọng Phụng), thấy sao mà tàn nhẫn bi hài quá, đàn bà mà giống đàn ông, lại còn là đàn ông xấu trai. Thật ra, lúc nhỏ lén nhìn, thấy mà thương cho cô Quán. Lớn lên, đọc thêm truyện, rõ thêm chuyện nhân quả của anh chàng Doãn, một Don Joan dưới ngòi bút tả chân sắc sảo của VTP. Rồi những cái tên … thằng Bò, cái Lớn, cái Bé… trong Anh phải sống của NL và KH, cứ văng vẳng đi theo suốt cuộc đời. Hình ảnh bác Thức gái buông tay nhẹ nhàng cho chồng được sống, ra đi cho người thân được ở lại, khác hẳn 180 độ suy nghĩ và ứng xử của bọn nhỏ xã hội bây giờ.

Trong buổi gặp GH, có nhắc về Khái Hưng. Bút hiệu Khái Hưng chính là xếp lại chữ của Khánh Giư, Trần Khánh Giư (không phải Trần Khánh Dư, một vị tướng đời Trần, có tên đường tại quận 1 SG hiện nay). Cả nhóm nhắc lại truyện Hồn bướm mơ tiên, tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của KH cũng như của Tự Lực Văn đoàn. Một câu chuyện tình cảm trai gái cao thượng xen lẫn sắc màu tôn giáo kinh kệ, giữa anh chàng sinh viên canh nông tên Ngọc và “chú” tiểu tên Lan, yêu nhau không phải nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng. Từ năm 1933 mà KH đã có khái niệm về tình yêu nhân loại, tình yêu vũ trụ. Câu chuyện có hài có bi, vừa tình cảm vừa như trinh thám, từ hình thức đến nội dung, cả diển biến nội tâm nhân vật hết sức mạch lạc đơn giản, kết thúc có hậu (không phải như truyện tình Lan và Điệp…). Đến năm 1977, nữ văn sỹ Úc Colleen McCullough cũng viết một tác phẩm sử ca nỗi tiếng thế giới, The Thorn Birds, Tiếng chim hót trong bụi mận gai hay Những con chim ẩn mình chờ chết (Les oiseaux se cachent pour mourir), kể lại câu chuyện tình lãng mạn giữa Meggie và vị cha xứ Ralph, quá kịch tính, quá nhiều xung đột tâm lý đạo đức xã hội tôn giáo, phức tạp khó hiểu hơn truyện Hồn bướm mơ tiên nhiều.
Không còn thời gian cho GH, nên không kịp nhắc bài Khóc bạn của Nguyễn Khuyến hay Tình già của Phan Khôi. Chắc phải chờ chuyến về của Tuyết Phụng sau Tết.
Sắp ra giêng, tặng mấy bạn 72 một đoạn thơ trong bài Phan Thiết ra giêng của nhà thơ Nguyễn Như Mây, để nhớ về Phan Thiết…

Phan thiết ra giêng em ôm cặp
Tụm ba tụm bảy nụ cười xuân
Em thầm nghiêng nón trên cầu sắt
  Hỏi sông Mường Mán những buâng khuâng.

Phạm Sanh, PBC72

No comments:

Post a Comment