Tuesday, February 16, 2016

Cách phân biệt Chùa, Đình, Đền, Miếu, Nghè, Điện, Phủ, Quán, Am



Không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của những địa điểm thờ cúng như đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, am...


altTrong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam có rất nhiều nơi thờ cúng khác nhau như đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, am,… Nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của những địa điểm thờ cúng đó.

Cho nên có rất nhiều người đi chùa mà không hiểu được ý nghĩa của việc đi chùa, ở gần nhà có cái đình mà cũng không hiểu vì sao cái đình lại “mọc” lên ở đó,…

Vì vậy, chúng tôi đã biên tập bài viết này để giúp bạn đọc dễ dàng phân biệt được các địa điểm thờ cúng khác nhau, hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng và những nhân vật được thờ cúng trong đó.

Chùa là gì? (pagoda)

Chùa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo, là nơi tập trung sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng, ni. Mọi người kể cả tín đồ hay người không theo đạo đều có thể đến thăm viếng, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ Phật giáo.

Ở một số nơi, chùa cũng là nơi cất giữ xá lợi và chôn cất các vị đại sư.

Đình là gì? (communal house)

Đình là nơi thờ Thành hoàng của các làng, đồng thời là nơi hội họp, bàn việc của dân làng. Đình được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn bó với một cộng đồng cư dân và mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam.

Thành hoàng là người có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp hay sáng lập nên một nghề (ông tổ của nghề). Dưới các triều vua thường có sắc phong cho Thành hoàng, vì hầu hết Thành hoàng đều có công với nước. Dân làng, hay phường hội đi lập nghiệp nơi khác cũng xây miếu, đền thờ Thành hoàng quê gốc của mình tại nơi ở mới.
Đình làng Đình Bảng
Đình lành Đình Bảng

Đền là gì? (temple)
Đền là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị Thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng theo truyền thuyết dân gian.

Các đền nổi tiếng có thể kể đến ở nước ta như Đền Hùng, đền Kiếp Bạc, đền Sóc, đền Trần… thờ các anh hùng dân tộc.

Đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Kim Liên, đền Quán Thánh…thờ các vị thánh theo truyền thuyết dân gian.
Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc

Miếu là gì? (joss house)

Miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có quy mô nhỏ hơn đền. Đối tượng được thờ ở miếu rất đa dạng, thể hiện ở tên gọi của miếu – tên gọi theo đối tượng được thờ thường phiếm chỉ và tượng trưng.

Ví dụ: miếu Cô, miếu Cậu, miếu thờ thần núi gọi chung là miếu Sơn thần, miếu thờ thần nước gọi là miếu Hà Bá hoặc miếu Thủy thần. Miếu thờ thần đất gọi là miếu thổ thần hoặc thần Hậu thổ.

Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân sinh. Ở một số nơi, trong các ngày giỗ thần như ngày sinh, ngày hóa (nhân thần), ngày hiện hóa (thiên thần) làng mở tế lễ, mở hội, nghinh rước thần từ miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước thần về miếu yên vị.

Miếu nhỏ còn được gọi là Miễu (cách gọi của người miền Nam)

Nghè là gì?

Một hình thức của đền miếu, thờ thần thánh. Đây là kiến trúc thường có mối quan hệ chặt chẽ với một di tích trung tâm nào đó. Nghè có khi thờ thành hoàng làng ở làng nhỏ, được tách ra từ làng gốc như Nghè Hải Triều (Cẩm Giàng – Hải Dương).

Nghè cũng có thể là một ngôi đền nhỏ của một thần trong xã nhằm thích ứng với dân sở tại để tiện việc sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính khó đáp ứng được nhu cầu thờ cúng thường nhật, như Nghè ở Trường Yên là một kiến trúc phụ của đền vua Đinh.

Hiện ngôi nghè cổ nhất được tìm thấy từ thế kỷ XVII.
( nghè = người đậu tiến sĩ thời phong kiến )

Điện thờ là gì? (shrine)

Điện là sảnh đường cao lớn, thường chỉ chỗ Vua Chúa ở, chỗ Thần Thánh ngự. Như vậy Điện thờ là một hình thức của Đền, là nơi thờ Thánh trong tín ngưỡng Tam tứ phủ. Tuy vậy quy mô của Điện nhỏ hơn Đền và Phủ, lớn hơn so với Miếu Thờ. Điện thông thường thờ Phật, thờ Mẫu, Công đồng Tam tứ phủ, Trần Triều và các vị thần nổi tiếng khác.

Điện có thể của cộng đồng hoặc tư nhân. Trên bàn thờ thường có ngai, bài vị, khám, tượng chư vị thánh thần và các đồ thờ khác: tam sơn, bát hương, cây nến, đài, lọ hoa, vàng mã,…

Phủ là gì?

Phủ là đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu (tín ngưỡng bản địa của người Việt Nam). Một số nơi thờ tự (ở Thanh Hóa) gọi đền là phủ. Có thể hiểu Phủ là nơi thờ tự Thánh Mẫu khá sầm uất, mang tính chất trung tâm của cả một vùng lớn, vượt ra ngoài phạm vi địa phương, thu hút tín đồ khắp nơi đến hành hương (tương tự như chốn Tổ của sơn môn đạo Phật).

Ngôi phủ sớm nhất còn lại hiện biết là điện thờ các thần vũ nhân ở chùa Bút Tháp, có niên đại vào giữa thế kỷ XVII.
Phủ là ngôi đền đặc biệt mà nơi đó thờ vị thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử đó là THÁNH MẪU LIỄU HẠNH, có thể gọi là trung ương trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Việt Nam chỉ có 3 Phủ: Phủ Chính, Phủ Vân (đều ở Nam Định), Phủ Tây Hồ (ở Hà Nội)

Quán là gì?

Quán là một dạng đền gắn với đạo Lão (Đạo giáo). Vào các thế kỷ XI và XIV đạo Lão ở Việt nặng xu hướng thần tiên nên điện thờ thực chất giống như một đền thờ thần thánh.

Sang tới thế kỷ XVI và XVII, sự khủng hoảng của Nho giáo đã đẩy một số nhà Nho và một bộ phận dân chúng quan tâm nhiều tới Lão giáo, và điện thờ đạo Lão có nhiều sự phát triển mới, với việc thờ cúng các thần linh cơ bản theo Trung Hoa.

Đó là Tam thanh (Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Đạo Quân, Thái Thượng Lão Quân), Ngũ Nhạc mà nổi lên với Đông Phương Sóc và Tây Vương Mẫu, rồi Thánh Phụ, Thánh Mẫu. Cửu Diệu Tinh Quân (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Mặt Trời, Mặt Trăng, Hồ phủ, Kế đô) đồng thời trên chính điện cũng có cả tượng của Hoàng Quân giáo chủ (Ngọc Hoàng).

Có thể kể tới các quán điển hình như: Hưng Thánh Quán, Lâm Dương Quán, Hội Linh Quán, Linh Tiên Quán… đều ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). “Thăng Long Tứ quán” bao gồm: Chân Vũ quán (tức đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh); Huyền Thiên cổ quán (nay là chùa Quán Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai); Đồng Thiên quán (nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành); Đế Thích quán (nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên).
Bích Câu đạo quán
Bích Câu Đạo Quán

Am là gì?

Hiện được coi là một kiến trúc nhỏ thờ Phật. Gốc của Am từ Trung Quốc, được mô tả như ngôi nhà nhỏ, lợp lá, dùng làm nơi ở của con cái chịu tang cha mẹ, về sau đổi kết cấu với mái tròn, lợp lá, làm nơi ở và nơi đọc sách của văn nhân. Từ đời Đường, Am là nơi tu hành và thờ Phật của ni cô đặt trong vườn tư gia.

Với người Việt, Am là nơi thờ Phật (Hương Hải am tức Chùa Thầy, Thọ Am tức Chùa Đậu – Hà Tây…) cũng có khi am là ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của xóm làng – Vào thế kỷ XV (thời Lê sơ) là nơi ở tĩnh mịch để đọc sách làm thơ của văn nhân. Miếu thờ thần linh ở các làng hoặc miếu cô hồn ở bãi tha ma cũng gọi là Am.

TỔNG KẾT LẠI


Hầu hết các địa điểm thờ cúng đều gắn với tôn giáo, tín ngưỡng, và tùy theo đối tượng được thờ mà có tên gọi khác nhau. Có thể tóm gọn lại như sau:

1. Am và Chùa đều là nơi thờ Phật nhưng Am có quy mô nhỏ hơn chùa và thường hoạt động riêng lẻ. Chùa là nơi tập trung sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng, ni (mang tính chất tập thể)

– Chùa mà có khoảng từ 20 vị tăng tu tập trở lên gọi là Tu Viện.

– Chùa có hệ phái khất sĩ gọi là Tịnh Xá (ở trong miền Nam).

– Những nơi tu tập có khu tăng, khu ni, có nhiều khu, nhiều chùa gọi là Đại Tòng Lâm.

2. Đình, Đền, Miếu, Điện đều là nơi linh thiêng thờ Thánh, Thần. Đình thường thoáng, cao, rộng, phù hợp với hội họp làng xã. Còn Đền, Miếu, Điện thường tối hơn, tạo cảm giác thiêng liêng, huyền bí cho người tới cầu cúng lễ bãi. Nhìn chung, Miếu có cấu trúc nhỏ hơn Điện, Điện nhỏ hơn Đền và Đền nhỏ hơn Đình (Miễu < Miếu < Điện < Đền < Đình). Thông thường mỗi làng chỉ có 1 Đình nhưng có thể có nhiều Đền, Miếu.

3. Phủ là nơi thờ Mẫu và truyền bá đạo Mẫu. Tuy nhiên cũng có nhiều phủ thờ cả Phật, đây được coi như sự giao thoa hòa nhập giữa các tôn giáo, tín ngưỡng.

4. Quán là nơi tu luyện và thờ cúng của Đạo giáo.


Tại Việt Nam các nền văn hoá tín ngưỡng thường giao thoa hoà nhập với nhau rất sâu (đây cũng là nét đặc trưng văn hóa tín ngưỡng tại Việt Nam). Có khi Chùa thờ cả Thần (kiến trúc: Tiền Phật hậu Thánh), Chùa thờ cả Mẫu (Tiền Phật hậu Mẫu)… Vì thế sự phân biệt ở đây là không rõ ràng trong đối tượng thờ cúng. Các bạn nên đặc biệt lưu ý đặc điểm này để tránh việc cầu xin không đúng ban, đúng chỗ, cũng như đặt lễ và hành lễ sai nghi thức (ví dụ để đồ mặn, đồ vàng mã ở Ban thờ Phật hoặc để đồ sống ở ban thờ Mẫu chẳng hạn. .

Ngay bản thân Đền, nếu đi sâu tìm hiểu sẽ rất phức tạp, khó phân loại. Có nơi thờ Nam thần, có nơi thờ Nữ thần. Thông thường đền thờ Nam thần thì to hơn Nữ thần nhưng đền thờ Nữ thần thì lại nhiều ban thờ hơn như ban Tứ phủ công đồng, ban Cô, ban Cậu. Tuy nhiên, hiện lại có 1 số đền thờ Nam thần lại cũng có ban thờ Mẫu, rồi thờ Cô, thờ Cậu… thành ra rất khó phân loại.

GHI CHÚ THÊM :
Đình khởi đầu của nó là Trạm, nơi dừng chân cho các quan đi tuần du và người bộ hành, từ Trạm phát thiển thành Quán vì các quan tuần du ngày càng đi xa cần có nơi nghỉ ngơi, cần có người phục dịch nên cắt cử người ra trông coi đến khi quan quân đi qua dừng chân ăn uống, nghỉ ngơi dể rồi ngày hôm sau đi tiếp. Nhưng quan về mỗi năm chỉ một vài lần nên Quán thường vắng vẻ nên người coi Quán phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi luôn cho lữ khách nếu có nhu cầu. Nhưng ngày xưa ngoài quan quân đi tuần du thì khách bộ hành cũng không phải là nhiều; trái lại việc làng, việc xã ngày xưa rất quan trọng (Phép vua thua lện làng) nên các cụ cao niên thường tổ chức họp bàn công việc một cách công khai và họ thấy Quán là nơi hợp lý nhất nên các cụ cao niên lấy Quán làm nơi hội họp cho làng cho xã (kêu kiện, nộp cheo, phạt vạ) đều ở Quán.
Đến đây Quán được gọi là Đình; và Đình trở thành nơi sinh hoạt chung cho cả cộng đồng làng xã. Đến khi có tục thờ Thành Hoàng, Những làng xã có điều kiện thì họ xây Đền để thời Thành Hoàng, nhiều nơi cho rằng Đình là nơi tổ chức mọi sự kiện của làng thì rước Thành Hoàng thờ luôn trong Đình cũng là hợp lẽ. Và Đình được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn bó với một cộng đồng cư dân bản địa là vậy. Quá trình phát triển này kéo dài nhiều thế kỷ, qua nhiều triều đại phong kiến cùng với sự phát triển làng xã trong xã hội Việt Nam xưa nói riêng (còn có cả Trung Cộng)

Monday, February 15, 2016

Tản mạn mồng 8 Tết / Phạm Sanh PBC72


Cao Trần Thu Vân và Hoàng Xí PBC72

Khi nghe tiếng rao lanh lãnh của mấy bà mua ve chai người miền Trung, cái xứ chó ăn đá gà ăn muối hay  đất cày lên sỏi đá theo cái giọng văn chương khỉ gió thời này, tôi biết đã hết Tết.

Năm Bính Thân không tốt cho người tuổi Tỵ. Chưa kịp húp miếng canh phơn phớt nấu cá lưới cước sáng mùng hai, chiều mùng một đã một mình dọc đường gió bụi vào lại Sài Gòn. Chạy xe dọc theo đường cái ven biển qua những xóm dân, thời trẻ con theo ông Nội chạy lựa kéo lưới rùng, như xóm Trạm hòn Vồ Kê Gà cửa Cạn cây Găng Tam Tân Lagi Cù Mi… Đường vắng tanh người, chỉ nghe gió bấc thổi lồng lộng lành lạnh, vừa đi vừa loáng thoáng nhớ lại những kỹ niệm ăn Tết đại gia đình lúc còn đông đủ. Dừng xe trên cầu Đá dựng, định điện thoại HB chúc Tết nhưng lại quên số, ráng chạy đến ngã tư quân cảnh, ăn tô mì xương hít thở lấy sức đi tiếp.

Tết năm nay sao là lạ, đúng ra người dân ăn Tết hơi kỳ lạ, không xung như mọi năm. Hôm về 29 tết, bông hoa cây trái vẫn lèo tèo, tội nghiệp mấy cô gái miền Tây vừa bán vừa ngủ gục. Năm nay, mai vàng ra hoa rực rỡ nhưng rơi rụng gần hết, đào hồng lại giữ dáng không chịu ra hoa, chắc chờ đến hết mùng. Chỉ có hồ điệp Thái Lan, Đài Loan là độc quyền khoe sắc, bán mắc kinh khủng. Trang trí, sửa soạn, cúng quẩy, ăn uống, lì xì con cháu cũng giảm dần, chắc là do yếu tiền. Tết chỉ còn tụ năm tụ ba, anh dô tui dô dưới các hàng hiên hay nam nữ xúm nhau la hét cờ bạc tại các sạp chợ vắng khách đầu năm.

Ngày Tết, năm “xấu” hạn chế ra đường, nằm nhà mở tivi ra xem, chương trình đón xuân 2016 cứ phát đi phát lại các vở kịch hài cũ, chán chết. Dám xơi luôn chương trình ca nhạc Anh Khoa hát, dịp về tết 2015 để nghe lại chào xuân 2016, nghèo và buồn thật. Nghe nhiều người nói, mới đại nhạc hội vùng miền, chờ mở hội cả nước, an bài xong cho gọn vui hơn. Có anh xếp lớn tuổi trâu già, bị mấy thằng trẻ trâu, thiên đình mới trở gió trở trời mấy ngày đã bị chúng trở cờ, đưa chuyện con cái, rồi chuyện kinh bang tế thế, lên kịch Táo quân đầu năm làm trò khỉ, lại còn đưa con khỉ lại cái Bắc Đẩu bắt chước nhái mình, tức chết thật. Có lẽ năm nay Tết nghèo do “ảnh” hết làm, không ai dám in thêm tiền như mọi năm, cứ tiêu xài trước cho sướng cái thân, để nợ cho con cháu sau này còng lưng trả, mặc kệ ông bà chúng nó. Thôi, giậu đổ bìm leo, sông có khúc người có lúc, biến hóa như Tề Thiên Đại thánh có lúc còn bị Phật tổ đè.

Mùng 4, mở mạng xem tin, nghe tin động trời từ một bạn gái “hải ngoại”, HX đã mất, thầm trách chắc mấy ông bạn PT còn đang say xỉn. Buồn cả đêm, trước Tết có nói chuyện với MQ, ĐT, Tết này về PT sẽ thăm HX. Nhớ MQ còn gửi gắm, nói HX nên dời sang chỗ ở khác, đợt HT,MQ về thăm mới đây, thấy nhà HX đang ở có cái gì lạnh lẽo “âm u” lắm. Chiều 29, sau khi lên nghĩa trang lầu ông Hoàng, thăm đốt nhang khấn vái mộ ông già và người thân, về lại tìm nhà HX nhưng chẳng ai biết, ác thật, định điện thoại MQ nhưng ngại cô nàng bận bịu nghĩa vụ đủ thứ mấy ngày Tết, …ân hận mãi. Không hiểu sao, những người thân thuộc bạn bè, ai mà tôi cứ gặp chuyện này chuyện nọ không thăm được lúc lâm bệnh, đều ra đi luôn biền biệt không về, cứ y như là thế giới cỏi âm báo trước điềm xấu. Lúc còn thanh niên đi làm việc ở PT, có lần HX hỏi nhỏ, PS có biết về … không, tôi ngạc nhiên mừng rỡ, hết sức cố gắng nói tốt bạn này cho bạn nọ, bạn nào cũng là bạn, cả hai cùng là bạn, lúc đó tôi cứ hy vọng có một ngày... Nhưng tại duyên số, hay tại ai đó, từng người cũng chỉ là bạn. Nay HX đi nằm trước tại vùng đất Phan Rí cửa, không biết có nằm cùng chung nghĩa địa với Ông Bà sơ tôi, cũng chôn tại đồi dốc Chí Công, có những bụi sim tím làm bạn với lưỡi long, nắng gắt gió lộng, chim kêu ríu rít quanh năm. Nhìn hình đám tang bạn mình, đọc những lời chia buồn của nhóm bạn gái 72, không cầm được nước mắt. Tuổi Tỵ, năm Thân.

Những ngày cuối mùng, người dân các Tỉnh trở lại Sài Gòn. Tin vui, các bến xe đò hết sức trống trãi, văn minh lịch sự, không còn cảnh chen lấn như mọi năm, chỉ có sân bay TSN hơi quá tải, máy bay HN vào phải bay lòng vòng cả tiếng đồng hồ mới có chỗ đáp. Tin không vui, các bến phà, cầu lớn, đường từ miền Tây, miền Trung về Thành phố đều nghẹt xe 2 bánh kinh khủng, như PT vào nghẹt từ trạm thu phí Sông Phan. Hiện tượng mới có năm nay, về quê 2-300 cây số toàn bằng xe 2 bánh. Giống mình, thích tự do ngắm cảnh ngắm người. Khác mình, có lẽ dân tình ít tiền phải tiết kiệm. GDP tăng nhưng số đông nghèo hơn, dễ hiểu.

Thôi, nói chuyện khác cho vui, lấy hên đầu năm. Sẽ nói về một số cái nhất của Việt Nam khiến thế giới tâm phục khẩu phục.

VN là một trong những xứ thích lang thang trên facebook, nhiều hơn 15% so với trung bình thế giới, trên 20 triệu người truy cập mỗi ngày, mất khoảng 2,5 giờ cao hơn 2 lần thời gian xem tivi nghe đài. Đa số là giới còn trẻ từ 18 đến 34 tuổi, đàn bà lên facebook nhiều hơn đàn ông. Các số liệu thống kê gần đây đều xếp VN vào tốp 10 cho facebook và tốp 20 cho internet. Tuy nhiên con số này chưa chính xác, chắc chắn cao hơn, vì rất nhiều người VN sử dụng chung một ID thiết bị. Ở VN, vào facebook phải cẩn thận, đừng nói xấu lãnh đạo cũng như đừng dại dột a dua like theo, dễ bị CA theo dõi trình bẩm, rồi đám hoạn quan nịnh bợ ra quyết định xử phạt tào lao. Mà quên, còn phải đề phòng các cặp đôi dùng chung facebook có khiếu trinh thám, có tật suy nghĩ vẩn vơ lung tung, dễ rối như canh hẹ. Tôi thì vào facebook nhanh như ăn trộm, liếc vội rồi thoát ra ngay, đám học trò biết thày lên facebook, rủ rê xin điểm xin đề xin địa chỉ nhà, lại khổ tâm thân già.

Lò ấp trứng vàng ngân hàng Việt Nam Thương Tín 

VN là một trong những xứ nhiều tiến sỹ, đã có khoảng 25.000 TS và thạc sỹ thì còn gấp 4 lần con số đó. Đang báo động đỏ, các trường đại học chỉ cố gắng dung nạp được 10.000 TS, đang lập danh sách giảm biên chế mấy thày cô, do số lượng sinh viên đầu vào giảm nhiều, đầu ra vẫn cứ thất nghiệp dài dài. Năm 2015, con số 250.000 ông cử nhân thạc sỹ lẫn giáo sư tiến sỹ, không có việc làm ổn định vẫn chưa chịu dừng lạ. Còn tinh thần đâu mà học học nữa học mãi. Đã vậy, mấy vị giáo sư đầu bạc về hưu mở trường kinh doanh giáo dục lấy tiền đâu ra để trả lương cho đám TS giấy không chịu ”ngu như kiến”. Hậu quả một nền giáo dục kinh tế thị trường định hướng xã hội chữ nghĩa, định mức 4 trò 1 thày (trong đó 4 thày phải có 1 TS, 3 ThS), rồi còn tự khen các khẩu hiệu vớ vẩn như đến năm 2020 cán bộ do thành ủy Hà Nội quản lý phải là 100% TS. Từ đó, nhà nhà TS, người người TS, ra đường là thấy TS, ngủ một đêm tỉnh dậy từ phó TS (một học vị của Liên Xô thời chiến tranh lạnh, tương đương thạc sỹ các nước) bỗng vươn vai Phù Đổng hóa thành TS. Rồi TS hữu nghị, TS online, TS dởm (học giả bằng thật), TS giả (học giả, bẳng cũng giả), TS múa lân, TS cải lương, TS xây dựng Đ... Tiến sỹ cái con khỉ, đông như bầy sâu, chỉ còn biết lấy cái bằng ráng chun vô cơ quan Đ. nhà nước chờ thời. Hàm thứ trưởng trở lên, số TS của VN cao gấp 5 lần Thái Lan. Bộ CT bầu bán vừa rồi, 9/19 “đồng chí” là TS, Ban chấp hành TW Đ. có 64 TS/200 vị (chưa kể số TS của phía quân đội). Nền giáo dục VN quá tuyệt vời, cả Obama, Angela Markel, Giscard d'Estaing, Netanyahu, Putin, lẫn Tập Cận Bình có mơ cũng không dám thấy.

VN là một trong những nước có tửu lượng lên cao vùn vụt như tên lửa Triều Tiên, tăng trên 15% hàng năm. Năm 2015, người Việt Nam mỗi năm uống 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu được sản xuất từ trong nước (có nghĩa là chưa kể số lượng bia rượu ngoại nhập đang bày bán đầy đường), gấp 4 lần bình quân thế giới. Dự báo đến 2020, người Việt uống rượu bia vượt xa lắc các nước Nhật, Singapore. Mỹ, Pháp… Trong khi thu nhập GDP tính trên đầu người so với người ta, lại là tỷ lệ nghịch. Khắp trên đất nước VN, trẻ già trai gái, sang hèn giàu nghèo, hỉ nộ ái ố, từ nhà ra quán, đâu đâu cũng thấy nhậu. Bàn nhậu là nơi bắt đầu, cũng là nơi kết thúc cho tất cả mọi chuyện, kể cả chuyện tình. Nói về nhậu, chắc không ai bằng nhóm bạn trai 72PBC của mình trong nước, chưa thống kê được số bệnh chết do nhậu và số tiền trả cho bác sỹ thẩm mỹ khâu vá do say té đường xa, nhưng nếu kể chuyện say xỉn, phải tổ chức gặp hội ngộ kéo dài cả năm, vài năm may ra mới được nghe chuyện gần hết. Những ngày đầu xuân tết Bính Thân 2016, mỗi ngày VN có khoảng 5000 người nhập bệnh viện do tai nạn giao thông, với gần 700 ca chấn thương sọ não. Trên 2/3 tai nạn giao thông là do say rượu. Riêng uống rượu xong rồi lời qua tiếng lại tự ái đánh nhau, đánh cả bố vợ lẫn bố ruột, đánh “lộn” đủ kiểu, cả nước có trên 30.000 trường hợp, báo hại 10.000 ma men phải vào bệnh viện nằm ăn Tết với mấy con ma nhà xác.

Sẳn nói luôn, VN lúc này còn nhất hạng về chém lộn (loại chém này không phải chém gió chém vè chém đẹp ở VT gì đó, đúng ra là chém không lộn, nhưng ông bà mình lỡ ưa ăn nói ngược ngạo, con cháu phải nghe theo). Cái gì cũng chém, thích là chém. Đang đi ô tô, thấy bọn trẻ dàn hàng ngay cản đường, bóp còi xin qua mặt, cũng bị chúng chém chết. Luật sư vào ngõ xóm nắm bắt thông tin kiện tụng, dám đi xe ô tô gây ồn, phun khói bụi, phải chém cho bỏ ghét. Uống cà phê, thấy 2 đám trẻ gây lộn rồi hết, thật thà hóa dại, không chịu bỏ đi, chúng quay lại xách thêm mã tấu, chém “lộn”. Ngày Tết, chồng xỉn, về nhà xin vợ tiền mua thêm rượu uống với bạn, bị vợ chém chết liền tại chỗ, cũng có trường hợp chồng đành phải chém vợ trước. Giống như chuyện trộm chó, nếu đám trộm không chém gia chủ tiếc con chó đuổi theo thì cũng bị nhiều thằng khác chạy theo chém hùa, chết không kịp ngáp. Công an lục cốp xe bọn trẻ, 99% có sẳn đồ chơi, tự chế hay TQ Campuchia gì đó, vài triệu là có hàng nóng súng ống đủ hiệu đủ kiểu. Gặp chuyện, thuê giới giang hồ đất cảng, chém không đẹp không lấy tiền, chém trật còn được trả lãi theo lãi suất ngân hàng, bọn này làm ăn nhanh nhạy uy tín hơn xa các anh hùng Lương Sơn Bạc hay giới cowboy thời xưa bên Mỹ.

Bàn về chuyện chém lộn, các chuyên gia tâm lý giáo dục xã hội VN thường đổi thừa cho bọn trẻ, ít giáo dục, kém ý thức, ba mẹ bỏ bê, môi trường internet phim ảnh phức tạp. Cao siêu hơn nữa là tàn dư đế quốc thực dân phong kiến, là hậu quả kinh tế thị trường, là bọn trẻ bây giờ không chịu bay cao như đàn anh ngày xưa… chân dép lốp đi vào vũ trụ. Nhắc nhỏ, chưa ai dám làm đề tài nghiên cứu đổi thừa do IS.

Tôi thì suy nghĩ khác mấy vị này, thượng bất chính hạ tắc loạn, mà con trẻ cũng do mình đẻ ra, rồi còn dạy dỗ mệt nghĩ mấy chục năm trời, vậy là do người lớn chứ không phải do con nít. Thấy hiện tượng bọn trẻ làm, nếu có bậy, chỉ là “quả” chứ không phải là “nhân”. Nghĩ lại, nên bớt nói tốt về người lớn VN, mà nên nghe thêm nghĩ nhiều về các thói hư tật xấu, hiện ra lồ lộ trong nhiều năm gần đây như độc ác, thù hằn, tham lam, hoang tưởng, khoe của, lừa dối…

 Việt Nam cái gì cũng nhất


Độc ác: Chưa bao giờ người ta lại ác độc với nhau như vậy. Ham tiền, đưa hóa chất độc hại gây mầm mống ung thư vào mọi loại rau quả thực phẩm. Anh em ruột sẵn sàng giết nhau chỉ vì miếng đất nhỏ cỏn con. Thậm chí, “tính giang hồ hảo hớn” chỉ xuất hiện tức thời do mỗi chuyện va quẹt xe nhỏ nhặt không biết lỗi phải đứa nào, hay hiểu lầm cái nhìn vô tình vào cô bạn gái mới quen trong quán cóc nào đó. Người lớn chém nhau ngoài phố. Trẻ con đánh nhau trong trường, đánh hết bạn, đánh cả thày cô. Con cái đối xử nghiệt ngã với cha mẹ. Cái ác bay lơ lửng, có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào ở đâu. Xã hội, hay chính người lớn, đã làm hỏng “hệ thống phanh” đạo đức- luân lý- background gia đình có chức năng miển nhiểm, chặn lại tâm lý gây ác trước khi bước qua ngưỡng cửa tội ác.

Thù hằn chia rẽ: Độc ác đi kèm với thù hằn. Người ta sẵn sàng hằn học độc ác với nhau sau những trò ru ngũ, những đoạn lịch sử cận đại cắt ghép, những cặp bạn-thù tưởng tượng từ ý đồ một nhóm người. Tâm lý thù hằn oán ghét như những hạt mầm gieo thêm cái ác, gây thêm sự chia rẽ vô cớ. Sự thù hằn nguy hiểm nhất là “thù hằn tư tưởng”. Bốn mươi năm, vẫn còn chuyện cộng điểm đối tượng ưu tiên khi các con cháu bước vào ngưỡng cửa đại học. Làm nghành dầu khí phải là người Nam Định. Làm nghành CA phải là dân Củ Chi, Nghệ An, phải là lý lịch ba đời. Xuất khẩu đi lao động nước ngoài phải ưu tiên cho các xứ đàng ngoài… Vào xem comments các status bàn về chuyện có hơi hám chính trị, sẽ thấy tâm lý thù hằn quá khích. Nó không thể được xóa đi bởi nó vẫn được tích tụ. Đó mới là điều thật sự đáng sợ.

Tham lam: Lòng tham hiện diện khắp nơi. Lòng tham không có giới hạn do không còn bóng dáng đạo đức thánh hiền, không còn niềm tin tối thượng vào tôn giáo tín ngưỡng, mất hẳn khái niệm liêm sỹ tự trọng. Tham lam từ những cái rất nhỏ nhặt đến cả tài sản tài nguyên quốc gia to đùng. Trộm nhau con chó, đạp nhau cướp cho được “phết” lễ hội, chen nhau giành một suất sushi miễn phí, “hôi” các tài sản của người đi đường bị nạn, giành thức ăn trong buffet… Rồi những khu đất vàng, các mỏ tài nguyên, những dự án khủng, từ vài tỷ đến vài chục tỷ đô la Mỹ, vay nợ khá dễ dàng để vài chục năm sau trả bằng tiền thuế mồ hôi công sức con cháu. Lòng tham còn đang được cho ra nước ngoài. Hiện tượng ăn cắp tại các cửa hàng siêu thị, buôn lậu, sản xuất ma túy, thậm chí lừa gạt lao động ra nước ngoài, lừa bán các thiếu nữ nghèo nhẹ dạ lấy chồng TQ Đài Loan…, đang trở thành phổ biến. Tham lam đang diển biến phức tạp, lan tỏa cho cả bầy đàn, địa phương, dòng họ, rồi chuyện con ông cháu cha, con quan thì được làm quan, gia đình “truyền thống”. Lòng tham không thể ngừng lại khi chuẩn mực đạo đức vẫn còn bị ngăn cấm xa lạ đâu đó, khi bầy sâu tham nhũng vẫn còn lúc nhúc, từ tay bảo vệ vô học gát cổng ủy ban Xã Phường đến từng ông anh vĩ đại tận thủ đô Hà Nội.

Hoang tưởng: Ngày càng có nhiều người Việt hoang tưởng. Hoang tưởng về sự nổi tiếng, về tài năng, về sắc đẹp, về giàu có của mình. Hoang tưởng về “thiên tài” con mình. Rồi hoang tưởng về dòng tộc, quê hương, dân tộc, đất nước… Hoang tưởng là một bệnh lý. Tác nhân gây ra nó bắt nguồn từ thói sùng bái cá nhân và bệnh hình thức phong trào “lấy thịt đè người”. Không đâu dễ thấy hiện tượng này tại các phương tiện truyền thông quãng cáo ở các nơi không gian công cộng, họp hành lễ hội, thông tin báo đài, thậm chí Facebook, nơi người ta có thể đọc được những comments tâng bốc, “Đất nước này không thể thiếu anh!”. Có lần, tôi dự lễ kỹ niệm 50 năm thành lập trường Bách Khoa, chị hiệu trưởng phát biểu, phấn đấu đưa trường vào tốp 500 các trường đại học nỗi tiếng thế giới, giải lao gặp chị, tôi hỏi, hiện nay trường mình đang ở tốp mấy, chị cười bẻn lẻn, có biết ở tốp nào đâu. Cứ tưởng tượng và hứa hảo cho xong chuyện. Một xã hội hoang tưởng, chỉ nhìn thấy cái bóng phóng đại hơn là ảnh thật trong gương, không bình thường, cứ như câu chuyện dụ con ngựa cứ chạy hoài theo bó cỏ treo trước mỏm.

Khoe của đua đòi: Giày dép, quần áo, giỏ xách, biệt thự, siêu xe …, chúng ta đang thấy thói quen khoe khoang phô bày vật chất lên đến tột đỉnh. Năm 2015, dân chơi xe VN bỏ ra 10.000 tỷ, nhập các xe đời mới, nhiều hơn cả Singapore. Các hotgirl khi đi mua sắm phải là hàng hiệu và không được đụng hàng. Nguyên tắc bất thành văn này cũng đã được áp dụng khi mua tặng quà cúng biếu cho các quan chức. Không chỉ khoe khoan đua đòi, người ta phải còn tự khẳng định mình trong một xã hội giao thời đầy những nhân vật Xuân tóc đỏ. Trẻ con phải học trường quốc tế. Người lớn phải biết tennis, chơi golf…, để còn có cơ hội gặp được đủ các anh, hai ba tư… út bé… đều có, tranh thủ nằm bên nhau bàn chuyện làm ăn, chuyện dự án, thậm chí chuyện trai gái nhân sự. Các bà rủ nhau sang Thái Lan xem mấy anh chuyển giới, sang Hồng Kông sắm hột, sang Sing sửa mặt sửa mông. Phải thật đẳng cấp.



Lừa dối: Trước hết là dối trá, sau thêm lừa đảo, nói gọn thành lừa dối. Dối từ trẻ lên già, theo từng cấp học, theo dòng đời. Dối từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ nhỏ đến lớn. Lừa cũng theo bước đi thứ bậc đó, ác độc hơn do xuất hiện lòng tham, đã có toan tính lợi ích riêng cho cá nhân, cho băng đảng, cho dòng tộc gia đình mình, bằng cách hại người khác. Sợ nhất là dối lịch sử, khó sửa. Như nhân vật tưởng tượng Lê văn Tám, tẩm xăng đốt chạy vòng vòng, lở đặt tên đường, tên trường, tên đủ thứ, làm sao dám đính chánh nói thật. Còn nhiều chuyện dối còn vui hơn nữa, đúng ra là ba sạo, như chuyện anh hùng Núp dùng nỏ bắn rơi máy bay Mỹ ở Ninh Sơn Ninh Thuận, có lần gặp nhau khi làm đường lên vùng Bác Ái, tôi hỏi có thật không, ông già “anh hùng” trả lời, tự nó rớt do “thằng Mỹ” hết xăng. Thét rồi, dối là bình thường, cán bộ ta thường ngụy biện, dối vẫn tốt nếu có lợi cho mục… tiêu “cách mạng”. Đến bậc giáo sư tiến sỹ cũng còn lừa dối, năm nào cũng lấy tiền thuế người dân nghiên cứu mấy cái đề tài bá láp sơn đông mãi võ… Bệnh lừa dối ngán nhất là các ông bác sỹ công nghệ thông tin, dùng ipad, iphone, facebook…, trên trời dưới đất ổng biết hết, cả cái sóng hấp dẩn bé xíu vẫn phát hiện được huống chi chuyện dối trá to đùng sờ sờ ra đó mấy chục năm.

Tôi vẫn giữ quan điểm, người lớn hư làm con nít hư, khi người lớn tốt, con nít sẽ bớt hư. Hay vẫn suy nghĩ, dân gian do quan tham, chứ nếu quan hết tham nhũng thì đố dân đen dám còn gian dối.

Thôi, nói xấu người Việt nhiều quá mấy Bạn buồn, rồi sinh ra chán nản, phải dừng bút. Cứ tin cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ, người Việt Nam mình tốt, giỏi, lanh lẹ, biết sống, nhân hậu tử tế…, thì trước sau gì, ác độc tham lam hoang tưởng lừa dối… cũng phải ra đi. Như các Bạn 72, đi đâu rồi cũng trở về bằng máy bay đàng hoàng vui vẽ, chứ không loanh quanh mỏi mệt như cái ông nhạc sỹ TCS suốt đời ca cẩm.


Phạm Sanh, 72PBC

Wednesday, February 10, 2016

Tang Lễ bạn Phạm Thị Hoàng Xí CHS/PBC 65-72 , Nguyên Giáo Viên Hải Long Bình Thuận








  




 






PHÂN ƯU
Cựu học sinh Hải Long vô cùng thương tiếc báo tin:
Bà: PHẠM THỊ HOÀNG XÍ, sinh năm 1953 (Quý Tỵ) là cựu Giáo viên Hải Long.
Sau cơn bệnh hiểm nghèo đã từ trần vào lúc: 07 giờ 26' - Thứ năm, ngày 11/02/2016 (Nhằm ngày 04/ 01 năm Bính Thân), hưởng thọ 64 tuổi.
Lễ Nhập liệm lúc: 00 giờ 15' - Thứ sáu, ngày 12/02/2016 (Nhằm ngày 05/ 01 năm Bính Thân).
Lễ Động quan lúc: 06 giờ 00' - Thứ bảy, ngày 13/02/2016 (Nhằm ngày 06/01 năm Bính Thân).
Lễ Hạ huyệt lúc: 07 giờ 15' - Thứ bảy, ngày 13/02/2016 (Nhằm ngày 06/01 năm Bính Thân).
Linh cửu được an táng tại Nghĩa trang (BÀN CỜ) CHÍ CÔNG.

Thầy, Cô cùng cựu học sinh Hải Long thành kính phân ưu.
Thành kính cầu nguyện hương linh Bà sớm về cõi Phật.


THÔNG BÁO CHO CÁC BẠN HOÀNG XÍ MẤT SÁNG NAY VÀO LÚC 7G30 NGÀY 11.2 
(NHẰM NGÀY MÙNG 4 TẾT) 
TẠI 202 TRẦN HƯNG ĐẠO -PHAN RÍ CỬA- 
TUY PHONG 
Phạm Huyền Châu PBC72 thông báo

Chương Trình Tang Lễ:
con gái HX vừa dt báo tin 
giờ liệm 12 g đêm 11.2.2016 
và ngày An Táng:
6:00 giờ sáng ngày 13.2 (mùng 6 tết) 

 A/C Cao Trần Thu Vân PBC 72 thăm Hoàng Xí


 Các bạn PBC72 ghé thăm Hoàng Xí tháng 1- 2016
(Hồng Thúy từ Hoa Kỳ vế quê)

G/Đ bạn Cao Trần Thu Vân PBC72 từ Hoa Kỳ về thăm Hoàng Xí  

 Họp bạn PBC72 TS từ Mỹ về VN / Hoàng Xí áo đỏ

 Họp bạn PBC72

Happy New Year BingShen, Phạm Sanh


Năm Thân, không nói chuyện khỉ, thì đúng là đồ “dả” nhân giả nghĩa thứ thiệt… Nói vậy chứ các Bạn chỉ nên liếc sơ qua truyện này sau ngày cúng tất, đưa hết Ông Bà về lại cỏi xa xăm nào đó. Sợ mấy ổng bả ghiền internet lén đọc, quên cả đường về.

    Thửa nhỏ, mê truyện Tề Thiên Đại Thánh, xem tới xem lui, nhớ từng hồi, nhớ còn hơn nhớ tên các nhân vật nữ trong các truyện kiếm hiệp Kim Dung. Nhớ từ khi còn là chú khỉ con từ trong đá nứt chun ra, đến lúc được các đệ tử khen nịnh ai đẹp bằng Mĩ Hầu Vương, tầm sư học đạo được sư phụ Tu Bồ Đề đặt tên Tôn Ngộ Không (con khỉ giác ngộ được tính không), bị Ngọc Hoàng dụ phong chức Bật Mã Ôn sau khi đại náo Long cung và Âm phủ, rồi ép Ngọc Hoàng phong tước “Thánh lớn bằng trời” (tên do tay đàn em Độc Giác quỷ vương nghĩ ra), rồi Phật tổ Như lai bày trò thi nhảy cao để Tề Thiên bị đè tại Ngũ Hành Sơn chờ Tam Tạng đi thỉnh kinh xứ Tây phương ngang qua giải thoát, lại theo giúp sư phụ trong kiếp tu hành mang tên Tôn Hành Giả cùng Trư Bát Giới, Sa Tăng và Long Mã, đánh hết con yêu này đến con tinh khác, để rồi sau khi tới nơi thỉnh kinh xong được Phật Tổ hóa thành Đấu Chiến Thắng Phật , hết truyện.  
Nhân vật và nội dung cốt truyện Tây Du Ký đến nay không hề lạc hậu, thậm chí còn phản chiếu rõ nét bộ mặt biến hóa đa dạng các chế độ xã hội đương đại. Chỗ nào trên đường đi cũng gặp yêu tinh lủ khủ, như Hoàng Phong quái, Kim trì trưởng lão, Hắc Hùng tinh, Bạch Cốt Tinh, Tây Lương nữ quốc, Châu Tử quốc, sông Thông Thiên, Liên Hoa động,  Bàn Tơ động, đại chiến Hồng Hài Nhi, Báo tử tinh, qua Hỏa Diệm Sơn, Hoàng Sư tinh, thu Ngọc Thố, nạn Tôn Ngộ Không thật giả…. Yêu quái nào cũng ham ăn thịt Đường Tăng để trường thọ, đứa nào cũng có sức mạnh hơn người, nếu không bửu bối phép màu ghê gớm như các liveshow, thì cũng là sắc đẹp hấp dẫn mê muội chết người (người tu hành cũng mệt, các bạn nên xem thêm phim Tây Du Ký để nhìn rõ các người đẹp liêu trai Trung Quốc). Nét chung về lũ tiểu yêu, ai cũng có các sư phụ chốn thiên đình bảo kê dựa hơi dựa lưng, các vị này luôn ra mặt kịp thời, bảo lãnh dẫn độ đệ tử về lại cỏi Trời, mỗi khi Tề Thiên giơ cao cây thước bảng sắp đập chết bọn yêu quái đưa chúng về cỏi âm ty (nghe nói cây thước này trộm của Long vương, nặng đến 8,1 tấn).
Hối lộ tham nhũng đến mọi hang cùng ngõ ngách, không tha cả xứ nhà Phật. Đến cuối đường hết truyện , ngài Huyền Trang vẫn phải bấm bụng “tặng” chiếc bát vàng cho 2 vị La Hán, dưới cái cười hồn nhiên làm chứng của Di Lặc Bồ Tát, nhằm thoát nạn ròng rã 14 năm trời để đi thỉnh kinh Phật… dởm. Một nhân vật có tiếng trên giang hồ rất thích Tề Thiên và truyện Tề Thiên, đó là Mao Zedong. Theo ông ta, Tề Thiên tượng trưng cho mẫu người có ý chí, phân tích sắc bén, hành động không mù quáng có mục tiêu rõ ràng nhưng vẫn tuân theo ý kiến sư phụ (đúng ra là Tề Thiên chỉ sợ vòng kim cô).
Hiện nay, Tây Du Ký diển nghĩa vẫn được nhiều người xem là tác phẩm tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân (1500?-1581?) đời Minh. Nhưng ngay tại Trung Quốc, có thêm một Tây Du Ký của đạo sỹ Khưu Xứ Cơ hay Khưu Trường Xuân phái Toàn Chân (Lão giáo) làm tự ái người “phật tử”, mở màn cho sự ra đời tác phẩm Phong Thần của Bạch Vân Thiền sư (Phật giáo). Lại có thêm một Tây Du Ký nữa, nhưng không có Tề Thiên, đó là truyện Trường xuân Chân nhân Tây Du Ký  của Lý Chí Thường nói về chuyến đi của Khưu Trường Xuân về Mông Cổ gặp được Thành Cát Tư Hãn. Truyện Tây Du Ký thứ 3 này được dịch thuật phổ biến rộng rãi tại Nga và Úc. Nói gì nói, người Trung Quốc vẫn xem Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là một trong tứ đại kỳ thư đời Minh: Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du Ký và Kim Bình Mai. Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, cái nôi Phật giáo thế giới, cũng lên tiếng cho rằng nhân vật Tôn Ngộ Không được phỏng theo "thần khỉ" Hanuman, được nhắc đến trong bộ sử thi Ramayana có trước đời Đường Trung Quốc. Trong sử thi, Hanuman đã giúp đỡ cho người anh hùng Rama trong cuộc chiến chống lại vua quỷ Ravana. 
Nhắc về Ấn Độ, lại nhớ hình ảnh ba con khỉ già bịt tai bịt mắt bịt miệng, không nghe không thấy không nói, thường được khắc tượng hay tranh vẽ tại các chùa chiền Phật giáo xưa hoặc trưng bày tại các chỗ bán hàng mỹ thuật lưu niệm cho du khách các nước châu Á.
Nguồn gốc của các pho tượng này bắt nguồn từ Ấn độ từ vài ngàn năm trước. Lúc đầu, đó là bức tượng vị thần Vajrakilaya , Thần có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và hai miệng. Nhằm để răn dạy con người với ý khuyên: không nhìn bậy, không nghe bậy, không nói bậy.  Tư tưởng 3 không theo Phật giáo Ấn Độ đi qua Trung Hoa không rõ vào thời kỳ nào. Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ tám đời nhà Đường (Tang Dynasty), một thiền sư người Nhật  trong chuyến Phật sự ở Trung Hoa, đã mang theo về Nhật tư tưởng này. Tại Nhật, vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc) trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ các bức điêu khắc cổ bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro (1594-1634) rất nổi tiếng từ thế kỷ 17, có hình tượng 3 con khỉ tên Mizaru, Iwazaru  và Kikazaru, tiếng Nhật có nghĩa: “tôi không nhìn thấy điều xấu”, “tôi không nói điều xấu”, “tôi không nghe những điều xấu”. Có lẽ vì từ “zaru” gần âm với “saru” nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu thị cho triết lý này. Điều này cũng mang phần nào tư tưởng của Khổng Tử, khi người học trò ruột Nhan Hồi hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đã đáp: không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy… 
 Thật ra, phải xuất phát từ cái tâm. Trên chuyến phượt về quê ăn Tết vừa rồi, tôi thử 3 bịt xem sao. Mới tờ mờ sáng mà bọn sửu nhi đã rồ ga phóng nhanh lấn đường loạn xạ, phải chạy thật chậm, thật bình tĩnh. Đến nghĩa trang quân đội hay đi bộ, đang chạy tốc độ rùa bò, bỗng nghe cảnh sát giao thông thổi mời vào, hết hồn hết vía tưởng bật lộn đèn xi nhan, dòm xuống đèn xi nhan không thấy chớp, anh chàng cảnh sát lại chỉ cây gậy vào đèn, nói chưa bật đèn xi nhan, lần sau nhớ bật đèn, thôi… đi đi ông nội. Tôi vội cám ơn rồ ga chạy liền, cảnh sát xa lộ đổi ý thì lại mệt, nhưng không biết cám ơn cái gì, vì mình có sai đâu. Thôi, cứ cố gắng bịt miệng. Về đến ngã 3 bốn sáu vào Lagi, nghĩ chân ăn trưa, kỹ niệm một chút quê hương, kêu cơm cá thu kho mặn, ngày cuối năm quán chỉ có một chủ một khách và một phụ bán, ông chủ quán tươi cười ra ngồi nói chuyện đủ thứ, kêu thằng bé đem ra thêm dĩa dưa chuột cà xắt, thêm chai nước suối Vĩnh Hảo. Tính tiền, 220.000 đồng, tưởng lộn nhưng con số cộng lại là đúng. Tình quê hương vô giá. Còn hơn ăn ở Vũng Tàu, phải đến hai triệu hai, nghe nhiều người nói như vậy. Thôi, cũng ráng nhịn nhục như mấy con khỉ. Nhiều chuyện chướng tai gai mắt lắm, nhưng, …phải bịt. Đã nói, xuất phát từ cái tâm và cần tu luyện thêm dài dài suốt đời.
Những đêm khuya soạn bài dạy học, chỉ còn nghe lanh lảnh tiếng rao mỳ gỏ của thằng bé người Quãng Ngãi, tôi thường nhìn 3 con khỉ bằng gỗ mua tại phòng chờ phi trường Đà Nẳng, suy nghĩ mông lung. Không hiểu tại sao các con khỉ thường là những con khỉ già? Có lẽ khi già rồi, các con khỉ mới có được cái khôn ngoan lão làng, biết “kính nhi viễn chi”, không muốn bàn ra tán vào những chuyện thế gian tầm phào vô nghĩa vô ích? Hay tại tuổi già làm con người làm biếng, mệt mỏi, giảm sút ý chí “chiến đấu”. Cứ “dont see, dont hear, dont speak”. Tự an ủi, quá chí lý. 

Tôi cũng không biết những con khỉ già này có một quá khứ gì hào hùng để thổi phồng lên cho con cháu nghe, sau những chầu nhậu phe phẩy để ra mắt bắt tay làm ăn hay say quất cần câu tranh uống quên ăn cho hết thời giờ? Phải chăng, tất cả chỉ là hoang tưởng ngu dốt của một thời trai trẻ hăng say bị ai đó lường gạt hoặc tự phe ta lừa dối phe mình? Những con khỉ già này có gì bám víu để còn giữ cho mình chút khoe khoang hãnh diện tự trọng? Hay ngoài cái hình hài đang tụt phanh xuống cấp và chút tài sản nhỏ nhoi tom góp cả đời, chỉ thấy trống rỗng vô nghĩa toàn diện. Có phải những con khỉ già yên ắng trong bóng tối đêm dài, chính là biểu hiện úa vàng của bản thân mình và đời sống xã hội chung quanh? Thôi, còn làm khỉ, cứ ráng mà bịt…

Loài khỉ là động vật giống con người nhất, mấy đứa bé học môn sinh vật cứ nhai câu, vượn người là thủy tổ của loài người. Không những giống bề ngoài, khỉ còn thông minh, leo trèo nhanh nhẹn, bắt chước giỏi, ăn hoa quả, sống tinh nghịch tập thể bầy đàn trong rừng, thường ở những nơi “khỉ ho cò gáy”. Ở Việt Nam, người ta nuôi khỉ tại các nơi giải trí du lịch, đưa khỉ vể sống tập trung tại các khu rừng bảo tồn sinh thái. Thiếu chăm sóc, thiếu thức ăn cho bày khỉ, chọc giận khỉ…, dẩn đến chuyện dở khóc dở cười, như khỉ nhảy ra cắn người đi đường tại khu rừng trong Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, hay kẻ lạ dụ mồi quăng lưới bắt sạch bầy khỉ trên núi Châu Thới Biên Hòa về nấu cao khỉ. Lúc này, người già bệnh xương khớp nhiều, cao nào cũng là cao, cao chó cao mèo còn bán được hống hồ cao khỉ. Người tuổi con khỉ có tốt có xấu. Tốt: thông minh sáng dạ, vui vẻ bạn nhiều, mạng nữ cười nói vô tư lộn xộn vẫn có người thương hứa nuôi suốt đời. Xấu của tuổi khỉ là cả tin, thiếu sâu sắc, bảo thủ, khó làm quan lớn. Vừa tốt vừa xấu là nhớ dai. Do vậy, khỉ không được chọn là biểu tượng hoặc linh vật trong văn hóa Việt Nam cũng như các xứ phương Tây. Nếu xuất hiện, cũng không được trang trọng lịch sự cho lắm như cầu khỉ, hầu quyền…, đúng là tủi thân con khỉ ở lùm.
Nhưng con vượn lại khác, tượng trưng cho điềm may mắn, chính trực thanh cao, người quân tử phải tay dài như vượn. Vượn không sống theo đàn mà sống từng đôi, sống mãi tới già, không làm tổ. Nhiều chuyện dân gian kể về vượn hóa thành người như câu chuyện tình Bạch Viên Tôn Cát…, quá sức chung thủy. Vượn đực hú rất xa khi muốn chứng tỏ sức khỏe với bạn đời, cả cây số còn nghe, truyện Kiều và Lục Vân Tiên có nhắc chuyện “hót” này, cũng bất lợi vì người thợ săn nghe hú, ráng tìm bắt cho được con vượn. Nhớ câu ca dao xót ruột một thời con gái khi chưa có cellphone, facebook, google earth…, Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.

Đười ươi (orang-outang) là loài linh trưởng thông minh giống người nhất. Sống trên cây 90% thời gian. Cả đời chuyên làm tổ, cứ mỗi đêm làm một tổ, trung bình trên 50.000 cái tổ cho một đời đười ươi. Con đưc ưa làm dáng, tập luyện thể dục, để tán gái và làm thủ lĩnh mấy chị em. Con cái sinh con, che chở  và dạy con ròng rã đến 7 năm, trong lúc con đực đã cao bay xa chạy tìm bạn tình mới. Đi rừng gặp đười ươi vui lắm, nó nắm chặt hai tay cười suốt cho đến tối, người ta đói lã sợ quá mà chết. Do vậy, phải đem theo ống tre lồ ô, xỏ tay vào ống, đười ươi đắc thắng nắm ống tre nhắm mắt mà cười, lúc này người đi rừng rút tay ra nhè nhẹ, bước khẻ thụt lùi từ từ… Má tôi kể lúc trẻ, đi qua rừng Nam Cát Tiên, gặp đười ươi, làm như vậy. Chuyện này vẫn chưa được kiểm chứng.
King Kong, con quái thú chết vì giai nhân, không có thật, chỉ tưởng tượng trong phim ảnh từ 1933.
Quay lại con khỉ Việt Nam, vẫn thấy tội nghiệp sao ấy, Trời sinh con khỉ ở lùm/Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông, hay Khỉ bồng con lên non kiếm trái/Cảm thương nàng phận gái mồ côi... Rồi cho con khỉ xuất hiện trong các kịch bản âm mưu tiểu nhân như Rung cây nhát khỉ, Giết gà dọa khỉ… Hay trong các ý thâm độc như Khỉ lại hoàn khỉ/ Mèo lại hoàn mèo, Nuôi ong tay áo/Nuôi khỉ dòm nhà… Thật đáng thương cho kiếp ông Tề.
Thôi, đầu năm cũng phải chúc nhau cho đúng lễ nghĩa tình bạn. Chúc mấy bạn 72, một năm mặt không nhăn như khỉ, không gặp đồ khỉ gió khỉ mốc, đừng sợ cái khỉ khô gì hết, và tránh xa càng xa càng tốt mấy cái trò khỉ. Các bạn trai thì chớ dại tìm chỗ khỉ ho cò gáy để chứng tỏ sức mạnh đười ươi, cứ bắt chước  giống đôi vượn già chung thủy suốt đời.
TB: Đầu năm Khỉ, các Bạn nên xem phim Planet of the Apes (La Planète des Singes), tập 3, sắp quay.
Phạm Sanh, 72PBC

Sunday, February 7, 2016

Cuối Năm Nhắc Lại Những Tài Danh Làm Đẹp Phan Thiết & Bình Thuận

          Làm cho Bình Thuận và Phan Thiết có được sự thành công và trân quý như hôm nay, là công khó máu chan cơm, nước mắt thay canh của tiền nhân qua bao thế hệ. Họ là con dân Đại Việt vùng Thuận Quảng, tay gươm tay cuốc, theo đoàn quân Nam tiến của Chúa Nguyễn tới đây rồi dừng bước và tận dụng tài năng để biến sõi đá thành ruộng đồng, rừng già biển dữ trở nên kho bạc vàng châu báu cho con cháu tận hưởng muôn đời.
          Họ là tráng sĩ vung gươm giữ yên nhà nước, là các anh hùng Nguyễn xuân Ôn, Ưng Chiếm, Bùi Hàng, Cao Hành.. nối tiếp là Vũ Anh Khanh, một đời vì nước dù thân xác có bị giặc Pháp phanh thây phơi xác. Họ là hậu duệ của lớp sĩ phu yêu nước, là những người Hàm hộ, Phú Ông, Điền Chủ.. giàu có nhưng dùng gia tài riêng để lo chuyện quốc sự. Hai người trong lớp tiền phong tiêu biểu của Bình Thuân là Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh, con Nguyễn Thông.. được coi như các nhân sĩ nồng cốt trong phong trào Duy Tân tại Phan Thiết do Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh khởi xướng từ đầu thế kỷ XX...
          Trên đỉnh cao trí thức lúc đó, cũng không thể quên cử nhân Trương gia Mô, con của sĩ phu Trương gia Hội, đồng khoá với Trần quý Cáp, Huỳnh thúc Kháng, Phan chu Trinh, Nguyễn sinh Sắc.. Ông có viết Gia Định Tam Tiên Liệt Truyện, ca tụng ba vị anh hùng chống Pháp tại miền Nam là Hồ Huấn Nghiệp, Nguyễn Hữu Huân và Nguyễn Trung Trực. Về cái chết của ông chỉ biết mất năm 1929, sử liệu không thấy đề cập tới lý do..

          Ngoài ra còn có HỒ TÁ BANG (1875-1943), sinh tại Hương Điền, Thừa Thiên nhưng làm việc và lập nghiệp tại Phan Thiết vì là nghĩa tế của hào phú họ Huỳnh tại đây. Ông là chiến sĩ trong phong trào Duy Tân miền Trung, bạn đồng chí của Trương gia Mô, Phan chu Trinh, góp công nghiệp rất to lớn và quan trọng trong công cuộc Duy Tân tại tỉnh Bình Thuận. Là một thế gia vọng tộc, con trai là bác sĩ Hồ tá Khanh từng giữ chức Bộ Trưởng Kinh Tế trong chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945, con rễ là Kỹ Sư Lâm tô Bông cũng giữ nhiều chức vụ trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ông mất năm 1943 và mộ phần hiện tại Phan Thiết, có lưu lại Tế thủ tiền lổ văn. Phải kể thêm các thân hào Huỳnh văn Ngô, Nguyễn văn Chu, Đinh văn Mỹ, Huỳnh ngọc Vinh, Huỳnh ngọc Chi.. là những người đã góp phần chấn hưng nền kinh tế trong tỉnh, mang đến nghề nghiệp cho mọi giới tại Phan Thiết, trong đó có ngư dân và lao động..

          Kỹ Sư LÂM TÔ BÔNG cũng là một trong những khuông mặt khả ái của Bình Thuận. Ông sinh năm 1915 tại Quảng Ngãi nhưng coi mình là người Bình Thuận vì lập gia đình với bà Hồ Tiểu Sinh tại đây. Nhưng trên hết cuộc đời của ông đã gắn liền với các sinh hoạt của Phan Thiết như phong trào Hướng Đạo Sinh 1945-1950, công cuộc tế bần 1942-1945 và điều hành trường tư thục Cẩm Bàn.. Theo bài viết của Kỹ Sư Trương Tiến Huân (em ruột Thầy Trương Tiến Hinh) cũng là một nhân sĩ của tỉnh nhà, thì trong vụ đói năm Ất Dậu 1945 tại Bình Thuận, đoàn Hướng Đạo do ông Lâm tô Bông hướng dẫn, đã quyên góp tiền bạc, thực phẩm, cứu trợ đồng bào bất hạnh.

          Làm đẹp Bình Thuận còn có Tiến Sỹ NGUYỄN XUÂN THỌ, sinh năm 1916 tại PhanThiết, đã tốt nghiệp Tiến sĩ Văn chương tại Đại học Sorbone Pháp với các ngành về Ngoại giao, Chính trị, Cao học quốc tế, Cao học xã hội. Cựu thỉnh viên Hàn Lâm Luật Học Quốc Tế La Haye (Hoà Lan), cựu công chức Bộ Ngoại Giao Pháp làm việc tại Madrid (Tây ban Nha) và Đức. Tác phẩm " Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp tại VN (1858-1897)", xuất bản tháng 1-1996, được các sử gia, học giả Phạm cao Dương, Lưu trọng Khảo, Minh Đức Hoài Trinh, Nguyễn sĩ Tế.. đánh giá cao về giá trị tri thức và sử liệu.
          Tiến Sỹ Dưọc Khoa Trương Văn Chôm sinh ngày 5 tháng 1 năm 1923 tại Phan Thiết. Là học sinh trường Trung Học Petrus Ký Sài Gòn. Sau khi đổ Tú Tài 2, năm 1948 du học Pháp ngành Dưọc. Năm 1956 về VN mở nhà thuốc Tây tại Bến Chương Dương và dạy môn Hóa Học Hữu Cơ tại Đại Học Y Khoa Sài Gòn. Chính Ông là người đã tranh đấu nhiền na9m để Phân Khoa Dưọc trở thành Đại Học Dưọc Khoa và Ông là Khoa Trưởng. Kế tiếp Ông là Giáo sư Nguyễn Vĩnh Niên tới tháng 4-1975, sau đó VC lại đem Dưọc Khoa sáp nhập vào Đại Học Y Khoa.
          Đồng thời với Tiến Sỹ Trương Văn Chôm là Tiến Sỹ Chính Trị Học Ngô Hữu Thời sinh quán tại Hòa Đa Bình Thuận. Ông là cựu Dân Biểu Đệ Nhất VNCH. Sau đó là Phó Giám Đốc Tín Nghĩa Ngân Hàng và Giáo Sư tại Trường Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt, giảng dạy về môn Ngân Hàng..
          Về  lãnh vực giáo dục, người Phan Thiết cố cựu không ai không biết tới ông HOÀNG TỶ, sau này kế tiếp là Hoàng Tư, với các tư thục đầu tiên tại Phan Thiết, đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ thanh niên nam nữ làm rạng danh với đời. Hoàng Tỷ còn là bạn tâm đắc của cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm khi ông còn làm quan Tri phủ Hoà Đa và Tuần Vũ Bình Thuận. Lúc còn sinh tiền (1955-1963), Tổng Thống Diệm khi có dịp kinh lý Phan Thiết, thường đến viếng mộ phần cố nhân chôn tại khu đất riêng trên đường Nguyễn Hoàng, gần trường Phan Bội Châu.
          Là chốn ăn chơi, tuy không bằng các công tử miền sông Tiền, Sông Hậu nhưng Phan Thiết lại có nhiều nhà mạnh thuờng quân giàu lòng hảo tâm. Đây chính là động lực đưa hội tuyển túc cầu Phan Thiết nở mặt khắp bốn miền đất nước trước năm 1975. Họ là Phạm tư Tề, Trần khải Hoàn, Hoàng thọ Vĩnh.. về sau có Tăng Khánh, Thành Kim, Vĩnh Lợi, Dương Quang Thiết..
          HUYỀN VŨ cho tới nay vẫn đưọc coi là Ký giả thể thao VN không địch thủ. Trước năm 1975, Huyền Vũ là một trong những ký giả thể thao nổi tiếng nhất của Việt Nam Cộng Hòa, tên thật là Nguyễn ngọc Nhung, sinh năm 1915 tại Phú Trinh Phan Thiết. Người Bình Thuận xưa nay nổi tiếng ham thích thể thao, mê coi đá banh mà Phú Trinh lại là địa phương sản xuất nhiều cầu thủ nổi tiếng như Vinh, Ta và Huyền Vũ. Trước đây nhiều người vì bận rộn sinh kế, nên thường ít tới sân banh để xem các trận giao đấu giữa các hội trong và ngoài nước. Không sao, họ chỉ cần mở máy thu thanh của đài phát thanh Sài Gòn hay Quân Đội, là có thể thưởng thúc đầy đủ, qua giọng truyền cảm thu hút của ký giả thể thao Huyền Vũ. Ngoài ra ông còn là một nhà văn, đã viết nhiều bài phóng sự giá trị trong bộ môn  thể thao, đăng tải trên hầu hết các báo chí Sài Gòn thời đó. Theo Đinh văn Ngọc, trong hồi ký " Hai mươi năm thăng trầm ", cho biết Huyền Vũ với bản chất trung thực, ăn ngay nói thẳng cũa người Phan Thiết, nên đã va chạm với một số người khi hành nghề.
          Bắt đầu vào nghề rất sớm trên hai đài quân đội và Sài Gòn, qua tường thuật các trận đấu bóng rổ, bóng bàn và bóng tròn. Năm 1956 làm phóng sự giải Merdeka tại Mã Lai. Năm 1958 phóng sự Á vận hội tại Nhật. Năm 1959 giải Đông nam Á vận hội tại Vọng Các, Thái Lan và sau đó coi như đi hầu hết các quốc gia Á Châu, để tường thuật về các trận tranh giải thể thao quốc tế. Ngoài ra, ông cũng tới Ba Tư, Tây Đức làm phóng sự thể thao. Đồng bào Việt Nam Cộng Hòa thời đó nhờ những bài tường thuật sống độïng sôi nổi này, mà biết được tin tức và thực trạng thể thao khắp năm châu, bốn biển. Năm 1975, lưu vong và hiện đang sống tại Hoa Kỳ.
          Noi bước đàn anh, Phan Thiết còn có Mai Xuân Cúc, cựu học sinh TH Phan Bội Châu, Đại Uý QLVNCH. Ông đã viết nhiều bài báo giá trị về bộ môn thể thao tại tỉnh nhà trước tháng 5-1975. Nhờ vậy chúng ta mới biết đưọc Đội Bóng Tròn Phan Thiết, các Danh Thủ Quân Vợt, Bóng Bàn địa phương như Nguyễn Văn Cung, Đinh Văn Phùng, Đinh Quốc Hùng, Đinh Quốc Cường, Đinh Quốc Tuấn..
          Là người Phan Thiết, chắc ai cũng giống ai về sự đa sầu đa cảm mà trời thường đặc ban cho người miền biển, vốn có sẵn trong trăng thanh gió mát, sóng nuớc gợi tình. Bởi vậy cứ mỗi lần vô tình nghe từ đâu đó, vọng lại các loại đàn tranh, kìm, độc huyền.. hoà điệu vơi những bài bản nam hay bắc, là hồn như muốn trổi dậy cái thời xa lắc miên mang chốn Phan Thành. Nhớ hoài dòng sông Cà Ty nước ròng, nước lớn, lấp lánh đèn nhà ai toả sáng đôi bờ, dòng sông của tuổi thơ một thời đáng nhớ.
          Sao mà không mềm lòng được với những hò, xự, xang, xê, cống.. với vọng cổ, xuân tình, tây thi, tứ đại oán.. để rồi khựng nhớ tới lớp nghệ sĩ tiền phong tài tử của Phan Thiết thời vui chơi xã láng của Ba Bữu, Song Én, Mười Quờn, Năn.. nhưng nghề nhất là ông Phan Sinh thiện nghệ gần như tất cả nhạc cụ cổ truyền và có những ngón tay nhảy múa trên phím đàn rất là tình tứ và mời gọi. còn giọng ca thì ai hơn được Năm Bờ, Tám Mới hay Tao Ngộ?
          Ngay từ các thập niên 20-30, thị xã Phan Thiết đã có tới ba rạp hát là rạp Bà Đầm , chủ nhân là bà Oggéri người Ý, sau tân trang thành rạp Modern. Tại ngã bảy có rạp Ciné Star của một thầu khoán Pháp tên George Motte, sau đổi tên là Ánh Sáng. Một rạp khác ở đường Trần Hưng Đạo tên là Odéon, sau đổi là rạp Hồng Lợi, chuyên hát cải lương, chủ nhân là Phan bá Thiện tức Thất Ngàn. Rạp Lilas ở đường Nguyễn Du mở cuối thập niên 50. Bây giờ phong trào cải lương, hát bội đang khởi sắc ở Trung, Nam kỳ. Phan Thiết là chốn thị tứ nên cũng đã có nhiều gánh hát bội của các bầu Tiền, Sầm, Kiểm, Hoạch.. nhiều đào kép nổi danh như kép Bành, kép Xưa, cô đào Năm Nam tài sắc vẹn toàn, làm ai cũng ái mộ, thương nhớ.
          NGHỆ SĨ VĨNH LỢI tên thật là Nguyễn văn Bé, sinh năm 1926 tại Đức Nghĩa. Ông bắt  đầu đóng kịch với cô Sáu ngọc Sương và các nghệ sĩ tiền phong của Phan Thiết lúc đó như Năm Nam, Trần Thiện Hải, Mai Hiếu, Nguyễn văn Khánh (thân phụ của diễn viên điện ảnh Trà Giang).

          SÁU NGỌC SƯƠNG là một nghệ sỹ cải lương nổi tiếng tại Sài Gòn vào thập niên 40-50, sinh quán tại Đức Nghĩa, Phan Thiết. Cô Sáu từng là đào chánh các đoàn cải lương nổi tiếng thời đó như Phước Chung, Tiếng Chuông, Sống Mới.. đi lưu diển khắp Việt Nam, qua tận Nam Vang, Vạn Tượng và Ba Lê. Tại Phan Thiết, gánh hát bội của bầu Hoạch, thân phụ đào Năm Nam, đã chuyển hát cải lương với tên Tiến Hoá mà Trúc Viên là soạn giả chính của đoàn cũng là chồng của đào Năm Nam. Ngoài ra Sáu ngọc Sương còn là đào chính của ban Việt kịch Năm Châu ở Sài Gòn. Sau này hai cô Sáu ngọc Sương và Năm Nam  về Phan Thiết, hợp tác với Trần Thiện Hải, thân phụ Nhật Trường, trình diễn các vở nhạc kịch tại Phan Thiết như Tâm hồn thôn nữ, Bức màn Yên Bái, Khúc ly ca.
          Giữa thập niên 30 ra đời hai bộ phim Cánh Đồng Ma và Trận Phong Ba tại Hà Nội của đạo diển Đàm quang Thiện, làm Sài Gòn xôn xao. Năm 1937-1938, Nguyễn tất Oanh từ Pháp về hợp tác với hãng Asia thực hiện cuốn phim trắng đen 36 ly " Trọn với Tình ". Hai nam nữ diễn viên chính của phim là DUY CHÁNH và QUỲNH KHANH đều là người Phan Thiết. Ngoài ra theo lời nghệ sĩ Vỉnh Lợi, thì tại PhanThiết cũng có quay một cuốn phim " Cánh Đồng Ma ",do Duy Chánh và Quỳnh Khanh đóng. Phim thực hiện xong nhưng không biết vì lý do gì, không được trình chiếu tại rạp Modern như chươg trình đã  định. Tài tử Duy Chánh tên thật là Trần Duy Chánh, sinh tại Đức Nghĩa Phan Thiết, em ruột họa sĩ Duy Liêm. Ngoái ra còn có MAI HIẾU cũng là một nghệ sĩ tài hoa của Phan Thiết, nổi tiếng một thời trong các lãnh vực điện ảnh, kịch nghệ và nghệ thuât tranh dán giấy.

          NGỌC CẨM & NGUYỄN HỮU THIẾT là những người Phan Thiết nổi danh đầu tiên trong lãnh vực tân nhạc, đồng thời với Hồng Phúc cũng người Phan Thiết, tại đài phát thanh Pháp Á. Họ nổi tiếng từ bài hát " Dân ca lúa vàng ".

          DŨNG CHINH, sống mãi với " Những Đồi Hoa Sim ".. Tên thật là Nguyễn văn Chính, sinh tại Bình Hưng Phan Thiết, con ông Nguyễn xuân Hước, Trưởng Ty Bưu Điện Bình Thuận. Bản tính hiền lành ngay từ lúc còn đi học, Dũng Chinh đã hoạt động văn nghệ trong gia đình Phật tử Phan Thiết và tài năng đã nẩy nở từ đó. Đầu tiên Dũng Chinh ở trong binh chủng hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Bộ ba Dũng Chinh, Anh Thi và Huy Hoàng (cũng Phan Thiết), đi khắp sông hồ nơi có bóng hải quân để trình diển. Là một ca-nhạc sỹ thông thạo nhiều nhạc cụ kế cả trống, sáng tác nhiều ca khúc để đời như Tách Trà Xưa, Tha La Xóm Đạo (phổ thơ Vũ Anh Khanh) nhưng có lẽ Chinh thích nhất là bài " Những Đồi Hoa Sim ", phổ thơ Hữu Loan.
          Giữa thập niên 60, Dũng Chinh thuyên chuyển về một đại đội tác chiến thuộc Trung đoàn 45/SĐ23BB và Ông đã tử thương trong cuộc phục kích tại An Phước, Ninh Thuận. Sau đó Dũng Chinh được chôn tại nghiã trang quân đội Nha Trang trên đèo Rù Rì. Một đĩa nhạc " màu tím hoa sim ",được những người thân đặt nơi phần mộ, để chiều chiều, sáng sáng hay giữa lúc khuya buồn, nhớ nhà, nhớ Phan Thiết, Dũng Chinh lại hát: 'bình hương xưa ngày cưới ,nay thành bình hoa tàn lạnh vây quanh..'.

          NHẬT TRƯỜNG & TRẦN THIỆN THANH là một tên tuổi lừng lẫy trong giới ca nhạc sĩ miền Nam suốt hai thập niên 60, 70 và tới bây giờ. Những ca khúc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết về quê hương điêu tàn trong thời lửa loạn, về thân phận của người lính chiến nổi trôi theo vận nước, về những điạ danh bất tử trong dòng quân sử cận đại Ashau, Ia-Dran, Kon Tum, Tân Cảnh.. sẽ miên viễn như  Đại Tá Bảo tại Charlie "Anh không chết đâu anh ".
          Nhật Trường tên thật là Trần Thiện Thanh, sinh tại Phú Trinh Phan Thiết. Cựu học sinh trường TH Phan Bội Châu.. Phụ thân là Trần thiện Hải cũng là một nghệ sĩ kiêm soạn giả nổi tiếng của Phan Thiết. Chất nghệ sĩ và núi sông miền biển mặn đã tạo cho Nhật Trường một khả năng sáng tạo đặc biệt cộng thêm lối trình diễn sôi động độc đáo làm cho tên tuổi của người ca nhạc sĩ tài hoa đất Phan Thành vang danh theo bước chân lính khắp các vùng chiến thuật. Đâu có lời nào buồn hơn, thắm thiết hơn và làm rơi nước mắt khi bất chợt nghe được những  não nùng từ " anh về với em rồi mai lại đi " hay " vào một đêm sương có người trai hồi hương, báo một tin thật buồn " hoặc " từ khi đôi đứa đôi đàng. ".Về quê hương Phan Thiết, ngoài ca khúc Lầu ông Hoàng, Hàn mạc Tử, nhạc phẩm " Biển Mặn ", đã gói ghém trọn vẹn tình của người miền biển, theo con sông phát nguồn từ Trường Sơn chất ngất, ôm ấp tình thương, nước ra sông nguồn.. Xóm Lụa, Phú Hài, Cà Ty, Thương Chánh.. Trần Thiện Thanh mãi sống trong hồn người dù " nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về.. vì mang lời thề lên miền sơn khê..".

          PHƯƠNG ĐẠI, Sinh tại Phú Trinh năm 1940, học Bạch Vân và Nguyễn Bá Tòng, Phương Đại tên thật là Trần đại Phú, bạn thân của Dũng Chinh, nổi tiếng hát hay từ khi còn đi học nhờ sự chỉ dẩn cũa ca sỉ Nguyễn hữu Sáng từ lúc đầu. Năm 1964, Phương Đại gia nhập QL Việt Nam Cộng Hòa và cùng với Thanh Phong, Duy Mỹ thành lập ban tam ca 'Sao băng' trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, chuyên hát cho lính nghe khắp bốn vùng chiến thuật, mà bài hát tiêu biểu nhất ai cũng ưa thích, đó là bài "Tôi trở về thành phố " của Y Vân .Năm 1986 đang lúc trình diễn trên sân khấu, Phương Đại bị bạo bệnh và đời trai chưa thỏa mộng từ đó. Định cư tại Mỹ năm 1990, nhờ sự chăm sóc hết mực của hiền phụ Trần thị Hường, hiện Phương Đại đã nói và đi được tuy không bằng lúc trước.

          ANH KHOA Sinh năm 1948 tại Đức Thắng, Phan Thiết, Anh Khoa tên thật là Trần công Khai, cựu học sinh trường bán công Phan Chu Trinh Phan Thiết và tư thục Nguyễn Huệ Nha Trang. Đã nổi danh từ năm 12 tuổi khi đoạt giải nhất đơn ca với bài " Một mai anh biệt kinh kỳ", khi đại diện cho tỉnh Bình Thuận dự Đại Hội Văn Nghệ Ấp Chiến Lược toàn quốc tổ chức tại Sài Gòn. Từ đầu thập niên 70 trở về sau, chiến tranh càng ngày càng trở nên ác liệt tại miền Nam, thanh niên nam nữ trước nỗi chết bất chợt, đã yêu cuồng sống vội. Đây là giai đọan khởi sắc của nhạc vàng, nhạc xanh rất hợp với giọng ca trầm buồn chất ngất của Anh Khoa qua các ca khúc " Anh đến thăm em đêm 30, Nửa đêm chờ sáng, Bài không tên số 7..", đưa tên tuổi người ca sỉ trẻ của Phan Thành vào tâm hồn mọi người trong lúc buồn. Năm 1989 Anh Khoa tới Hungary và cũng kể từ đó tiếng hát lại theo thời gian giống như những bài không tên năm nào của Vũ thành An, đưa người ca sĩ trở lại với dòng đời và đồng huơng Phan Thiết.

          MINH HÙNG tới Mỹ năm 1985, vẻ vang đoạt giải Khôi Nguyên Vọng Cổ 2000 do Hội Gò Công tổ chức và đã được nhiều báo ở Orange County như báo Tiền Phong, Người Việt, Đông Phương, Mai, Nghệ Sĩ, Việt Báo Kinh Tế, Viễn Đông giới thiệu là một tài năng cổ nhạc của đảo Phú Quý, Bình Thuận.

          Nguyễn ngu Í là một ký giả lão thành và nổi tiếng trong báo giới miền Nam, qua các bài phỏng vấn, đàm thoại các tên tuổi lừng lẫy đương thời trước năm 1975. Ông tên thật là Nguyễn hữu Ngư, sinh ngày 20-4-1921 tại Hàm Tân, Bình Thuận và mất tại Sài Gòn vào tháng 8-1977. Ngoài bút hiệu trên, ông còn lấy nhiều bút hiệu khác như Trinh Nguiên, Tân Fong Hiệb, Phạm hoàng Mĩ, Trần hồng Hừng, Lưu Nguiễn, Ngê bá Lí.. Để giãi thích về những chướng tai gai mắt trong cách sử dụng các âm e,c,g,i,y.. bất bình thường, trái với âm luật Việt ngữ, Nguyễn ngu Í cho biết vì qua bất bình từ thuở nhỏ về chữ quốc ngữ, mà thấy gần nửa thế kỷ qua, vẫn không được ai cải cách. Thật ra đây cũng chỉ là cách nói của người cầm bút, vì ai cũng biết Nguyễn ngu Í cầm bút rất sớm từ năm 1939. Sau đó hoạt động văn nghệ một thời gian dài tại liên khu 5, chán chê mới bỏ về tề nhưng vẫn được báo giới miền Nam mở rộng vòng tay đón nhận để thành danh nhưng vẫn không dám quên gốc cũ. Ngoài việc hợp tác thường xuyên với Bách Khoa, Mai, Sáng Dội Miền Nam, Hòa Đồng Nghệ Thuật.. còn có nhiều tác phẩm như  Khi người chết có mặt (1962), Sống và viết (1966), Hồ Thơm Nguyễn Huệ Quang Trung (1967), Quê hương (1969)..

          LÊ HƯƠNG, nhà biên khảo số 1 của Bình Thuận. Nổi danh từ năm 1952 với tác phẩm 'Quả đấm thôi sơn'. Sau đó ông đã tự chọn cho mình một lối đi gần như cô độc giữa phong trào trăm hoa đang đua nở trong vườn ngự uyển của miền Nam. Đó là viết phóng sự, một bộ môn gần như bị chê vì tính cách khô khan, không lối thoát , vậy mà ông đã thành công với những tác phẩm sưu khảo giá trị vượt thời gian.
          Tên thật là Lê quang Hương, sinh ngày 22-9-1922 tại Cao Lãnh, Kiến Phong nhưng gia đình đã tị địa tại Phan Thiết, Bình Thuận lâu đời và có nhiều người khác cũng nổi tiếng như Lê quang Nghiêm (em ruột) giải nhất biên khảo 1969 của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, về tác phẩm: Tục thờ cúng của ngư phủ lưới đăng Khánh Hòa. Ngoài ra còn có Lê hữu Lễ và Trịnh thi Hương.. cũng là các nhà báo nổi tiếng của Bình Thuận.
          Sống nhiều năm trên đất Chùa Tháp từ 1942, nên ông thông thạo Miên ngữ cũng như các phong tục tập quán của người địa phương nên đã viết được nhiều tác phẩm biên khảo để đời, qua hình thức ký sự. Góp phần tạo nên sự thành công trên là nhờ phần lớn thời gian làm thông tín viên cho Việt Nam thông tấn xã tại Cao Mên, cũng như phụ trách nhiều tờ báo của Việt kiều Kampuchia, nên ông có những dữ kiện lịch sử chính xác, làm cho tác phẩm không bị cô động. Điểm đặc biệt nữa của Lê Hương  là văn chương ông rất sâu sắc, gần như bi phẩn cay cú, trước nổi tân khổ của kiếp người Việt Nam trong thời loạn.
          Là người Phan Thiết nên ông rất am tường về phong tục tập quán của người Bình Thuận và đã kể lại trong " Truyện ký Việt Nam " nhiều chuyện xưa tích cũ của Bình Thuận ba trăm năm qua như chuyện Cô Gái Không Xương ở Phan Rí, Long Vương Lấy Gỗ năm lụt Nhâm Thìn 1952, Chuyện Người Pháp trù ếm dân Bình Thuận tại Núi Cú, Người Hoa hãm hại người Hoa ở Phan Thiết..
          Tóm lại Lê Hương là nhà biên khảo lớn của miền Nam trước năm 1975, được giãi nhất phóng sự 1969 của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam qua tác phẩm 'Chợ Trời Biên Giới'. Ngoài ra còn có Người Việt  gốc Miên (1969), Tìm Hiểu Angkor (1969), Sử Cao Mên (1970), Việt Kiều tại Kampuchia (1971), Sử Liệu Phù Nam (1974)..

          PHẠM VĂN NHÀN , nhà văn nhân chứng. Phan Thiết ít người biết tới nhà văn Phạm văn Nhàn dù ông  đã thành danh trước năm 1975 với các truyện ngắn đăng rãi rác khắp các báo ở Sài Gòn. Viết về Phạm văn Nhàn, dù hai đứa có biết nhau thời tuổi học, thì đại khái Phạm văn Nhàn, tên thật cũng là bút hiệu, sinh năm 1943 tại Phan Thiết, Bình Thuận, cựu học sinh trung học Phan Bội Châu, cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu tù nhân Cộng Sãn, hiện sống tại Mỹ. Cộng tác với nhiều tờ báo ở Canada và Hoa Kỳ, năm 2000 xuất bản tập truyện 'Vùng đồi' gồm nhiều truyện ngắn.
Trần hoài Thư, người bạn chung đơn vị với Phạm văn Nhàn lúc còn ở SĐ22BB, đã viết một cách cảm động khi cám ơn thượng đế đã cho ông một người bạn tốt, cho nhiều hơn nhận, đến với bằng hữu không thắc mắc hỏi han.. Đây cũng chính là bản chất của người Phan Thiết, ăn ngay nói thẳng, chơi bạn chân tình. Bởi vậy cũng đừng ngạc nhiên khi Trần băng Thach nhận xét về nhà văn Phạm văn Nhàn một cách chí lý, đại khái ông viết văn như đang kể chuyện trên mặt giấy, tóm lại các nhân vật của Nhàn trong mọi cốt chuyện, dù là ai, thì họ cũng chính là nhân vật ảo của chính tác giả, là ta đó. Cho nên trước hay sau 75 thì cũng vậy, phận người nhược tiểu Việt Nam, biết có gì vui?

          PHẠM ĐÌNH THỪA là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng qua các bài quan điểm, xã luận đăng rãi rác khắp các báo tại hải ngoại, Phạm dình Thừa còn là một người thơ có tâm hồn ướt át trữ tình, khiến cho tha nhân cũng buồn lây bất chợt. Sinh và lớn lên tại vùng cát sông bồi, kế cạnh con sông Cà Ti bên bờ Đức Nghĩa, Phan Thiết năm 1944, cựu học sinh trường Nam Tiểu Học Phan Thiết và trung học Phan Bäi Châu, cựu sinh viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn, cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, khóa 19 Vỏ Bị Đà Lạt. Qua bút danh Phan Thiết, Phạm đình Thừa từ năm 1975 tới nay đã cộng tác với nhiều báo chí hải ngoại, từng làm chủ bút tờ Đa Hiệucủa trường Vỏ Bị Quốc Gia nhiều năm, văn phong, tư tưởng luôn xứng đáng là Vũ Anh Khanh thời đại.'..tôi lớn lên bên dòng sông Mường Mán, con nước buồn mỗi độ chuyễn phù sa, hồn tuổi nhỏ theo tình sông lai láng, bập bềnh trôi trên vùng biển bao la..'
          Cát bồi sông lở, hay chính ta đang đứng chơi vơi nơi cõi muôn trùng để hoài vọng về đời trai chưa thỏa chí mà nước mắt đã lưng tròng.

          TỪ THẾ MỘNG sinh năm 1937 tại Huế nhưng sống tại Phan Thiết và làm thơ, viết văn hơn 40 năm qua. Như những lời ca trong tình khúc 'Chiều Hoang' của PhạmMỹ Lộc mà ta mang máng nhớ, làm ta liên tưởng tới dòng thơ của Từ thế Mộng cũng có lúc mi em thật mềm như lời ca dao, có khi miên man mi vút như lối Đường thi và cuộc đời ở lại sau ngạc nhiên thảng thốt như bậc thiền triết trong phút đốn ngộ. Tóm lại thơ cuả Anh buồn nhưng cũng đủ ru giữa hồn người những khúc xoan ca. Đã xuất bản Tiếng Thơ Miền Trung , Tình Thầm Lặng, Biển Của Một Thời, Lời Ca Cỏ Non.

          Họa  Sĩ DUY HUỆ tuy không nổi tiếng như Duy Liêm, nhưng ông cũng là một trong những nhân tài  lừng lẫy, một thời  làm rạng danh Phan Thiết, Bình Thuận. Nhận xét về tranh của Duy Huệ qua các lần triển lãm tại Sài Gòn, Nha Trang, Phan Thiết.. nhà văn Thanh Hồ đã viết" tranh Duy Huệ như triều sóng trẻ vươn lên, chẳng khác gì Marcel Duchamp ngày mới nắm nơi tay chiếc đủa thần, vẫy vùng dọc ngang một mình trong cõi trời nghệ thuật. Nhưng hình có một sự dằn vặt nào đó, làm cho người nghệ sĩ mâu thuẩn, cấu xé nội tâm.. và trong tranh đã phảng phất những đường nét buồn đọng u hoài, làm cho khách ngắm tranh cũng bâng khuâng dào dạt ".

          Riêng Trung Tá Nguyển Quốc Hoàng, Tỉnh Trưởng Bình Thuận (1963-1965) cũng viết: " rất xúc động khi xem triển lãm của Duy Huệ , một họa sĩ rất trẻ tuổi, đầy triển vọng ở tương lai. Qua bức 'Nắng vàng',  Duy Huệ đã cho ta thấy sức hăng say và sáng tác mạnh mẽ của họa sỉ ".
          Họa sĩ Duy Huệ tên thật là Nguyễn Duy Huệ, sinh năm 1942 tại BìnhHưng, Phan Thiết, trong một gia đình nho phong, thân phụ là ông Nguyễn trọng Nghĩa thông thạo chữ Hán, từng làm việc trong làng Đảng Bình (Bình Hưng - Hưng Long). Về sau mở trường tư dạy học và giữ chức Hội Trưởng Đình Đảng Bình, tọa lạc tại khu 2, Ấp Bình Hưng, cho tới tháng 5/1975. Ông học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Đinh với học bổng của Tòa Tỉnh Trưởng Bình Thuận và tốt nghiệp năm 1962. Ông cũng là cựu sĩ quan Không quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ tháng 3/1968 tới 1975.

          TRẦN THIỆN HIỆP là cựu học sinh Phan Bội Châu Phan Thiết (1952-1956), Trung học Hồ ngọc Cẩn, Sài Gòn, sinh tại Phan Thiết, Bình Thuận. Tị nạn tại Hoa Kỳ năm 1975, năm 1987 xuất bản tập thơ đầu tay " Cây Lá Phận Người", rồi " Mặt Trời Lưu Vong năm 1993 và " Đỉnh Mây Qua "năm 1997, chẳng những làm cho tiếng tăm Trần thiện Hiệp thêm lừng lẫy , mà còn đưa nhà thơ vào một chổ đứng trang trọng trong vườn thơ Việt Nam hải ngoại. 

          THU NHI họ Nguyễn sinh 1932 tại Bình Hưng, Phan Thiết.  Nguyên là giáo sư Việt Văn trường Trung học Bồ Đề Phan Thiết. Sau bài tùy bút đầu tiên đăng trên Phụ Nữ Diễn Đàn vào khoảng 1955, Thu Nhi có các bài viết kế tiếp đăng trên nhật báo Sài Gòn Mới. Cuối năm 1962 cô bắt đầu viết truyện ngắn, bút ký và thơ cho tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vĩ, thơ cho tạp chí Bút Hoa. Đâù thập niên 70, cô viết chuyện dài Thuyền Trôi cho nhật báo Công Luận.
          Thu Nhi là thành viên của tao đàn Bạch Nga từ năm 1963 và hội Văn Bút Việt Nam năm 1972. Cô đã xuất bản thi tập Trắng Đêm năm 1964.  Hiện đã viết xong 14 Chuyến Đi Đáng Nhớ như Tản Cư, Vào Tù, Vượt Biên, Đi Nói Chuyện Thi Ca, Đi Tây, Đi Tàu, Đi Nhật nhưng tập sách nầy chỉ xuất bản khi có người viết về chuyến đi cuối đời của Thu Nhi.
          Thu Nhi còn là Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ suốt ba nhiệm kỳ đầu 1983-1992, Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1995 cho đến ngày xuất gia.

          THANH TRÍ CAO là bút danh của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh. Thi sĩ Thanh Trí Cao, tên thật là Dương Thanh Tùng sinh năm 1951 tại Thanh Lương,Hòa Đa, Bình Thuận.  Từng là Tổng Vụ Trưởng Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, tổng thơ ký tòa soạn báo Trúc Lâm, viện chủ chùa Bảo Quang, Orange County, California, USA.
          Ngoài thơ và những bài viết được đăng trên các tờ báo Việt Ngữ, thơ Thanh Trí Cao được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc phát hành rộng rãi khắp nơi, phổ biến nhất là các nhạc phẩm Mẹ là Phật, Cảm Ơn Phật và Nước Mắt Mẹ Tôi. Thơ Thanh Trí Cao quyện vào nhạc hòa lẫn tình mẹ bao la tha thiết với quê hương. Đặc biệt, thơ của Thanh Trí Cao cất cao tiếng nói đòi Tự Do Dân Chủ và Bình Đẳng con người.
          Thanh Trí Cao có nhiều tác phẩm nghệ thuật cắm hoa, tranh sơn dầu, và non bộ đã từng dự các cuộc triển lãm quốc tế được tổ chức tại Hoa Kỳ.  Từ những tập thơ Trăng Ngủ Trong Mây, Trên Dòng Tử Sinh, Hương Vị Chân Tâm đến tác phẩm Hái Hoa Tuyết Đông, Thanh Trí Cao còn hứa hẹn sẽ xuất bản tập Trường Ca Tâm Pháp trong năm tới để góp phần vào vườn văn hoa nghệ thuật.

          SAO MAI, Sương Mai, tên thật là Mai Minh, Phan Bội Châu 1963, sanh năm 1942 tại Đức Nghĩa Phan Thiết.
Tốt nghiệp Á Khoa Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn 1966, Mai Minh được chọn làm giáo viên kiểu mẫu trường Sư Phạm Thực Hành Sài Gòn từ 1966 đến 1975.
Định cư tại Mỹ 1975, dời từ Arizona đến Montana và về Cali năm 1978. Tốt nghiệp AA Degree về Electronics Technology 1982 tại Orange Coast College California, nhưng cô yêu phấn trắng bảng đen nên làm làm phụ giáo tại các trường trong Học Khu Newport Mesa từ1981 dến 2001.  Nơi đây cô đã có dịp giúp đỡ nhiều đồng hương và các em học sinh trong bước đầu bỡ ngở nơi học đường mới.
Sao Mai có những bài viết về những mảnh đời lưu lạc và những bài tường trình các sinh hoạt của chùa cũng như hội Thân Hữu Bình Thuận đăng trên báo Phật Giáo Văn Học Nghệ thuật Xã Hội Trúc Lâm và đặc san Bình Thuận. Cô là một trong những khuôn mặt quen thuộc của hội Thân Hữu Bình Thuận.

           NGUYÊN CHI tên thật là Nguyễn Lương Chỉ, bác sĩ y khoa, sanh năm 1935 tại Phú Trinh, Phan Thiết. Ông bước vào kịch nghệ vào năm 1950 lúc còn ở Nha Trang trong Thanh Nhạc Kịch Đoàn.
          Ông bắt đầu sáng tác khi còn là sinh viên của Đại Học Y Khoa Sài Gòn. Các nhạc phẩm của Nguyên Chi đã được phát trên đài phát thanh Sài Gòn:
-         Tìm Vào Vòng Tay, Thái Thanh trình bày.
-         Đợi Chờ, Thanh Thúy hát cho ban nhạc Hoàng Thi Thơ.
-         Còn Đâu Nữa Em, sáng tác chung với Tâm Giao Nguyễn Hoàng Chung, Hà Thanh thu vào dĩa Continental.
Tại hải ngoại, Nguyên Chi cùng với Hoàng Cầm đã sáng tác nhiều nhạc phẩm trong các CD Xa Xứ, Trái Tim Lầm Lở và Dù Một Lời Gian Dối. Riêng CD Xa Xứ đã được phỏng vấn trên đài VOA năm 1998.
Hai nhạc sĩ cũng được biết tiếng qua phần sáng tác nhạc chủ đề cho các vở kịch nổi tiếng Lá Sầu Riêng, Lồng Đèn Đỏ và Sông Dài.
Hai ông cũng là tác giả của hai nhạc phẩm Lồng Đèn Vàng và Đừng Hỏi Tại Sao trong Video Thế Giới Nghệ Thuật 2 và 3.
Cùng với Hoàng Cầm, Nguyên Chi còn chứng tỏ khả năng viết kịch tiềm tàng của một bác sĩ y khoa qua các vở kịch:
-         Trường bi ca nhạc kịch Huyền Sử Tây Thi gồm mười nhạc khúc đã được trình diễn tại đại hí viện La Mirada miền Nam Cali năm 1999.
-         Kịch Chia Tay Mùa Thu với hai hai nhạc phẩm Chia Tay Mùa Thu và Hứa Với Em, vào năm 2000.
-         Bi hài kịch tâm lý xã hội Ngôi Nhà Cấm Đàn Ông với nhạc phẩm Ví Dụ Ta Quen Nhau, vào năm 2001.
Ngoài ra Nguyên Chi đang chuẩn bị phát hành CD Những Tình Khúc của Hoàng Cầm và Nguyên Chi vào năm 2002.
Trong niềm thương nhớ gởi về quê hương, Nguyên Chi đã phổ nhạc hai bài thơ dành riêng cho hội Thân Hữu Bình Thuận do Bảo Phương trình bày trong Nhạc Hội Bình Thuận 20 năm Viễn Xứ năm 1995 và Nhạc cảnh trong đêm Dạ Vũ Gây Quỷ Bình Thuận tại khiêu vũ trường Majestic, Huntington Beach năm 1998:
-         Mẹ, thơ bác sĩ Tùng Khanh, ái nữ của Nguyên Chi.
-         Phan Thiết ơi!  Phan Thiết, thơ Mường Giang.
          MỸ KHÊ tên thật là Đổ Minh Hưng, sanh năm 1947 tại làng Mỹ Khê, xả Tam Thanh, đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Tốt nghiệp trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị Đà Lạt năm 1969. Phục vụ trong binh chủng Biệt Động Quân, năm 1972 chỉ huy Đại đội Trinh Sát Liên Đoàn 5 BĐQ, quyền trưởng Ban 3 Liên Đoàn 32 BĐQ vào những ngày cuối tháng Tư năm 75.  Anh tham dự hầu hết những trận đánh lớn nội địa và ngoại biên Kampuchia.
          Định cư tại Mỹ theo diện HO4, Mỹ Khê hiện sống ở California.Mỹ Khê viết về nhiều đề tài, quê hương Phú Quý dành cho đặc san Bình Thuận, nhận định về thời cuộc và nhận xét về những sự việc đã qua dành cho đặc san Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, tâm tình của lính dành cho đặc san Biệt Động Quân . Phần lớn những bài thơ của Mỹ Khê được sáng tác và ghi nhớ nằm lòng trong tù trong những lẫn bị biệt giam, những bài thơ nói lên những nỗi khổ nhục và chí hướng của người trai

          HOÀI KHANH tên thật là Võ văn Quế, sinh năm 1943 tại Đức Nghĩa, Phan Thiết, công chức Việt Nam Cộng Hòa, gia nhập làng văn miền Nam rất sớm, chủ bút tập san " Giữ thơm quê mẹ ", đồng thời chủ trương nhà xuất bản Ca Dao. Tác phẩm gồm có: Dáng rừng (1957), Thân phận (1062), Lục bát (1968), Trí nhớ hoang vu và khói (1970).

           HỒNG NHẬT THIÊN THANH tên thật là Nguyễn Cát Tường, sinh tại Bình Định năm 1940 nhưng sống tại Phan Thiết, cựu Sỉ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phục vụ tại Tiểu khu Bình Thuận, cựu tù nhân Cộng Sản. Ông làm thơ viết văn rất sớm và đã đoạt được nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật vào năm 1956 tại Bình Thuận, năm 1966 trên toàn quốc và tại Hoa Kỳ năm 1991.. Thơ Hồng Nhật mạnh mẽ, hùng tráng, không ủy mị và vì là một chứng nhân lịch sử  của Bình Thuận, Phan Thiết nên có nhiều bài thơ châm biếm giặc một cách cay độc hóm hỉnh sâu xa. Đây cũng là cách trả thù ý vị của những người cầm bút miền Nam có nhân cách và lương tâm.

          NGUYỄN BẮC SƠN, điên hay tỉnh? khi viết về thân phận mình qua người lính Việt Nam Cộng Hòa, trước năm1975, Nguyễn bắc Sơn thật sự không phải là một người lính Việt Nam Cộng Hòa, vì người điên thật hay giả không đi lính bao giờ nhưng cũng giống như một số ít người miền Nam trước đây cũng tự khoác cho mình chiếc áo lính để có đủ tư cách và lý do bôi bác chế độ, phản đối chiến tranh mà họ đang làm kiếp ký sinh đục khoét sông nhờ trên thân thể bầy nhầy của mẹ Việt Nam, đang lãnh những vết đao, lằn đạn trí mạng do chính bàn tay con của mẹ, từ Hà Nội, Trường Sơn chỉa tới. Hởi ơi giữa cái đời lúc đó đang xôi sục bom đạn, máu lứa, xác người thì bỗng đâu lừng lững có mấy ông người gỗ, trên mình khoác áo lính, chắp tay thanh thản chờ chim bồ câu trắng mang hòa bình tới cho miền Nam, coi chính nghĩa là chuyện hão huyền, sống khề khà trong bửa tiệc nhân sinh. Thái độ này nếu không phải của người điên cũng là bọn nằm vùng phản trắc:
'..bi kịch của bố con tôi
là bi kịch của hai thằng tây đen'
(thơ NBS)
Nhưng dù gì chăng nữa, Nguyễn bắc Sơn còn khá hơn nhiều người trong cuộc sống bằng cái bã hư danh phù phiếm, vì ông đã hóa thân vào người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa, nói lên được một phần ngàn kiếp lính gian truân và bất hạnh.

          PHÒ MÃ LẦU ÔNG HOÀNG là nhà thơ nổi tiếng lâu đời của Phan Thiết, cùng thời với Hoài Khanh, Thế Viên, Từ thế Mộng, Thương Nguyệt ..
'..về Phan Thiết thèm ngâm câu lục bát
bạn ta ơi, Từ thế Mộng, Hoài Khanh
con sông ấy có trôi theo thân phận
có chở đầy trăng và thuyền cũng đầy trăng
Thương Nguyệt, Hoài Khanh, Từ thế Mộng, Thế Viên ơi
Một thưở bạn ta làm thơ ngất trời ngất biển
mùa mưa rừng cuồng lũ cuốn trôi đi sông Cà Ty
chiếc cầu gổ chứa chan tình phố nhỏ
bước chân em còn rung nhịp bồi hồi..'
Bây giờ gió bấc thổi về, cảnh đời tan tác, lữ thứ buồn miên mang, biết đâu mà hẹn chờ?

          QUÃNG NGÔN, có thơ đăng thật nhiều, đôi bài được phổ nhạc. Nhà thơ sinh tại Bình Hưng Phan Thiết, tên thật là Lê Ngữ, cựu học sinh Phan Bội Châu, cựu Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu tù nhân Cộng Sản Kà Tót, hiện tị nạn tại Hoa Kỳ.
Trong cõi thơ của Quãng Ngôn, tha nhân thường bị khựng đứng bởi những ngẩn ngơ bất chợt của người thi sĩ lãng tử hơn là cái chất thiền vị mà ông cố gượng ép nhét vào như cái tên làm thành bút hiệu. Đến với Lê Ngữ vào những buổi chiều, buổi sáng, vào những không gian vơi đầy, vào cuộc tình, chén rượu hay bất cứ cõi nào, ta cũng thấy con chim kỷ niệm mãi còn lấp lánh như đang cất cao tiếng gọi giữa đời lưu lạc. Có phải thế không? hỡi những bước lang thang đang chờ một ngày trở lại ?

          NHẬT NGUYỄN tên thật là Nguyễn thị Nhật Tân, sinh tại Phan Thiết, Bình Thuận, cựu học sinh Phan Bội Châu. Nhật Nguyễn vào quán bên đường rất trể, không ai giới thiệu cũng chẳng bạn bè nhưng một vài chiếc lá đề thơ của người thơ vô tình bay veò nơi khung cửa bất chợt làm mọi người xôn xao và nhận ra tiếng hót cao vút của con sơn ca trong vườn ngự Phan Thiết. Nhật Nguyễn xuất hiện trên văn đàn Việt Nam hải ngoại từ năm 1996, cộng tác với nhiều tạp chí như Văn Học, Văn, Chủ Đề, Văn Tuyển, Văn Hoá Việt Nam..
          Nhiều truyện ngắn đã đăng trong Tuyển Tập 14 Tác Giả do Văn Tuyển xuất bản năm 2000 tại Hoa Kỳ. Tóm lại, dù thơ hay văn, dù viết về một đề tài nào, tình yêu hay mảng đời quá khứ nơi ngưỡng cửa học đường của một thời tuổi dại, con chim sơn ca Nhật Nguyễn cũng hót đủ những lời ca, vang vang khúc nhạc hồng, làm cho mọi người bâng khuâng từng hơi thở, nơi phiến lòng chơ vơ.

          TIẾP SĨ TRƯỜNG tên thật cũng là bút hiệu, sinh và lớn lên nơi xóm Đầm, một miền quê hương êm đềm như tranh thủy mặc của Phan Thiết, nay đã tan biến theo bụi cát đổi đời. Là cựu học sinh Phan Bội Châu, cựu Sĩ Quan hoa tiêu của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhà thơ cũng là nhà binh hào hoa phong nhả, thơ Trường thả vèo trong mây, ngút ngàn theo gió suốt bao năm trường.
          Giờ đây nhìn lại chỉ còn gió cát, bụi mờ.

          ANH VŨ tên thật là Võ Đình Dược, sinh năm 1955 tại Hòa Vinh, Hàm Thuận, Bình Thuận, nguyên là học sinh Phan Bội Châu Phan Thiết và sinh viên  Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.
          Định cư tại Mỹ năm 1980, Anh Vũ tốt nghiệp BS tại California State University, Fullerton ngành Electrical Engineering năm 1988, và đã theo học các lớp Sáng Tác Hòa Âm tại Santa Ana College năm 1995-1997. Anh hiện sống bằng nghệ tự do với gia đình một vợ ba con tại Nam Cali.
          Văn thơ và nhạc phẩm của Anh Vũ hướng về Tình Yêu Quê Hương, Thân Phận Con Người và ba đức tính của người Phật tử Bi Trí Dũng, đã được đăng trên báo Người Việt, tập san Văn Hữu, đặc san Bình Thuận, đặc san Cư Sĩ Hoa Kỳ.  Anh Vũ dự tính sẽ ra mắt tập thơ ca nhạc CD Quê Hương và Nỗi Nhớ trong thời gian gần.
          .
          CÁT BIỂN tên thật là Nguyễn Văn Sáng, sinh năm 1950 tại Đức Nghĩa, Phan Thiết, Bình Thuận. Sau khi rời trung học Phan Bội Châu Phan Thiết năm 1968, anh tiếp tục việc học tại Đại học Luật và Vạn Hạnh Saigon, nhập ngủ Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang năm 1969 và sau đó phục vụ trên các chiến hạm.  Năm 1973 anh được cử đi Du Tập với Đệ Thất Hạm Đội Hải Quân Hoa Kỳ tại 21 quốc gia Á Châu.
          Định cư tại Hoa Kỳ năm 1975, Cát Biển đã tốt nghiệp BSEE tại Wilkes University, MSEE tại University of Houston, MBA tại Chapman University.
Cát Biển đã từng là President của Toastmaster International, Club 11 năm 1985-1987, đã đoạt First Place các giải diễn thuyết tại Texas năm 1984, California năm 1985, và đại diện Hoa Kỳ trong kỳ thi World Championship of Public Speaking năm 1985. Qua các bài tường trình trên Los Angeles Times và Orange County Register, Cát Biển được nhóm Người Việt mời làm Xướng Ngôn Viên đài  Truyền Hình Việt Nam tại Nam California năm 1985-1990. Ngoài ra, anh còn giữ chức vụ Director, New Products Development Dept., BEI tại Little Rock, Arkansas năm 2001.
Cát Biển là Hội Trưởng Hội Thân Hữu Bình Thuận kỳ 3,  năm 1999-2001. Thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ của thân phụ, nghệ sĩ Phan Sinh, Cát Biển đã thực hiện nhiều nhạc cảnh đặc sắc và đầy thử thách trong các sinh hoạt của hội như nhạc cảnh 'Tiếng Dân Chài' của Phạm Đình Chương trong Đêm Nhạc Hội Bình Thuận 20 Năm Viễn Xứ năm 1995,  nhạc cảnh 'Phan Thiết Quê Tôi' của Thu Hoài Nguyễn trong Đại Hội Bình Thuận năm 1997, và nhạc cảnh 'Phan Thiết Ơi, Phan Thiết', thơ Mường Giang, nhạc Nguyên Chi trong đêm Dạ Vũ Gây Quỷ Bình Thuận năm 1998 .
Cát Biển có nhiều bài viết về quê hương theo thể loại hồi ký và sở trường về thơ. Đặc biệt thơ Cát Biển phản ảnh nhạy bén tâm tư của tác giả trước những biến cố thời cuộc.  Thi tập Trùng Khơi Sóng Vỗ vừa xuất bản là tác phẩm đầu tay và là tập hợp của gần 70 bài thơ và đoản văn.

          NGUYỄN VĂN TẠO Sinh năm 1951 tại Đức Nghiã Phan Thiết, tốt nghiệp Phan bội Châu Phan Thiết 1969. Sĩ Quan QLVNCH, Tốt nghiệp Cữ Nhân Khoa Học Ứng Dụng Trường VBQG Việt Nam, Tốt nghiệp Kỹ sư Cơ Khí Penn State University Pensylvania USA. Kỹ sư cao cấp về thiết kế Nguyên tử năng tại San Onoffe Nuclear Power Station, California. Kỷ sư & Khoa học gia cao cấp về Không gian và Vệ tinh tại Boeing Satellite System, Los Angles California. Founder Ampact.net - Vietreal.net (America Pacific Techno Network Internet). Trưởng Ban truyền thông (Internet) tổng hội cựu SVSQ/TVBQG Việt Nam. Hội Phó Hội Thân Hữu Bình Thuận Nam Calif..
         
 TẠ VĂN TRUNG sinh năm 1954 tại Thiện Khánh, Hải Long, Bình Thuận, học sinh Phan Bội Châu năm 1966-1973. Tốt nghiệp BS Computer Science tại Purdue University, Principal Engineer, Tạ Văn Trung đã thi thố năng khiếu lảnh đạo tổ chức qua các sinh hoạt văn hóa giáo dục, xã hội cộng đồng sau đây:
-         Sáng Lập Viên và là Chủ Tịch Ban Quản Trị Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam tại Nam Cali, Hoa Kỳ trong bốn năm đầu thành lập. Phó Chủ Tịch Nội Vụ Ban Quản Trị Trung Tâm Việt Ngữ Hồng Bàng năm 1993-1996. Phó Hội Trưởng Ngoại Vụ Hội Thân Hữu Bình Thuận nhiệm kỳ thứ nhất năm 1995-1997. Hội Trưởng Hội Thân Hữu Bình Thuận nhiệm kỳ 4,  năm 2001-2003. Phó Trưởng Ban Nội Vụ Giải Khuyến Học Kỳ 10 tại Nam Cali, Hoa Kỳ.
-         Sinh hoạt trong Ban Hợp Xướng Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng trong suốt mươì năm qua.

           NGUYỄN ĐÌNH DUẬT Tốt nghiệp Khóa 2 Kỹ-Sư Công-Chánh (1963), nguyên Trưởng Ty Công-Chánh Ninh Thuận, hiện là Senior Engineer của California Department of Transportation, khu cầu đường vùng Oakland.

          NGUYỄN ĐÌNH BỐN Cựu học sinh Phan Bội Châu niên khóa 1955-1961, tốt nghiệp Khóa 6 Kỹ-Sư Công-Chánh (1967), Trưởng Ty Công-Chánh Phú-Bổn cho đến ngày Cao Nguyên di tản, hiện còn ở Việt Nam.

          TRẦN ĐÌNH THỌ cựu học sinh TH Phan Bội Châu Phan Thiết, Kỷ sư Công Chánh-Chánh Sự Vụ Sở Tạo Tác Bộ Giáo Dục VNCH trước năm 1975. Cựu tù nhân trong các trại tù cải tạo Cộng Sản. Vượt biên và đến định cư tại nam Cali năm 1983. Hiện là Senior Engineer của California Department of Transportation, khu cầu đường vùng Oakland.

          NGÔ HOÀNG CÁC Cựu học sinh Phan Bội Châu niên khóa 1955-1961, tốt nghiệp Khóa 6 Kỹ-Sư Công-Chánh (1967), Khóa 2/68 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, Khóa 2/68 Sĩ Quan Căn Bản Công Binh, Trưởng Ty Công-Chánh Bình Dương và  Biên Hòa  cho đến ngày 30-4-75.
          Cựu tù nhân trong các trại tù cải tạo Cộng Sản ở Biên Hòa, Nhà Đỏ Bình Dương. Vượt biên cuối năm 1980, giữa năm 1981 định cư tại vùng ngoại-ô thành phố Harrisburg, thủ phủ của tiểu-bang Pennsylvania. Ngoài các công trình cầu đường, các nhà máy, cơ xưởng đã xây dựng nhiều nơi trong các tỉnh Bình Dương, Biên Hòa, còn có Khu Khẩn Hoang Lập Áp Thái Thiện Quận Long Thành Biên Hòa.
           Sau ngày định cư tại Mỹ, đã từng phục vụ cho công-ty Gannett Fleming Inc. tại Headquarter ở Camp Hill PA qua các chức vụ Senior Engineer, Project Engineer, Project Manager của nhiều công trình đủ loại, từ những cơ xưởng sửa chửa xe lửa, xe bus, những hangar máy bay, những tunnel và subway station, các nhà máy lọc nước, các tháp chứa nước (không có cái nào đẹp bằng lầu nước ở công-viên Phan-Thiết tuy to lớn hơn) cho đến các công ốc dinh thự nhiều tầng trong các tiểu-bang Pennsylvania, New Jersey, New York, Maryland, Virginia, Missouri, North và South Carolina, Tennessee, Texas...Cuối cùng là Chief Structural Engineer của Meck-Tech, Inc.

          NGUYỄN THỊ DIỆU HỒNG Cựu học sinh Phan Bội Châu 61, tốt nghiệp Kỹ-Sư Nông Lâm Súc, Hiệu Trưởng trường Trung Học Nông Lâm Súc Phan Rang. Hiện cư ngụ tại Orlando, Florida.

          NGUYỄN HƯNG sinh năm 1952 tại Phan Thiết, học sinh Phan Bội Châu năm 1962-1969. Trong những năm tại đại học Khoa Học 1969-1973 Nguyễn Hưng đã tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về ngành Hóa học, đã tốt nghiệp thủ khoa, ưu hạng và được tuyển vào Ban Giảng Huấn của Ban Hóa Vô Cơ và Ứng Dụng, Đại Học Khoa Học Sài Gòn năm 1973.
          Năm 1974 được học bổng bậc tiến sĩ của trường đại học Wisconsin Hoa Kỳ về ngành Hóa Vô Cơ Organic Chemistry. Định cư ở Mỹ, với khả năng hiếm có về hóa học, Nguyễn Hưng được làm Senior Research Chemist ngay cho cho hảng Varian từ năm 1988, chuyên nghiên cứu về ngành sắc ký Chromatography. Từ đó Nguyễn Hưng đã có trên 50 công trình nghiên cứu đã được công bố trong các hội nghị quốc tế:
-         The Pittsburgh Conferences on Analytical Chemistry and Applied Spectroscopy (Chicago, New Orleans, Orlando, Atlanta)
-         International Symposium of High Performance Liquid Chromatography and Related Techniques (San Francisco, St. Louis, Birmingham U.K)
-         The Eastern Analytical Symposium (Somerset, N.J)
Riêng trong năm 2002 đã có 9 công trình nghiên cứu được công bố trong cùng một hội nghị (The Pittsburgh Conferences on Analytical Chemistry and Applied Spectroscopy, March 17-22, 2002, New Orleans, LA).
Các công trình nghiên cứu này đã được công bố trên các tạp chí khoa học của Mỹ và thế giới như:
-         Journal of Analytical Toxicology
-         Journal of Chromatography Biomedical Applications
-         The European Food and Drinks Review
-         American Clinical Laboratory
-         American Environmental Laboratory
-         Sample Preparation

          Ngoài ra còn có các vị Lương Y Đinh Xuân Dũng, Phạm Văn Ngà, Bùi Hữu Hồng. Những nhà văn nhà báo Trương Tiến Huân, Đinh Việt,  Uyên Nguyên, Phạm Hoài Hương, Khai Trinh, Lê Hoàng Lương, Mặc Nhân Thế, Cao Hoài Sơn, Ngô Trúc Khánh, Nguyễn Tấn Hợi, Hồ Ngọc Trai, Huỳnh Văn Quý, Thiếu Khanh, Nguyễn Duy Sâm, Phạm Hòa, Pháo Thủ Chu Pao, Lê Ngọc Lan, Trần Ngọc, Ngò Gai, Bùi Nhật Huy, Nguyễn Thị Dung, Lê Kim Dân.. cũng đã góp phần làm đẹp " Đất Và Người Bình Thuận ".

         
Xóm Cồn Hạ Uy Di
Ba Mươi Tháng Chạp Ất Mùi (2015)
MƯỜNG GIANG