Saturday, November 7, 2015

Các ngôi Chùa Phật tại Phan Thiết

 
Ra đời hai tay trắng,

Lìa đời trắng hai tay,

Sao mãi nhặt cho đầy,

Túi đời như mây bay.

Vạn vật vốn vô định, vô thường, khổ… Không biết mình có căn tu hay không chứ từ nhỏ đã được gửi vào Chùa, nghe nói lại khi ba mẹ mới sinh ra con đầu lòng, nhờ bà thày bói già đầu đường cái gần đình Tú Luông xem hậu vận, bả bảo khó nuôi nên đem cho Chùa. Lúc nhỏ, ghét bà thày này lắm, người gày còm xấu xí cứ cầm cục ngãi đen nhẳn vo tròn liên tục thỉnh thoảng “ịn ịn” vô trán chậm mồ hôi, phán… lớn lên phá của, làm tôi sợ cả đời không dám mở miệng mượn tới một đồng của ba mẹ bạn bè bà con cô bác lối xóm láng giềng. Vào chùa, các Thày lại xỏ lỗ tai, bắt nghe kinh kệ, tưới rau đuổi gà, ăn chay nằm đất. Tôi khóc mỗi khi ba mẹ thăm và rồi thương con, cũng phải xin mấy Thày cho về. Đúng là nghiệp chướng. Quay lại trần tục, lớn lên đủ chen lấn bôn ba, tha phương cầu thực khắp cỏi ta bà, lại thấy nhớ Thày nhớ Chùa, định kể chuyện cho mấy Bạn nghe về một số chùa Phan Thiết, biết đâu là cái nhân duyên.
Người Việt Nam thường theo đạo Phật, cả nước có khoảng 22.000 ngôi chùa lớn nhỏ, riêng Bình Thuận gần 300 chùa, Hà Nội nhiều nhất, Sơn La Lai Châu không có chùa nào, hèn chi nghèo suốt. Theo thời gian, Phật giáo nguyên thủy Ấn Độ truyền vào VN bằng 2 hướng, hình thành 2 hệ phái, Bắc tông (đại thừa) theo đường bộ từ Trung Quốc xuống cuối thế kỹ thứ 2 và Nam tông (tiểu thừa) theo đường thủy từ Ấn Độ sang khoảng thế kỹ thứ 3. Chùa Nam tông thờ một Phật, Phật là người đời thường, giác ngộ tu hành thành đạo. Chùa Bắc tông thờ nhiều Phật, các Phật là người cỏi trên mượn xác người phàm, xuống trần dạy người đời ăn ở hiền lành. Vào VN, pha trộn văn hóa, lịch sử, địa lý, tâm lý, trình độ dân trí, lâu ngày Phật giáo được bản địa hóa, nhiều khi pha lẫn giữa Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo, hai hệ phái Phật giáo này còn biến hóa ra nhiều hệ phái Phật giáo khác như Trúc Lâm, Lâm Tế, Liễu Quán, Khất Sĩ, Thiền Tông, Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Hòa Hảo…, thậm chí tu tại cốc tại am tại gia. “Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu tại chợ, thứ ba tu tại chùa” hay “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”.
Phật giáo Bình Thuận, trước khi Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, Phật giáo đã có mặt từ lâu trong cộng đồng tín ngưỡng của dân tộc Chăm (năm 1974 tại làng Phước Thiện Xuân có đào được một số tượng phật Chăm Pa) nhưng dần dần Phật giáo không thể tồn tại được trước ảnh hưởng của Bà La Môn giáo và Hồi giáo. Đến khi làn sóng di dân của người Kinh từ Ngủ Quảng vào theo đoàn quân Chúa Nguyễn, Phật giáo cũng được truyền vào và có mặt trên đất Bình Thuận ngay từ những ngày đầu mở đất. Sự truyền bá Phật giáo trong giai đoạn này có thể do một số dân theo đạo Phật mang vào và cũng có thể do các nhà Sư theo làn sóng di cư đem Phật giáo truyền vào Bình Thuận. Người đầu tiên truyền Phật giáo vào Bình Thuận khó có thể biết là vị nào, vì hiện nay chưa có một chứng tích khoa học chính xác nào để khẳng định, nhưng căn cứ vào bản kinh Pháp Hoa khắc gỗ còn lưu giữ tại Chùa Phật Quang, ngôi Chùa có sớm nhất từ thời mở đất Bình Thuận, có thể nói Phật giáo Bình Thuận do các nhà Sư Minh Dung Pháp Thông, Phật Sanh Long Đàm, Thiệt Sát Bảo Hương, Thiệt Huệ Khánh Tài, Kim Tiên Tịch Nhiệm… đưa đạo đến với đời sớm nhất.
Căn cứ vào long vị thờ Chư Hòa Thượng ở những ngôi Chùa cổ, có thể xác định được thời gian từ năm 1693 đến năm 1802 nơi đất Bình Thuận, Phật giáo được truyền bá sâu rộng dưới sự hoằng hóa của chư Tôn Hòa Thượng thuộc hệ phái Thiền Lâm Tế của cả 3 dòng Nguyên Thiều, Trí Bảng Đột Không và Liễu Quán. Các vị Hòa Thượng nhà Sư này có thể từ miền Trung vào và từ vùng đất mới Đồng Nai ra, khắc bản in kinh để lưu truyền trong dân gian, tạo dựng Chùa chiền để quy tập Phật Tử chiêm bái Tam Bảo. Đây là một chỗ dựa tâm linh vững chắc cho những người dân ở những vùng đất mới, cọp beo ma quỹ còn đầy.
Ngôi cổ tự nổi tiếng xưa nhất Bình Thuận có trên 320 năm là Chùa Phật Quang Phan Thiết, trước đó có tên chùa Bồ Đề. Chùa tọa lạc ở một con hẻm đường Võ Thị Sáu, thuộc hệ phái Bắc tông thiền Lâm Tế, được dựng vào thời Hậu Lê, đã trải qua 18 đời truyền thừa.
Chùa đang lưu giữ bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ đầy đủ và xưa nhất, phát hiện dưới hầm kín trong một lần dọn dẹp chùa vào năm 1987, được xem là quốc bảo Phật Giáo Việt Nam, làm từ thời vua Lê Thuần Tông, được 3 vị thiền sư và 12 đệ tử khắc tay  ròng rả suốt 28 năm, từ năm 1704 đến năm 1732. Đây là bộ kinh khắc gỗ gồm 110 tấm khắc 60.000 chữ Hán khắc ngược cả hai mặt, nội dung tóm tắc trong 9 chữ  “Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”, 8 tấm khắc tranh về cuộc đời Đức Phật. Mỗi tấm dày 4cm, dài 80cm, rộng 35cm bằng gỗ thị đỏ. Được biết, bộ kinh tại chùa Phật Quang là một trong ba bộ kinh Pháp Hoa cổ nhất trên thế giới. Hai bộ khác ở Trung Quốc được khắc trên đá và  đồng hiện đã bị phong hóa, mục nát, thất thoát nên nội dung chỉ còn được khoảng 20-30%. Riêng bộ kinh Pháp Hoa trên gỗ thị đỏ tại chùa Phật Quang vẫn nguyên vẹn gần như 100%. Hơn 300 năm tuổi đời, từng tấm gỗ khắc kinh vẫn vuông vức, sắc cạnh. Màu gỗ đỏ chuyển sang nâu đen bóng, từng nét chữ, nét vẽ đều tinh xảo. Chưa giải mã được tại sao khắc chữ ngược và ai đem dấu dưới hầm bí mật.
Ngôi chùa thứ hai giới thiệu mấy Bạn là chùa Phật học, nay là chùa Phật Ấn, nằm ngay trung tâm Phan Thiết, kỹ niệm một thời gia đình Phật tử (1950) của nhiều Thày như thày Q., thày G., thày D., mấy bạn như R, V, T… Mấy chục năm nay, hễ giao thừa là tôi vào chùa trước lạy Phật, sau hái trộm lộc. Đêm 30 tối trời, nhà chùa luôn từ bi hỉ xả.
Chùa được vận động quyên góp xây dựng vào năm 1940, nhờ công lao cụ Đoàn Tá, một công chức tại Tòa Công sứ tỉnh Bình Thuận thời Pháp đồng thời cũng là nhà thơ Phú Khê. Năm 1938, cụ Đoàn Tá cùng các cư sĩ khác đứng ra thành lập Hội An Nam Phật Học Bình Thuận. Đây được xem là tổ chức tôn giáo đầu tiên của tỉnh Bình Thuận. Năm 1954, nhằm tạo điều kiện cho con em các gia đình phật tử và các gia đình nghèo ở Phan Thiết có chỗ học tập, cụ Đoàn Tá đứng ra vận động các thân hào nhân sĩ, phật tử xây dựng Trường Bồ Đề. Ai từng ăn bột dinh dưỡng Bích Chi nổi tiếng một thời tại Sài Gòn, nhớ lại bà chủ Bích Hoàn, là người con gái út của cụ Đoàn Tá.

Nói Tết, lại nhớ chùa núi Tà Cú. Lúc nhỏ, sau Tết là đi chùa núi với Bà Nội hoặc Ba Mẹ. Đi xe lam vào chân núi, leo bộ băng rừng già lên chùa, vừa vịn đá leo dốc vừa khấn Nam Mô A Di Đà Phật để không mỏi chân, vui quá lên đến chùa lúc nào không biết. Không khí mát lạnh trong lành, chim kêu khỉ hú, chùm hoa rừng bằng lăng tím nở, kê miệng húp ngụm nước suối trong vắt, có khi chốn bồng lai tiên cảnh cũng không được như thế này. Xuống hang, thắp nhang cho Tổ, nghe ai đó kể chuyện hang này sâu lắm, đốt hết dầu đèn măng xông vẫn còn hang, khi xưa Tổ đi từ biển vào, chắc hang thông ra tới biển.
Chùa do Tổ Hữu Đức khai sơn vào hậu bán thế kỷ XIX, khoảng năm 1879. Tổ người huyện Sông Cầu, Phú Yên, sinh năm 1812 trong một gia đình quý tộc, năm 17 tuổi cha mẹ đều qua đời, rời quê hương, dong thuyền vào Nam tầm sư học đạo. Sau khi thọ giới, tìm đến thâm sơn cùng cốc để tu hành, vượt suối băng rừng lên đỉnh núi Tà Cú ẩn tu trong một hang đá, nay gọi là hang Tổ. Tục truyền, ngài đã cảm hóa được một đệ tử bạch hổ ở rừng. Là thày thuốc giỏi, năm Tự Đức thứ 33, ngài đã kê toa thuốc gửi sứ mang về triều chữa lành bệnh cho Hoàng Thái hậu Từ Dũ, nên vua ban cho bốn chữ Linh Sơn Trường Thọ để tạ ơn. Ngôi chùa từ đó được mang tên chùa Linh Sơn Trường Thọ. Ngài viên tịch vào năm Đinh Hợi (1887), thọ 76 tuổi, tháp được xây cạnh chùa, gần tháp có ngôi mộ nhỏ của trò bạch hổ. Theo tâm nguyện Thày, năm 1890, đệ tử là ngài Tâm Hiền Viên Huệ (1846 – 1924) khai sơn chùa Linh Sơn Long Đoàn hay gọi là chùa Hố Dầu, cạnh chùa Linh Sơn Trường Thọ. Năm 1943, Hòa Thượng Quảng Thành Thiện Thắng làm con đường mới từ cây số Km 28 (quốc lộ 1A - Huyện Hàm Thuận Nam) đi thẳng lên Chùa Núi. Trước kia, chỉ đi được con đường từ Phong Điền (Hàm Tân) để lên Chùa do Tổ Hữu Đức khai mở khi từ Bàu Trâm Ngài lần đầu tìm đường lên núi ẩn tu. Mặt tiền chùa núi trông thẳng ra biển Hàm Tân, xa xa có Hòn Bà thấp thoáng ẩn hiện những ngày trời quang mây tạnh, trên sơn dưới hải.
Trong đợt trùng tu chùa Linh Sơn Trường Thọ vào năm 1963, nhà chùa làm phía sau ngôi chánh điện một pho tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 49 m, cao 11m, do kiến trúc sư Trương Đình Ý thực hiện từ năm 1963 đến năm 1966 (ông bạn già này là “lính” của PS khi làm ở Viện Quy hoạch TP, đã định cư  ở Mỹ). Pho tượng này đã được xác lập kỷ lục là pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài nhất Việt Nam và dài đúng 49m, con số rất đẹp, có ý nghĩa. Đố mấy Bạn ?


Năm 2002, khu du lịch Tà Cú được thành lập đã xây dựng hệ thống cáp treo hiện đại đưa du khách lên chùa. Cáp treo do hãng Doppelmay Cộng hòa Áo lắp đặt, trang bị 35 cabin đóng mở tự động, sức chở đến 1000 khách/giờ, đường cáp dài 1.600m, lơ lửng ở độ cao  500m, đi hết trong  8 phút.

Nói chùa Tăng mà quên kể về chùa Ni là một thiếu sót lớn, vì Phan Thiết có các Ni Bà cống hiến rất lớn trong sự nghiệp chấn hưng, đào tạo và hoằng hóa Phật giáo như các Ni Bà Thích Nữ Huyền Tông và Thích Nữ Huyền Học. Sự nghiệp của Ni Trưởng Huyền Học chẳng những có ảnh hưởng ở địa phương mà còn ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Nam Bộ, riêng Sài Gòn thì Sư Bà khai sơn chùa Vĩnh Phước Tân Thới Nhất Q12 (1975). Phan Thiết, thì phải nhắc đến Bình Quang Ni tự.
Chùa Bình Quang xưa kia là một ngôi Chùa làng, do các hương chức cùng người dân sáng lập vào năm Thành Thái thứ 11 (1900) để thờ Phật. Chùa tọa lạc tại đường Cao Thắng Phường Bình Hưng. Khoảng 1937, Ni Trưởng Diệu Tịnh từ miền Nam đi hoằng hóa ra miền Trung ghé lại Bình Thuận để khai đàn giảng pháp, cảm ân đức và mến phục Ni Trưởng nên dân làng cung thỉnh Ni Trưởng Diệu Tịnh trụ trì và cúng luôn ngôi Chùa này cho Ni Trưởng. Từ đó Chùa Bình Quang trở thành Tổ đình của Ni giới Bình Thuận. Ni Trưởng Diệu Tịnh ở Bình Quang hoằng hóa một thời gian, sau đó tiếp tục đi hoằng hóa các Tỉnh miền Trung, vào hoàng cung thuyết pháp được Vua Bảo Đại phong Sắc Tứ Chùa Bình Quang. Năm 1942 Ni Trưởng Diệu Tịnh giao lại cho Đệ tử là Ni Trưởng Huyền Tông trụ trì.
Sư Bà Huyền Tông là con gái bà Hàm hộ Cửu Mười nước mắm Hồng Xuyên, cũng là vai Bà của tôi, TS, DVS và khá nhiều ái hữu học sinh PBC. Ba tôi lúc còn sống nói lại, Sư Bà thuở nhỏ đã có nhân duyên với nhà Phật, con gái nhà giàu đang đi học bỏ trốn vào Sài Gòn xin quy y với Sư bà Diệu Tịnh. Gia đình biết được, vào chùa xin cho Bà về, Bà không ra gặp mẹ, lén nhìn mẹ khóc qua ô cửa và bật khóc, nhưng cố tĩnh tâm bấm tràng niệm Phật. Sau này khi Ni trưởng Diệu Tịnh ra Phan Thiết, thấy tình cảnh khó xử, đưa Sư Bà về lại chùa Bình Quang, nhưng khuyên với gia đình không nên lôi kéo Bà trở lại đời thường. Chùa Bình Quang từ đó có sự góp công cúng dường lớn của gia đình Bà Hồng Xuyên. Những năm trước 75, Sư Bà mở ra trường mẫu giáo Kiều Đàm nằm góc đường Trần Hưng Đạo Ngô Sỹ Liên.

Những ngôi chùa Phật tại Phan Thiết nhiều lắm, phải gần 40 chùa. … Chùa Từ Quang Trinh Tường (1742), chùa Bửu Sơn Phú Hài (1800), chùa Liên Trì Đức Nghĩa (1810), chùa Hưng Long Lạc Đạo (1906), chùa Long Hải Đức Long (1907), chùa Thiền Lâm Đức Long (chùa Ông Rau, 1911), chùa Pháp Bảo Lạc Đạo (1930), chùa Linh Thắng Lạc Đạo (1945), chùa Vạn Thiện (1958), Tịnh Xá Ngọc Cát trên động làng thuyền (1958), chùa Phật bảy đầu rồng Đức Long (1971), chùa Linh Long Mủi Né, Liên Hoa ni tự, chùa Minh Châu Phú Thủy… Nhưng thôi, để dành cho bà Rớt cũng khóa 72 con bà cố Tám của tôi viết tiếp.

Lúc nhỏ nghịch nghợm chỉ sợ nhân quả nghiệp chướng, vô chùa thường thấy Ông Thiện Ông Ác, lại gặp cả Đức Phật Tam tạng. Lớn lên nghe thêm về vô thường, vô ngã, khổ… Trong sanh có diệt, trong diệt có sanh. Hợp rồi tan, tan rồi hợp. Sự thay đổi triền miên khó đoán. Tất cả đều là vô thường, đều do nhân duyên và bởi cái tôi lại sinh ra khổ. Phật pháp vô thường, tôi lại khăng khăng cái tôi, thành ra khổ suốt đời, khổ nhất là chưa ngộ Phật pháp. Chỉ ngộ một điều, …suis l’amour, l’amour fuit mà fuis l’amour, l’amour suit.


Khi người ta có được niềm vui, có được khoảnh khắc bình yên, có được nụ cười một mình, chính đó là lúc đang đến với Phật. Trong trạng thái nầy, đàn ông sẽ khỏe, đàn bà sẽ đẹp, tất cả sẽ thông minh hơn, và chắc sống lâu hơn. Khuyên mấy Bạn 72 nhớ ăn chay niệm Phật, ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, nhân hậu vị tha, nghe nhiều nói ít, bớt lên facebook, con trai bớt nhìn chằm chằm con gái, con gái bớt nhìn lén con trai… Sorry, lộn rồi, cái này phải nói với vợ con mình đúng hơn. Lại bệnh quên đầu quên đuôi giống GH.

Phạm Sanh,  P3/B2 72PBC









   
    


 
- 5g sáng 8-7 Giáp Ngọ (3-8-2014), NT.Thích nữ Huyền Tông đã viên tịch tại tổ đình Bình Quang Ni tự (số 02 Cao Thắng, P.Bình Hưng, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), trụ thế 96 năm, Hạ lạp 76 năm.

No comments:

Post a Comment