Nhỏ, có lần tắm biển Thương Chánh, gặp một Ông nược (cá heo) lỵ, tự nhiên thấy buồn. Ông nược thường xuất hiện từng đàn vào mùa gió nồm, những buổi sáng mai, biển êm như mặt hồ Vĩnh Thủy, tung tăng rẽ nước đuổi cá nhỏ vào lưới cước lưới rùng mỗi khi được các ngư dân vổ tay reo hò. Giống y sau này, khi tôi thăm khu giải trí Monaco ở Pháp, cá heo như nghe được và hiểu tiếng người. Có lẽ không loài cá nào thông minh như cá voi và cũng không ai quý cá voi bằng dân biển miền Trung và Nam bộ, gọi cá voi bằng Ông, tôn là Thần, khi chết được chôn cất thờ phụng cúng giỗ hàng năm đúng lễ nghĩa đàng hoàng. Dân gian có câu “Tại Nam vi thần, tại Bắc vi ngư”.
Cá Voi (Balaenus) là loài động vật máu nóng có vú lớn nhất hiện nay, thọ rất cao có thể sống trên 200 tuổi. Bề ngoài giống cá, nhưng thở bằng phổi, nuôi con bằng sữa. Tổ tiên cá voi là động vật ăn thịt, sống trên cạn 60-70 triệu năm về trước, sau có lẽ thích nước xuống nước. Lỗ mũi có van, phổi co giản được, vì vậy có thể lặn lâu dưới nước hàng giờ. Thân dài trên 30 mét tùy loại, có con nặng đến 150 tấn. Thịt cá voi có giá trị dinh dưỡng cao. Vì vậy, mặc dù bị nhiều nước trên thế giới phản đối, cá voi đang là đối tượng bị săn lùng ráo riết ở một số nước văn minh phát triển như Nhật Bản, Na Uy, Đan Mạch. Cá voi chết thường do bệnh già, môi trường ô nhiễm, sóng bão đánh giạt vào bờ mắc cạn, cũng có khi trúng phải chân vịt tàu thuyền.
Cá voi bơi rất nhanh, thường di cư đều đặn vào các mùa. Mùa đông sinh sản, mùa hè tìm kiếm thức ăn, tích lũy mỡ. Ở vùng biển Việt Nam thỉnh thoảng vẫn gặp cá voi xanh lớn. Món ăn khoái khẩu của cá voi là cá mòi và ruốc. Cá mòi và ruốc thường đi thành đàn, nhiều ở vùng cửa sông hay các vịnh nước nông ven bờ như vịnh Phan Thiết. Khi gặp biển động, để tránh sóng lớn, cá voi tìm vật trôi nổi trên biển nép vào, dựa vật ấy cùng bơi vào bờ tránh sóng gíó. Nhiều khi không gió bão, nhưng cá voi thích cọ lưng vào ghe thuyền để “trị” loài cá ép cứ bám chặt vào da. Đây có lẽ là lý do giải thích được phần nào chuyện "cứu người" và "lụy" (lỵ, chết) của Ông.
Tục thờ Ông (cá voi, phân biệt với Ông Quan Công ở các chùa Ông chùa Bà người Hoa) có ở nhiều địa phương từ Thanh Hóa đến Hà Tiên, trong đó có Bình Thuận. Riêng Phan Thiết, các phường có người dân sống bằng nghề biển đều có lập các dinh vạn thờ Ông như vạn Thủy Tú (Đức Thắng), vạn Khánh Long (Đức Long)… Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tục lệ thờ Ông có từ người Chăm ở Ninh Thuận-Bình Thuận, quá trình di cư cộng cư giao thoa văn hóa Chăm- Việt- Hoa, bản địa hóa thành tín ngưỡng của người Việt, lan tỏa ra Bắc Trung bộ, Nam bộ, thậm chí Bắc bộ. Đến đời vua Gia Long và các vua triều Nguyễn sau này, cá Ông lại được phong thần từ câu chuyện cứu vua quan tùy tùng nhà Nguyễn rất nhiều lần trong cái thửa ban đầu bôn ba gian khổ bởi thủy quân nhà Tây Sơn.
Người Chăm thờ cá Ông thông qua hình tượng thần biển cả Pô Riyak, người Việt thờ cá Ông thông qua thần Nam Hải Đại vương, do Phật Bà Quan âm Bồ Tát xé chiếc áo cà sa của mình, vứt xuống biển hóa thành cá Ông để cứu độ sinh linh. Các vị Thần này đều trung thành, thương dân nghèo và xuất hiện cứu giúp người khi gặp hoạn nạn trên biển. Ai có đi biển, gặp sóng to gió dữ, mới thấy ý nghĩa của 12 câu “thần chú” khấn nguyện nhờ Ông giúp đở cho tai qua nạn khỏi.
Vạn Thủy Tú, nằm trên đường Ngư Ông Đức Thắng, con đường “tre dài gió mát”, được xem là vạn thờ cá Ông cổ xưa nhất được ngư dân làng Thủy Tú xây dựng vào năm Nhâm Ngọ 1762. Bên trong vạn có nhiều di sản văn hóa Hán Nôm liên quan đến nghề biển, thể hiện trong nội dung thờ phụng ở các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, liễn đối, trên văn khắc của chiếc chuông đồng đại hồng chung (1780). Vạn làng Thủy Tú cũng là một trong những di tích cổ có số lượng lớn sắc phong của các vị Vua triều Nguyễn ban tặng, có tất cả 24 sắc phong của các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định (riêng Vua Thiệu Trị ban tặng 10 sắc Thần, hiếm thấy so với các di tích khác).
Trong khuôn viên vạn Thủy Tú có một khu nghĩa trang “Ngọc Lân thánh địa” dùng để mai táng cá Ông mỗi khi ông "lụy" dạt từ biển vào. Người dân biển kể, đưa Ông vào có các Tướng theo hầu, gồm cặp cá mực, cặp cá đao và cặp tôm, bảo vệ ngăn các loài cá dữ xúc phạm thân thể Ngài. Đưa lên bờ, trước khi tẩm bằng rượu liệm bằng vải đỏ, phải tắm Ông sạch sẽ. Ba năm sau khi mai táng mới được thượng cốt, nhập tẩm. Theo phong tục, ngư dân nào trông thấy Ông đầu tiên sẽ được làm "con" của "Ngài", chịu tang ba năm... Vạn Thủy Tú từ ngày xưa đến nay đã chứa gần 100 bộ xương Ông, Bà, Cô, Cậu. Một nửa trong số đó có tuổi trên 100 năm, những bộ xương to lớn được thờ phụng tôn nghiêm. Bộ cốt cá Ông được lưu giữ tại dinh Vạn Thủy Tú, được Hải học viện Nha Trang phục chế năm 2003, dài 22m nặng 65 tấn, được đánh giá là bộ xương còn đầy đủ lớn nhất Việt Nam, nghe đâu kỹ lục cả Đông Nam Á.
Hàng năm tại Dinh đều diễn ra các kỳ tế lễ được tổ chức trang trọng vào các ngày âm lịch: Tế Xuân 20/2 , Cầu ngư 20/4 , Chính mùa 20/6 , Chèo dọc 20/7 và Mãn mùa 23/8. Trong quá trình diễn ra nghi lễ còn có các hoạt động dân gian như hát bội (nghệ thuật hát tuồng sản sinh ra cải lương, ông tổ là Cụ Đào Duy Từ), diễn bã trạo (hát hò theo nhịp trống kèn, điệu bộ chèo ghe), đua ghe...
Nói về cá Ông, có một kỹ niệm mà tôi nhớ hoài. Năm ông Nội còn sống, bà Nội có cho một số chủ ghe xóm Đạo ở Cửa cạn mượn tiền trước, để mùa cá họ đem ra bán cho Nội, Bà đem bán cho bạn chợ hoặc các Hàm Hộ làm nước mắm. Một buổi sáng khoảng 9 -10 giờ gì đó, người ta chở từ Bình Tuy ra 8 con cá Ông trên 2 chiếc xe lam giao cho bà Nội, làng xóm hết hồn vì cả 8 cá Ông đều còn sống thoi thóp, bị bắt lên bờ 6 tiếng rồi còn gì. Lật đật, ông Nội báo cho dinh vạn, huy động trai tráng đưa các Ông ra biển để thả, cúng kiến tạ lỗi linh đình. Trong 8 cá Ông, có một Ông không được khỏe, ra khỏi bờ chừng 100 mét thì không bơi xa được nữa, bảy Ông khác bèn quay lại không chịu đi, cứ xà quần. Thấy vậy, dân làng dùng ghe chèo ra, đánh trống khua chiêng om tỏi để mời mấy Ông đi, không Ông nào chịu đi hết. Sau gần tiếng đồng hồ, mấy bô lão cao tuổi nhất quyết định đưa Ông sắp lỵ vào bờ, kê ván trải chiếu lót khăn đỏ cho Ông nằm, thay nhau thắp nhang tụng niệm khấn vái. Bảy con cá Ông khỏe mạnh cứ bơi vào bơi ra không chịu đi, được một chập bỗng ré lên rồi cùng nhau bơi thẳng một lèo ra khơi mất dạng, nhìn lại cá Ông trên bờ đã chết. Có lẽ bầy cá Ông khóc bạn rồi đi nhưng tôi không đủ trình độ nghe được.
Ông Nội “vinh dự” được làm con “Ông”, cạo đầu ăn chay nằm đất như người tu hành, không được uống rượu mà còn phải ngũ xa bà Nội. Nhà đang có 2 ghe lưới rùng, ghe “tới” giao cho em ông Nội, ghe “lui” giao cho em bà Nội, vì Ông tôi không được xuống biển ăn nghề sát sinh trong thời gian chịu tang Ông. Suốt 3 năm trời dằng dặc, tôi thấy Nội bao giờ cũng buồn, chắc là nhớ biển nhớ nghề. Gặp bà con lối xóm ai cũng nói như nhau, được làm con Ông, sau này gia đình khá lắm. Tôi chỉ thấy, em Ông em Bà hợp nhưng vợ em Ông vợ em Bà lại không hợp, ban đầu hai nhóm bạn ghe không còn chạy lựa chung, sau đó cả hai chiếc ghe luôn cả lưới chài đều không còn, thất bại trầm trọng. Vài năm sau, ông Nội tôi bệnh cũng ra đi theo ghe, bỏ bà Nội ngồi nhai trầu nhóp nhép thờ thẩn một mình.
Tôi thích cá Ông không chỉ tín ngưỡng tâm linh mà còn là ký ức kỹ niệm gia đình làng xóm, tôi ghét ai ăn thịt cá voi nhưng không ghét nước Nhật, cũng như yêu quê mình chứ ai thích mấy thằng cha ham nhậu thịt cầy. Loài cá mà còn biết không chịu bỏ bạn khi thập tử nhất sinh, còn mấy ông bà nội ngoại thì sao đây, “hởi”mấy vị Bạn già 72 PBC ???.
Phạm Sanh, P3/B2 72PBC
No comments:
Post a Comment