Sunday, May 19, 2019

MỘT ĐỜI LẬN ĐẬN CHIẾN TRANH - Nguyễn Thừa Bình

 Chúng ta, ngay cả con cháu chúng ta sinh ra và lớn lên vào thời nhiễu nhương Pháp cai trị ác nghiệt, Việt Cộng gây tang thương đã phải sống trong hai hàng nước mắt một đời người bi lụy. Tôi được kể cho biết mình phải chạy giặc Pháp, Việt Minh từ khi mới một tuổi mấy tháng, và sau đó mình biết mình theo cha mẹ tản cư nay chỗ nầy, mai chỗ kia đâu cũng vùng lửa đạn. Biết nghe tiếng súng bắn nhau, thấy người giết người dã man từng ngày, tôi biết tới cái chết không khó chút nào và sự đói khổ thì không bút mực nào tả cho cùng trên đất nước tôi từng ngày. Pháp xâm lăng Việt Nam cho nước Pháp đã đành. Người Việt Nam với nhau chỉ cái học thuyết ngoại lai, không tưởng cộng sản, mà tàn sát nhau hơn hận thù máu xương truyền kiếp? Tháng năm bềnh bồng theo vận nước nổi trôi, tôi phiêu dạt từ nơi sanh quán Hương Thủy, Thừa Thiên từ chưa tới một tuổi đã phải vô Phan Thiết, vào Sài Gòn, ra Quảng Ngãi, Đà Nẳng về Nha Trang, lên Quảng Đức… Đất nước, chiến tranh chấm dứt, người thắng cuộc Việt Cộng gọi là “giải phóng” tưởng đời an cư lạc nghiệp. Ai ngờ vỡ vụn tan tành mọi hang cùng ngõ cụt đất nước, chết chóc, điêu tàn, lầm than, khốn cùng! Tôi bị bắt làm tù gọi là “học tập cải tạo” từ Biên Hòa ra Yên Bái, lên Hoàng Liên Sơn, qua Lào Cai về Vĩnh Phú, vào Thanh Hóa về Hàm Tân, Thuận Hải. Thuận Hải lúc bấy giờ Việt Cộng làm ra vật đổi sao dời gộp lại cả ba tỉnh của nước Việt Nam Cộng Hòa là Bình Tuy, Bình Thuận và Ninh Thuận. Bình Thuận có thị xã Phan Thiết của tôi, tôi sống từ tuổi sắp “thôi nôi” năm 1942 đến hồi qua Mỹ năm 1992.
 Một ngày và nhiều ngày rất xa xưa hồi nào đó, tôi được nghe ba má tôi kể cho nghe chuyện của tôi lúc bấy giờ chừng hơn một tuổi. Một lần ở Xóm Lụa thuộc Phú Long, cách thị xã Phan Thiết chừng bảy cây số, nằm về phía Bắc, cả nhà dắt dìu nhau chạy trốn Tây đi patrouille, tôi bị bỏ lại một mình khóc “gần chết” trên một cái “đòn bào” thợ mộc, vắng tanh người. Chừng hơn hai tiếng đồng sau đã xa nhiều cây số, kiểm điểm lại mấy thằng con, mới biết tôi không được mang theo, má tôi hớt hải chạy về giữa lằn đạn và toán lính Pháp đi “patrouille”. Thấy điệu bộ má tôi, mấy người lính Lê Dương Légionnaire nực cười, dễ dãi cho má tôi về bồng tôi chạy.
 Tôi đã sống với Việt Minh, Việt Cộng trong trường hợp như vậy, má tôi chắc chắn đã bị họ bắn nát thây rồi vì cho là “gián điệp”. Cũng phải công nhận, Tây vẫn còn nhân tính hơn Cộng Sản Việt Nam nhiều, nhiều lắm. Từ tản cư Xóm Lụa về, gia đình tôi trở lại căn nhà cũ nằm bên nây đường với nhà hàng Manchaud của một người Pháp cụt tay không biết tên. Khu nhà hàng Manchaud nầy, về sau được ông Lưu Bá Châm là tỉnh trưởng làm ra vườn bông Cộng Hòa. Nhà tôi lúc đó nằm ngay đằng sau tiệm vàng Thành Kim của chú Sáu Kim từ Ba Hòn về sau năm 1954 mua lại của chú Quảng Ích. Chú Quảng Ích sau đó vào Sài Gòn mở tiệm điện Thái Sanh trên đường Cộng Hòa. Không nhớ năm nào vì còn quá nhỏ, nhưng tôi nhớ rất rõ chuyện những chiếc máy bay bay từ ngoài biển hướng vào Sài Gòn trên mấy căn nhà sau nầy là các tiệm bán xe đạp Lê Chánh Ngữ, Tân Lập, đại lý nước mắm Vĩnh Hương, nhà hàng Khánh Long…Ba má tôi cũng như bà con chung quanh bảo “máy bay Đồng Minh thả bom”. Chúng tôi, mấy đứa nhỏ được người lớn la ơi ớí tìm về nhốt trong nhà, sợ trúng bom. Mới mấy tháng trước là lính Pháp say sưa la hét thì bây giờ là lính Nhật mập, lùn xí xô xí xào dạo phố.
 Chẳng bao lâu, đến sau nầy nghe kể lại, tôi còn nhớ lờ mờ những người lính Nhật tự mổ bụng ngay bên nầy, bên kia dốc cầu Quan khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng. Một hành động hara-kiri theo tinh thần võ sĩ đạo của các Samurai là những thị vệ của các lãnh chúa Nhật ngày xưa làm cho người Việt chứng kiến cũng khiếp đảm, sợ hãi. Một sáng, hồi tưởng lại, chừng như vào năm 1949 tôi theo mấy người lớn coi “Việt Minh bị Pháp bắn chết” nằm trước tiệm cơm Kim Sơm sau nầy. Trước đó, nhà cô Ba Ghết nằm ngay đầu đường Nguyễn Thái Học cũng đã bị Việt Minh quăng lựu đạn sập, vì cô Ba Gết là vợ một ông quan Hai người Pháp? Từ đó, danh từ Việt Minh đã đi vào trí óc trẻ con của tôi cùng với sự chết chóc, đổ nát, sợ hãi. Tôi không nhớ rõ năm nào, có lẽ cũng vào năm 1949, ba má tôi nghe lời đứa cháu rể theo Việt Minh đã bỏ thị thành ra vùng ngoại ô Phú Lâm, cách Phan Thiết sáu cây số về phía Nam. Ở đây, đêm thường có những du kích Việt Minh là những người địa phương về tuyên truyền, bắt người, thủ tiêu, nộp tiền. Ban ngày, thỉnh thoảng lính trên đồn Ngả Hai đi “patrouille” bắn cắc bụp làm sợ sệt người nông dân tay lấm chân bùn. Tôi có con gà con nuôi cắc ca cắc củm đẻ ra trứng đang ấp, bị mấy anh Việt Nam đi lính Tây hốt trọn ổ, giận lắm! Một lần, có anh chĩa súng vào tôi hét to “Việt Minh đâu, không nói tao bắn”. Tôi sợ són đái, ú ớ “em không biết, em không biết”. Tôi sợ là phải, vì anh Hai của tôi theo Việt Minh từ mật khu Ba Hòn về nhà xin thuốc quinine trị sốt rét và ít áo quần, đồ ăn… đang núp trong vườn khoai mì kế đó. Ảnh đang bị ho, ho dữ lắm, cũng may cái ho của ảnh cũng biết sợ Tây mà không lên tiếng, không thì cũng đi đời nhà ma, đâu còn năm 1954 về với gia đình ở Đức Long, Phan Thiết mà sống tới già. Đầu năm 1950, một ông anh chú bác lại của tôi theo Việt Minh nửa đêm len lén về nhà bị lính Pháp phục kích bắn chết mà không ai dám nhìn, dám khóc …Bác Hai của tôi như vậy trong hơn một năm trời mà đã mất đi hai thằng con trai và một thằng rể cũng vì theo Việt Minh. Nỗi đau biết chừng nào, bác giữ trong lòng.
 Tôi có ở Phú Lâm ba năm từ bảy tuổi đến mười tuổi thì về lại thành phố, nhưng ở phường Đức Long mới nghiệm ra, người lính Quốc Gia khó tiêu diệt được Việt Cộng. Điều dễ hiểu, người lính Quốc Gia đánh giặc còn cái bụng và cái đầu; người Việt Nam Cộng Sản thì cuồng si, sắt máu, không nhân bản. Rõ ràng, người nhà quê có thể bị người chính quyền Quốc Gia bắt và xử theo luật, nhưng Việt Cộng thì sẳn sàng thủ tiêu “giết lầm hơn tha lầm”. Ban đêm, lính Việt Nam Cộng Hòa đâu đủ bảo đảm an ninh cho khắp thôn cùng xã tận? Ban đêm, du kích Việt Cộng lén lút về bắt cóc, giết người, hăm dọa… biết đâu mà đỡ, không theo trước sau cũng chết! Tội nghiệp người dân ở nhà quê sống giữa hai lằn đạn thù, không thích Việt Cộng mà phải theo Việt Cộng. Năm 1952 gia đình tôi trở về Phan Thiết, nhưng không về lại dưới dốc cầu Quan mà về ở phường Đức Long, khu mả lạn gần ngả ba đồn chữ Y. Về đây khuất mặt khuất mày mấy anh du kích, gia đình tôi được yên ổn, tôi bắt đầu đi học lớp Năm. Đến một ngày vào năm 1959 bác Quế, Công An phụ trách phuờng Đức Long bị Việt Cộng bắn chết tại nhà đúng một giờ khuya. Nhà bác bên kia đường nhà tôi, cách chừng hai trăm mét. Khu Phố 1 nhà bác ở và Khu Phố 7 nhà tôi ở đều bàng hoàng, hãi hùng. Về sau, tên Nguyễn Văn Cầm ở xóm Câu về hồi chánh nói cho biết, chính y đã bắn bác Quế chết ngày đó. Không thấy “sát nhân giả tử” gì hết trơn. Cầm vẫn sống an bình với vợ, con và làm ngư dân đi biến đánh cá như mọi người ngay tại xóm Câu, Đức Long.
 Năm 1962 ở Lại An, nghe tin hai người bạn của tôi cùng học một trường Phan Bội Châu là anh em ruột một nhà bị giết chết trong vòng chưa hết một tuần lễ. Anh đi lính Quốc Gia và em thì theo Việt Cộng đều lọt vào ổ phục kích bên ta và bên nó. Cha mẹ nhìn hai con, đứa trong quan tài chưa kịp chôn, đứa mất tay chưn còn nằm đó, khóc gào như điên như cuồng nỗi đau xé ruột. Năm 1963 sau khi thi đậu Tú Tài I, thằng bạn cùng lớp, rất thân với tôi tên Nguyễn Văn Hùng ở Tân Phú Xuân, Thiện Giáo đã bỏ mẹ đơn chiếc nuôi cho khôn lớn ăn học, bỏ bồ mới quen ở Đức Long, bỏ phố Phan Thiết thường nghêu ngao “Con đường tình sử còn đây, đèn khuya mắt đỏ còn đầy dấu xưa…” vào rừng chết mất thây.
 Từ sau những năm 1962, khúc đường Rừng Lá thuộc quận Hàm Tân tỉnh Bình Tuy của Quốc Lộ 1 thường bị Việt Cộng “đắp mô”, giựt mìn, phục kích, không an ninh chút nào. Về Phan Thiết, tôi phải đi ghe từ cầu Chà Và nơi bến Lê Quang Liêm ở Chợ Lớn mất một đêm hai ngày nắng, mưa, say sóng, nhọc nhằn, nhưng an toàn hơn đi đường bộ nhiều. Năm 1965, một lần theo ghe bà Đương chở gạo Sài Gòn về Phan Thiết thì ghe bị lủng lổ ngoài khơi Vũng Tàu, nước chảy vào đáy càng lúc càng nhiều, dù tất cả người trên ghe thay nhau chuyển nước ra biển một cách cực lực đã hết sức rồi và gạo cũng đã quăng đi rất nhiều cho nhẹ ghe bớt. Trong cơn thập tử nhất sinh nhất là thập tử nhất sinh đó lại là cái chết chìm khủng khiếp ngoài biển khơi mênh mông. Chư vị thần thánh, trời đất, Phật, Chúa, ông bà…bất kể ai là đạo gì hay không có đạo gì cũng kêu cứu vang rền, ngồi đứng không yên, khóc than thảm thiết dù ác quỷ có dữ cách mấy chắc cũng phải động tâm! Tôi với ông anh lấy dây cột chung lại với nhau cùng mấy giấy tờ tùy thân để khi chết thì chết chung và may còn cơ hội người ta biết mà nhận. Chịu qua một đêm hãi hùng, trưa ngày hôm sau may có chiếc tàu của Hải Đoàn Xung Phong 28 đóng ở Thương Chánh, Phan thiết thấy mà cứu được. Nghe nói, tàu vào Vũng Tàu lảnh lương về phát cho anh em. Chiếc ghe bà Đương được kéo vào bến cảng La Gi, Bình Tuy. Một bữa ăn do bà chủ ghe đãi mấy anh em Hải quân, đãi mấy người làm công trên ghe, ngay chúng tôi vài người đi ké cũng được ăn lây cơm đãi. Tất cả sau đó, chắc chừa bà chủ ghe, tài công và vài người thợ trên ghe ra, chúng tôi theo tàu Hải quân về Phan Thiết an toàn.
 Hú hồn! Tháng 12 năm 1967, sau đúng hai tháng ra trường Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, chúng tôi nhận nhiệm sở đầu tiên tại Quảng Ngãi. Ở đây, không ngày nào không nghe những trận đánh lớn, nhỏ đâu đó giữa quân đội Quốc Gia và lính Việt Cộng mà tiếng súng, tiếng bom thường nghe trong thành phố. Một trưa mùa Hè năm 1968, Việt Cộng quăng lựu đạn tại rạp hát Kiến Thành làm chết, bị thương nhiều thường dân. Mấy chiếc xe GMC quân đội chở những người bị nạn máu me chảy ròng ròng xuống dọc đường và người thì không ai còn nguyên vẹn. Những người đứng nhìn, có một vài chị hơi lớn tuổi một chút khi nhìn thấy đoàn xe đó chạy trên đường Phan Bội Châu đến bệnh viện đã té xỉu đến nỗi phải đi cấp cứu. Tôi, lần đầu tiên trong đời mới thấy con người đầy máu me, không toàn thây sao khủng khiếp quá sức! Giữa năm 1969, tôi thuyên chuyển ra Đà Nẳng, trọ nhà ông chú ở kiệt Bảo Trác đường Trưng Nữ Vương. Khu nầy thường đêm trúng đạn pháo 122 ly của Việt Cộng và dân bị chết nhiều, chết thảm. Có gia đình bảy người chết cả, không còn ai chôn ai, khóc ai. Nhà ông chú tôi làm bánh mì, có người mới mua bánh mì đó thì cũng chết đó chưa kịp ăn. Một anh bạn Đại Đội Trưởng CSDC nói cho nghe, lính anh ta khiêng xác một người bị pháo kích mà cái đầu đã đứt lìa khỏi cổ cứ rớt xuống đất, cứ phải lượm lên mấy lần. Chiến tranh tàn nhẫn đến chừng nào! Năm 1968, được phép về Phan Thiết ăn Tết, tôi chứng kiến quê mình bị Việt Cộng vi phạm lệnh “hưu chiến” đã đánh vào thành phố lúc giao thừa. Các con phố trên đường Thủ Khoa Huân bên hông ty Cảnh Sát Tỉnh Bình Thuận, đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Trần Cao Vân ngay khu chợ Gò và đường Bà Triệu dưới dốc trường Nữ Tiểu Học Phan Thiết, sát Tiểu Khu Bình Thuận bên phường Phú Trinh; Phía trong Ngả Bảy từ rạp hát Ánh Sáng đi vào đường Khải Định, khu vực chung quanh phòng Cảnh Sát, trước gọi là Nhà Cò bên phường Đức Nghĩa … Nơi nơi khói đạn mịt trời. Chết chóc, tang thương, nước mắt với nước mắt! Anh Bảy ở Đức Long gần nhà tôi, người lính Cảnh Sát can cường đã bị bắn chết trên đường Hải Thượng Lãn Ông khi chở đồng đội đến bệnh viện đang lúc giao chiến. Ảnh chết đi để lại chị Bảy với 3 đứa con dại, đứa lớn nhất chưa tới 5 tuổi. Ra lại Quảng Ngãi chưa hơn một tuần thì anh Nguyễn Văn Truyện, trưởng Phân Chi Cảnh Sát Tư Nghĩa bị du kích Việt Cộng bắn B.40, chết tại chỗ. Phân Chi Cảnh Sát Tư Nghĩa cách xa thị xã Cẩm Thành không hơn hai cây số. Cuối năm 1971, nghe tin thằng bạn Đặng Văn Nghê, người cùng xóm, cùng làng, cùng học một trường Phan Bội Châu ở Phan Thiết mới gặp nhau đó trong trường Bộ Binh Thủ Đức đã chết cháy trong một lần “trực thăng vận” xuống Hòa Tân, Gò Công. Nó không đậu Tú Tài I phải đi Đồng Đế. Trung Sĩ hơn hai năm không sao, vào Thủ Đức học khóa 5/70 Sĩ Quan Đặc Biệt, mới ra trường tháng 10 năm 1971 chưa nóng lon Chuẩn Úy trên vai là đã chết liền. Tội nghiệp ba má nó chỉ có hai đứa con, một trai là nó và một gái là em nó, khóc ngày khóc đêm thương con tới già. Cuối năm 1971 tôi nhận chức Phụ Tá Đặc Biệt của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Quảng Đức, một tỉnh miền núi đa số là người Thượng, nghèo nàn, thưa dân, giáp ranh với tỉnh Mondulkiri của Cambodia ở phía Tây. Đầu năm 1973 một người lính Thám Sát Đặc Biệt của tôi tên K’Lar bị Việt Cộng bắn chết trong rừng, được đồng đội đem về nhà. Xác nằm đó, người vợ mang thai sắp đẻ, thân nhân và bà con lối xóm khóc than thảm thiết. Tôi cháy cả ruột gan, nước mắt cứ chảy dài, chua xót. Đầu tháng 11 rồi đầu tháng 12 năm 1973 Việt Cộng đánh Bu Bông, Bu Prang không xong, xuống đánh Kiến Đức. Lính Địa Phương Quân Ban Mê Thuột xuống, Khánh Hòa lên, lính Sư Đoàn 23, lính Biệt Động Quân tăng viện làm cư dân thành phố núi non, rừng rú không lớn hơn vòng đai chiến đấu của một tiểu đoàn phải hoảng hồn, mất vía rằng chiến tranh thảm khốc đã đâu đây rồi. Cuối tháng 4 năm 1972, Đại Tá Phan Đình Niệm tỉnh trưởng Quảng Đức được Bộ Quốc Phòng cử giữ chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh thay thế Đại Tá Lê Đức Đạt tử trận tại Tân Cảnh, Kontum. Trung Tá Cao Văn Chơn thay thế. Trung Tá Chơn làm tỉnh trưởng được chừng một tháng, dân gọi là ông Tỉnh Một Tháng. Ông Tỉnh Một Tháng đã ra lệnh cho “chính các ông đơn vị trưởng của Cảnh Sát Đặc Biệt, của Phòng 2, của Thám Sát Tỉnh vào Đạo Nghĩa xác định tọa độ xuất hiện mũi công tác B.8 của Phạm Trị”. Một chỉ thị không cần thiết, không đáng, để làm chết một ông Thiếu Tá Trưởng Phòng 2 cùng một Trung Sĩ với mấy người lính của Phòng 2 nữa. Cái chết lẽ ra là tôi với mấy người lính của tôi, nhưng tôi dừng xe lại để tiếp xúc mật báo viên, cho xe Thiếu Tá Tư qua mặt đi trước, mà trúng ổ phục kích của Việt Cộng trên dốc Quảng Chánh , Đạo Nghĩa không tới hai phút sau. Chết cũng có số là vậy. Sáng ngày 28 tháng Giêng năm 1973, Hiệp Định Paris vừa mới ký, Việt Cộng ra xã Nghi Xuân tuyên truyền. Trung Tá Nguyễn Hữu Thiên, Tỉnh Trưởng Quảng Đức chỉ thị tôi giải quyết. Tôi với Kỳ, Đội Phó Thám Sát Đặc Biệt đi hai xe với vài lính Thám Sát Đặc Biệt, Biệt Đội Cảnh Sát Đặc Biệt đến Nghi Xuân gần một tiếng đồng hồ sau. Nơi đây, lính Chi Khu Khiêm Đức có Chi Khu Phó là Đại Úy Thiện với lính Việt Cộng đang chuyện trò một cách tự nhiên. Bên Việt Cộng có vũ khí cá nhân đầy đủ, cả máy truyền tin. Nguy rồi, tôi nghĩ. Tìm cách, tôi đã “dụ” chúng về được thị xã Gia Nghĩa và chở thẳng vào F. Đặc Biệt, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Quảng Đức lập biên bản, cho ăn, không nhốt. Chúng gồm có một Đại Đội Trưởng, một Đại Đội Phó, một Truyền Tin và ba khinh binh với vũ khí 6 AK, 3 B.40, 1 K.54, 1 máy truyền tin, 10 lựu đạn nội hóa. Sợ vi phạm Hiệp Định Paris, các ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Hữu Thiên lánh mặt, ông Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia, Trung Tá Cao Khánh Sang nói “bắt về làm gì?” Tôi nghĩ, chúng nó đã vi phạm, không ngừng bắn tại chỗ “an in-place cease fire”, không ở nguyên vị trí “remain in-place” và vũ khí đầy đủ. Có gì, mình sẽ giao cho Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên “The Four-Party Joint Military Commission” hay Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát “The International Commission of Control and Supervision”. Đêm đó, không quan tâm gì đến Hiệp Định Paris mới ký chưa ráo mực, Việt Cộng đã đánh vào xã Đạo Nghĩa, và đánh toàn nước Việt Nam. Thành ra, tôi lẽ ra bị tội lại có công và được huy chương Anh Dũng Bội Tinh đầu tiên trong năm 1973 của Tiểu Khu Quảng Đức. Sau khi mất Ban Mê Thuột giữa tháng 3 năm 1975 và cuộc triệt thoái quân từ cao nguyên về, từ miền Trung vào, Việt Nam Cộng Hòa như chim vỡ tổ. Quân không đánh giặc, chính quyền không làm việc cùng chạy với dân một cách hỗn loạn. Quảng Đức tôi còn đang yên bình thịnh trị cũng rủ nhau mà chạy gọi là di tản vào trưa ngày 23 tháng 3 năm 1975. Tôi chạy riết suốt đêm qua hôm sau mặt trời mới mọc thì thấy xác chết một em bé nằm chèo queo bên đường. Lòng bối rối, nhưng phải ngậm ngùi bỏ đi. Gặp Thiếu Tá Phạm Cừ, Chỉ Huy Phó Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Quảng Đức, Trung Úy Tống Kim Lương, Chủ Sự Phòng Hành Chánh của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Quảng Đức, Thượng Sĩ Phan Văn Lựa, thuộc G. Đặc Biệt Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Quận Kiến Đức…tôi rủ “chúng ta xẻ rừng băng qua sông Đa Dưng”. Một đoạn đường dài chừng 2 cây số dốc, đồi, rừng rú, chúng tôi đi chừng một tiếng đồng hồ là tới bờ sông, định ăn lương khô lót dạ rồi vượt sông. Nhìn xa xa bên kia sông thấy bóng dáng nhiều người mặc áo quần đen đi qua đi lại, đoán là Việt Cộng, chúng tôi hối hả quây ngược trở lên con đường Liên Tỉnh Lộ 8 đã đi suốt đêm qua. Liên Tỉnh Lộ 8 do Pháp xây dựng từ năm 1914 chạy từ Quảng Đức qua Lâm Đồng xuống Phan Thiết, vì bỏ hoang nên phủ đầy cây cỏ, hố hốc, loang lổ, hư hỏng. Không ngờ, khi trở lại con đường hồi sáng đi xuống nhanh như vậy, mà khi trở lên chỉ đi được một chặng, rồi ai nấy cũng không còn sức mà đi được một bước, bò được một bò, thêm đằng trước mặt mình đi, rừng đang cháy mịt mùng!? “Thôi, cùng nhau mà lết tới đâu hay đó, có chết thì chết chung”, ai cũng nói như vậy. Phép lạ, chúng tôi cũng qua được từng tấc cỏ cháy mới vừa tắt lửa. Tới đường khoảng 3 giờ chiều, tôi thấy còn nhiều người hớt ha hớt hải đi như sợ không còn kịp. Thiếu Tá Phạm Cừ chận ông Phước, người phát lương của Quảng Đức xin nước uống. Nước đâu không thấy, thấy bùn đen như “lục tào xá” dính đầy miệng. Đi được vài bước, toán trưởng đội Thám Sát Đặc Biệt tên Nguyễn Hồng từ đâu trong bụi rậm xuất hiện, kêu nhỏ và ra dấu cho chúng tôi chạy vào chỗ anh ta đang núp và đang liên lạc truyền tin với cố vấn Mỹ. Chừng mười phút sau, một chiếc trực thăng vần vũ trên không và hạ xuống chỗ chúng tôi đang chờ. Chiều ngày hôm đó, ngày 24 tháng 4 năm 1975, chúng tôi về Bảo Lộc an toàn. Bạn bè tôi không may, phải đi nhiều ngày, phải chịu nhiều khốn đốn. Thiếu Úy Hiền, người phát lương cho Bô Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Quận Đức Lập không may bị chết trôi ở “Piste Kinda”. Chúng tôi được Đại Úy Hồ Hối đang là Đại Đội Trưởng Cảnh Sát Dã Chiến ở đây dắt về nhà ăn ở để chờ chạy tiếp. Bảo Lộc, thị xã của tỉnh Lâm Đồng nhỏ, thưa dân, không giàu có gì, người ta cũng chộn rộn tìm đường mà giong, hoặc qua Đà Lạt, hoặc về Nha Trang, hay xuống Phan Thiết…dù tứ bề tìm không ra bóng dáng một mén du kích Việt Cộng nào. Ngày 28 tháng 3 năm 1975, Đại úy Hồ Hối tìm cho chúng tôi một chỗ ngồi trên chiếc C-7 Caribou về Nha Trang. Nha Trang lúc bấy giờ đủ hạng người và đông vô kể. Họ chạy ngược chạy xuôi tìm đường bộ, đường hàng không, đường biển về Cam Ranh, về Vũng Tàu, về Sài Gòn…hỗn độn không thể tưởng. Ngày 2 tháng 4 năm 1975, tôi theo đoàn di tản của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Khu 2 từ 1 giờ trưa đến hơn 10 giờ đêm mới tới được Cầu Đá Nha Trang, dù đường ngắn khoảng 5 cây số. Xe đủ loại, người đủ hạng hằng ngàn, hằng ngàn kín mít đường Duy Tân tới cầu Đá sát bên Hải Học Viện. Lúc bấy giờ dù xe có cán chết ai đi nữa, người có nằm chết, bị thương đâu đó đi nữa, cũng bị người ta dẫm đạp mà lo “tẩu vi thượng sách”. Nơi Cầu Đá, người đông không làm sao đông hơn được nữa đang từ từ di chuyển theo dòng người cuốn đi. Ngoài kia không xa, con tàu hải quân neo đó chờ người nhảy lên. Không thể cưỡng lại và bị cuốn theo khối người đông hơn kiến, tôi cũng như người ta phải đạp lên những túi nylon bọc xác người chết từ xà lan Đà Nẳng chở vào bỏ đó đã mấy hôm mà Ty Vệ Sinh Nha Trang chưa chôn và cũng chẳng có ai chôn vào những ngày nầy. Nương theo dòng người đẩy đưa, đến mép cầu tôi lập tức nhảy thật mau, thật mạnh mới bám được lưới bên hông tàu, nếu không thì tõm xuống biển phía dưới như biết bao người đã phải chịu số phận thảm thương. Nỗi đau ám ảnh cả một đời người là cảnh một người cha quăng con lên tàu, con rớt xuống biển, người cha cũng nhảy xuống biển chết theo. Chiếc tàu đậu một đầu gần, một đầu xa Cầu Đá. Tôi may ở phía gần tàu mà nhảy lên được. Xa đằng kia, người ta gần như bị rơi xuống biển gần hết, nếu có biết bơi đi nữa cũng khó vẫy vùng, vì người với người bám víu nhau. Chừng 1 giờ khuya, tàu rời bến. Khoảng 3 giờ đêm, nhiều lần nghe tiếng la thất thanh “cứu tôi, cứu tôi”, nghe nói từ một người xách cái Samsonite. Có người vô cớ xúi dại “có chất nổ, quăng nó xuống biển”. Và, ông ta đã bị quăng xuống biển thiệt. Một oan hồn tức tưởi chết đi cho những người hồ đồ còn sống. Chừng 3 giờ chiều ngày 5 tháng 4 năm 1975 về tới Cát Lái, đến nhà bà già vợ ở Tân Định khoảng 6 giờ chiều cùng ngày. Tôi mừng biết chừng nào gặp lại ba đứa con, đứa lớn nhất mới bốn tuổi. Vợ tôi, đã ra Vũng Tàu tìm tôi từ sáng sớm chưa về. Sau khi trình diện, tôi được Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia đưa về Quận Nhất và được ông Trưởng F. Đặc Biệt Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Quận Nhất cho tăng cường toán an ninh phường Trần Quang Khải với ông Thiệt, trưởng F. Đặc Biệt Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thị Xã Cam Ranh cũng chạy “di tản” vào đây như tôi. Hằng ngày thấy cảnh bà con sắp hàng, nhốn nháo trước tòa Đại Sứ Hoa Kỳ để tìm đường chạy khỏi Việt Nam, tôi nghĩ “đâu đến nỗi nào phải làm như vậy”. Rồi mới thấy họ làm như vậy là đúng, vì mấy ngày sau, ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng thống mới thay thế Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống Trần Văn Hương là Đại Tướng Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng Việt Cộng. Ở đâu tôi không biết, chứ ở vùng trời Đa Kao, Tân Định lúc bấy giờ đang âm u, có những hạt mưa lất phất rơi, rơi như những giọt nước mắt đau buồn của người miền Nam Việt Nam khóc cho vận nước suy vi, tan vỡ! Sáng ngày 26 tháng 6 năm 1975 tôi đi “trình diện học tập cải tạo” tại trường Trung Học Pétrus Ký. Ở đây chừng một tuần lễ, một đêm khuya, chúng chở chúng tôi trong những chếc GMC, Molotova bịt bùng đến trại giam Tân Hiệp Biên Hòa. Ở đây, một chiều tối nửa tháng sau, mấy tay sai Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam “lùa” chúng tôi băng đường làng qua trại An Dưỡng Biên Hòa. Nơi đây gặp lại bạn bè đông lắm, ngày nào còn “Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng. Nhất trạo giang sơn tận địa duy”, bây giờ nhìn nhau cười trừ, ngâm câu thơ Thế Lữ “Than ôi! Thời oanh kiệt nay còn đâu”. Thời gian không lâu, ai ai cũng thấm thía lời nói xưa“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” vi đắng đời lao lý. Như chừng 29 hay 30 tháng 8 năm 1975, một tiếng nổ lựu đạn sát “láng 27” của tôi làm chết anh nhạc sĩ Minh Kỳ tức Vĩnh Mỹ và người bạn cùng quê Phan Thiết của tôi tên Ung Văn Giàu bị thương chưn thành phế nhân. Tôi tính ra đời mình đã biết bao nhiêu lần “thập tử nhất sinh”. Một lần má tôi tự đẻ tôi ra ngoài vườn sau nhà ở Phú Bài, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên cắt rún bằng miếng mẻ chai cũ trong gốc chuối và băng rún bằng tấm vải rách không được sạch sẻ chút nào tưởng chết như không. Một lần ở Phan Thiết năm tôi lên 5 tuổi bị bệnh sởi, sáu, bảy đứa nhỏ quanh xóm cũng bị bệnh sởi chết hết trơn, mình tôi còn sống. Một lần chạy giặc Tây bị bỏ lại ở Xóm Lụa, quận Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận, Tây để má tôi về bồng tôi chạy đi không bắn. Một lần đi ghe từ Chợ Lớn về Phan Thiết nhờ tàu hải quân cứu thoát, không thì chết chìm đời nào ngoài khơi Vũng Tàu. Một lần thoát chết vì phục kích của Việt Cộng ở xã Đạo Nghĩa, quận Kiến Đức, tỉnh Quảng Đức theo lệnh ông Tỉnh Trưởng Trần Văn Chơn “đi xác định tọa độ Việt Cộng xuất hiện”. Một lần trong trại tù “học tập cải tạo” ở Biên Hòa chạy gấp về “láng 27” họp bàn kế hoạch cho ngày 2 tháng 9 chỉ trước một phút vụ nổ lựu đạn vừa kể ở trên. Mấy lần ngợp thở, đứt hơi vì bệnh suyễn phải đi cấp cứu ở trạm xá trại tù “học tập cải tạo” K. 5 và K.1 Tân Lập, Vĩnh Phú ngoài Bắc. Mấy lần ở trại tù “học tập cải tạo” Thanh Lâm, tỉnh Thanh Hóa và K.2 trại Z.30C Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải cũng bệnh suyễn làm nghẹt thở tưởng chôn xác trong tù như hằng ngàn, hằng ngàn bạn bè mình rải thây ma khắp rừng sâu, núi thẩm Bắc, Trung, Nam. Thân tù “học tập cải tạo”, tôi bềnh bồng nỗi chết không rời từng ngày từ trại An Dưỡng tỉnh Biên Hòa ra Liên Trại 1 tỉnh Yên Bái, lên Văn Bàn tỉnh Hoàng Liên Sơn, qua trại Trung Ương Số 1 Lào Cai Tỉnh Lào Cai, về Tân Lập tỉnh Vĩnh Phú, vô Thanh Phong, Thanh Lâm tỉnh Thanh Hóa, vào Z.30C Hàm Tân tỉnh Thuận Hải ròng rã chín năm tròn mới cầm được tờ “giấy ra trại”. Từ đó, tôi mới nghiệm ra một điều, con người sự sống chết ắt đã có số mệnh an bài? Tù ra, xã hội miền Nam tôi thấy bị người ngoài Bắc đói khát vào ăn cướp bằng mọi thủ đoạn làm cho bần cùng cũng như bị những tay “đốt đuốc soi rừng” ngu dốt, khát máu cai trị một cách bất nhân, vô đạo “trời không dung, đất không tha, người người đều oán giận”. Người ta bỏ nước ra đi, đi hết, đi đến nỗi “cột đèn đi được cũng đi”, dù ra đi một sống chín chết. Thành phần “ngụy”, “chế độ cũ” không còn con đường sống là cái chắc, chưa nói sự bức tử là thưòng xuyên. Đất nước tôi đó, tan hoang!
 Bây giờ cũng đã qua cuộc chiến Pháp- Việt chấm dứt năm 1954; Mỹ cũng đã rút ra khỏi Việt Nam từ năm 1973, và người ngoại quốc họ nghĩ “chiến tranh ý thức hệ” Việt Nam không còn nữa sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nếu như vậy, tôi nghĩ chỉ là nói theo sự thể nó xẩy ra trước mắt, chứ không nói theo đầu óc vẫn còn vướng bận của những người trong cuộc như chúng tôi. Nói cuộc chiến những người Việt Quốc Gia Miền Nam Việt Nam chống quân Cộng Sản Miền Bắc Việt Nam là một cuộc chiến ý thức hệ là một sự sai lầm thiếu suy nghĩ. Đơn giản, miền Nam chống quân miền Bắc là để bảo vệ sự toàn vẹn và yên bình cho lảnh thổ của mình phía Nam. Miền Bắc sắt máu lùa dân vào cuộc chiến nhất quyết đánh thắng miền Nam Việt Nam cho được chẳng qua chỉ là tay sai làm công cụ “cõng rắn cắn gà nhà” cho Tàu, cho Nga mà thôi. “Ý thức hệ” gì!? Còn nói cuộc chiến của những người miền Nam Việt Nam chống quân xâm lược miền Bắc Việt Nam đã chấm dứt từ khi Sài Gòn thất thủ thì thật đơn giản quá sức. Ai cũng thấy, cái cặn bã chiến tranh là bọn Việt Cộng, kẻ thù của dân miền Nam Việt Nam, ngay cả miền Bắc Việt Nam vẫn còn đó thì cuộc chiến chống Cộng làm sao nói là hết? Tôi qua Mỹ còn một tháng nữa là đúng 23 năm, lòng vẫn còn chiến tranh với Việt Cộng như thuở nào cũng vì đồng bào tôi trong nước ngày nay vẫn cùng khổ, chưa thấy thế nào là “an cư lạc nghiệp” mà đất nước lại còn bị cắt xén cho đàn anh Ba Tàu… Ai cam tâm làm ngơ!? Có điều “lực bất tòng tâm”, muốn không phải là được. Tin tưởng hồn thiêng sông núi, chắc chắn một ngày không còn xa, đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ bị dẫm nát và chôn vùi như Liên Bang Xô Viết và các nước Cộng Sản Đông Âu từ những năm 1989 đến 1991 như “những thiên ký quái nhất của lịch sử loài người”./.
NGUYỄN THỪA BÌNH

No comments:

Post a Comment