Năm 1963, tiếng hát Hoàng Oanh leo lên đỉnh cao của giới ca nhạc. Cô vô dĩa xối xả, chẳng những cô ca hát mà còn ngâm thơ. Cô có hát Đại nhạc hội vài lần, nhưng vì bận việc học hành nên cô bỏ cuộc.
Cô có tư cách nhất trong giới ca sĩ. Và cô có học lực cao: cử nhân văn chương ban Sử Địa. Đáng tiếc thay, cô không có ai hướng dẫn về phương diện trí thức. Cô hát bừa bãi những nhạc phẫm thương mãi, cô không luyện giọng theo phương pháp chân truyền.
Cô lại không giao thiệp với các nghệ sĩ ưu tú, trái hẵn với Kiều Chinh và Quỳnh Giao.
Nhưng mà tiếng hát Hoàng Oanh thật gợi cảm, thật ngọt, thật truyền cảm ở phần luyến láy. Cô tạo lối ngâm thơ riêng biệt, không giống lối ngâm thơ của ai khác, cực kỳ huê dạng, xứng đáng ở hàng đầu về tinh thần sáng tạo.
Tiếng hát Hoàng Oanh sáng rỡ như nắng mai, như ánh trăng rằm. Khi còn nhỏ, cô đã có một âm sắc thật quyến rũ như một thứ trái cây chín mùi và thơm sực nức. Đó là lúc thể chất cô đã tới thời kỳ dậy thì, nhưng nó chưa biến cô thành một thiếu nữ đâu.
Chiếc áo đầm vẫn còn giữ cho cô một dáng dấp cô gái vừa mới lớn. Nhưng tiếng hát của cô thì khác, nó gợi cho thính giả liên tưởng đến người hát phải là một thứ femme-enfant cực kỳ hấp dẫn, thật nồng mặn ý tình.
Hoàng Oanh dàn trải làn hơi không khéo lắm.
Ở chổ ngang ngang, cô hát dũng mãnh, sang sảng như chuông vàn, khánh ngọc, linh báu. Tiếng hát dầy cộm hẵn ra, long lanh ánh nước, sáng lóa mặt gương để đưa vào thính giác thính giả một âm vang đẹp tuyệt vời. Bởi cô dồn hơi và sinh lực ở chổ không lên cao không xuống thấp như thế, đến khi cô lên cao và xuống thấp, cô không đủ hơi để trang trải cho nên tiếng hát mỏng như tơ nhện, như vệt sương trên cỏ.
Lại nữa cô không tập chuyển giọng, từ chổ ngang ngang khi vút lên cao, cô xử dụng giọng mái một cách cẩu thả nên thính giả nhận ra ngay chổ chuyển giọng.
Cô không biết liệu cơm gắp mắm khi chuyển giọng, tức là phải chuyển giọng khi tiếng hát còn ở trong âm vực của nó. Đằng này, cô đợi tiếng hát lọt ra ngoài âm vực mới chuyển giọng, tức là đợi tới nước ngập chân mới nhảy thì chổ chuyển lòi ra, rõ mồn một.
Thái Thanh và Mai Hương chuyển giọng mái rất khéo, đố ai bắt gặp họ chuyển ở chổ nào. Lại nữa, Mai Hương điêu luyện hơn Thái Thanh ở chổ khi chuyển giọng thì giọng mái của cô thật ngọt. Trong khi đó, dù Thái Thanh có chuyển giọng mà thính giả không thể bắt gặp quả tang, tuy nhiên giọng mái của cô chua the thé.
Hoàng Oanh hát nhiều bài nịnh lính và những bài nhạc thương mãi không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng cô vẫn hát những bài có giá trị nghệ thuật đáng đồng tiền bát gạo như "Tan Tác" của Tu My, "Chinh Phụ Hoài Khúc" của Lê Xuân Ái, "Tình Sầu Biên Giới" và "Những Ngày Thơ Mộng" của Hoàng Thi Thơ,"Trăng Mờ Bên Suối" của Lê Mộng Nguyên, "Khối Tình Trương Chi" của Phạm Duy.
Nhưng ba bản mà cô trổ được tuyệt chiêu là "Ai Ra Xứ Huê" của Duy Khánh, "Biển Tình" của Lam Phương và "Hai Vì Sao Lạc" của Anh Việt Thu.
Ở bản "Ai Ra Xứ Huế", cô hò khá.....Huế, vô cùng truyền cảm, có thể gợi nên tiếng hò cô lái ở Kim Luông. Ở bài "Biển Tình", cô láy rất mềm mại, rất óng ả gợi nên hình ảnh những đợt sóng âu yếm hôn bờ cát vàng.
Ở bài "Hai Vì Sao Lạc", tiếng hát của cô rất là khuê các; ở chổ trầm và ở chổ cao, tuy tiếng cô hơi mỏng nhưng thật ngọt.
No comments:
Post a Comment